Trở thành bác sĩ “công giáo”, một thiên chức sẽ sớm không còn thực hiện được?

233

Trở thành bác sĩ “công giáo”, một thiên chức sẽ sớm không còn thực hiện được?

fr.aleteia.org, Isabella H. de Carvalho, 2022-10-17

Khi các cuộc tranh luận về vấn đề phá thai và trợ tử gây xôn xao dư luận ở một số quốc gia trên thế giới, các sinh viên công giáo do dự một cách hợp pháp trước khi dấn thân vào ngành y.

Bác sĩ Thomas McGovern, chuyên khoa về tái tạo khuôn mặt ở Fort Wayne, Indiana, và bác sĩ Katherine Kondratuk, bác sĩ da liễu ở Danville, Pennsylvania dẫn đầu một nhóm có tên là Novus Medicus, chi nhánh của Hiệp hội Y khoa Công giáo Hoa Kỳ, khuyến khích các người công giáo trẻ theo đuổi sự nghiệp y khoa, bằng cách đồng hành với họ trên hành trình y khoa. Cả hai đều có mặt tại Rôma vào cuối tháng 9 tại Đại hội Thế giới lần thứ XXVI do Liên đoàn các Hiệp hội Bác sĩ Công giáo Quốc tế (FIAMC) tổ chức.

Trang Aleteia phỏng vấn hai bác sĩ về kinh nghiệm của các sinh viên y khoa ở Hoa Kỳ và cách họ giúp những bác sĩ tương lai này hòa hợp đức tin với nghề y.

Aleteia: Những thách thức mà sinh viên y khoa công giáo có thể phải đối diện ngày nay là gì?

Bác sĩ Thomas McGovern: Khi tôi nạp đơn vào trường y 38 năm trước, những người phỏng vấn tôi hiểu tôi theo đạo công giáo qua những hoạt động tôi ghi trong lý lịch. Một trong số họ, khi phỏng vấn đã sốc khi tôi nhắc đến những hoạt động này trong lý lịch của tôi – đó là năm 1984. Qua các ví dụ, ông đã cố gắng ước lượng mức độ chịu đựng của tôi khi đối diện với các tình huống cụ thể. Khi đó tôi đã gặp vấn đề và bây giờ tôi còn gặp nhiều hơn. Sinh viên y khoa công giáo bị loại trừ vì những gì họ sẽ không làm do đức tin của họ. Họ bị cho là bất hợp tác hoặc không có khả năng làm những gì tốt nhất cho bệnh nhân, mà chính xác đó là những gì chúng tôi muốn làm.

Bác sĩ Katherine Kondratuk: Tôi nghĩ có một hệ tư tưởng đã ăn sâu nơi những người phỏng vấn trong lĩnh vực y khoa, đến nỗi ngay lập tức họ phát hiện ra cái gì là “công giáo” nơi ứng viên. Họ nghĩ, và có lẽ đúng như vậy, rằng chúng tôi chưa sẵn sàng chấp nhận những điều nào đó. Ví dụ, trong trường y, chúng tôi phải học cách khuyên bệnh nhân về các phương pháp ngừa thai, nhưng khi bắt đầu hành nghề, chúng tôi lại không biên toa cho họ. Đối với nhiều tổ chức, điều này đặt ra một vấn đề. Người ta nghĩ rằng người công giáo không khoan dung và một số phản ứng gay gắt với chính ý tưởng họ có thể thực hiện. Thực tế đơn giản là chúng tôi khẳng định chúng tôi có tiếng nói trong vấn đề này đã tạo phản ứng gay gắt.

Vì sao quý vị nghĩ rằng điều quan trọng là phải nói chuyện với sinh viên y khoa ngày nay?

Thomas McGovern: Hiệp hội Y khoa Công giáo (AMC) được thành lập năm 1932, cách đây 90 năm. Hiệp hội chỉ bắt đầu đến với sinh viên năm 2010. Chúng tôi nhận ra nhiều trường y đang giảng dạy một hình thức triết học bệnh hoạn, trái ngược với những gì các bác sĩ đã bảo vệ trong suốt lịch sử. Hiệp hội đã quyết định phát động một chương trình đào tạo triết học và thiêng liêng hàng năm kể từ năm 2013, kéo dài một tuần để giúp sinh viên giải quyết các vấn đề mà họ có thể gặp trong trường y khoa. Chẳng hạn khi họ được cho biết họ phải biên toa các biện pháp tránh thai, có lợi cho việc phá thai hoặc an tử. Sáng kiến này sau đó đã tạo động lực và năm 2019, chúng tôi bắt đầu tiếp cận đến những người trẻ nhất, những sinh viên 18-22 tuổi chưa ghi tên vào trường y. Trên thực tế, có nhiều người nói một người không thể là người công giáo tốt, người bác sĩ giỏi, như thế là sai. Chúng tôi giúp xây dựng chiếc cầu nối giữa sinh viên chuẩn bị vào ngành y và những người đã có bằng cấp, cũng như với những người đang thực tập, để chứng tỏ điều này là có thể. Bằng cách này, các sinh viên trẻ có thể nhìn thấy một người đã “vượt lên thử thách” và thành công.

Gần đây Hoa Kỳ đã đảo ngược quyết định của Hiến pháp năm 1973 về Roe v. Wade, đã hợp pháp hóa việc phá thai ở cấp liên bang. Những thay đổi gần đây đã ảnh hưởng đến các sinh viên y khoa công giáo như thế nào?

 

Thomas McGovern: Ở Hoa Kỳ, có 50 tiểu bang khác nhau. Vì vậy, nó cũng tùy: nếu bạn là sinh viên y khoa công giáo ở các bang như New York hoặc California, những nơi rất tự do, thì điều đó có thể khó khăn hơn. Ngược lại, ở những bang đã cấm phá thai, các trường y sẽ không được phép dạy  nữa. Do đó, sẽ rất tốt khi xem nhận thức về phá thai ở các bang này trên chiều dài 5 hoặc 10 năm sẽ ra sao so với các bang tự do hơn.

Katherine Kondratuk: Ở các tiểu bang phò-lựa chọn, có thể có áp lực ngày càng tăng để đảm bảo sinh viên y khoa được dạy về phá thai. Tôi nghĩ cuộc đấu tranh sẽ ngày càng gay gắt, vì bây giờ nó đã ở cấp địa phương.

Làm thế nào để quý vị tiếp cận một cách cụ thể với các sinh viên công giáo?

Katherine Kondratuk: Chúng tôi có một số sáng kiến nhắm đến các cấp độ khác nhau: sinh viên chuẩn bị cho ngành y, sinh viên y khoa, bác sĩ trẻ đang được đào tạo và bác sĩ trẻ đang thực tập. Chúng tôi có chương trình đào tạo chuyên sâu, mà chúng tôi đã đề cập, đặc biệt nhắm vào sinh viên y khoa năm cuối. Ở cấp đại học, chúng tôi hiện diện mạnh ở SEEK, đây là một hội nghị lớn được Hội Ái hữu Sinh viên Công giáo Hoa Kỳ (Fellowship of Catholic University Students, FOCUS) tài trợ. Chúng tôi có kế hoạch mở rộng sang các cấp độ khác. Chúng tôi cũng tổ chức một khóa đào tạo đạo đức sinh học cuối tuần (MEDCON). Chúng tôi cũng có quan hệ đối tác với FOCUS, hiện có mặt tại hơn 165 trường đại học ở Hoa Kỳ, nơi chúng tôi tạo điều kiện cho sinh viên thực hiện khóa đào tạo chuẩn bị y tế theo Kinh thánh có thể dẫn họ vào vai trò thường huấn trong quá trình đào tạo y khoa của họ.

Thomas McGovern: Hiệp hội Y khoa Công giáo AMC cũng có các nhóm sinh viên tại 38 trường y.

 

Tôi phải dấn thân trọn vẹn con người tôi khi tôi vào phòng người bệnh, vì chính xác khi tôi mang đức tin công giáo của tôi vào gặp họ, tôi mới có thể nhận ra Chúa Kitô nơi họ và thực sự yêu mến họ.

 

Làm thế nào để quý vị dung hòa đức tin và nghề nghiệp trong đời sống hàng ngày?

Thomas McGovern: Khi tôi ở bên một bệnh nhân, tôi không có một rào cản nào cả, vì tôi cố gắng giúp họ có được hiệu quả cao nhất trong lĩnh vực mà tôi là chuyên gia.

Katherine Kondratuk: Khi học trường y, một trong những lớp học đạo đức sinh học đầu tiên, giáo sư nói với chúng tôi,  khi bạn là bác sĩ và bạn bước vào phòng người bệnh, bạn để lại những giá trị đạo đức bản thân bạn bên ngoài, bạn chữa trị bệnh nhân như họ mong muốn được điều trị. Theo quan điểm công giáo, tôi đã có một cái nhìn rất khác. May mắn thay, trước khi vào trường y, tôi đã tham gia khóa đào tạo tập trung kéo dài một tuần của Hiệp hội Y khoa Công giáo nên tôi biết những gì đang dạy là không đúng và tôi không bao giờ có thể làm được điều này. Tôi phải dấn thân toàn bộ con người tôi khi tôi bước chân vào phòng người bệnh vì chính xác bằng cách mang đức tin công giáo của tôi vào gặp họ, tôi mới có thể nhận ra Chúa Kitô nơi họ và thực sự yêu mến họ.

Khi làm việc ở phòng khám da liễu, tôi đã gặp một số bệnh nhân chuyển giới. Là người công giáo, về mặt đạo đức, chúng tôi không thể cung cấp một số dịch vụ nào đó và tôi đã giải thích điều này cho những bệnh nhân này. Tuy nhiên, tôi nghĩ đó là một cơ hội quý báu để gặp bệnh nhân này, lắng nghe câu chuyện của họ và ở đó với họ. Một số bệnh nhân chuyển giới đã cám ơn tôi và nói tôi khác với các bác sĩ khác họ đã gặp trước đây. Có điều gì đó quý giá khi mình đưa những gì mình có vào một cuộc gặp như thế này.

Lời khuyên lớn nhất của quý vị dành cho các sinh viên công giáo là gì?

Thomas McGovern: Tìm một người mà bạn có thể tin tưởng,  người đã làm được những gì bạn muốn trở thành và phát triển mối quan hệ nghề nghiệp với họ. Một người có thể lắng nghe bạn và khuyến khích bạn, nhưng cũng là người mà bạn có thể trao đổi ý kiến. Ngoài ra, hãy kết bạn với người cùng tuổi, những người đang trải qua những điều tương tự như bạn.

Katherine Kondratuk: Tôi sẽ nói với các sinh viên và những người đang học y: “Bạn có lý khi nói công việc này sẽ không dễ dàng, nó sẽ là một thử thách. Nhưng đó là thử thách mà bạn đã được gọi và bạn được tạo ra để làm.”

Thomas McGovern: Bạn có biết cái giá phải trả để thực sự quan tâm đến bệnh nhân của chúng ta cách đàng hoàng không? Cái giá phải trả cho việc yêu thương bệnh nhân của chúng ta, là người công giáo, là đau khổ của chính chúng ta. Nhưng đau khổ này là xứng đáng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch