Làm thế nào các giáo hoàng trở nên quyền lực như vậy và làm thế nào Đức Phanxicô có thể đảo ngược xu hướng

760

Làm thế nào các giáo hoàng trở nên quyền lực như vậy và làm thế nào Đức Phanxicô có thể đảo ngược xu hướng

americamagazine.org, John W. O’Malley, 2022-06-30

Nghi thức kiệu giáo hoàng Piô VIII ở Đền thờ Thánh Phêrô.  Horace Vernet, 1829 (Wikimedia Commons)

Năm 2020, linh mục Dòng Tên Thomas Reese, khi đó là tổng biên tập của báo America đề nghị tôi viết một bài báo về sự khác biệt của Giáo hội giữa thiên niên kỷ thứ nhất và thứ hai. Tôi thấy việc phân biệt này dễ vì có điểm khác biệt nổi bật không giống bất cứ điểm nào: vị trí trọng tâm mới của các giáo hoàng trong Giáo hội của thiên niên kỷ thứ hai. Trong thiên niên kỷ này, các giáo hoàng đã nắm giữ quyền lực và đóng một vai trò lớn hơn vô song so với thời kỳ đầu tiên.

Tôi gọi hiện tượng này là hiện tượng giáo hoàng hóa Giáo hội. Tôi xin lỗi vì danh từ mới này, nhưng lúc đó tôi cảm thấy và bây giờ tôi vẫn còn cảm thấy, nó đã đập thẳng vào đầu, nên tính mới mẻ của nó là chính đáng. Giáo hội phương Tây trở thành Giáo hội giáo hoàng, và người công giáo trở thành người hâm mộ giáo hoàng. Sự phát triển cho thấy một phong cách Giáo hội độc quyền từ trên xuống và có thứ bậc, ngược với chế độ trước đó có tính đồng nghị và tập thể hơn. Cho đến gần đây, nó vẫn vậy và không bị thách thức đáng kể bởi Công đồng Vatican II và Giáo hoàng Phanxicô.

 

Trong thiên niên kỷ thứ hai, Giáo hội phương Tây trở thành Giáo hội giáo hoàng, và người công giáo trở thành người hâm mộ giáo hoàng.

 

Các nguyên nhân của quá trình giáo hoàng rất đa dạng, phức tạp và gắn chặt với sự phát triển chung của lịch sử xã hội, chính trị và văn hóa phương Tây. Ngay cả những hiện tượng dường như không liên hệ như phát minh đài phát thanh, truyền hình, máy bay du lịch cũng đóng một vai trò nào đó.

Tuy nhiên, một số bước quan trọng nhất và có biểu hiện rõ ràng trong quá trình này là kết quả của các hành động trực tiếp do chính các giáo hoàng thực hiện. Trên thực tế, các giáo hoàng là những tác nhân quan trọng nhất trong quá trình giáo hoàng hóa. Tôi mô tả hành động của họ là những việc tự nâng cấp. Ba hành động giáo hoàng về mặt này rõ ràng nhất, tiêu biểu nhất cho sự thay đổi lớn đang diễn ra: có quyền phế truất các nhà cai trị thế tục, tuyên bố là đại diện của Chúa Kitô và tuyên bố có thẩm quyền giảng dạy không thể sai lầm. 

Thẩm quyền phế truất những người cai trị

Thời kỳ đầu trong lịch sử Giáo hội, các giáo hoàng lập luận rằng quyền lực của họ lớn hơn quyền lực của những người cai trị thế tục, vì đó là thẩm quyền thiêng liêng. Trên nguyên tắc, thiêng liêng vượt trội hơn trần tục. Tuy nhiên, cho dù các giáo hoàng hoặc giám mục có thể viện dẫn nguyên tắc đó như thế nào để biện minh cho một thẩm quyền cao cấp, nó thường không mang tính thời đại, một phần vì các vị vua và hoàng đế cũng cho rằng quyền lực của họ là thiêng liêng.

Dù sao, vấn đề vẫn chưa được giải quyết cho đến triều giáo hoàng Grêgôriô  VII (1073-1085) đầy biến động và cuộc xung đột lớn được gọi là Tranh cãi Tấn phong. Xung đột đó gần như là kết quả không thể tránh khỏi của một đặc điểm của hiện tượng có liên quan mật thiết được gọi là Cải cách Gregorian, bắt nguồn từ trước đó vào giữa thế kỷ 11 với một nhóm nhỏ các giáo sĩ Ý có ý định đảm bảo các ứng viên xứng đáng cho chức giám mục. Để đạt được mục tiêu này, cuộc cải cách đã cố hạn chế thẩm quyền của những người cai trị thế tục trong việc chọn các giám chức.

Giáo hoàng Grêgôriô đã đưa khía cạnh này của cuộc cải cách đến giới hạn cuối cùng của nó bằng cách hai lần phế truất Hoàng đế Henry IV của Đế chế La-mã; những hành động này kết thúc bằng những xung đột gay gắt cuối cùng dẫn đến giáo hoàng phải lưu vong khỏi Rôma, thành phố bị cướp phá nặng nhất trong lịch sử của nó. Bất chấp sự thất bại của giáo hoàng, những người kế vị ngài yêu sách và bắt đầu phế truất các vị vua và hoàng đế. Cao điểm của các biện pháp này là năm 1570 với việc giáo hoàng Piô V (1566-1572) phế truất Nữ hoàng Elizabeth I của Anh, một hành động phản tác động. Gần như là hệ quả của quyền phế truất các nhà cầm quyền, các giáo hoàng cũng tuyên bố quyền phân xử các tranh chấp chính trị giữa các nhà cầm quyền.

Giáo hoàng Grêgôriô đã dựa trên tuyên bố của ngài về một hệ tư tưởng lan rộng mà ngài trình bày trong tài liệu được gọi là “Dictatus Papae”, (Sắc lệnh của Giáo hoàng), được soạn năm 1075. Dù chưa bao giờ được ban hành, nhưng tài liệu này đã cho thấy một tư duy, dù được cho là dựa trên truyền thống, nhưng là một sự ra đi triệt để khỏi truyền thống. Đây là ba trong số 27 tiêu đề của nó: “Rằng giáo hoàng không bị ai phán xét”; “Rằng giáo hoàng là người duy nhất có thể được các quân vương hôn chân”; và, quan trọng nhất, “Giáo hoàng có thẩm quyền phế truất các hoàng đế”. Mặc dù giáo hoàng Grêgôriô cố gắng tìm ra các tiền lệ cho tuyên bố cuối cùng này, nhưng ngài không thuyết phục được. Hành động của ngài chống lại Hoàng đế Henry IV đã đặt giáo hoàng lên một cấp cao tự nâng cấp và làm cho các giáo hoàng tiếp theo cảm nhận rõ hơn về sự tôn trọng dành cho họ trong Giáo hội.

Gần như là hệ quả của quyền phế truất các nhà cầm quyền, các giáo hoàng cũng tuyên bố quyền phân xử các tranh chấp chính trị giữa các nhà cầm quyền.

 

Đại diện của Chúa Kitô

Giáo hoàng Grêgôriô VII thường xuyên cho mình là đại diện của Thánh Phêrô, gần như một ám ảnh; về mặt này, ngài ở trong đường lối truyền thống chính có nguồn gốc từ thời giáo hoàng Lêô I (440-461). Giáo hoàng Grêgôriô thấy mình có tất cả thẩm quyền mà Chúa Kitô đã ban cho quân vương Tông đồ. Nhưng khi làm như vậy, ngài đã cho Thánh Phêrô một quyền lực mới về sức mạnh và trong phạm vi rộng lớn, một quyền lực và phạm vi mà ít người cùng thời với ngài chấp nhận. Tuy nhiên, ngay cả với cách giải thích cực đoan của giáo hoàng Grêgôriô, ngài chưa bao giờ có trong đầu quyết định quan trọng khi tự cho mình là đại diện của Chúa Kitô.

Mặc dù tước hiệu Đại diện Chúa Kitô đã có trong truyền thống vào những thế kỷ đầu, nhưng nó không phổ biến, cũng không gắn vào bất kỳ chức vụ cụ thể nào trong Giáo hội. Đôi khi được đề cập cho các giám mục và đôi khi cả với giám mục Rôma, nhưng nó không nổi bật. Điều này đúng, dù công đồng la mã năm 495 gọi giáo hoàng Gelasius (492-96) là Đại diện Chúa Kitô. Thuật ngữ này chỉ đơn giản là không vững.

Vào thế kỷ 12, các nhà thần học và nhà giáo luật đã cho thuật ngữ này một tầm quan trọng hạn chế nhất định, nhưng họ không gắn nó một cách hệ thống vào chức vụ giáo hoàng. Điều này đã thay đổi đáng kể với Giáo hoàng Innocent III (1198-1216), ngài tuyên bố tước hiệu này cho chính mình. Ngài đáng được ghi công cho việc nâng cấp lớn lao này. Bắt đầu từ ngài, danh hiệu đã trở thành tiền lệ và trở thành tiêu chuẩn. Việc chuyển từ đại diện Thánh Phêrô qua đại diện Chúa Kitô không chỉ đơn giản là thay cửa sổ mới cho chức vụ giáo hoàng, nhưng là nâng cao chính phẩm giá của chức vụ này. Dường như thấm nhuần thiên tính trong chức vụ giáo hoàng. Giáo hoàng Innocent đã nâng cấp này cho chính mình và, một hệ quả gần như không thể tránh khỏi cho những người kế vị của ngài trong nhiều thế kỷ sau.

 

Có thể khẳng định, trong “Pastor Aeternus”, Người chăn chiên Vĩnh cửu, Công đồng Vatican I đã xác nhận thẩm quyền mà giáo hoàng đã gán cho chính mình.

 

Giáo lý không thể sai lầm

Như người công giáo đã biết, Công đồng Vatican I (1869-70) đã định nghĩa giáo hoàng là không thể sai lầm khi ngài giảng dạy dưới một số điều kiện nhất định, một giáo huấn có nguồn gốc thần thánh và tông truyền, vì thế đó là một yếu tố thiết yếu trong kho tàng đức tin. Một số người công giáo trong và ngoài công đồng đã thách thức định nghĩa này, nhưng không được. “Pastor Aeternus”, sắc lệnh của công đồng về quyền tối cao và sự không thể sai lầm của giáo hoàng đã thắng.

Hiếm khi chúng ta nghe nói nhiều về vai trò của Giáo hoàng Piô IX (1846-1878) trong vấn đề này; thật vậy, khi khai mạc công đồng, ngài có vẻ khá thờ ơ với khả năng có một định nghĩa về việc không thể sai lầm. Khi áp lực trong công đồng tăng lên theo hướng ủng hộ, ngài bắt đầu thúc đẩy, đôi khi công khai, đôi khi bí mật, nhưng càng lúc càng không ngừng. Ngài khuyến khích các giám chức thúc bách để có định nghĩa này và làm ngược lại với những người chống đối. Tuy nhiên, chúng ta không thể dựa trên điểm này để nói rằng một mình ngài tạo nên chuyện này. Những người khác trong công đồng đã làm việc rất hăng cho chuyện này.

Tuy nhiên, một hành động khác của Đức Piô cho phép chúng ta xem việc không thể sai lầm như một sự nâng cấp tự phong của giáo hoàng. Năm 1864, ngay trước khi công đồng khai mạc, Đức Piô, trong tông hiến “Ineffabilis Deus”, Thiên Chúa bất khả ngộ, đã định nghĩa việc Đức Trinh Nữ Maria thụ thai vô nhiễm là một tín điều. Trước đây chưa có giáo hoàng nào định nghĩa đó là tín điều. Theo cách này, giáo hoàng đã dự đoán định nghĩa của công đồng sau sáu năm. Do đó, có thể lập luận trong “Pastor Aeternus”, công đồng đã xác nhận thẩm quyền mà giáo hoàng đã đòi hỏi cho chính mình. Có thể khẳng định, trong “Pastor Aeternus”, Người chăn chiên Vĩnh cửu, Công đồng Vatican I đã xác nhận thẩm quyền mà giáo hoàng đã gán cho chính mình.

Ngay từ thời giáo phụ, tiên đề “Giáo hội la-mã không sai lầm” đã được áp đặt, đặc biệt là ở phương Tây.

 

Đúng là bắt đầu từ năm 1849, Đức Piô đã hỏi ý kiến các giám mục trên thế giới về việc xác định Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhưng không nơi nào trong tông hiến “Ineffabilis Deus” đề cập đến một tham vấn như vậy hoặc bất kỳ gợi ý nào, rằng hành động của giáo hoàng đã cách nào bị ảnh hưởng. Theo tông hiến “Ineffabilis Deus,” là định nghĩa một hành động thuần túy và đơn giản của giáo hoàng, với việc tham vấn dường như không liên quan. Sáu năm sau, “Pastor Aeternus” không còn nghi ngờ gì về vấn đề này, rõ ràng sai lầm của giáo hoàng không phụ thuộc vào “sự đồng ý của Giáo hội”. Chính Đức Piô là tác giả của điều khoản làm sáng tỏ đó và chịu trách nhiệm về việc đưa nó vào sắc lệnh. Những người chỉ trích thành ngữ này khẳng định, nó tách đầu của Giáo hội ra khỏi cơ thể, như thể đức tin của Giáo hội trong tổng thể chung là không xác đáng.

