Không có thì giờ để gặp giáo hoàng Phanxicô, Trung quốc đã có giáo hoàng Tập cho riêng mình
diakonos.be, Sandro Magister, 2022-09-21
Sau khi hủy bỏ cuộc gặp đã lên kế hoạch ở Kazakhstan với thượng phụ Matxcơva, Đức Phanxicô cũng không gặp được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Nur-Sultan cũng ở tại Kazakhstan cùng ngày thứ tư 14 tháng 9 với ngài. Ngài tái khẳng định quyền tự do tôn giáo là “cơ bản và bất khả nhượng”, quyền này không chỉ là nội tâm hay văn hóa nhưng trên hết là “quyền của mỗi người được công khai làm chứng cho đức tin của mình” hoàn toàn ngược với những gì đang xảy ra ở Trung Quốc.
Như hãng tin Reuters tiết lộ, cuộc gặp với ông Tập đã được Vatican yêu cầu trước vài ngày, nhưng phía Trung Quốc trả lời, họ không có thời gian tổ chức. Trên chuyến bay từ Rôma đi Kazakhstan, Đức Phanxicô cho biết ngài không có tin tức gì thêm.
Nhưng sau đó, trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Kazakhstan về Rôma, Đức Phanxicô trả lời câu hỏi của bà Elise Anna Allen, nhà báo của trang “Crux”, bà nói phiên tòa cáo buộc hồng y Zen Zekiun đang mở ra ở Hồng Kông, liệu Đức Phanxicô có xem phiên tòa này “vi phạm tự do tôn giáo” hay không.
Bản thâu âm chính thức đáng xem lại toàn bộ, với những lắp bắp, thận trọng và kỳ lạ vì nó là chắt lọc hoàn hảo cách ngài tiếp cận với Trung quốc:
“Để hiểu về Trung Quốc thì cần phải một thế kỷ, và chúng ta không sống một thế kỷ. Não trạng người Trung Quốc là một não trạng phong phú, và khi nó bị bệnh, nó mất đi một phần phong phú và có khả năng phạm sai lầm. Để hiểu một cách đầy đủ, chúng tôi chọn đối thoại, cởi mở đối thoại. Có một ủy ban song phương giữa Vatican và Trung Quốc đang tiến hành tốt, chậm rãi vì tốc độ của Trung Quốc chậm, họ có cả một thời gian dài để đi tới: họ là một dân tộc có lòng kiên nhẫn vô hạn. Nhưng những kinh nghiệm mà tôi đã có trước đây – chúng ta hãy nghĩ đến các nhà truyền giáo người Ý đã đến đó, những người được kính trọng như những nhà khoa học, và ngày nay vẫn còn rất nhiều linh mục và giáo dân được trường đại học Trung Quốc mời, điều này làm nổi bật một nền văn hóa – thật không dễ dàng. Để hiểu được tâm lý của người Trung Quốc, phải tôn trọng họ, tôi luôn tôn trọng họ. Và ở đây, ở Vatican, có một ủy ban đối thoại hoạt động tốt. Hồng y Parolin là người chủ trì, ngài là người hiểu rõ và đối thoại với Trung Quốc. Đó là một cái gì đó chậm, nhưng chúng tôi đang tiến những bước nhỏ về phía trước. Tôi sẽ không gọi Trung Quốc là phi dân chủ, vì đó là một đất nước phức tạp, với nhịp điệu của họ… Đúng, có những thứ dường như không dân chủ với chúng ta, điều đó đúng. Tôi nghĩ hồng y Zen lớn tuổi sẽ bị xét xử trong vài ngày tới. Ngài nói những gì ngài nghe được, và chúng ta có thể thấy rõ có những hạn chế ở đó. Hơn cả việc đưa ra các thẩm định, vì nó khó, và tôi không cảm thấy có thể đưa ra các thẩm định, đó là những ấn tượng; thay vì đưa ra các thẩm định, tôi tìm cách đối thoại. Trong đối thoại, rất nhiều điều có thể được làm sáng tỏ và không chỉ liên quan đến Giáo hội, mà còn đến các lĩnh vực khác. Chẳng hạn trên quy mô Trung Quốc: thống đốc các bang đều khác nhau, có những văn hóa khác nhau bên trong Trung Quốc. Đó là một nước khổng lồ, hiểu được Trung Quốc là một cái gì đó khổng lồ. Chúng ta không nên mất kiên nhẫn, chúng ta cần kiên nhẫn, cần rất nhiều, nhưng chúng ta không được gây nguy cơ cho đối thoại. Tôi cố gắng tránh đưa ra các thẩm định, vì có, có thể, nhưng chúng ta tiếp tục đi tới.”
Trong bản “tóm tắt” suy nghĩ của Đức Phanxicô về Trung Quốc, chúng ta không thể không bị ấn tượng bởi thái độ lạnh lùng của ngài với hồng y Zen, người mà ngài ngầm cáo buộc là đã bất cẩn khi vượt qua những “giới hạn” mà lẽ ra ngài đã được khuyên nên im lặng.
Cũng không thể không ấn tượng bởi sự im lặng hoàn toàn với nhiều giám mục bị bắt, về những cuộc đàn áp tấn công người công giáo và về sự kiểm soát của một nhà nước bóp nghẹt toàn bộ cuộc sống của Giáo hội Trung Quốc.
Người ta chỉ có thể bị ấn tượng bởi việc ngài từ chối đánh giá Trung Quốc là “phi dân chủ”, đặc biệt là vài ngày sau khi Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc công bố báo cáo về sự đàn áp có hệ thống của Trung quốc trên người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương, biên giới sát với Kazakhstan.
Tất cả điều này đủ để làm nổi bật khoảng cách sâu thẳm giữa những bài phát biểu cao đẹp của ngài để bảo vệ quyền tự do tôn giáo ngày 14 tháng 9 tại Nur-Sultan trong Đại hội VII các nhà lãnh đạo các tôn giáo truyền thống và thế giới”, và sự xóa tội cho chế độ Trung Quốc, thêm nữa ngài lại tuyên bố “có những điều dường như không dân chủ đối với chúng tôi”, dù sao chung chung ngài không buộc tội.
Nhưng nhân danh gì để Đức Phanxicô cảm thấy phải đối xử với Trung quốc với thái độ hòa hoản không cân xứng như vậy? Ngài nói nhân danh “đối thoại”. Cụ thể là đang có thỏa hiệp “tạm thời và bí mật” được phê chuẩn giữa Vatican và Bắc Kinh tháng 10 năm 2018, gia hạn hai năm cho đến năm 2020 và hôm nay sắp được gia hạn lần thứ hai.
Theo những gì chúng ta có thể đoán, thỏa hiệp này giao cho nhà chức trách Trung Quốc quyền chọn lựa tất cả tân giám mục thông qua các cơ quan giáo hội dưới sự kiểm soát hoàn toàn của họ, với quyền hạn để Giáo hoàng chấp nhận hoặc từ chối ứng viên được đề cử mà cho đến nay kết quả chỉ là thất vọng.
Trong bốn năm, các bổ nhiệm theo thỏa thuận này chỉ có bốn giám mục, lần cuối là giám mục Thôi Khánh Kỳ (François Cui Qingqi) ở Vũ Hán cách đây một năm. Có nghĩa là trong tổng số 98 giáo phận trên khắp Trung Quốc, có 36 giáo phận hiện nay không có giám mục, số lượng giáo phận bị giảm, các ranh giới giáo phận bị chính quyền Bắc Kinh vẽ lại mà không có sự đồng ý của Tòa thánh.
Việc thương thuyết gia hạn thỏa hiệp diễn ra tại Thiên Tân từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, phái đoàn Vatican do tổng giám mục Claudio Maria Celli dẫn đầu. Nhân dịp này, các nhà chức trách Trung Quốc đã thuận để các thành viên phái đoàn đến thăm giám mục danh dự Melchior Thạch Hồng Trinh (Shi Hongzhen), ngài bị cho là giám mục “hầm trú” vì không được chính phủ công nhận, do ngài không gia nhập Giáo hội Yêu nước của người công giáo Trung Quốc, công cụ kiểm soát Giáo hội của đảng, ngài bị bắt và bị quản thúc nhiều lần vì lý do này.
Nhưng cuộc gặp gỡ cảm động với giám mục lớn tuổi này cho thấy việc bổ nhiệm các tân giám mục đã không có kết quả rõ ràng, nhân dịp này giám mục Thạch Hồng Trinh đã gởi tặng Đức Phanxicô cây thánh giá giám mục của ngài. Giám mục Shi Hongzhen năm nay 93 tuổi là giám mục “hầm trú” cuối cùng còn sống ở Thiên Tân sau khi giám mục Stéphane Li Side qua đời năm 2019. Tất cả chỉ vì linh mục Yang Wangwan trẻ hơn, người được Rôma muốn phong làm giám mục đứng đầu giáo phận Thiên Tân trước khi có thỏa hiệp năm 2018, đã không được chính quyền Trung Quốc chấp nhận. Và đến bây giờ vẫn chưa được. Linh mục không những không được phong làm giám mục, mà giáo phận Thiên Tân còn không để linh mục vào phái đoàn của họ đi dự cuộc Họp Quốc gia của những người công giáo được tổ chức vào tháng 8 tại Vũ Hán.
Việc bắt giữ Hồng y Zen làm suy yếu chế độ Bắc Kinh
Đại hội này, lần thứ mười trong chuỗi đại hội khai mạc từ năm 1957 vào thời cao điểm của Mao, là đại hội của các cơ quan chính thức của Hội Công giáo yêu nước Trung Quốc do đảng cộng sản kiểm soát. Vai trò của đại hội là ra lệnh và phân công các vị trí có trách nhiệm. 345 đại biểu của 28 đơn vị hành chính của cả nước tham dự.
Kết quả là, các bài phát biểu chính thức cũng như tên của các tân lãnh đạo cho thấy sự thống trị tuyệt đối của chế độ Trung Quốc trong guồng máy của Giáo hội, thông qua những người chịu sự chi phối của họ nhất.
Đứng đầu Giáo hội Yêu nước là tổng giám mục Bắc Kinh, Giuse Lý Sơn (Joseph Li Shan). Tân chủ tịch của Hội đồng Giám mục Trung Quốc – hội đồng giám mục bù nhìn không bao giờ được Rôma công nhận vì họ không bao gồm các giám mục “hầm trú” – là giám mục Giuse Thẩm Bân (Joseph Shen Bin), giáo phận Hải Môn, 52 tuổi, được cử làm báo cáo viên chính trong các cuộc họp. Ngoài “Ủy ban Giám sát của hai cơ quan tối cao” đã được thành lập, giám mục Vincent Shan Silu làm chủ tịch, một trong bảy giám mục được chế độ đơn phương bổ nhiệm vài năm trước, hậu quả là giám mục bị vạ tuyệt thông, sau đó được Đức Phanxicô ân xá năm 2018 khi thỏa thuận được ký kết, trái với mong muốn của Bắc Kinh.
Chủ tọa phiên họp khai mạc của Hội đồng ngày 18 tháng 8 là giám mục Joseph Guo Jincai, ở Thừa Đức, một trong số bảy giám mục khác bị vạ tuyệt thông và sau đó được ân xá. Nhưng sự hiện diện đáng xấu hổ nhất trong ba ngày họp là sự hiện diện của ông Cui Maohu, một đảng viên rất thân cận với Tập Cận Bình, và từ đầu năm nay ông giữ chức vụ Cục trưởng Cục Nhà nước về các vấn đề tôn giáo.
Tất cả ở bên lề của Đại hội thứ XX của đảng cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ họp ngày 16 tháng 10, được cho là để củng cố quyền lực bất di bất dịch của ông Tập, người giờ đây sẽ chỉ ngang hàng với chủ tịch Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình trên đỉnh cao của một Trung Quốc cộng sản.
Tập Cận Bình muốn viết lại Kinh Thánh để phù hợp với đường lối của Đảng cộng sản.
Trong giai đoạn cực đoan của chủ nghĩa chuyên chế và tham vọng bá quyền quốc tế, như thế chẳng có gì ngạc nhiên khi các cuộc thương thuyết với Tòa thánh là không đáng kể với Bắc Kinh. Không đáng kể đến mức trong suốt ba ngày họp ở Vũ Hán kéo dài, cả ông Thôi Mậu Hổ (Cui Maohu), người của Tập Cận Bình, cũng như tân giám mục Shen Bin, trong bản tường trình chi tiết về đời sống Hội Công giáo yêu nước Trung Quốc – được đăng đầy đủ trên trang web chính thức chinacatholic.cn – đã không nói một lời nào đến thỏa thuận năm 2018 với Vatican.
Thậm chí không một lần nêu tên giáo hoàng Phanxicô trong những trang và những trang bất tận tôn vinh xưa rích người lãnh đạo duy vật và duy linh duy nhất của đất nước và Giáo hội công giáo Trung Quốc, ông Tập.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Tôn giáo đơn thuần chỉ là món đồ chơi cho các đồng chí Trung quốc