Đức Bênêđíctô XVI đau khổ rất nhiều về tình trạng Giáo hội hiện nay  

239

Đức Bênêđíctô XVI đau khổ rất nhiều về tình trạng Giáo hội hiện nay

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả Peter Seewald và giám mục thư ký riêng Georg Gänswein của Đức Bênêđíctô XVI bên cạnh ngài ngày 22 tháng 10-2022

Ông Peter Seewald, nhà viết tiểu sử Đức Bênêđíctô XVI cho biết, ngài đau khổ rất nhiều về tình trạng của Giáo hội hiện nay. Ông tham dự cuộc Hội thảo sinh nhật 95 của ngài.

religion.elconfidencialdigital.com, Marthe Santin, 2022-10-27

Ông Peter Seewald, nhà văn, nhà báo, người viết tiểu sử của Đức Bênêđíctô XVI nói trong trong buổi Hội thảo tổ chức nhân dịp sinh nhật lần thứ 95 của giáo hoàng danh dự: “Ngài là giáo hoàng sống lâu nhất. Tôi gặp ngài cách đây 15 ngày và tôi nghĩ ngài đau khổ nhiều trước tình trạng Giáo hội hiện nay. Ngài nói với tôi. Có lẽ Chúa cho tôi còn sống ở đây để làm chứng cho thế giới. Đức Bênêđíctô XVI cho rằng nếu Giáo hội không làm những gì phải làm, thì sẽ có hậu quả cho thời chúng ta đang sống. Ngài đau khổ rất nhiều và chúng ta sẽ thấy trong những năm tới, ngài sẽ đi vào lịch sử như thế nào, nhà văn là một trong những người hiểu Đức Bênêđíctô XVI nhiều nhất.

Hình ảnh của Đức Ratzinger, bị bóp méo

Trước những câu hỏi của người điều hành buổi hội thảo, ông José Francisco Serrano, cộng tác viên của trang Religión Confidencial nói đến những bất công lớn nhất mà Đức Ratzinger phải gánh chịu, ông Seewald nói xã hội xem ngài là người phản động, nhưng lại không nói lên nhân cách thực sự của ngài, ông tố cáo cách giới truyền thông bóp méo hình ảnh của Đức Ratzinger.

Theo nhà báo, người chưa phải là người hâm mộ Đức Ratzinger khi gặp ngài lần đầu, Đức Bênêđíctô là người chân chính, vì ngài nói những gì ngài nghĩ và làm những gì ngài nghĩ. Theo Đức Ratzinger, cải cách là để soi sáng đức tin trong thời điểm hiện tại và phải có can đảm là người không-hiện đại.

Ngài rất khiêm tốn

Tác giả Seewald nói: “Rất dễ dàng để nói chuyện với ngài. Ngài rất khiêm tốn và không phải là người dò xét. Bạn có thể chỉ trích ngài, nhưng những gì ngài nói là đáng nghe.”

Theo ông, điều ngạc nhiên là mọi phân tích của ngài về Giáo hội đều thành sự thật. Ngài nói: “Khi con người xa cách Chúa thì xã hội đau khổ.”

Ngay từ năm 1970, ngài tiên đoán tương lai của Giáo hội sẽ là một nhóm rất nhỏ nhưng có đức tin vững chắc. Ngài nói đúng về nhiều chuyện, nhưng không đúng về sức khỏe của ngài, khi được bầu chọn, ngài nghĩ trong vài năm Chúa sẽ gọi ngài về, và khi ngài từ nhiệm, ngài nghĩ Chúa sẽ cho ngài sống thêm vài tháng. Và bây giờ đã hơn 8 năm, ngài đã đạt kỷ lục mới.

Đức Phanxicô ca ngợi công trình thần học của Bênêđíctô XVI

Ông Peter Seewald trong buổi hội thảo về Đức Bênêđíctô XVI Buổi Hội thảo cũng là dịp để nhắc lại, dù có sự khác biệt rõ về phong cách, nhưng Đức Phanxicô không đối nghịch với Đức Bênêđíctô XVI. Đức ông Markus Graulich, Thứ trưởng Bộ Văn bản Lập pháp và Chủ tịch Hiệp hội Thần học Giáo hội, nhắc lại lời Đức Phanxicô: “Công trình thần học của Đức Bênêđíctô XVI đã xếp ngài trong số những thần học gia vĩ đại thừa kế Thánh Phêrô. Ngài thực sự là người của đức tin và của cầu nguyện, một người của hòa bình và của Thiên Chúa.”

Đức ông Markus nói tiếp: “Vì thế những người nghĩ họ phải lập luận một cách hệ thống chống lại thần học của Đức Bênêđíctô XVI thì họ đi ngoài lề tư tưởng của Đức Phanxicô.” Ngài ca ngợi công trình của Đức Bênêđíctô XVI về: phụng vụ, thăng tiến gia đình kitô, bảo vệ chân lý và sự hiệp nhất đức tin. Mọi công việc của ngài đều dẫn đến trọng tâm Tin Mừng, đến cuộc gặp với Chúa Kitô và sự thật, và sự thật giải thoát”.

Các khủng hoảng lạm dụng và quên Chúa

Linh mục giáo sư Carlos Granados, nhà xuất bản toàn bộ tác phẩm của Joseph Ratzinger / Benedict XVI cũng tham gia buổi Hội thảo. Linh mục khẳng định giáo huấn thần học của giáo hoàng danh dự trong suốt sứ vụ của ngài: “Thần học của Bênêđíctô XVI là nói về Chúa, nói đúng về Chúa.”

Về cuộc khủng hoảng lạm dụng, nỗi khổ lớn lao của Đức Bênêđíctô XVI, ngài đã tận dụng mọi phương tiện trong tay để hành động và ngài là người đưa ra thuật ngữ Không khoan nhượng, và ngài đã không được hiểu rõ, linh mục Granados kể lại, Đức Bênêđíctô XVI đã để lại một số ghi chú về việc này nhưng hiếm khi được dùng, ngài đưa ra các chìa khóa để thanh tẩy Giáo hội. Giáo hoàng giải thích khủng hoảng lạm dụng là quên Chúa.

Đó là cốt lõi của Đức Ratzinger. Thiên Chúa mà Đức Bênêđíctô XVI nói đến là một Thiên Chúa tạo dựng, trọng tâm thần học của ngài. Linh mục Granados nói: “Đó không phải là một Thiên Chúa đáp ứng với xã hội dân chủ, một Thiên Chúa thích ứng với những nhạy cảm của một thời đại nào đó, nhưng một Thiên Chúa luôn gặp con người.”

Thiên Chúa không phải là người không có tương quan

Theo linh mục, Thiên Chúa của Đức Bênêđíctô XVI có hai đặc điểm: “Chính Chúa là biểu tượng, là nguồn gốc hợp lý của mọi thực tại, là lý do sáng tạo. Và đặc điểm thứ hai phù hợp với đức tin kitô giáo để hiểu Chúa là tình yêu. Ngài không phải là một thực thể không có các mối quan hệ chung quanh, vì chính xác Ngài là Đấng Tạo dựng bao gồm tất cả, ngài là tương quan và tình yêu. Đức tin vào nhập thể và sự thương khó của Chúa là biểu hiện cao nhất của xác tín này.”

Về phần mình, giáo sư Fernando Palacios, giáo sư giáo luật tại Giáo hoàng Học viện Salamanca nói tầm nhìn của Đức Ratzinger về phụng vụ: “Phụng vụ có trước chúng ta, phụng vụ không theo ý muốn của Giáo hội. Giáo hoàng là người canh gác, bảo đảm truyền thống và vâng lời, chúng ta không thể làm gì chúng ta muốn.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch