Cuộc phỏng vấn đặc biệt với thần học gia Massimo Faggioli: “Thượng hội đồng là bản cập nhật Vatican II cho thiên niên kỷ thứ ba”

162

Cuộc phỏng vấn đặc biệt với thần học gia Massimo Faggioli: “Thượng hội đồng là bản cập nhật Vatican II cho thiên niên kỷ thứ ba”

cathobel.be, Christophe Herinckx, 2023-11-30

Hôm nay Vatican II còn lại gì? Giáo sư Massimo Faggioli đã dành hết công sức của ông cho câu hỏi này. Trong số những khủng hoảng khác, có phải các vụ lạm dụng cho thấy những giới hạn của công đồng này 60 năm sau không? Theo nhà thần học Massimo Faggioli thì Vatican II có những nguồn lực cần thiết để đương đầu với tình trạng đa khủng hoảng của Giáo hội, nhờ một số cập nhật nhất định.

Massimo Faggioli là nhà sử học Giáo hội và giáo sư thần học tại Đại học Villanova, Hoa Kỳ. Tháng 10 vừa qua ông đã đến Bỉ để khai giảng khóa học thường niên của Tổ chức Francqui về chủ đề: Vatican II còn sót lại gì? Phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, khủng hoảng lạm dụng và truyền thống công giáo. Nhân dịp này, chúng tôi đã nói chuyện với giáo sư về cuộc khủng hoảng mà ngày nay Giáo hội công giáo phương Tây đang phải trải và theo giáo sư, khủng hoảng này mời chúng ta xem lại những gì Vatican II đã đạt được và Thượng Hội đồng về tính đồng nghị thể hiện bản cập nhật quan trọng của công đồng.

Điều gì đã làm cho ông nghiên cứu và giảng dạy lịch sử và thần học Giáo hội? 

Giáo sư Massimo Faggioli. Tôi là người Ý, gốc vùng Emilia-Romagna, thành phố Bologna. Khu vực này mang dấu ấn lịch sử của văn hóa công giáo, nhưng cũng có nền xã hội chủ nghĩa, cộng sản và bầu khí tự do, đôi khi phản giáo hội. Gia đình tôi theo đạo công giáo, nhưng tôi cũng có kinh nghiệm của một đạo công giáo qua sinh hoạt xã hội của hướng đạo. Vào cuối những năm 1980, tôi bắt đầu học tại Đại học Bologna. Ở phân khoa Khoa học Chính trị có một nhóm giáo sư lỗi lạc về lịch sử Giáo hội, lịch sử kitô giáo và lịch sử quan hệ Giáo hội-Nhà nước. Và vì thế tôi học các lớp học về lãnh vực chuyên môn này. Trong những năm đó, tôi phân định ơn gọi, để việc đào tạo trí tuệ được hòa nhập vào một hành trình rộng lớn hơn.

Sau đó tôi tiếp tục học ở Đức và có bằng tiến sĩ. Tôi cũng học một học kỳ ở Quebec, Canada và sau năm 2008, tôi qua Mỹ làm việc và  ở với vợ tôi là người Mỹ. Ở đây, công việc của tôi tập trung vào lịch sử Giáo hội, lịch sử kitô giáo, nhưng từ góc độ lịch sử toàn cầu.

Nghiên cứu của ông cũng tập trung vào “đa khủng hoảng” mà Giáo hội công giáo đang trải qua ở phương Tây. Ông phân tích cuộc khủng hoảng này như thế nào qua nhiều khía cạnh khác nhau?

Tôi nghĩ đó là cuộc khủng hoảng tăng trưởng, một cuộc khủng hoảng trong việc tiếp nhận và giải thích lại Công đồng Vatican II. Quá trình đào tạo và nghiên cứu của tôi được đánh dấu bằng một mô hình nhất định, theo đó những điều quan trọng nhất phải xảy ra sau Công đồng Vatican II đã xảy ra rồi, giờ đây chúng ta phải chờ  một sự phát triển lịch sử nào đó của mọi việc. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt đổ vỡ mang tính lịch sử. Ý thức của chúng ta về lịch sử cũng đã thay đổi. Chúng ta không còn tin vào một ý tưởng nào đó về sự tiến bộ, dân chủ, thị trường theo thời của những năm 90. Một hiện tượng tương tự đang xảy ra trong Giáo hội công giáo.

