Đức Gioan-Phaolô II đến Kazakhstan năm 2001, bước đột phá vào không gian Liên Xô

53

Đức Gioan-Phaolô II đến Kazakhstan năm 2001, bước đột phá vào không gian Liên Xô

cath.ch, I. Media, 2022-09 -11

Đến Kazakhstan từ ngày 13 đến 15 tháng 9 năm 2022, Đức Phanxicô sẽ theo bước chân của Đức Gioan-Phaolô II, ngài đến Astana từ ngày 22 đến 25 tháng 9 năm 2001 trong chuyến tông du thứ 95 và sau đó ngài đến Armenia.

Vài ngày sau vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Hoa Kỳ, giáo hoàng Ba Lan quyết định tiếp tục ở lại đất nước rộng lớn có đa số giáo dân hồi giáo để gởi thông điệp hòa bình và tôn trọng các tôn giáo và văn hóa.

Được tổng thống Nursultan Nazarbayev đón khi ngài đến sân bay, tổng thống đã đặt sự khoan dung tôn giáo thành trục trung tâm để hội nhập đất nước của ông vào cộng đồng quốc tế. Đức Gioan-Phaolô II khi đó đã quá mệt mỏi và bệnh, nhưng ngài đã dùng hết năng lực của ngài để nói lên lời tiên tri như những lời ngài kêu gọi vào đầu triều giáo hoàng của ngài.

Trong bài diễn văn đầu tiên, Đức Gioan-Phaolô II nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tự do tôn giáo, mười năm sau khi đất nước độc lập: “Kazakhstan, vùng đất của những người tử vì đạo và của tín hữu, vùng đất của những người bị trục xuất và anh hùng, vùng đất của những nhà tư tưởng và nghệ sĩ, xin anh chị em đừng sợ!” Ngài cũng ghi nhận sáng kiến can đảm của chính phủ Kazakhstan đã từ bỏ vũ khí hạt nhân và tháo dỡ bãi thử hạt nhân Semipalatinsk, địa điểm ô nhiễm phóng xạ thảm khốc kéo dài từ thời Liên Xô.

Trong những năm 1990, ngài đến để khuyến khích thiểu số công giáo, vốn đã bị suy giảm do sự ra đi của con cháu người Đức, người Ba Lan và cả những người bị Stalin trục xuất khỏi Lituani, buộc họ phải định cư ở những thảo nguyên hiếu khách này. Trong thánh lễ cử hành ngày 23 tháng 9 năm 2001 tại Quảng trường Motherland, Astana, Đức Gioan-Phaolô II nhấn mạnh đến sự cộng tác của người công giáo và người hồi giáo, “cam kết mọi người ở bên nhau mỗi ngày trong tinh thần khiêm tốn đi tìm Ý Chúa.”

Lời kêu gọi chống bạo lực sau biến cố 11 tháng 9

Tại đất nước có hàng trăm quốc tich và nhóm thiểu số này, ngài long trọng lên tiếng chống lại bạo lực, để phản ứng lại các tấn công ngày 11 tháng 9: “Tôi chân thành kêu gọi tất cả mọi người, những người theo thiên chúa giáo và các tôn giáo khác, xin cùng nhau xây dựng một thế giới không bạo lực, một thế giới yêu cuộc sống, tin vào công lý và đoàn kết. Chúng ta không được cho phép những gì đã xảy ra làm chia rẽ tăng thêm. Tôn giáo không bao giờ nên là một lý do để biện minh cho cuộc xung đột.”

Ngài gằn mạnh: “Từ nơi này, tôi mời gọi tín hữu thiên chúa giáo và hồi giáo cùng cầu nguyện với Thiên Chúa Toàn năng, Đấng đã tạo ra tất cả chúng ta, để điều tốt lành cơ bản của hòa bình có thể tồn tại trên thế giới, để hướng tới một nền văn minh yêu thương, không có chỗ cho hận thù, phân biệt đối xử hay bạo lực”. Trước mặt đại diện của thế giới văn hóa, ngài lặp lại “sự căm ghét, cuồng tín và khủng bố làm ô danh Thiên Chúa và làm méo mó hình ảnh xác thực của con người”.

Cuộc gặp gỡ của ngài với các giám mục Trung Á là dịp để ngài nhắc lại lời kêu gọi tự do tôn giáo. Đức Gioan-Phaolô II sau khi vinh danh các người tử đạo dưới thời cộng sản, trong số này có rất nhiều người Ba Lan, ngài tuyên bố: “Sau mùa đông thống trị lâu dài của cộng sản, một chế độ muốn bứt rễ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn con người, tôi rất mừng thấy các Giáo hội địa phương có lại “tầm nhìn và sự nhất quán” để sống “khởi đầu cho một mùa truyền giáo đầy hứa hẹn”.

Trong lễ cung hiến nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ngài chào mừng việc thành lập chủng viện Karaganda, nơi đào tạo các linh mục tương lai cho nước cộng hòa Trung Á: “Giờ đây, môi trường chính trị và xã hội đã tự giải phóng ra khỏi sức nặng của nạn áp bức độc tài, nhu cầu môn đệ Chúa Giêsu Kitô phải là ánh sáng của thế giới và là muối của trái đất vẫn là nhu cầu cấp thiết. Nhu cầu này càng trở nên cấp thiết hơn vì sự tàn phá tinh thần do chủ nghĩa vô thần để lại nhưng cũng do có nguy cơ của chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa tiêu dùng ngày nay.”

Dù Đức Gioan-Phaolô II đã đi thăm rất nhiều nước nhưng chưa bao giờ ngài đặt chân đến nước Nga, ngài đã đến một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Đầu tiên là ba nước Baltic – Litva, Latvia, Estonia – từ năm 1993, trước Gruzia năm 1999, Ukraine tháng 6 năm 2001, Kazakhstan và Armenia tháng 9 năm 2001, và Azerbaijan tháng 5 năm 2002, như thế ngài đã đến thăm 8 trong số 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ. Ngài là một trong những kiến trúc sư làm sụp đổ chủ nghĩa cộng sản, đã đến các biên giới Liên Xô cũ nhưng chưa bao giờ đến lãnh thổ Liên bang Nga, chủ yếu là do sự không tin tưởng của các nhà lãnh đạo chính thống Nga.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Kazakhstan: Kitô giáo tái sinh sau khi chế độ Xô Viết sụp đổ