Nhà văn Vittorio Messori nói về Đức Bênêđictô XVI: “Tôi chưa bao giờ biết một người nào tốt như vậy”
Hồng y Joseph Ratzinger và nhà văn Vittorio Messori năm 1977
lanuovabq.it, Riccardo Cascioli, 2022-12-31
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Nuova Bussola Quotidiana, nhà văn Ý nổi tiếng Vittorio Messori, 81 tuổi, kể lại tình bạn thân thiết của ông với Đức Joseph Ratzinger/Bênêđictô XVI, một tình bạn bắt đầu từ quyển sách-phỏng vấn “Báo cáo về đức tin” đã gây chấn động trong Giáo hội năm 1985. Ông cho biết: “Ngược với hình ảnh bị cho là người khép kín và muốn kiểm soát hết của ngài, tôi chưa bao giờ biết một người nào khiêm tốn hơn thế. Tôi tin chắc ngài đã lên thiên đàng, tôi sẽ không cầu nguyện cho ngài nhưng ngài cầu nguyện cho tôi.”
“Tôi chưa bao giờ biết một người nào tốt và khiêm tốn như vậy”
Đó là cái nhìn của ông Vittorio Messori khi ông nhớ về Joseph Ratzinger, giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI vài giờ sau khi ngài qua đời. Qua điện thoại từ nhà riêng của ông ở Desenzano sul Garda, nơi ông sống ẩn dật sau khi vợ ông là bà Rosanna ngày 16 tháng 4 vừa qua. Ông ngắn gọn kể lại các giai đoạn trong quá trình tình bạn với Đức Ratzinger, bắt đầu từ năm 1984 khi ông nằn nì xin ngài cho phỏng vấn, để rồi sau này thành quyển sách “Báo cáo về đức tin” đã làm thế giới chấn động.
Ấn bản đầu tiên do nhà xuất bản Paulins xuất bản năm 1985 như quả bom nổ, vì đây là lần đầu tiên một bộ trưởng bộ Tín Lý nói chuyện với một nhà báo và đó cũng là năm có Thượng Hội đồng Giám mục, các giám mục được mời về Vatican để suy tư sau hai mươi năm kết thúc Công đồng Vatican II. Ratzinger đã đưa ra những nhận định rất rõ ràng về mọi vấn đề nhức nhối nhất của thời kỳ hậu Công đồng, từ quan niệm về Giáo hội đến phụng vụ, từ thảm kịch luân lý đến cuộc khủng hoảng của chức tư tế, kể cả thần học giải phóng và đại kết. Như chúng ta có thể hình dung, phản ứng của cánh tiến bộ và các nhà thần học thời thượng rất dữ dội, họ chưa nuốt trôi triều Đức Gioan-Phaolô II bắt đầu năm 1978. Chính Đức Wojtyla muốn có một Ratzinger (và ngài đã bất đắc dĩ) ở bên cạnh ngài năm 1981, trong một mối quan hệ chặt chẽ và quyển sách này cũng có thể được xem là bản tuyên ngôn triều giáo hoàng này.
Nhà văn Messori kể: “Họ trêu chọc tôi khi tôi nói tôi sẽ phỏng vấn hồng y Ratzinger của bộ Tín Lý, họ nói điều đó sẽ không bao giờ xảy ra, rằng ngài chưa bao giờ rời khỏi Bộ. Ngài có tiếng rất khép kín và không muốn nói chuyện. Thay vào đó, tôi khăng khăng và cuối cùng chúng tôi về miền núi ba ngày. Tôi lập tức ngạc nhiên trước sự ngây thơ của ngài, ngài nghĩ ai cũng như mình, tốt và sẵn sàng.”
Hai người đến chủng viện địa phương ở Brixen tháng 8 năm 1984 nói chuyện trong ba ngày ba đêm. Chỉ có hai người và hai nữ tu mang thức ăn đến. Và chính tại đây, quyển sách ra đời đánh dấu một sự kiện vô cùng quan trọng trong Giáo hội.
Có lẽ chính nhờ sự tin tưởng mà hồng y Ratzinger dành cho ông nên tầm quan trọng của quyển sách “Những giả thuyết về Chúa Giêsu” ông viết năm 1976 đã thành công trên thế giới và bây giờ vẫn còn được nhiều người đọc. Ratzinger, trong “Báo cáo về đức tin” đã mở ra hoàn toàn: “Tôi xác tín đây là người luôn tìm kiếm, không giấu giếm, không e dè. Điều làm tôi ngạc nhiên là tôi đã hỏi ngài những câu hỏi bối rối nhất, nghĩ rằng ngài sẽ tránh trả lời, nhưng không, ngài trả lời. Tôi nói với ngài tôi sẽ không đăng bất cứ gì nếu không ngài không cho phép. Tôi sẽ trình bày cho ngài xem trước vì nội dung quyển sách sẽ gây tranh cãi.”
Chúng tôi đồng ý, tôi mang bản thảo đến, hôm đó ngài phải đi với các giáo sư thần học từ Mỹ qua. Tôi nói ‘ngài xem lại’, ngài nói ‘để lại cho tôi một bản, tôi sẽ cho cộng tác viên xem’.
Từ đó nảy sinh một tình bạn thực sự, mỗi lần tôi về Rôma, chúng tôi gặp nhau và đi ăn trưa với nhau ở nhà hàng. Và tôi xác nhận: tôi chưa bao giờ biết có người nào tốt như vậy, hữu ích như vậy, khiêm tốn như vậy. Ngài kể cho tôi nghe về đau khổ của ngài khi được gọi về Rôma điều hành bộ Tín Lý: “Điều làm cho tôi cay đắng nhất là phải kiểm soát công việc các đồng nghiệp của tôi, những người lo về thần học. Tôi thích làm giáo sư, ở với sinh viên. Khi được gọi về Rôma làm việc, tôi chấp nhận vì vâng lời, nhưng với tôi, đó là một đau khổ.”
Thật ra ngài đã đau khổ từ năm 1977 khi Đức Phaolô VI bổ nhiệm ngài làm tổng giám mục Munich và Freising, “một trong những nơi khó khăn nhất của người công giáo”. Ngài bất ngờ trước việc bổ nhiệm này. Ông Messori kể lại lời ngài tâm sự: “Đó là đau khổ đầu tiên, việc làm đầu tiên.” Sau đó ngài đã nghĩ sẽ rời chức vụ này nhưng Đức Gioan-Phaolô II đưa ngài về Rôma để chu toàn một công việc thậm chí còn nặng nề hơn. Nhưng ngài vâng lời đến cùng, ngài là người luôn chăm chỉ tuân theo những gì được yêu cầu. Một vâng lời đã làm cho ngài đau khổ, ông Messori kể: “Đã ba lần ngài xin Đức Gioan Phaolô II cho ngài từ chức. Ngài muốn về với sách vở, với trường đại học, với sinh viên. Thay vào đó, ngài lại làm giáo hoàng tháng 4 năm 2005.”
Và hình ảnh một người cứng nhắc, người kiểm duyệt và người kiểm soát không khoan nhượng với mọi tư tưởng tự do trong Giáo hội là hình ảnh nào? Ông Vittorio Messori nói: “Ngài mỉm cười khi bị buộc tội là người kiểm soát mọi thứ. Trên thực tế, ngài chưa bao giờ can thiệp thô bạo với bất cứ ai. Biết ngài, tôi tin chắc ngài đã lên thiên đàng thẳng. Tôi chắc chắn ngài đã lên thiên đàng nên tôi sẽ không cầu nguyện cho ngài, nhưng ngài cầu nguyện cho tôi. Từ hôm nay tôi sẽ thêm ngài vào danh sách các thánh để cầu nguyện, tôi xin ngài giúp tôi. Tôi không cần phải giúp ngài.”
Có điều gì thay đổi sau khi ngài từ nhiệm vào tháng 2 năm 2013 không? Ông Messoni cười trên đầu dây, ông nhớ lại kỷ niệm: “Có một giai đoạn mà tôi còn thích hơn. Khi ngài nghỉ hưu, tôi không muốn làm phiền ngài. Nhưng vào một ngày đẹp trời, sau khoảng một năm rưỡi, thư ký của ngài gọi cho tôi, nói ngài sẽ rất vui khi gặp lại tôi. Tất nhiên, ngày hôm sau tôi đi Rôma và tôi được ngài tiếp ngay lập tức, và ngài đã làm một điều hiếm thấy nơi ngài: ngài hôn nhẹ khi ôm tôi, tôi không nghĩ ngài thường làm như vậy. Sau đó, ngài kéo tôi ngồi xuống và nói: “Nghe này, tôi muốn gặp anh để nói chuyện với anh một chút, nhưng anh hãy quên anh là nhà báo.” Thực ra, tôi không hỏi ngài câu nào, nhưng ngài hỏi tôi rất nhiều: về những gì đang xảy ra trong Giáo hội, cảm nghĩ của tôi về tân giáo hoàng, v.v. Ngài chăm chú nghe. Cuối cùng, ngài không nói gì với tôi ngoại trừ một câu đơn giản ‘tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện’”.
Tính ưu việt của cầu nguyện chắc chắn là di sản quan trọng nhất mà ngài để lại cho chúng ta, nhưng còn có một số lượng lớn các bài viết và bài phát biểu phải được xem xét từng bài một vì tính thích đáng của chúng. Về quyển phỏng vấn “Báo cáo về Đức tin”, ông Vittorio Messori cho biết: “Thật ngạc nhiên khi đọc những câu ngài trả lời cách đây gần 40 năm, tôi thấy chúng vẫn còn phù hợp một cách đáng kinh ngạc.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Bênêđictô XVI qua lời kể của cận vệ Thụy Sĩ Grandjean: “Ngài là người dịu dàng nhất tôi từng gặp”