Chủng viện Nigeria đào tạo các linh mục cho toàn cầu

104

Chủng viện Nigeria đào tạo các linh mục cho toàn cầu

belgicatho.be, linh mục Justine John Dyikuk, 2022-09-14

“Đoàn kết của sự đơn giản” – Giám đốc chủng viện Nigeria đào tạo linh mục cho toàn cầu. Làm thế nào một giám đốc chủng viện ở một vùng bạo lực ở Nigeria lại nhắm đến việc đào tạo các linh mục truyền giáo.

Các chủng sinh cầu nguyện trong nhà nguyện tại đại chủng viện Thánh Augutinô của Jos, Nigeria trong ngày kỷ niệm Năm Thánh ngày 4 tháng 5 năm 2017. Nguồn: AED / ACN

Linh mục Mark Nzukwein là giám đốc đại chủng viện Thánh Augutinô ở Jos, Nigeria, khu vực phía bắc Nigeria, gần với tâm chấn Boko Haram và các hoạt động khác của các chiến binh hồi giáo. Chủng viện Âugutinô là chủng viện lâu đời nhất ở miền bắc Nigeria. Chủng viện có 356 chủng sinh, 19 nhà đào tạo thường trú, 2 nhà đào tạo toàn thời gian nhưng không thường trú, 21 nhân viên có học vị bán thời gian, và 48 nhân viên hành chính và không học vị.

Bài phỏng vấn của linh mục Nigeria Justine John Dyikuk

Các chủng sinh đến từ các giáo phận và học viện tôn giáo trên khắp Nigeria. Trong một phỏng vấn độc quyền với trang The Pillar, linh mục Nzukwein nói về việc đào tạo chủng viện theo đường hướng truyền giáo và cố gắng của chủng viện để tồn tại trong môi trường thù nghịch và đôi khi là bạo lực.

Linh mục Nigeria Justine John Dyikuk: Thưa cha, cha đánh giá như thế nào về tình trạng ơn gọi linh mục ở Nigeria và châu Phi, nơi mà Đức Bênêđictô XVI mô tả là “lá phổi thiêng liêng bao la” trong Giáo hội?

Linh mục Mark Nzukwein: Đầu tiên tôi xin chân thành cám ơn quý báo đã cho tôi cơ hội hiếm hoi được trả lời cuộc phỏng vấn này.

Đúng là tin vui khi ở thế kỷ 21 hứa hẹn nhiều cho sự phát triển đức tin kitô giáo ở châu Phi nói chung và Nigeria nói riêng, bất chấp vô số thách thức mà lục địa này phải đối diện. Điều này thể hiện rõ qua ơn gọi linh mục và đời sống tu trì ngày càng tăng, hay cái mà chúng ta thường gọi là “bùng phát ơn gọi” trong bối cảnh của chúng tôi.

Đúng là mùa thu hoạch ơn gọi rất quan trọng trong các giáo phận và học viện tôn giáo của Nigeria. Nhưng thật đáng buồn, dù số lượng ghi tên vào chủng viện mỗi năm mỗi tăng, ngọn lửa ơn gọi vẫn tiếp tục bùng cháy trong tâm hồn nhiều người trẻ, nhưng các giáo phận và học viện dòng tu truyền thống lại không đáp ứng được tất cả nhu cầu, thiếu nơi chốn, thiếu nguồn lực để có thể đào tạo.

Việc một tầng lớp người trẻ hăng hái phục vụ Chúa qua chức vụ linh mục và đời sống tu trì mang lại hy vọng lớn lao cho tương lai của Giáo Hội, không chỉ ở châu Phi và Nigeria, mà còn trên toàn thế giới. Phải lưu ý, bối cảnh đức tin thường được xây dựng xung quanh các bí tích và sứ vụ mục vụ của Giáo Hội. Nhưng điều này không thể thực hiện nếu không có các linh mục được đào tạo và chuẩn bị để dẫn dắt trên tiến trình này.

Có những ám chỉ những người trẻ ở Nigeria đang tràn ngập các chủng viện vì nghèo đói và thất nghiệp. Cha có chia sẻ quan điểm này không? Liệu việc bùng phát ơn gọi ở Nigeria có giảm đi nếu tình hình kinh tế của đất nước được cải thiện không?

