Loạt bài kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, 13-3-2013 & 13-3-2023
Ông Manuel Ferrol đã qua đời năm 2003 vì một cơn nhồi máu cơ tim đột ngột, nhưng tác phẩm của ông đã được đánh giá lại sau khi con gái của ông là bà Patricia tặng cho Đức Phanxicô một trong những bức ảnh mang tính biểu tượng nhất của ông được chụp vào năm 1957 tại La Corogne.
cope.es, Jose Melero Campos, 2023-03-05
Ngày 10 tháng 11 năm 2021, bà Patricia Ferrol đã thấy một trong những giấc mơ của mình thành hiện thực: bà trao cho Đức Phanxicô bức ảnh ‘Người Cha và Người Con’, tác phẩm của thân phụ bà là ông Manuel Ferrol chụp ngày 27 tháng 11 năm 1957 tại cảng La Corogne.
Trong bức ảnh đen trắng là hình ảnh người cha và người con khóc không thể nào an ủi được, nói lời tạm biệt với người thân trên con đường đi Argentina trên chiếc tàu ‘Juan de Garay’. Đó là thời nước Tây Ban Nha đang cố gắng vượt qua tác hại của hậu chiến, tình trạng nghèo khổ trong nhiều gia đình đã buộc họ phải rời Âu châu vượt Đại Tây Dương để tìm một tương lai tốt đẹp hơn.
Bà Patricia trả lời phỏng vấn trên trang Ecclesia, bà nhớ lại phản ứng của Đức Phanxicô khi ngài đặt tay trên khuôn mặt đầy nước mắt của người cha: “Đó là cử chỉ giống như ngài đang đặt tay lên đầu của đau khổ. Hình ảnh của tột cùng đau khổ của người cha và người con qua ánh nhìn, qua bàn tay thô tháp. Hình ảnh chính xác nói lên nỗi khổ của nhiều người khi họ phải di cư.”
Và chính điều này bà Patricia Ferrol muốn nhấn mạnh, Đức Phanxicô là người Argentina, nhân vật 100% gắn liền với thảm kịch của người di cư: “Điều đó làm chúng ta suy nghĩ về cách chúng ta nên tránh các bức tường, các rào cản thể chất cũng như tâm linh, các biên giới với người dân. Một mặt, chính con người đại diện cho phản ánh tình trạng di cư này và mặt khác, bức ảnh đại diện cho người di cư, mỗi người với những đau khổ cá nhân và hoàn cảnh của họ.”
“Khi đó rất yên tĩnh, mọi người đã kiệt sức”
Ngày 27 tháng 11 năm 1957, ông Manuel Ferrol đến cảng La Corogne với tư cách là phóng viên của TVE để đưa tin về sự ra đi ồ ạt của người di cư Tây Ban Nha, những người lên tài ‘Juan de Garay’ để đến Argentina, có sự hiện diện của các nhà chức trách châu Âu thuộc Hiệp hội Công giáo Di cư. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng, phóng viên đã không ngần ngại thay đổi trọng tâm bài báo của mình.
Bà Patricia kể lại: “Những người ở cảng có lẽ đã ở đây cả tuần, họ từ xa đến, họ chờ giây phút này từ rất lâu. Cha tôi kể, hôm đó tuy đông người nhưng vắng lặng, chỉ có tiếng còi tàu vang lên, vì họ đã quá mệt mỏi và kiệt sức.”
Nhiều người Tây Ban Nha buộc phải vượt Đại Tây Dương để tìm một tương lai nhiều hy vọng hơn đã không bao giờ quay trở lại. Các sáng kiến do Chế độ độc tài thúc đẩy, chẳng hạn như ‘Chiến dịch Tây Ban Nha’ vào năm 1969 cho phép một số người trở lại Tây Ban Nha trong vài ngày để gặp người thân của họ hàng thập kỷ sau khi họ rời đi.
Điều gì đã xảy ra với người con khóc không nguôi trong bức ảnh ‘Người Cha và Người Con’?
Các cuộc triển lãm ảnh được tổ chức tại các thành phố Buenos Aires và Montevideo, trong số đó có các tác phẩm của ông Manuel Ferrol (có thể xem trên trang web manuelferrol.com) lưu giữ ký ức của nhiều người đã lên con tàu ‘Juan of Garay’. Bà Patricia có mặt thay cho cha của bà: “Chúng tôi đã xác định được hồ sơ của những người trên thuyền trong các bức ảnh. Ở Montevideo cũng vậy, chúng tôi đã tìm được những người kể câu chuyện có thật của họ. Đó là những sự thật rất quan trọng xung quanh các bức ảnh.”
Không chỉ để lưu giữ ký ức của những người di cư, mà còn của những người ở lại Tây Ban Nha đành lòng nhìn người thân yêu của mình ra đi. Bà Patricia Ferrol đã nói chuyện với người con trong bức ảnh, bà cho biết: “Người cha đã qua đời cách đây vài năm và tôi đã nói chuyện nhiều lần với người con trong ảnh. Tôi đã cố gắng để đưa ông đến đây nhưng ông không muốn, tôi tôn trọng quyết định của ông. Ông kể cho tôi vì sao ông khóc nhiều như vậy, cuộc đời của ông. Ông là thủy thủ đã nghỉ hưu và khỏe mạnh, ông sống ở Galicia.”
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: