Theo hồng y Müller, danh hiệu giáo hoàng danh dự là sai lầm về mặt thần học
Hồng y người Đức Gerhard Ludwig Müller, cựu bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin chỉ trích khả năng thiết lập, khi đúng lúc, việc thực hành từ nhiệm của giáo hoàng. Theo ngài, nó sẽ có nguy cơ gây ra nhầm lẫn nghiêm trọng.
famillechretienne.fr, I.Media, 2023-01-12
Trong buổi hội thảo giới thiệu quyển sách Papa non più Papa (Giáo hoàng không còn là Giáo hoàng, nxb. Viella) ngày 10 tháng 1 năm 2023, hồng y nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn phản đối việc từ nhiệm của Đức Phanxicô. Quyển sách đưa ra cách tiếp cận theo giáo luật về việc từ nhiệm của các giáo hoàng đã được xuất bản tháng 12 vừa qua, vài ngày trước khi Đức Bênêđictô XVI qua đời. Hồng y Müller, người thân cận với Đức Bênêđictô XVI, cũng như nhà sử học Andrea Riccardi đã trình bày một cái nhìn phê phán về sự mơ hồ gây ra do Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm năm 2013, dẫn đến việc có hai giáo hoàng chung sống tại Vatican trong gần mười năm.
Khi đưa ra ghi nhận, hồng y cho thấy một trùng hợp lạ lùng, ngày Đức Bênêđíctô XVI từ nhiệm trùng hợp với ngày kỷ niệm 35 năm thụ phong linh mục của ngài và ngày Đức Bênêđictô XVI qua đời trùng hợp với ngày sinh nhật thứ 75 của ngài, hồng y Müller đưa ra lời giải thích thần học giữa lòng ngưỡng mộ chân thành với vị thầy Joseph Ratzinger của ngài và cái nhìn phê phán, thậm chí cay đắng về quyết định từ nhiệm này.
Một chấn thương cho người công giáo
Ngài lấy làm tiếc, quyết định này đã làm tổn thương hàng triệu người công giáo, để lại sự hoang mang qua hình ảnh hai triều giáo hoàng bị truyền thông dàn dựng. Ngài tố cáo dự thảo Tông hiến hiện có về việc từ nhiệm của giám mục Rôma, ngài xem đây là dấu hiệu của “nhầm lẫn thần học” vốn dường như ấn định “các điều kiện giam giữ một tù nhân mới ở Vatican”. Ngài ngầm đề cập đến tình trạng các giáo hoàng bị giam cầm trong các bức tường của Thành đô Vatican trong thời các Quốc gia giáo hoàng sụp đổ năm 1870 và Hiệp định Lateran năm 1929.
Ngài lưu ý, “sự chung sống của giáo hoàng tại vị” với người tiền nhiệm được xem là “đối tác thiêng liêng”, như được trình bày trong câu chuyện kể chính thức của Vatican, “mâu thuẫn trực tiếp với bản chất sứ vụ Thánh Phêrô và ý muốn của Chúa Kitô khi thiết lập sứ vụ này”.
Ngài nhấn mạnh, giáo hoàng Rôma không thể so sánh với “bất kỳ thẩm quyền chính trị hay thiêng liêng nào”, dù là một Giám đốc điều hành, vua Anh, hoàng đế la-mã-đức, đức Đạt Lai Lạt Ma hay một vị vua hồi giáo. Trước tiên, ngài như tất cả các linh mục, giám mục được chịu chức với tư cách là “đại diện của Chúa Kitô, được chính Thiên Chúa gọi để trở thành nhân chứng và được sai đi loan báo công trình cứu độ của Ngài, cho đến cái chết tự nhiên hoặc tử đạo”.
Nguy cơ nhầm lẫn
Giám mục Rôma trước hết là một giám mục như các giám mục khác, nhưng với tư cách là “mục tử của Giáo hội hoàn vũ”, ngài đảm nhận một chức năng tối thượng, tạo nên “sự đảm bảo cho nền tảng của tất cả các Giáo hội địa phương trong sự kế thừa truyền thống tông đồ và trong truyền thống của toàn thể Giáo hội”. Như thế ngài không thể định hướng guồng máy quản trị của mình theo “các tiêu chuẩn về hiệu năng và chủ nghĩa thực dụng của nền kinh tế toàn cầu và chủ nghĩa tư bản duy vật hoặc chủ nghĩa xã hội”.
Ngài nhấn mạnh: “Dĩ nhiên chúng ta tôn trọng Đức Bênêđictô XVI, trong lương tâm của ngài trước mặt Chúa, đã xác tín, tốt hơn là từ nhiệm chức vụ giám mục Rôma vì lợi ích của Giáo hội” nhưng “điều này không thể nại ra hay tìm để biện minh cho thể chế về sự từ nhiệm thường xuyên của giáo hoàng, vì những động lực được cho là chủ quan.”
Theo hồng y Müller, nếu Joseph Ratzinger để lại một công trình thần học đồ sộ nhưng ngài không thể là nguồn cảm hứng trong tư cách là “giáo hoàng danh dự”, theo hồng y, việc duy trì tước hiệu giáo hoàng và chiếc áo chùng trắng của ngài đã tạo nhầm lẫn có hại cho “sự hiệp thông của Giáo hội”.
“Đức Phanxicô tuyệt đối phải tiếp tục”
Hồng y cho biết: “Việc từ nhiệm tùy thuộc vào sự lựa chọn của các giáo hoàng, nhưng không được trở thành một quy tắc: nó phải là ngoại lệ cho một tình huống cực kỳ khi ngài không còn khả năng vì bệnh tật”. Một cách rộng rãi hơn, hồng y cũng lên tiếng chống lại việc nghỉ hưu của các giám mục nói chung do Đức Phaolô VI thiết lập. Ngài nhấn mạnh: “Tôi cũng không thể chấp nhận việc các giám mục tự động từ chức ở tuổi 75: phải có những lý do khác, lý do thể chất, lý do tâm lý. Chúa Giêsu gọi các tông đồ. Trong bí tích Truyền Chức, có ý tưởng giám mục kết hôn với giáo phận của mình.”
Hồng y Müller đã có những bất đồng với Đức Phanxicô kể từ khi ngài không còn ở trong bộ Giáo lý Đức tin năm 2017, ngài đã lên tiếng phản đối bất kỳ ý tưởng nào về việc từ nhiệm của Đức Phanxicô: “Về mặt thể chất, tâm lý và tinh thần, Đức Phanxicô tuyệt đối tiếp tục chức vụ của ngài”, hồng y Müller nói, ngài không muốn thấy giáo hoàng Argentina đi theo bước chân của người tiền nhiệm về điểm này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Theo hồng y Hollerich, Đức Phanxicô sẽ không từ nhiệm
Theo hồng y Müller, Đức Bênêđictô XVI là Thánh Augutinô của thời đại chúng ta