Thật quá đơn giản để cho rằng bối cảnh bùng phát ơn gọi ở châu Phi ngày nay là do nghèo đói và thất nghiệp mà không khách quan xét đến các yếu tố thúc đẩy khác.

Trên thực tế, Đức Bênêđíctô XVI đã không lầm khi gọi Giáo hội ở châu Phi là lá phổi thiêng liêng của Giáo hội hoàn vũ, dĩ nhiên là dựa vào kiến thức của ngài về bản chất tôn giáo sâu đậm của người Châu Phi.

Xét về lịch sử thuộc địa và tân thuộc địa lâu dài của châu Phi, đây là lục địa đã phải chịu quá nhiều bất công và nhục nhã, một lục địa đã bị đóng đinh khắc nghiệt, bị phân loại là “thế giới thứ ba”, những người sống sót, do khuynh hướng tôn giáo mạnh mẽ và đức tin của người dân vào sự quan phòng của Chúa.

Còn vấn đề ơn gọi, cho dù bạn là người châu Phi hay không, thì thực tế vẫn là một một cái gì đó đóng vai trò động lực cho ơn gọi. Dù nghèo đói hay thất nghiệp đều thúc đẩy chúng ta trông cậy vào Chúa và hiến đời sống mình để phục vụ Ngài, thì hãy cứ làm như vậy. Dù nghèo đói thường do cơ cấu bất công đặc trưng của xã hội ở mọi cấp độ, nhưng trớ trêu thay, nghèo đói cũng là một giá trị của vương quốc.

Hơn nữa, nếu người châu Phi xem trọng cuộc sống gia đình và con cái là phần di sản quý giá của họ, nhưng người trẻ lại có bước táo bạo, sẵn sàng hy sinh các giá trị quý báu này cho nước Chúa và sứ mệnh của Giáo hội, vì thế sẽ không công bằng và thiếu bác ái nếu đơn thuần gắn đức tin tự phát và ơn gọi của họ vào chỉ một yếu tố xã hội là nghèo đói và thất nghiệp, chuyện này sẽ tùy từng trường hợp.

Dù sao, nếu nghèo đói và thất nghiệp là yếu tố làm gia tăng ơn gọi ở châu Phi ngày nay, thì điều đó cũng không đúng khi nền kinh tế châu Phi được cải thiện và người trẻ bắt đầu sống tốt hơn, khi làm như vậy để khám phá ra sự hư vô của của cải, họ sẽ không muốn thêm một lần nữa, dâng hiến đời mình để phục vụ Chúa, Đấng là nguồn gốc cùng đích cho sự phong phú của họ, cho nền tảng tôn giáo sâu đậm của họ, đúng không?

Đâu là quan hệ giữa các nhà đào tạo và người được đào tạo ở chủng viện Thánh Augutinô? Nhân viên có đủ để đào tạo người trẻ không?

Những người đào tạo tại đại chủng viện Thánh Augutinô ở Jos có mối quan hệ thân tình với những người được đào tạo mà họ xem là bạn đồng hành, những anh em trẻ của họ cùng đi trên một con đường chung với họ.

Nhìn chung, các nhà đào tạo cố gắng tạo môi trường huynh đệ thuận lợi để tự do lương tâm có thể phát triển.

Họ thường tương tác với các chủng sinh như hình ảnh người cha, cố gắng đồng hành trong quá trình đào tạo để đạt được một trưởng thành cân bằng về nhân bản, tâm linh, trí tuệ và mục vụ. Dần dần, các nhà đào tạo đặt cho các chủng sinh những câu hỏi nhằm thách thức động cơ thúc đẩy họ chấp nhận lối sống linh mục và khơi gợi lòng khao khát của họ với các giá trị cao hơn của kitô giáo, của chức thánh hoặc của tôn giáo.

Họ cố gắng tránh nguyên tắc làm cảnh sát với chủng sinh hoặc buộc chủng sinh làm những điều trái ý; đúng hơn, họ cố gắng nuôi dưỡng ý nghĩa của tự do; để chủng sinh thấy mình phải chịu trách nhiệm trước ơn gọi, khi phải cố gắng đáp ứng những đòi hỏi đa dạng của việc đào tạo trong các chiều kích nhân bản, thiêng liêng, trí tuệ và mục vụ toàn diện của nó.

Hầu như tất cả những người đào tạo ở đại chủng viện Thánh Augutinô ở Jos đều là cựu học sinh của học viện cao quý này. Tất cả đều qua chủng viện này với tư cách là chủng sinh, vì vậy họ có một số ý tưởng về những gì cần thiết trong việc đào tạo.

Ngoài ra, họ còn tiếp tục học hậu đại học về giáo hội và các khóa đào tạo khác chuẩn bị đầy đủ cho nhiệm vụ giáo hội nặng nhọc nhưng ơn ích này. Họ có một hiểu biết kiên cố trong lãnh vực của họ.

Ngoài ra, việc hình thành là một quá trình liên tục, ban điều hành chủng viện thỉnh thoảng gởi một số nhà lãnh đạo đến Rôma, đến Học viện công giáo Tây Phi ở Port Harcourt và đến Đại học công giáo Đông Phi để bổ túc kỹ năng lãnh đạo trong vai trò đào tạo.

Phương Tây bị cản trở vì các vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của một số thành viên trong hàng giáo sĩ. Cha đánh giá thế nào về tình hình ở Nigeria? Chủng viện đề cập đến vấn đề này như thế nào?

Hiện tượng lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên ở thế giới phương Tây là một trong những giai đoạn đáng buồn trong lịch sử Giáo hội, và đã làm hoen ố hình ảnh chức tư tế. Việc này thu hút sự chú ý của giới truyền thông trên toàn thế giới.

Không thể nói không có dấu vết của xu hướng tiêu cực này ở Nigeria. Linh mục Nigeria cũng là con người, chúng ta không thể nói họ được miễn nhiễm với hành vi tiêu cực này.

Và với những gì đang xảy ra ở phương Tây – nơi các linh mục đánh mất ơn gọi quý giá chức tư tế của họ vì tội ác tày trời này -, mỗi linh mục Nigeria phải cảnh giác chống lại hành vi lạm dụng, trái ngược với phẩm giá và sự toàn vẹn ơn gọi linh mục.

Đã có một cải tiến lớn trong quá trình đào tạo linh mục ở Nigeria trong lãnh vực tình dục và trong môi trường đạo đức xã hội.

Trong thập kỷ qua, các nhà đào tạo đã chú ý đến lãnh vực tâm lý nhằm củng cố đào tạo nhân bản, các vấn đề tâm lý và sức khỏe tâm thần, thúc đẩy sự trưởng thành về mặt cảm xúc của các ứng viên, đặc biệt là trong lĩnh vực tính dục con người.

Các khóa học về tình dục và phát triển con người được khuyến khích trong các chương trình học, cũng như trong các hội thảo và thực tập về chủ đề này. Ngay cả ở cấp ủy ban chủng viện quốc gia Nigeria, năm 2017 một hội thảo đã được tổ chức về việc đào tạo nhân bản cho chức vụ linh mục, nêu bật các khía cạnh khác nhau của chức vụ linh mục, cũng như việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và người trưởng thành dễ bị tổn thương, chú trọng chăm sóc các nạn nhân và thủ phạm.

Gần đây, một linh mục Nigeria dòng Âugutinô đảm trách việc nghiên cứu về vấn đề đào tạo con người trong một bộ.

Cũng nhờ kiến thức có được trong quá trình này, linh mục đã có thể đi từ chủng viện này đến chủng viện khác, điều khiển các khóa hội thảo về ứng xử chuyên nghiệp trong sứ vụ, phòng ngừa và làm lưu tâm cho những người được đào tạo về tác động tiêu cực của việc lạm dụng có thể thấy trong các nhà đào tạo, các thể chế hoặc các giáo xứ, tùy từng trường hợp.

Chủng viện mà cha là giám đốc đã đào tạo các linh mục hiện nay chúng tôi thấy ở khắp châu Âu, châu Mỹ và châu Á phục vụ các giáo xứ. Vì đây là nơi đào tạo các linh mục giáo phận, nên có một yếu tố đào tạo nào chuẩn bị cho các chủng sinh để làm việc như các linh mục truyền giáo trên khắp thế giới không?

Chủng viện chúng tôi đào tạo hàng chục linh mục và giám mục phục vụ Giáo hội cả trong nước và trên thế giới.

Trong vinh quang Chúa, chủng viện chúng tôi cũng đã khai sinh hai đại chủng viện chính thức khác ở phía bắc: Tôma Aquinô ở Makurdi, Bang Benue, và đại chủng viện Mục tử Nhân lành ở Kaduna, Bang Kaduna.

Lý tưởng là mỗi chủng viện được thành lập như vườn ươm ơn gọi để nuôi dưỡng và chuẩn bị các linh mục tương lai cho sứ vụ phổ quát của Giáo hội. Đó là lý do vì sao chương trình chúng tôi gồm các khóa học như sứ vụ học, nghiên cứu về hòa bình, về giao tiếp giữa các nền văn hóa để chuẩn bị cho các chủng sinh trong việc truyền giáo phổ quát trong lãnh vực mục vụ của họ. Có được đào tạo truyền giáo này nên nhiều cựu chủng sinh chúng tôi dù ở bất cứ đâu trên thế giới, họ đều xuất sắc trong các hoạt động mục vụ khác nhau ở bất cứ đâu, châu Mỹ, châu Âu hay châu Á.

Trong vinh quang Chúa, chúng tôi thường nhận các tin tức tích cực về kỹ năng của các cựu chủng sinh, và đó là niềm khuyến khích to lớn của chúng tôi; với đà phát triển này, chúng tôi cố gắng hơn nữa để đào tạo công việc truyền giáo cho chủng sinh, những nhà truyền giáo tương lai của Giáo Hội.

Đối diện với cám dỗ của chủ nghĩa thế tục, của chủ nghĩa hiện đại với những tác động đồng thời của chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa tiêu dùng, các chủng sinh đã chuẩn bị như thế nào để đối diện với những thách thức này?

Thế giới ngày nay có xu hướng xây dựng giá trị của mình xung quanh những chuyện phù du của thế giới này, những chuyện không có giá trị bền vững. Chúa dần dần bị xếp xuống hàng thứ yếu trong các vấn đề của con người.

Kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp ra đời, dẫn đến sự cải tiến các phương tiện công nghệ, con người thường bị cám dỗ nghĩ mình có thể làm mà không cần Chúa. Vì đã phát triển một số khả năng để cải thiện tài sản của mình thông qua tiến bộ công nghệ, họ nghĩ có thể làm được mà không cần Chúa.

Giữa những thách thức này, việc đào tạo ở chủng viện nhằm chuẩn bị cho các chủng sinh đón nhận cuộc sống khó nghèo và giản dị như những giá trị tối cao của phúc âm.

Hơn nữa, vì những người mà một ngày nào đó các chủng sinh sẽ chăm sóc hầu hết là người nghèo, họ được dạy để có tình liên đới với những người này qua lối sống giản dị và khiêm tốn của họ, chừng mực khi chọn quần áo, hiệu xe họ sẽ dùng sau khi chịu chức, điện thoại hoặc các đồ dùng khác.

Mong ước các linh mục tương lai sẽ mẫu mực qua đời sống của họ, dựa trên Chúa Kitô, Đấng đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhân loại như Tin Mừng đã nói. Làm thế nào để việc đào tạo ở chủng viện giúp chủng sinh chống lại chủ nghĩa giáo quyền và lạm dụng quyền lực khi họ dấn thân vào sứ vụ trọn thời gian?

Chủ nghĩa giáo quyền và lạm dụng quyền lực hoàn toàn đi ngược với căn tính linh mục, người được gọi qua việc truyền chức để đại diện Chúa Kitô, người Mục tử nhân lành, người chủ chăn  tối cao.

Đó là lý do vì sao việc đào tạo ở chủng viện được cấu trúc theo cách để chuẩn bị cho chủng sinh lớn lên và trưởng thành dần dần và tiến bộ để có những đức tính, đặc điểm và kỹ năng đủ tiêu chuẩn để họ trở thành mục tử đích thực của linh hồn.

Về cơ bản, sự đào tạo toàn diện chuẩn bị cho họ trở thành người lãnh đạo phục vụ, có thể đến với dân Chúa trong tư cách là người cha, người bạn, người đồng hành trên con đường đức tin chung hướng tới một đích chung.

Dần dần họ đi từ giai đoạn này qua giai đoạn khác trong quá trình đào tạo, họ được dạy, được huấn luyện để vượt lên cái tôi, để có thể trưởng thành trong tự do nội tâm, phát triển năng lực của họ với cuộc sống cộng đồng và trưởng thành trong khả năng vị tha, vừa trong định hướng và trong cách tiếp cận mục vụ của họ với người khác.

Các giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình đào tạo là giai đoạn thần học và mục vụ, khi các chủng sinh đã có kinh nghiệm tình bằng hữu với Chúa Kitô ở giai đoạn môn đệ khi họ học triết học, giờ đây dần dần được hình thành để trở thành những mục tử đích thực. Ở giai đoạn này, họ dần dần được giúp để định hình một tâm thức theo Chúa Kitô để tiếp cận với sứ vụ.

Và cũng ở giai đoạn này, họ được giúp để vượt lên mọi hình thức tự cho mình ở trên cao trong quan hệ của họ với giáo dân.  Họ cũng học để hiểu mối liên hệ phức tạp giữa chức tư tế chung và chức tư tế thừa tác, là tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô, điều này luôn đòi hỏi tinh thần cộng tác giữa giáo sĩ và giáo dân.

Thật vậy, thừa tác vụ linh mục luôn cắm rễ trong thừa tác vụ chung của Giáo Hội, trong đó giáo dân là người có thiện tâm. Như thế linh mục không chỉ là người quản lý các mầu nhiệm thiêng liêng, mà còn là thừa tác viên, người thuộc hàng ngũ tư tế.

Công nghệ đang thay đổi nhiều thứ cho linh mục và thừa tác vụ tư tế ở khắp mọi nơi. Làm thế nào chủng viện của cha chuẩn bị cho các chủng sinh đến với giáo dân qua phương tiện truyền thông xã hội hoặc dùng nó một cách hiệu quả?

Đúng là các linh mục với căn tính trong Chúa Kitô của họ, được gọi là thánh, là học giả, là người cao quý.

Tuy nhiên, linh mục của thế kỷ 21 thấy mình ở trong một xã hội hậu hiện đại đang thay đổi nhanh chóng, đáng kể qua không gian truyền thông quy ước và kỹ thuật số. Những gì chúng ta đang trải qua là một cách mạng to lớn trong thế giới truyền thông chưa từng có trước đây, tiềm ẩn một khả năng của điều tốt đẹp, xấu xa và xấu xí.

Đúng là không gian truyền thông quy ước và kỹ thuật số đặt nhiều lo ngại về đạo đức, nhưng thực tế đó vẫn là một trong những công cụ tuyệt vời nhất để phổ biến kiến thức, giá trị và ý tưởng, có thể phục vụ lợi ích chung của gia đình nhân loại. Nếu được sử dụng một cách kín đáo, thận trọng và có tinh thần trách nhiệm cao, phương tiện này đóng góp rất lớn vào việc truyền bá phúc âm.

Chung chung các khóa truyền thông của chủng viện tập trung vào cả hai hình thức truyền thông quy ước và kỹ thuật số vì chúng vẫn phù hợp và hấp dẫn với nhiều đối tượng khác nhau. Thế hệ những người lớn tuổi của cộng đồng phần lớn phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông quy ước, còn thế hệ trẻ, sinh ra đã ở trong kỹ thuật số thì tìm bạn đồng hành trên các mạng xã hội.

Giữ trong đầu các đối tượng mục tiêu này, các chủng sinh sẽ thảo luận về một đức tin được nâng đỡ trong các cộng đồng, chúng tôi đào tạo họ làm báo giấy để giúp họ quản lý các ấn phẩm trong giáo phận, trong giáo xứ, cũng như dạy viết bài viết cho đài phát thanh, đài truyền hình để họ có thể là nhà sản xuất các nội dung phát sóng.

Các chủng sinh học kỹ thuật phát sóng vì họ phải biết sản xuất và trình bày các chương trình mục vụ cho đài phát thanh, đài truyền hình. Họ học cách quan hệ với công chúng, cách quản trị, cách bảo vệ danh tiếng, vì một số người sẽ có thể là phát ngôn viên của giáo phận, của dòng tu của họ. Họ cũng được học cách viết thông cáo báo chí, thuyết trình tại các cuộc họp báo, và các công việc truyền thông chiến lược khác.

Quần chúng kỹ thuật số của các linh mục thường là những người hiểu biết, tò mò và am hiểu công nghệ. Trường hợp đại dịch Covid vẫn còn để lại tác động, ở nhiều quốc gia, số lượng người đi lễ giảm hẳn, nhiều người quay qua các kênh kỹ thuật số, Facebook, YouTube, Twitter, Instagram để học hỏi về đời sống thiêng liêng.

Các chủng sinh được đào tạo để có thể viết các bài quảng bá Tin Mừng trên các nền tảng này. Họ được đào tạo về quản lý và an toàn trực tuyến, cách tham gia một cách kín đáo vào không gian truyền thông kỹ thuật số. Họ học cách phát trực tiếp thánh lễ, bài giảng hoặc các bài báo về đức tin, tổ chức và quản lý các dấn than trên mạng. Họ học các kỹ năng giao tiếp chiến lược để đối phó với thông tin sai lệch, hoặc những lệch lạc về giáo lý công giáo.

Việc đào tạo chủng sinh nhằm mục đích trang bị cho họ kiến thức, kỹ năng, công cụ và tăng cường năng lực trên phương tiện truyền thông nói, truyền thông viết, những lãnh vực họ sẽ cần khi là linh mục thời kỹ thuật số. Các đào tạo chính về vấn đề này là: an toàn trực tuyến, tin tức giả mạo, tin tặc, bắt nạt và lừa đảo qua mạng, quyền riêng tư trên mạng xã hội, đánh cắp danh tính, trầm cảm và các tác động tâm lý của việc dùng mạng xã hội.

Gần đây chúng tôi biết về một đề xuất của Rôma về việc thành lập một học viện bên trong chủng viện, cho phép giáo dân theo học thần học, triết học và khoa học nhân văn cùng với các chủng sinh. Cha có thể giải thích thêm về đề xuất này không? Nó sẽ như thế nào với các chủng sinh, giáo sư và toàn thể cộng đồng chủng viện?

Ý tưởng của viện này dựa trên tông hiến Niềm vui Chân lý Veritatis gaudium của Đức Phanxicô. Qua tông hiến này, ngài dự định thực hiện một số cải cách trong lĩnh vực đào tạo ở chủng viện, nhằm thỏa mãn nhu cầu vừa cho chủng sinh vừa cho giáo dân. Như thế chủng viện chúng tôi sẽ mở cho nam nữ tu sĩ và giáo dân, những người có một chức vụ trong trong đời sống Giáo hội và xã hội đòi hỏi phải có kiến thức vững chắc về triết học và thần học. Viện chỉ đảm bảo học trình cử nhân, cấp bằng giáo hội về triết học và thần học, liên kết với phân khoa Triết học và thần học của Giáo hoàng Học viện Urbaniana ở Rôma.

Cải cách này có ba hệ quả chính.

Thứ nhất nó đòi hỏi một số điều chỉnh trong cơ cấu đào tạo chủng viện về thời gian đào tạo, đặc biệt là phân khoa thần học. Như thế chương trình cử nhân thần học sẽ được thực hiện trong ba năm, năm thứ tư được tổ chức như năm mục vụ.

Thứ hai phân biệt rạch ròi giữa học viện là nơi đào tạo tri thức cho chủng sinh (và giáo dân) và chủng viện là nơi đào tạo dành riêng cho linh mục, chắc chắn thuộc phần trách nhiệm của các giám mục, là ‘chủ nhân’ mang trách nhiệm vừa với học viện vừa với chủng viện về vấn đề tài chính, điều hành và tuyển dụng giáo sư.

Điểm thứ ba có vẻ tầm thường nhưng không kém phần quan trọng, đó là khi giáo dân vào một nơi truyền thống để đào tạo các linh mục tương lai, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cách hiểu truyền thống ý nghĩa của chủng viện – hoàn toàn là một môi trường đặc quyền cho sự phát triển ơn gọi, mà không có một chia trí nào dưới bất kỳ hình thức nào lọt vào.

Nhiều độc giả của chúng tôi là các linh mục người Mỹ, người châu Âu, phục vụ bên cạnh các linh mục đến từ Nigeria – có thể họ là cựu chủng sinh của chủng viện ở Jos. Với biến động của môi trường sống, cha sẽ nói gì với họ về các đe dọa đè nặng trên cuộc sống của các chủng sinh ở Jos, và những cố gắng nào của cha để giải quyết vấn đề này?

Tôi xin chân thành cám ơn về sự quan tâm và tình đoàn kết huynh đệ mà cha đã thể hiện đối với thách thức an ninh mà các chủng sinh, linh mục đào tạo và nhân viên phải đối diện trong giới hạn của chủng viện. Đó là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho chúng tôi.

Thành thật mà nói, phải cần rất nhiều đức tin và can đảm để tiếp tục sống trong khuôn viên chủng viện bất chấp một số cuộc tấn công gần đó. Chúng tôi thường nghe nói nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Fatima, ở Jos chỉ cách hai bước là đến chủng viện, nhà thờ cũng như chủng viện là mục tiêu của các cuộc tấn công.

Nhưng tạ ơn Chúa, mỗi lần nghe tin đau lòng này, chúng tôi không chỉ sợ hãi mà còn tự an ủi, chúng tôi ở trong tay Chúa, qua lời cầu nguyện và tin tưởng vào sự bảo vệ thiêng liêng của Ngài.

Khi chúng tôi cầu nguyện, đức tin và lòng tin cậy của chúng tôi được củng cố, chúng tôi cố gắng duy trì cân bằng, vì chúng tôi tin Thiên Chúa sẽ luôn trung tín trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Chúng tôi dự định làm lại tường thành vốn không kiên cố bao quanh chủng viện. Kiến trúc sư của chúng tôi đã ước tính sơ bộ về những gì cần để hoàn thành dự án này, chúng tôi được sự giúp đỡ của các cựu chủng sinh và những người có thiện tâm để hoàn thành công việc.

Chúng tôi tiếp tục đối thoại với các nhà lãnh đạo các cộng đồng hồi giáo khác nhau ở Laranto, ở vùng bắc Jos gần chủng viện, và đã thành công.

Mặc dù trên thực tế, trong phần lớn trường hợp, đối thoại với cộng đồng hồi giáo ở Nigeria bị cho là vô ích, nhưng chủng viện chúng tôi là một điều gì đó ngoại lệ. Đã có, và vẫn còn, một nhóm làm việc chung, một nhóm an ninh tình nguyện gồm những người trẻ và người lớn, từ các tôn giáo kitô và hồi giáo, những người cùng nhau làm việc để gìn giữ hòa bình.

Điều đáng khích lệ là các nước láng giềng hồi giáo của chúng tôi có suy nghĩ rất tích cực về chủng viện, họ cho đây là trung tâm đào tạo các nhà lãnh đạo tinh thần trong tương lai. Chúng tôi hợp tác với một số nhóm hòa bình gồm những người theo thiên chúa giáo, hồi giáo, những người đi tìm sự hợp tác với chủng viện trong lĩnh vực xây dựng hòa bình ở bang Plateau nói riêng và ở Nigeria nói chung.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Nigeria: “Đất nước chúng tôi đã mất kiểm soát an ninh”

Hồng y Okpaleke người Nigeria, một lựa chọn mạnh mẽ để chống lại chủ nghĩa bộ lạc