Noam Chomsky: “Nếu không tìm ra một thỏa hiệp nào, tất cả chúng ta sẽ cùng nhau sụp đổ”
Ở tuổi 94, nhà tư tưởng nổi tiếng người Mỹ phân tích các vấn đề chính trị, an ninh và sinh thái của cuộc xung đột ở Ukraine với đầu óc minh mẫn hiếm thấy. Một bài học tập thể về địa chính trị không nói hàng hai, không mị dân…
lavie.fr, Anne Guion, 2023-02-24
Noam Chomsky, ở Cambridge, Hoa Kỳ, ngày 9 tháng 9 năm 2016. MARTIN BIALECKI / DPA / DPA PICTURE-ALIANCE QUA AFP
Ông là một trong những nhà trí thức vĩ đại nhất của thế giới. Một trong số ít người có tên dính liền với chuyên ngành của mình: ngôn ngữ học, ông là nhân vật chính. Nhưng nhất là chúng ta biết ông qua cam kết chính trị của ông. Sinh năm 1928 tại Philadelphia, Mỹ, trong một gia đình nhập cư do thái, cha là người gốc Ukraine và mẹ là người Belarus, Noam Chomsky là nhà hoạt động, “xã hội học vô chính phủ”, như ông tự mô tả. Cánh tả của cánh tả Mỹ.
Biểu tượng của đất nước, ông được vinh danh ở các quốc gia phía Nam, nhưng điều ngạc nhiên là nước Pháp ít biết ông, ông là nhà phê bình lớn chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ngay từ năm 1967, ông đã phản đối Chiến tranh Việt Nam khi ông viết quyển Trách nhiệm của những nhà Trí thức (Responsabilités des intellectuels), ông vạch trần những nguồn gốc tiềm ẩn trong chính sách đối ngoại của các cường quốc. Ông cũng tố cáo sự can thiệp của nước Mỹ vào Châu Mỹ Latinh và Trung Đông.
Giống như nhà triết học vĩ đại người Đức Jürgen Habermas, 93 tuổi, người đã viết một bài ngày 22 tháng 2 năm 2023 trên tờ Le Monde, Noam Chomsky, 94 tuổi, khẩn trương kêu gọi mở các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, chấm dứt thảm sát và tránh một đám cháy chung. Và trên hết là để cuối cùng thế giới tập trung vào cuộc khủng hoảng khí hậu bất thường đang phải đối diện. Trước khi quá muộn.
Bộ râu trắng, ngồi trước thư viện khổng lồ, Noam Chomsky trả lời các câu hỏi của báo La Vie ở nhà riêng của ông ở Arizona, Hoa Kỳ. Sống động và dứt khoát, luôn tận căn.
Nước Nga xâm lược Ukraine một năm trước. Phân tích tổng quát của ông về cuộc xung đột này là gì?
Noam Chomsky. Cuộc xâm lược Ukraine là một hành động xâm lược tội phạm, tương tự như cuộc xâm lược Iraq của Hoa Kỳ và Anh, cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler hoặc các tội ác tương tự khác. Một cuộc xâm lược kiểu này chỉ có thể được giải quyết theo hai cách: hoặc một trong hai bên hiếu chiến tiêu diệt bên kia, hoặc can thiệp bằng một giải pháp ngoại giao thương lượng. Hoa Kỳ, hiện là một phần chính của cuộc xung đột, đã quyết định rằng cuộc chiến phải tiếp tục để làm cho nước Nga suy yếu trầm trọng. Điều đó có nghĩa là họ không muốn một giải pháp ngoại giao.
Kết quả là, hầu như trong mọi cuộc thảo luận, cả ở Mỹ và châu Âu, đều xoay quanh những bước cần thực hiện để leo thang chiến tranh. Xung đột càng kéo dài, Ukraine sẽ càng bị tàn phá nặng nề. Chiến tranh có những tác dụng phụ trên toàn thế giới, và có một mối đe dọa ngày càng tăng của chiến tranh hạt nhân. Nhưng nhất là, và chúng ta không nói nhiều về nó, chiến tranh đã hủy bỏ những nỗ lực, dù hạn chế đến đâu, đã được thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng bất thường về sự nóng lên toàn cầu. Thậm chí chúng ta đã đi lui!
Bây giờ các mỏ nhiên liệu hóa thạch mới đang được khám phá. Chúng sẽ được sản xuất trong vài thập kỷ. Trên thực tế, đó là bản án tử hình dành cho loài người. Vì vậy, chúng ta có một lựa chọn: hoặc tiếp tục leo thang chiến tranh hoặc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Tôi phải nói, trong số những nhân vật lớn của thế giới, Emmanuel Macron, tổng thống Pháp gần như là người duy nhất chọn điều mà tôi cho là hợp lý nhất: tiến tới đàm phán. Đây cũng là trường hợp của Tướng Milley ở Mỹ, tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, người có trách nhiệm quân sự chính. Điều này rất hiếm xảy ra trong các tầng lớp chính trị ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
Ông giải thích phản ứng nhất trí và kiên quyết của Liên minh châu Âu sau hậu quả của cuộc xâm lược này như thế nào?
Khi Vladimir Putin tiến hành cuộc xâm lược tội phạm chống lại Ukraine, ông đã làm một hành động ngu ngốc. Vài ngày trước cuộc xâm lược, tổng thống Pháp Emmanuel Macron thường xuyên liên lạc với ông. Ông đưa ra nhiều đề xuất khác nhau để tránh chiến tranh. Nhưng Putin không quan tâm. Cuối cùng ông vứt bỏ các đề nghị với một thái độ khinh thường mọi người, nói rằng ông muốn chơi khúc côn cầu (hockey) trên băng…
Điều mà ông đã làm được là tặng cho Hoa Kỳ món quà tuyệt vời nhất: trên chiếc đĩa bạc, ông dâng châu Âu tặng họ. Trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh, những câu hỏi nghiêm túc đã được đặt ra về vị thế của châu Âu: châu Âu sẽ theo đuổi con đường độc lập, trở thành cái được gọi là lực lượng thứ ba, hay nó sẽ phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong khuôn khổ NATO? Charles de Gaulle là người lãnh đạo phương án thứ nhất. Willy Brandt, với Ostpolitik, cũng có quan điểm tương tự.
Vấn đề nổi lên khi Liên Xô sụp đổ. Mikhaïl Gorbachev sau đó đề xuất cái mà ông gọi là “ngôi nhà chung châu Âu”, từ Lisbon đến Vladivostok. Đối với châu Âu, Nga là đối tác thương mại tự nhiên nhất. Nga giàu có và có những nguồn tài nguyên mà người châu Âu rất cần: khoáng sản, khí đốt, dầu mỏ, v.v. Vì vậy, đó là một mối quan hệ rất tự nhiên. Hoa Kỳ cực lực phản đối.
Nhưng sự phụ thuộc mới này vào Washington hiện đang đặt người châu Âu vào tình thế nguy hiểm nghiêm trọng, vì nó không chỉ là vấn đề châu Âu: thực tế Hoa Kỳ đang có chiến tranh với Trung Quốc. Họ muốn ngăn Bắc Kinh tiếp cận với các công nghệ tiên tiến – chủ yếu là chất bán dẫn, dùng để phát triển chip máy tính, nhà sản xuất chính là Hà Lan. Do đó, Hoa Kỳ muốn buộc Hà Lan ngừng cung cấp cho Trung Quốc những công nghệ tiên tiến này, vì thế sẽ đánh mất thị trường chính của họ. Họ cũng đang cố gắng làm như vậy với Hàn Quốc…
Châu Âu và một số khu vực châu Á sẽ phải đưa ra quyết định: liệu chúng ta có muốn suy tàn vì Hoa Kỳ đang làm mọi cách để giữ đế chế đang suy tàn của họ không? Hay chúng ta sẽ đi một con đường độc lập cho chính mình? Cho đến bây giờ, giới tinh hoa châu Âu vẫn nói: chúng ta sụp đổ và chúng ta phục tùng chủ nhân… Số phận của châu Âu sẽ rất đau khổ.
Tại sao Putin tặng món quà này cho Hoa Kỳ?
Bởi vì ngu ngốc! Lại càng ngu ngốc hơn khi bây giờ loài người sống trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng. Nếu chúng ta không giải quyết được khủng hoảng môi trường thì chẳng mấy chốc sẽ không còn gì quan trọng nữa. Chúng ta đang hướng tới một điểm bùng phát không thể đảo ngược. Từ đó, tương lai chỉ có thể là thảm họa.
Ngoài ra còn có mối đe dọa nghiêm trọng của chiến tranh hạt nhân. Đối diện với những nguy cơ này, các cường quốc – Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ – sẽ phải hợp tác với nhau. Khi Emmanuel Macron nói rằng Nga phải vào trong một hệ thống lớn hơn, gồm cả châu Âu, thì ông bị chỉ trích trong khi ông hoàn toàn đúng. Đây không chỉ là những gì phải được thực hiện, nó là một điều cấp thiết ngày nay! Nếu không tìm được thỏa hiệp, chúng ta tất cả cùng nhau sụp đổ.
Số tiền viện trợ quân sự của Hoa Kỳ là rất lớn – khoảng 60 tỷ đô la. Ông giải thích nó như thế nào?
Đó là cách tồi tệ để nhìn vào mọi thứ. Như một số nhà bình luận đưa ra, đây là một khoản tiền lớn đối với Hoa Kỳ. Với một phần rất nhỏ trong ngân sách quân sự khổng lồ (858 tỷ âu kim cho năm 2023, tăng 8% so với năm 2022), Hoa Kỳ có khả năng làm suy giảm và tiêu diệt một phần đáng kể lực lượng quân sự đối phương. Vì sao họ tiêu số tiền này? Bà phải biết có một cường quốc đã không cố gắng giành chiến thắng trong cuộc chiến…
Làm thế nào để kết thúc cuộc chiến này? Matxcova và Kiev vẫn có thể thương thuyết?
Cho đến tháng 3 năm 2022, đã có các cuộc thương thuyết. Chúng ta không biết chính xác cái nào, vì chính phủ Hoa Kỳ thực sự phản đối các cuộc thương thuyết. Boris Johnson lúc đó là thủ tướng Anh, đã đến Kyiv để thông báo cho người Ukraine rằng Hoa Kỳ và Anh không ủng hộ. Theo sau ông là ông Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Chúng ta không biết chính xác những gì ông đã nói, nhưng có lẽ ông đưa ra thông điệp quen thuộc rằng chiến tranh phải tiếp tục làm suy yếu nước Nga, điều này rất tốt cho Hoa Kỳ. Các cuộc thương thuyết sụp đổ và chiến tranh tiếp tục.
Đương nhiên, xung đột càng kéo dài, lập trường của cả hai bên càng cứng rắn… Nhưng vẫn có thể có cơ hội. Trong số tháng 1 năm 2023 của tờ Thế giới Ngoại giao (Le Monde Diplomatique) có bài viết của hai nhà phân tích Phần Lan Tapio Kanninen và Keiki Patomäki đề xuất các hành động cần thực hiện. Đây là những bước nhỏ hướng tới thiết lập cơ sở cho một thỏa hiệp có thể dẫn đến một thỏa thuận chính trị mới. Có thể không? Chỉ có một cách để tìm hiểu, và đó là thử. Nhưng quan điểm của giới tinh hoa Mỹ và châu Âu chính xác là không nên thử.
Một số thỏa thuận hòa bình đôi khi ẩn chứa mầm mống của những xung đột trong tương lai… theo ông, một “hòa bình tốt đẹp” sẽ như thế nào?
Tất cả các thỏa thuận đều để ngỏ khả năng xảy ra xung đột trong tương lai, trừ khi một trong các bên bị tiêu diệt hoàn toàn! Theo định nghĩa, một thỏa thuận hòa bình là không hoàn hảo; nó dựa trên những gì mỗi bên sẵn sàng chấp nhận. Đây là bản chất của ngoại giao. Nếu bạn không muốn điều đó, thì hãy gây chiến và tiêu diệt lẫn nhau! Ngoại giao có thể dẫn đến một cái gì đó.
Tại hiệp ước Versailles, kẻ thù bị đánh bại, Đức bị nghiền nát. Vài năm sau, chúng ta có chủ nghĩa nazi và chiến tranh thế giới. Cách này cách khác đáng để làm vừa lòng Nga theo gương các nguyên thủ Quốc gia Âu châu. Ngược lại, nếu giới tinh hoa phương Tây muốn áp dụng quan điểm của Versailles, chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra, và nó sẽ tệ hơn: đó sẽ là một thảm họa toàn cầu vì không giải quyết được những vấn đề quá lớn không thể giải quyết được. Vì khí hậu toàn cầu nóng lên sẽ không chờ…
Không trừng phạt Nga? Đó có phải là một hình thức bất công không?
Hoa Kỳ có bị trừng phạt vì xâm lược Iraq, xâm lược Syria, phá hủy Đông Dương không? Hải quân Mỹ vừa dùng tàu tấn công đổ bộ mới nhất mang tên USS Fallujah. Fallujah là một trong những tội ác tàn bạo nhất của Hoa Kỳ tại Iraq. Các nhà báo Iraq đang gào lên, nhưng ai nghe? Vì thế chúng ta chỉ nói tên con tàu này để tưởng nhớ một trong những tội ác tồi tệ nhất, quái dị nhất ở Iraq.
Tôi sẽ đưa ra một ví dụ khác. Đại học Harvard nổi tiếng thế giới vừa tổ chức cuộc tranh luận, liệu cuộc xâm lược Iraq – họ gọi đó là một cuộc can thiệp – có phải là cuộc can thiệp nhân đạo hay không. Bà hình dung xem nếu có cuộc cuộc tranh luận ở một Đại học Matxcova về việc liệu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine có phải là một can thiệp nhân đạo hay không? Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Nhưng khi nó xảy ra ở Harvard, chúng ta ca ngợi nó!
Có nguy cơ có một bùng nổ chung không?
Trên thực tế, phương Tây đang đánh một canh bạc nguy hiểm với tương lai của Ukraine. Lập trường của họ là: Hãy tiếp tục chiến tranh, nhưng theo cách có kiểm soát. Chúng ta đừng leo thang đủ nhanh để Nga phải dùng đến vũ khí hạt nhân, mà hãy viện trợ đủ cho Ukraine để đẩy người Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Có thể họ sẽ làm được, nhưng không chắc…
Người phương Tây cũng đang đánh cược nếu Nga bị thua, Vladimir Putin sẽ thu xếp hành lý và lặng lẽ ra đi… Nhưng ông cũng có thể dùng tất cả các loại vũ khí thông thường có sẵn để tàn phá Ukraine, giống như cách Hoa Kỳ và các nước khác đã làm. Anh đã tiêu diệt Iraq, giống như cách họ đã tấn công Serbia và cứ thế mà tiếp.
Với người Ukraine, đánh cược này thật tàn khốc vì họ là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Nga, các nước phương Nam, châu Âu cũng bị. Nhưng không phải Hoa Kỳ, đó là quốc gia chiến thắng: lợi nhuận của các công ty nhiên liệu hóa thạch và lợi nhuận của ngành công nghiệp quân sự đang tăng vọt!
Ông có nghĩ đây là một loại đụng độ “nền văn minh” chống các giá trị phương Tây không?
Khi người phương Tây nói về “các giá trị phương Tây”, họ trở nên lố bịch trong mắt các quốc gia khác trên thế giới. Các giá trị của phương Tây đã được thể hiện rõ ràng cách đây 250 năm với biểu tượng thành lập chủ nghĩa tư bản hiện đại, Adam Smith, người đã từng cay đắng lên án điều mà ông gọi là “sự bất công dã man của người châu Âu”. Đây chính là “giá trị phương Tây” dành cho hầu hết mọi người trên thế giới. Có lẽ diễn từ về “các giá trị phương Tây” này có thể lan truyền trong giới trí thức châu Âu, nhưng không lan sang phần còn lại của thế giới.
Tháng 1 năm 2023, chúng ta kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris, mở đầu cho việc kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Ông đã dấn thân chống lại cuộc chiến này. Ông có thấy sự tương đồng giữa hai xung đột này không?
Chiến tranh Việt Nam tồi tệ hơn nhiều, không thể so sánh được. Nhưng, trong 50 năm qua, ở Hoa Kỳ, nó không còn là chủ đề của bất kỳ chỉ trích nào, kể cả trong các bài bình luận chính cũng như trên báo chí… Lời chỉ trích gay gắt nhất mà chúng ta có thể nghe là: “Đó là một sai lầm.” Người Mỹ đã có những cố gắng vụng về để làm điều tốt, nhưng họ bị lầm!
Trên thực tế, toàn bộ bản chất của Chiến tranh Việt Nam đã được viết lại để biến nó thành một cuộc chiến phòng thủ: Hoa Kỳ sẽ bảo vệ miền Nam Việt Nam, nạn nhân của miền Bắc đi xâm lược. Đây dĩ nhiên là lời nói dối hoàn toàn. Đó là một cuộc chiến xâm lược được tiến hành chống lại nông dân miền Nam Việt Nam, là đại đa số dân chúng. Miền Bắc bị tấn công vì để cố gắng làm cho nó ngừng hỗ trợ kháng chiến Nam Việt Nam chống sự xâm lược của Mỹ.
Thật đáng chú ý để ghi nhận, cuộc chiến Iraq cũng đã được viết lại hoàn toàn, được trình bày như một loại sứ mệnh nhân từ để bảo vệ người Iraq đau khổ thoát khỏi nhà độc tài tàn ác. Saddam Hussein đúng là một nhân vật rất xấu. Nhưng sau đó, lại là xóa bỏ sự thật vì gần như tất cả tội ác của ông, kể cả những tội ác xấu xa nhất đều được Hoa Kỳ hỗ trợ mạnh mẽ. Đó là thực tế của một câu chuyện tình. Một câu chuyện tình lãng mạn mạnh đến mức khi Tổng thống Bush, người đầu tiên của gia đình Bush lên nắm quyền, ông đã mời các kỹ sư hạt nhân Iraq đến Hoa Kỳ để đào tạo nâng cao về sản xuất vũ khí hạt nhân.
Và đột nhiên, Hoa Kỳ bảo vệ người dân Iraq khỏi tên độc tài tàn ác mà Hoa Kỳ đã nhiệt tình ủng hộ trong suốt những năm tháng tội ác khủng khiếp nhất của hắn! Hai cuộc chiến này đã được viết lại để cho thấy rằng, Hoa Kỳ luôn đứng về phía lẽ phải và công lý. Trong bài phát biểu nhận giải Nobel năm 2005, nhà văn người Anh Harold Pinter đã đưa ra một số nhận xét rất hay về điều này. Ông nói, Hoa Kỳ dùng một hệ thống học thuyết mạnh đến mức khi mọi thứ xảy ra, trên thực tế, chúng không xảy ra…
Ông đã 94 tuổi; có bao giờ ông nghĩ ông sẽ lại chứng kiến một cuộc xung đột lớn như thế này xảy ra trên đất châu Âu không?
Thành thật mà nói, tôi không nghĩ con người chúng ta lại tồn tại lâu như vậy. Tôi đã đủ già để nhớ rất rõ ngày 6 tháng 8 năm 1945 (ngày bom nguyên tử dội xuống Hiroshima). Rất rõ ràng… Cảm giác của tôi lúc đó, đó là bản án tử hình cho nhân loại. Vài năm sau, năm 1952, khi Hoa Kỳ và sau đó là Liên Xô cho nổ vũ khí nhiệt hạch, công nghệ chúng ta đã đạt đến khả năng phá hủy mọi thứ. Kể từ đó, chúng ta bị treo trên một sợi chỉ, như một án treo. Chúng ta đã đến rất gần sự hủy diệt hoàn toàn. Chúng ta đã được cứu gần như tình cờ nhiều lần.
Nhưng phép lạ không thể xảy ra hoài. Chúng ta ngay cả cũng không nhận ra rằng một kỷ nguyên địa chất mới, Anthropocene, trong đó các hoạt động của con người tàn phá môi trường đang bắt đầu. Ngày 24 tháng 1 năm 2023, Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử đã công bố cài đặt đồng hồ ngày tận thế mới nhất: chúng ta còn 90 giây nữa là đến nửa đêm, tính từ thời điểm kết thúc. Tôi nghĩ chúng ta vẫn có thể đến gần vực thẳm hơn một chút. Và sau đó… Đây là điều mà mọi người có lý trí đã mong đợi kể từ năm 1945.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch