Nigeria: “Đất nước chúng tôi đã mất kiểm soát an ninh” 

53

Nigeria: “Đất nước chúng tôi đã mất kiểm soát an ninh”

 

Nhà thờ công giáo Thánh Phanxicô ở thành phố Owo, bang Bono, Nigeria, nơi xảy ra vụ tấn công ngày 5-6-2022.

fr.aleteia.org, Filipe Avillez, Giúp đỡ các Giáo hội gặp Khó khăn, 2022-06-09

Một báo cáo mới cho biết có 40 người chết và khoảng 60 người nhập viện sau vụ thảm sát xảy ra tại nhà thờ Thánh Phanxicô ngày chúa nhật 5 tháng 6. Linh mục Augustine Ikwu, giám đốc truyền thông xã hội của giáo phận Owo trả lời phỏng vấn về vụ tấn công này.

Đúng là một cuộc thảm sát. Báo cáo tạm thời cho biết có 40 người bị thiệt mạng gồm ít nhất năm trẻ em khi những người vũ trang tấn công nhà thờ ở Owo, bang Ondo miền tây nam Nigeria ngày chúa nhật 5 tháng 6-2022. Những người này mang vũ khí và chất nổ vào nhà thờ trong thánh lễ buổi sáng chúa nhật lễ Hiện Xuống. Linh mục Augustine Ikwu, giám đốc truyền thông xã hội của giáo phận trả lời phỏng vấn về cú sốc của một thảm kịch và đã nhận chìm đất nước trong tình trạng không có an ninh.

Chúng ta biết gì về những kẻ tấn công?

Linh mục Augustine Ikwu: Chúng tôi chưa có tin tức cụ thể nào về các thủ phạm. Đã có rất nhiều suy đoán, nhưng chúng tôi không muốn đưa ra những suy đoán có thể không chính xác. Một số suy đoán có vẻ khá lô-gích và tương ứng với tình hình chung của đất nước như tình trạng mất trật tự an ninh, xung đột chính trị và mâu thuẫn giữa những người chăn nuôi Fulani và nông dân. Chúng tôi không khẳng định những suy đoán này là sai, nhưng chúng tôi cũng không xác nhận chúng là đúng. Đây là những xác suất, nhưng cho đến khi chúng ta chưa tìm hiểu được sự thật thì chúng ta không thể nói trước được điều gì. Hy vọng các thủ phạm sẽ bị bắt và thú nhận động cơ của họ đằng sau vụ tấn công.

Chúng tôi kêu gọi thế giới nhận thức về tình trạng mất an ninh, không chỉ ở bang chúng tôi hiện nay mà còn trên toàn quốc, vì vào lúc này tình trạng mất an ninh đã bao trùm đất nước theo đúng nghĩa đen.

Các xung đột ở bang Ondo có phổ biến không?

Tình trạng của bang Ondo chúng tôi nói chung là yên bình. Đôi khi có những vấn đề, nhưng đây không phải là những tình huống nghiêm trọng. Thật khó tin người hồi giáo địa phương sẽ làm điều gì đó như thế này. Luôn có sự phân biệt rạch ròi giữa người hồi giáo miền bắc và miền nam. Người hồi giáo sống ở vùng tây nam của chúng tôi tương đối ôn hòa, và họ đã công khai lên án hành động tàn bạo này.

Việc cấp bách ngay bây giờ là gì?

Giai đoạn này rất khó khăn với chúng tôi, chúng tôi xin toàn thế giới cầu nguyện cho chúng tôi, cầu nguyện cho những người đã khuất, những người bị thương và gia đình của họ trong giáo phận. Hôm nay chúng tôi đã bắt đầu làm tuần cửu nhật và chúng tôi kêu gọi mọi người cùng tham gia với chúng tôi trong quá trình này. Chúng tôi cũng kêu gọi tất cả những người có thể giúp chúng tôi điều tra tại chỗ. Nhưng chúng tôi cũng kêu gọi thế giới nhận thức về tình trạng mất an ninh, không chỉ hiện tại ở bang chúng tôi mà còn trên toàn quốc, vì vào lúc này, tình trạng mất an ninh đã bao trùm đất nước theo đúng nghĩa đen. Và nếu tôi có thể nói được điều gì với chính phủ hiện tại, tôi sẽ nói, sẽ không mất thể diện khi từ chức trước một tình trạng mà mình không quản lý được. Nếu đất nước đã trở nên không thể cai trị được thì nên từ chức và nhường chỗ cho người có khả năng để họ có thể cai trị, xử lý tình huống tốt hơn là điều đáng làm. Chúng ta không được để lòng tham hướng dẫn mình. Ngay cả trong những tình huống như vậy, chúng ta đáp trả cái ác bằng hòa bình.

Cha có lo lắng cộng đồng kitô giáo sẽ tìm cách trả thù những kẻ bị cáo buộc là thủ phạm của vụ tấn công không?

Giám mục tiếp tục kêu gọi người dân giữ hòa bình, tôn trọng luật pháp, và không làm thay công việc của công lý. Không được lấy ác trả ác. Đó không phải là tinh thần kitô giáo. Dù phải chịu những tình huống bi đát như vậy, chúng ta phải đáp trả cái ác bằng hòa bình. Nói thì dễ nhưng làm thì khó, tuy nhiên về lâu dài, chúng tôi thấy đó là điều tốt nhất cho xã hội. Chúng tôi hy vọng vào Chúa. Chúng ta giống như ba người bạn đồng hành trong Cựu ước bị ném vào lò lửa. Họ nói, “Nếu Chúa chúng ta không thể cứu chúng ta, thì chúng ta sẽ chết trong lò,” và Chúa đã cứu họ. Vì vậy, đây có lẽ cũng là một thách thức với Chúa, bởi vì mọi người đang nài xin Ngài, họ thực sự không thể kiểm soát được tình hình. Chúng tôi hy vọng Ngài sẽ giúp chúng tôi, chúng tôi tin rằng Ngài sẽ làm được, nhưng chúng tôi sợ. Mọi người muốn tự mình giải quyết vấn đề, vì rất nhiều người không còn tin tưởng nữa. Vì thế chúng tôi đã kêu gọi người dân tránh những điều này và không tạo thêm thiệt hại.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Nigeria: Thanh trừng sắc tộc đang tiến hành, chính phủ xúi giục người chăn cừu