Tuy nhiên, cũng như chúng ta vẫn tin tưởng vào nền dân chủ, tôi nghĩ thần học của Công đồng Vatican II vẫn là nền tảng. Đó là hệ điều hành của Giáo hội trong thế giới đương đại. Mặt khác, chúng ta phải tránh xa mô hình lặp đi lặp lại một chủ nghĩa giáo điều nào đó của đạo công giáo tiến bộ tự do. Chúng ta gặp nó ở khắp mọi nơi, ở Tây Âu cũng như Đông Âu, vì những lý do khác nhau và ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta phải nghiêm túc xem xét điều mà Vatican II đã không làm hoặc không thể làm được. Về vấn đề lạm dụng tình dục, về vấn đề quyền lực.

60 năm sau khi kết thúc Vatican II, với triều Đức Phanxicô chúng ta đang ở một bước ngoặt lý thú, đó là sự thức tỉnh về một mù quáng nào đó liên quan đến tất cả những vấn đề này. Thời đại mà chúng ta có thể phớt lờ những vấn đề này đã qua rồi. Chúng tạo bất an ảnh hưởng đến người công giáo tự do và người công giáo bảo thủ một cách khác nhau. Chúng ta đang trải qua những thời điểm rất khó khăn ở cấp độ giáo hội và toàn cầu, nhưng đó cũng là một cơ hội.

Tại sao Công đồng Vatican II không đặt nặng vấn đề lạm dụng? Vấn đề đó đã không được đặt ra vào thời điểm đó sao?

Khi bắt đầu Công đồng Vatican II, một hoặc hai đề xuất từ một trường đại học giáo hoàng đề nghị giải quyết một cách rõ ràng vấn đề lạm dụng tình dục. Nhưng những đề xuất này trong số hàng trăm đề xuất khác đã không được giữ lại. Vào thời điểm đó, sự thiếu hiểu biết về các vấn đề tuổi trẻ và lạm dụng là một thực tế văn hóa; nó hoàn toàn nằm trong tầm ngắm. Một trong những khám phá gây sốc nhất với tôi là ở phương Tây, ở các nước chủ yếu theo công giáo, việc trừng phạt thân thể được chính thức cho phép ở các trường công cho đến giữa những năm 90. Nhận thức về phẩm giá của trẻ vị thành niên, phụ nữ và những người dễ bị tổn thương là mới gần đây. Chúng ta đã nghĩ những giá trị này đã phổ biến kể từ thời Khai sáng của thế kỷ 18, nhưng điều này không đúng, chúng có từ cuối thế kỷ 20. Và Giáo hội công giáo là một phần của nền văn hóa. Đây không phải là lời bào chữa nhưng là một sự thật lịch sử.

Dù thực tế văn hóa này không xa lắm, dư luận dường như chỉ nhắm vào Giáo hội công giáo để chỉ trích…

Giáo hội công giáo là đối tượng được dư luận đặc biệt quan tâm và đó là điều tốt. Tôi nghĩ, theo truyền thống của Giáo hội và Công đồng Vatican II vốn là một phần của Giáo hội, có những nguồn lực giúp Giáo hội có thể phản ứng trước các vụ bê bối lạm dụng. Không chỉ theo cách xin lỗi hay phòng thủ, mà với tư cách là một cộng đồng đức tin có thể nói điều gì đó liên quan đến mọi người về vấn đề này, và đặc biệt là với các tổ chức khác bị ảnh hưởng bởi những vụ bê bối này. Nhưng câu hỏi quan trọng nhất với chúng ta, trong tư cách là người công giáo, liệu chúng ta có còn tin tưởng một cách cơ bản vào tính nhân đạo của các thành viên Giáo hội, vào tính nhân đạo của các giám mục, các nhà thần học, của hàng giáo phẩm hay không. Nhưng cũng trong lòng nhân đạo của người anh em, vì, như chúng ta biết, lạm dụng không phải là độc quyền của giáo hội.

Chúng ta phải cực kỳ rõ ràng về nhu cầu công lý và sự thật, để khôi phục phẩm giá con người. Nhưng đồng thời, chúng ta không được biến quá khứ của Giáo hội thành một kỷ nguyên đặc biệt đen tối trong lịch sử nhân loại, vì điều này không chính xác về mặt lịch sử. Nhận thức này là một cơ chế tinh thần có thể hiểu được, vì với tư cách người công giáo và là một Giáo hội, chúng ta có một trách nhiệm đặc biệt với lịch sử của châu Âu, của phương Tây. Nhưng chúng ta đang ở trong một tiến trình lịch sử khám phá và phát triển phẩm giá con người, một tiến trình chung cho tất cả mọi người, và Giáo hội cũng tham gia vào tiến trình lịch sử này.

Chúng ta vẫn có thể tự hỏi tại sao, dưới ánh sáng Tin Mừng, Giáo hội lại không có tính tiên tri hơn trong các vấn đề về phẩm giá con người trong suốt lịch sử của mình. Lẽ ra Giáo hội không nên là hình mẫu cho xã hội chúng ta sao?

Ngay từ rất sớm trong Giáo hội phương Tây, xét về mặt chức năng, con đường tiên tri đã bị gạt sang một bên để ủng hộ cho quyền lực thứ bậc. Chọn lựa này tạo thành một thay đổi lớn. Hơn nữa, việc tiếp nhận Tin Mừng diễn ra dần dần trong Lịch sử. Điều này liên quan đến cả Giáo hội và phần còn lại của nhân loại. Không ai có thể cho rằng mình đạt đến “cấp độ” của Chúa Giêsu Kitô. Công việc truyền bá Tin Mừng của Giáo hội đi kèm với một quá trình tiếp thu sứ điệp. Sự kiện thần học quan trọng nhất trong thời đại công giáo hiện đại và Vatican II, đó là tái khám phá tính ưu việt, tính ưu tiên của Tin Mừng. Ngay cả khi điều này được thực hiện với cái giá phải trả là một quan niệm nhất định về sự tiếp nối truyền thống, và nó có những hàm ý rất phức tạp.

Xin ông cho một ví dụ cụ thể về sự tiến hóa của Vatican II so với truyền thống?

Việc tránh xa chủ nghĩa bài do thái là một điều gì đó mới mẻ trong lịch sử Công giáo. Chúng ta hiểu Tin Mừng đặt ra một câu hỏi: chúng ta nên trung thành dần dần với Tin Mừng, hay trong trung thành, trong tính liên tục với những cách làm hay suy nghĩ cũ, vì chúng ta không thể thay đổi chúng không? Câu hỏi này liên quan đến một bước ngoặt thực sự. Chính trong động lực này mà sau Công đồng Vatican II, chúng ta đã khám phá ra – hay đúng hơn: thế giới đã giới thiệu cho chúng ta – những vấn đề về phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Điều này đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng thể chế, nhưng về mặt thần học, đó là tiến bộ.

Ngày nay cực kỳ khó để nói, truyền thống thì quan trọng hơn Tin Mừng và đó là một thành công thần học. Phúc âm đưa ra một tiêu chuẩn rất cao, rất khắt khe, nhưng giờ đây chúng ta đã có một chiếc la bàn thực sự. Điều này không có nghĩa là trước Công đồng Vatican II, các tín hữu là người công giáo xấu, nhưng đã có sự khám phá về sức nặng của lịch sử. Chủ nghĩa thực dân và phân biệt chủng tộc là những giai đoạn bi thảm trong lịch sử nhân loại, lịch sử của khám phá, không chỉ về Thiên Chúa, mà còn về nhân loại chúng ta. Phân biệt chủng tộc là một hiện tượng phổ quát. Một lần nữa, đây không phải là một lời bào chữa, nhưng Giáo hội đang tham gia vào một tiến trình toàn cầu chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ 20.

Ngày nay Công đồng Vatican II có thể mang đến những thông điệp gì cho Giáo hội và thế giới?

Thông điệp, đó là Giáo hội và tín hữu kitô có trách nhiệm trở nên giống Chúa Giêsu, Đấng đến để phục vụ. Quan niệm của chúng ta về đức tin và Giáo hội đã bị đánh dấu quá lâu bởi những mô hình như Nhà nước, đế quốc, chủ nghĩa tập đoàn. Vatican II đã cho phép có một thay đổi căn bản khỏi những mô hình xã hội và cộng đồng không phù hợp nhất với Tin Mừng. Sau đó, có một ý tưởng mới, theo đó Giáo hội không độc quyền về Tin Mừng, về Thiên Chúa. Kitô giáo là con đường đặc biệt để gặp Thiên Chúa, và chúng ta cũng đã bắt đầu đối thoại với do thái giáo và các tôn giáo khác trên thế giới. Vatican II là trung tâm của quan niệm đối thoại về đức tin này – chứ không phải theo nghĩa độc quyền là cuộc đối thoại với văn hóa, với truyền thống của Giáo hội, với Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, đó là một cái gì đó luôn hiện diện, nhưng chiều hướng này đã được đưa ra ánh sáng nhiều hơn.

Việc Giáo hội mở ra theo chiều hướng toàn cầu đã thúc đẩy Giáo hội trở nên xác thực hơn, trung thực hơn, không còn ẩn mình sau một chế độ chính trị nào đó nữa. Dĩ nhiên Vatican II không phải là sự kiện quyết định cuối cùng, nhưng trong giai đoạn hiện tại của thế giới, tôi nghĩ mọi thần học, mọi hoạt động của Giáo hội đều phải dựa trên Vatican II. Một công đồng đã được phong phú và hoàn thiện vẫn cần phải như vậy. Nhưng tôi tin rằng việc quay trở lại thế kỷ 19 hoặc thời Trung cổ là không thể. Những kịch bản như vậy là những công trình xứng tầm vóc của Walt Disney…

Thượng hội đồng về tính đồng nghị có phù hợp với Vatican II hay đi xa hơn Vatican II? Sau Thượng hội đồng liệu có cần một công đồng  mới để quyết định một số vấn đề không?

Tôi nghĩ tiến trình đồng nghị phù hợp với Vatican II, và, như thần học gia Christoph Theobald đã nói gần đây, thượng hội đồng có lẽ là một công đồng mà không nói lên tên của nó. Tôi nghĩ Thượng hội đồng là cách tốt nhất để tiếp tục con đường đã được mở ra tại Vatican II. Tôi không nghĩ chúng ta đang ở thời điểm thảo luận lại về những gì đã được quyết định tại công đồng về phụng vụ hay mạc khải. Mặt khác, hiện nay có nhiều vấn đề về tổ chức nội bộ, và do đó liên quan đến giáo hội học (sự hiểu biết thần học về Giáo hội). Ở một mức độ quan trọng, Vatican II là một công đồng do các giám mục và dành cho các giám mục thành lập. Và công thức này không còn hoạt động nữa. Giáo Hội đã ý thức được những giới hạn của một chủ nghĩa giám mục nào đó. Không ai có thể nói liệu trong tương lai chúng ta có thấy một công đồng mới như Vatican II hay không. Giáo hội ngày nay quá rộng lớn, và tôi không biết liệu việc tổ chức một công đồng do các giám mục, những người độc thân, điều hành hoàn toàn có còn ý nghĩa hay không.

Quan điểm của ông về Thượng hội đồng vừa qua là gì?

Với tôi, đó là giây phút “không”, một khởi đầu cho thấy những dấu hiệu của năng lượng. Theo ý kiến của tôi, sẽ cần thêm thần học cho phần còn lại của quá trình. Nhưng trực giác rất tốt, công cụ vẫn ở đó, ngay cả khi phương pháp luận có thể được cải tiến. Với tôi, Thượng hội đồng này như bản cập nhật của Vatican II cho thiên niên kỷ thứ ba. Chúng ta phải có niềm tin cơ bản vào Giáo hội. Không phải ở những cơ chế xã hội-con người của mình, mà ở sự trợ giúp mà Giáo hội nhận được từ Chúa Thánh Thần. Và cả nơi anh chị em nhân loại của chúng ta là thành phần của Giáo Hội. Đó là một câu hỏi về đức tin. “Tin tưởng” và “đức tin” có cùng một gốc. Cuộc khủng hoảng đức tin hiện nay gắn liền với cuộc khủng hoảng nào đó về sự tin tưởng vào con người. Đây là câu hỏi quan trọng, dù họ là tín hữu của Giáo hội hay đã rời Giáo hội. Chúng ta phải sống với sự tin tưởng cơ bản ở mức tối thiểu, và tiến trình đồng nghị cũng đóng vai trò như một phép thử liên quan đến điều này. Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra tiếp theo, nhưng Thượng hội đồng là một cơ hội cho Giáo hội và cho ảnh hưởng của Tin Mừng trong thế giới, trong thế kỷ chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch