Con đường đồng nghị: Vatican thận trọng trước một Giáo hội Đức giàu có

263
Con đường đồng nghị: Vatican thận trọng trước một Giáo hội Đức giàu có
 
Tại Rôma, cách tiếp cận đồng nghị của các giám mục Đức đã gây chỉ trích mạnh mẽ, nhưng Rôma thận trọng vì sức nặng tài chánh của Giáo hội Đức.
 
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-03-08
 
Thông qua thuế Giáo hội, năm 2021 Giáo hội công giáo Đức thâu được 6,7 tỷ âu kim, cho đến nay, các giám mục Đức đứng đầu các giáo phận giàu nhất của hành tinh. Tổng giám mục Georg Bätzing, giáo phận Limburg, trước Phiên họp toàn thể mùa xuân của Hội đồng Giám mục Đức, ngày 27 tháng 2 năm 2023. Robert Michael/dpa/picture-alliance
 
 
Thông tin được cho biết ở một trong những phòng khách nhỏ nằm đây đó trong các thánh bộ ở Rôma. Hôm đó, cuộc thảo luận với một hồng y tập trung vào một trong những quan tâm chính ở Vatican: số phận của Giáo hội ở Đức. Người đối thoại với chúng tôi cho biết, những người Đức và con đường đồng nghị của họ “hơi lệch lạc”, năm 2019, Giáo hội Đức đã tổ chức Con đường đồng nghị để đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng. Vị giám chức này giải thích: “Nếu nước Đức bắt đầu thúc đẩy một số thứ, với tất cả số tiền họ có, thì đó sẽ là một vấn đề. Họ vừa có tiền, vừa có ưu thế thần học tự cho là rất cao của họ.”
 
 
10 triệu âu kim mỗi năm
 
Vì với 6,7 tỷ âu kim, Giáo hội công giáo Đức thâu năm 2021 thông qua thuế Giáo hội thì các giám mục của đất nước này đứng đầu các giáo phận giàu nhất hành tinh cho đến nay. Một con số so với con số 300 triệu âu kim ngân sách của Vatican, ngoài các hoạt động của bệnh viện Bambino Gesù, vốn làm thổi phồng một cách giả tạo bảng cân đối kế toán của Giáo triều.
 
Trong số các nguồn lợi tức của Vatican, có Quỹ Thánh Phêrô là quỹ thu khoản đóng góp bắt buộc của tất cả các giáo phận trên toàn thế giới theo giáo luật. Năm 2021, Quỹ thu được 59 triệu âu kim, trong đó một phần ba là tiền đóng góp của ba nước Hoa Kỳ, Ý và… Đức.
 
Tuy chi tiết về Quỹ Thánh Phêrô không công khai, nhưng báo La Croix được truy cập, theo nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung tiết lộ tháng 7 năm 2022, các nhà lãnh đạo công giáo Đức đã gởi về Rôma 10 triệu âu kim mỗi năm. Trong số tiền này, 5,1 triệu euro được trả trên cơ sở tự nguyện và 2,4 triệu là khoản khấu trừ bắt buộc. Ngoài ra, Giáo hội Đức tài trợ 160.000 âu kim cho Đại học Giáo hoàng Gregorian và nghĩa trang người Đức Teutonic bên trong Vatican.
Hai tổ chức phi chính phủ Công giáo hỗ trợ phần còn lại cho bộ Truyền giáo các Dân tộc, chịu trách nhiệm về Giáo hội ở toàn bộ nam bán cầu có ngân khoản 1,85 triệu âu kim.
 
“Căng thẳng kinh tế ở Giáo triều”

 

Sự so sánh giữa ngân sách của Giáo hội Đức và Giáo triều càng nổi bật hơn kể từ năm 2018, khi Giáo triều phải chịu áp lực liên tục sau mong muốn của Đức Phanxicô làm sạch các cấu trúc và đối phó với cuộc khủng hoảng kép, kinh tế và sức khỏe đã giáng xuống châu Âu trong những năm gần đây.
Một giáo chủ cấp cao nói: “Có những căng thẳng kinh tế trong Giáo triều. Chúng ta có thể cảm thấy một hụt hẫng lớn. Chúng tôi buộc phải đối diện với ngân sách có giới hạn. Làm thế nào để làm việc với rất ít trợ cấp?”
 
Một nguồn tin ngoại giao ở Rôma tương đối hóa tình trạng này: “Giáo hội Đức trợ cấp rất nhiều tiền cho các hãng tin công giáo, cho Malta… nhưng không nhiều cho Vatican. Thật sai lầm khi nói người Đức là toàn bộ ngân sách của Rôma.”
 
Hỗ trợ cho các kitô hữu Đông phương
 
 
Vì ngoài những khoản tiền được trả trực tiếp cho Vatican, trên hết, các nhà lãnh đạo Giáo triều nhìn thấy Giáo hội Đức có một sức mạnh kinh tế có khả năng hỗ trợ các kitô hữu ở phương Đông. Logo của các tổ chức Công giáo Đức có thể được tìm thấy trên khắp Trung Đông và châu Phi. Đức Phanxicô đã tận mắt thấy ở Iraq và Nam Sudan, hai quốc gia ngài đã thăm trong ba năm qua, các cộng đồng công giáo ở các nước này được Đức hỗ trợ mạnh.
 
Tuy nhiên, những lời chỉ trích ở Vatican, ít nhiều rõ ràng, về con đường đồng nghị của Đức vẫn tiếp tục trong khi Giáo hội Đức bắt đầu giai đoạn cuối của quá trình này, từ ngày 9 đến 11 tháng 3 tại Frankfurt.
 
Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần ở Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Phanxicô đã ám chỉ quá trình này cách kín đáo, điều mà ngài chỉ trích mạnh mẽ trong riêng tư. Khi dạy giáo lý về truyền giáo, ngài cảnh báo chống lại “cám dỗ đi theo những con đường giả tạo của giáo hội, áp dụng logic thế gian về những con số và cuộc thăm dò, để tính về sức mạnh của ý tưởng chúng tôi, các chương trình chúng tôi, các cấu trúc chúng tôi. Điều đó sẽ giúp ích một chút, nhưng điều cơ bản là sức mạnh mà Thần Khí ban cho các bạn để loan báo sự thật về Chúa Giêsu Kitô, về Tin Mừng.”
 
Một lần nữa, một cách chỉ trích logic chính trị mà theo ngài đã chi phối thượng hội đồng Đức.
 
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch