60 năm Công đồng Vatican II Giáo hội tiếp tục cập nhật như thế nào

289
60 năm Công đồng Vatican II Giáo hội tiếp tục cập nhật như thế nào
 
Các Nghị phụ của Công đồng tập hợp tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma để khai mạc Công đồng, ngày 11 tháng 10 năm 1962 | © Keystone / PAP
cath.ch, I.Media, 2022-10-11
Ngày 11 tháng 10 năm 2022  đánh dấu kỷ niệm 60 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II. Linh mục Daniel Moulinet, giáo phận Moulins và là giáo sư Lịch sử tại Học viện Công giáo Lyon, giải thích cách Đức Piô XII đã đặt những dấu mốc đầu tiên cho cuộc cải tổ Giáo hội mà những người kế vị ngài đã cụ thể hóa.
Đức Phanxicô đặt mình là người trong gia đình Đức Gioan XXIII khi phong thánh cho ngài và ở trong đường lối cập nhật hóa Giáo hội, linh mục Moulinet trở lại với di sản của Công đồng Vatican II, nơi tiếp tục truyền bá tiến trình thượng hội
Linh mục Daniel Moulinet dạy tại Học viện Công giáo Lyon | © UCLY
Đức Phanxicô nói, một công đồng cần phải mất 100 năm để đồng hóa. 60 năm sau, Công đồng Vatican II đã được đồng hóa chưa? Những chủ đề nào còn cần đào sâu?
Linh mục Daniel Moulinet: Tôi tin công đồng đã được đồng hóa hoàn toàn về nhiều điểm: chẳng hạn ở cấp độ phụng vụ, việc tham dự tích cực và có ý thức của tín hữu đã được đa số người kitô hữu đồng hóa. Ngày nay vị trí của Sách Thánh là đã được làm. Chúng ta không còn quan niệm về cấu trúc một bí tích, cử hành thánh lễ mà không có Lời Chúa. Trong quá khứ, điều này không nhất thiết phải như vậy. Bây giờ, bí tích Thánh Thể được xem là một “tổng thể”, không còn phân biệt giữa cái người ta gọi là “trước thánh lễ” và thánh hiến. Lời Chúa đã thay thế.
Về mặt giáo hội học, nhiều khía cạnh đã được tích hợp tốt. Đặc biệt, chúng ta thấy khái niệm “Nhà xứ” (Presbyterium) xuất hiện xung quanh giám mục ở mỗi giáo phận, các linh mục ý thức về điều này hơn trước rất nhiều. Và luôn có những điều cần khám phá. Linh mục cần lắng nghe giáo dân nhiều hơn. Một số giáo sĩ vẫn miễn cưỡng, nhưng Chúa Thánh Thần cũng nói qua giáo dân, như Công đồng nhắc nhở chúng ta.
Những dấu hiệu tiền thân của Công đồng là gì. Chúng ta có thể nói Đức Piô XII cảm thấy cần phải thay đổi không?
Về cấp độ phụng vụ, Đức Piô XII đã mở đường cho những thay đổi quan trọng ngay từ thông điệp về Phụng vụ thánh Mediator Dei năm 1947 của ngài, năm 1943, ngài đã đưa vào thực hành một thông điệp khác, Giáo Hội Là Nhiệm Thể Chúa Kitô, Mystici Corporis Christi. Thách thức là nghĩ về Giáo hội như một thân thể và áp dụng khải niệm này vào phụng vụ. Do đó, mỗi tín hữu trở thành một chi thể của một thân thể: chúng ta không còn có thể nói linh mục cử hành Thánh lễ, và giáo dân chỉ tham dự, như trong rạp hát.
“Đức Piô XII đã chuyển mọi thứ về phía trước, và Đức Gioan XXIII đã khuếch đại phong trào do người tiền nhiệm của ngài khởi xướng”.
Đức Piô XII cũng đã cho phép xuất bản các từ điển có bản dịch sang tiếng địa phương, ví dụ các ấn bản song ngữ la-tinh-Pháp, từ những năm 1950. Ở một số quốc gia như Đức hoặc Trung Quốc, trước Công đồng Vatican II, Giáo hội đã có thể cử hành thánh lễ bằng tiếng địa phương. Điều này không xảy ra ở Pháp, nhưng đối với việc cử hành các bí tích, người ta có thể dùng ngôn ngữ nói, với điều kiện là công thức của bí tích phải được giữ bằng tiếng la-tinh.
Có vẻ như tất cả đều bắt đầu từ Công đồng Vatican II, nhưng điều đó không đúng, trước đó đã có rất nhiều thay đổi. Chúng ta có thể nghĩ đến việc Canh thức Phục sinh năm 1954. Nếu không có triều Đức Piô XII, Công đồng đã không có cùng một xuất phát điểm, nó đã bắt đầu xa hơn nhiều. Đức Piô XII đã chuyển mọi thứ về phía trước, và Đức Gioan XXIII đã mở rộng phong trào do người tiền nhiệm khởi xướng.
Những người theo chủ nghĩa truyền thống thường chỉ trích Công đồng Vatican II vì đã góp phần vào cuộc khủng hoảng bản sắc mà Công giáo trải qua từ những năm 1970. Nhưng ngược lại, chúng ta có thể nghĩ cuộc khủng hoảng này có thể còn bạo lực hơn nữa nếu không có Công đồng không?
Có thể vậy, vì cú sốc với hiện đại có thể còn trực diện hơn. Nhưng trên thực tế, mọi thứ đã chuyển động trong một thời gian dài. Năm 1965, kết luận của Công đồng có thể xem là bước tăng tốc, nhưng không phải là điểm khởi đầu.
Trên thực tế, có hai giai đoạn trong việc tiếp nhận Công đồng. Trong những năm 1965-68, chúng tôi không đặt ra cho mình quá nhiều câu hỏi, chúng tôi nghĩ rằng sự đồng hóa sẽ xảy ra một cách tự nhiên. Ví dụ, các nhóm Thanh sinh công đã làm việc rất nhiều trên Tóm lược Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes. Nhưng ứng dụng có thể hơi quá theo chủ nghĩa chức năng và đơn giản hóa.
Ngày 11 tháng 10 năm 1962, các Nghị phụ Công đồng vào Đền thờ Thánh Phêrô
Chẳng hạn chúng tôi thành lập hội đồng giáo xứ theo mô hình “dân chủ” đảm bảo các linh mục thuộc nhiều nhóm có thể có mặt trong cơ quan này: linh mục công nhân, linh mục giảng dạy, tuyên úy Thanh sinh công, v.v. Chúng tôi làm trong các giáo phận, nhưng mô hình này có lẽ quá tập trung vào việc thích nghi với cách hoạt động của xã hội, mà không đi sâu vào vấn đề. Chúng tôi bắt đầu với bề nổi, thiếu bám rễ thiêng liêng.
Trước những khó khăn và chia rẽ đánh dấu giai đoạn thứ hai của triều Đức Phaolô VI , ngài có cảm thấy thất bại khi đối diện với việc thực thi Công đồng Vatican II, hay ngược lại, ngài nhận thức được sự chậm chạp của tiến trình lịch sử này không?
Đức Phaolô VI, là một người rất nhạy cảm, ngài gánh chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng này của Giáo hội và phải chịu đựng nó. Nhưng một đảo ngược đã diễn ra từ Năm Thánh 1975. Việc tổ chức Năm Thánh này đã làm dấy lên hoài nghi của những người chủ trương một “mục vụ chôn vùi”. Tuy nhiên, sự thành công của Năm Thánh đã thay đổi tình hình. Những cuộc tụ họp lớn này nhắc lại tầm quan trọng của một tôn giáo phổ quát, khi sau Công đồng, một số giáo sĩ không đánh giá cao tầm quan trọng này, chỉ muốn đón nhận những tín hữu kitô “có ý thức”, với một đức tin trí tuệ và lý trí hơn. Việc phục hồi lòng mộ đạo bình dân là hoa trái quan trọng của Năm Thánh, và ngày nay, Đức Phanxicô thường nhấn mạnh tầm quan trọng của hình thức mộ đạo bình dân này.
Di sản quan trọng khác của Năm Thánh 1975 là việc công nhận Canh tân đặc sủng. Được hồng y Suenens, giám chức người Bỉ thúc đẩy, Đức Phaolô VI đã cho những người Canh tân đặc sủng này một chỗ đứng, xem họ như một nhân tố trẻ trung hóa Giáo hội, mang đến một động lực mới. Các giám mục Pháp thời đó, được Thanh sinh công đào tạo tỏ ra miễn cưỡng hơn, nhưng cuối cùng, vào những năm 1980, họ bắt đầu đối thoại với phong trào này, giúp phong trào tự cấu trúc, chấm dứt sự tồn tại của một số cộng đồng ít cấu trúc hơn.
Ngày nay, triều giáo hoàng lâu dài của Đức Gioan-Phaolô II là chủ đề của nhiều bài phê bình, một số cáo buộc ngài đã làm chậm lại Công đồng, vì đã đóng cửa một vài tiến triển nào đó. Nhưng điều này có làm cho ngài bị lên án ai sai không? Hay ngược lại, ngài dấn thân hết mình cho Công đồng trong giáo huấn của ngài?
Tôi nghĩ triều giáo hoàng của ngài hoàn toàn phù hợp với Công đồng, và chính ngài là một nhân tố quan trọng. Ví dụ, chương về thuyết vô thần trong Tóm lược Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes là công của ngài rất lớn. Với tư cách là giáo hoàng, ngài giữ quan điểm công đồng, về tự do tôn giáo, về đại kết, về đối thoại với các tôn giáo khác, khi đối diện với những người tranh chấp định hướng này.
Ở cấp độ giáo hội học, Đức Gioan-Phaolô II đã không đi lui, hoàn toàn ngược lại. Ngài đã chia sẻ trọn con đường công đồng này. Ngày nay, những lời chỉ trích chủ yếu liên quan đến những lệch lạc của Giáo triều vào cuối triều của ngài, vì sức khỏe kém đã không cho ngài thực thi trọn vẹn quyền của ngài. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra vào cuối triều giáo hoàng Piô XII. Nhưng sẽ rất đơn giản nếu chỉ nhắm đến những khó khăn này, vì về cơ bản, đó là một triều giáo hoàng vĩ đại.
Tiến trình Thượng Hội Đồng hiện nay có được xem như một cách truyền một làn gió công đồng mới vào đời sống của Giáo Hội không?
Vâng, tôi tin vậy, nhưng chúng ta vẫn phải khám phá ra phương thức vận hành của thượng hội đồng. Đây không phải đơn thần chỉ là một sự kiện, rồi sau đó ai về nhà đó. Tôi nghĩ tương lai của Giáo hội qua việc tông đồ của giáo dân, và từ đó là đào tạo đời sống thiêng liêng cho họ. Nếu chúng ta muốn mọi người tham gia vào đời sống Giáo hội, chúng ta phải xem việc đào tạo đời sống thiêng liêng là trải nghiệm cuộc gặp cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Nhờ có kinh nghiệm này, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, mọi người sẽ có thể tìm thấy sự nhạy bén để trở thành một phần của Giáo hội và đảm nhận cương vị của họ trong việc xây dựng Giáo hội. Giáo hoàng có lý khi ngài nói về “các môn đệ truyền giáo”, là môn đệ trước hết là… lắng nghe Chúa Giêsu Kitô, để chính mình được dạy dỗ. Phải làm cho lời nói mang một ý nghĩa..
Do đó, cần thiết cộng đoàn kitô hữu phải thực sự là một cộng đoàn huynh đệ, rằng chúng ta hỗ trợ cho nhau. Mỗi giáo xứ cũng phải đảm nhận chiều kích diakonia, phục vụ người nghèo, cũng quan trọng như phụng vụ và dâng lễ. Mối quan hệ với Chúa Giêsu Kitô và mối quan hệ huynh đệ trong cộng đoàn, tôi nghĩ đó là những điều kiện tiên quyết để đời sống đồng nghị thay đổi dần dần đời sống Giáo hội, và để nó được điều chỉnh theo những gì Chúa yêu cầu.
“Chúng ta vẫn còn phải khám phá ra phương thức hoạt động đồng nghị. Đây không phải là làm một sự kiện và sau đó ai về nhà đó.”
Cha có nghĩ rằng có thể triệu tập một Công đồng Vatican III không?
Việc triệu tập một Công đồng Vatican III ngày nay dường như là không thể. Tại Công đồng Vatican II, tất cả các giám mục đã được hình thành trong cùng một khuôn mẫu thần học Âu châu. và bây giờ thì không như vậy. Ngày nay, với quá trình toàn cầu hóa, châu Âu không còn là trung tâm của thế giới. Vì thế, có lẽ có các công đồng lục địa đưa ra một con đường Công đồng phi tập trung, với các văn bản ngắn được Rôma soạn, nhưng sau đó sẽ phải thích ứng và điều chỉnh tùy theo các lục địa và quốc gia.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: “Nếu không có Công đồng Vatican II, vụ nổ bung chúng ta chứng kiến ngày nay sẽ diễn ra sớm hơn và còn tệ hơn”