Giáo điều về không sai lầm không phải tự dưng mà có. Các điều kiện chính trị đặc biệt ở châu Âu vào thế kỷ 19 sau Cách mạng Pháp đã làm phát sinh phong trào cực đoan mạnh mẽ, trong đó sự không sai lầm của giáo hoàng luôn ẩn dưới bề mặt như một tấm ván quan trọng trong chương trình của nó; nhưng có một truyền thống tín điều lâu đời được cho là đã ủng hộ nó. Ngay từ thời giáo phụ, tiên đề “Giáo hội la-mã không sai lầm” đã được áp đặt, đặc biệt là ở phương Tây. Tiên đề có nghĩa là Giáo hội la-mã, thông qua con người là giám mục của mình, có thể được xem là đứng về phía những người chính thống trong các cuộc tranh chấp lớn về giáo điều.

Tuy nhiên, sự không thể sai lầm của Giáo hội La mã khác với sự không sai lầm của giáo hoàng theo một cách tinh tế nhưng quan trọng. Sự không thể sai lầm dựa trên nguyên tắc, giáo hoàng đóng vai trò là thẩm phán, với tư cách là tòa phúc thẩm cuối cùng trong các câu hỏi về giáo lý còn tranh chấp. Vì thế ngài là chứng nhân cho đức tin của Giáo hội nhưng không phải là người chủ động và dường như độc lập về đức tin của Giáo hội dạy.

Sự khác biệt giữa thẩm phán và thầy dạy có những can hệ căn bản. Đến những năm đầu thế kỷ 20, các văn phòng của Giáo triều La mã bắt đầu ban hành các chỉ thị với một tốc độ đều đặn mới. Hơn nữa, chính các giáo hoàng đã bắt đầu ban hành các thông điệp và các tài liệu tương tự với tần suất lớn hơn nhiều so với trước đây và quy cho họ quyền lực lớn hơn bao giờ hết. Đến lượt mình, các nhà thần học bắt đầu một cách rõ ràng và thường xuyên hơn, các lập luận của họ dựa trên các tài liệu của giáo hoàng hơn là dựa trên một loạt các nguồn có thẩm quyền.

Trong thời chúng ta, Đức Phanxicô đã cố gắng thực hiện giáo huấn Công đồng Vatican II bằng cách nhấn mạnh tính hợp pháp của việc “tham khảo ý kiến các tín hữu trong các vấn đề giáo lý”.

 

Hệ thống phân cấp cao hơn tính đồng nghị

Việc nâng cấp do giáo hoàng tự phong này là cao điểm của việc giáo hoàng hóa Giáo hội, đã đạt đến hình thức vững chắc nhất trong nửa đầu thế kỷ 20. Đến lúc này, nó đã để qua một bên và gần như xóa bỏ khía cạnh đồng nghị và tập thể trong cấu trúc của Giáo hội để chuyển sang khía cạnh thứ bậc, từ trên xuống. Sự phát triển này không chỉ đơn giản là một thực tế lịch sử đáng chú ý mà còn là một lực ảnh hưởng sâu sắc đến cách chúng ta suy nghĩ và hành xử trong tư cách là người tín hữu công giáo.

Ngay sau giữa thế kỷ trước, thời gian Công đồng Vatican II. Trong các thảo luận và sắc lệnh của mình, công đồng nhất quán và đôi khi đã cố gắng một cách dũng cảm để khắc phục sự cân bằng giữa thẩm quyền của trung tâm và ngoại vi bằng cách trao quyền cho ngoại vi. Công đồng đã làm như vậy theo một số cách, đáng chú ý nhất là giảng dạy mối quan hệ tập thể giữa hội đồng giám mục và giám mục của Rôma và mô tả Giáo hội như “dân của Chúa”.

Trong thời chúng ta, Đức Phanxicô đã cố gắng thực hiện giáo huấn Công đồng Vatican II bằng cách nhấn mạnh tính hợp pháp của việc “tham khảo ý kiến các tín hữu trong các vấn đề giáo lý”. Ngài đưa ra nguyên tắc một lực thực tế trong tiến trình hiệp hành mà ngài thiết lập để chuyển động. Tiến trình này về cơ bản mang tính tập thể và, như Đức Phanxicô chỉ rõ, bắt nguồn căn bản từ giáo huấn, Giáo hội là toàn thể dân Chúa.

Cùng lúc Đức Phanxicô đã thay đổi phong cách của giáo triều thẩm quyền thành giáo triều hiệp hành. Bây giờ các người trách nhiệm giáo triều xin các giám mục có thể giúp họ gì, thay vì nói họ phải làm gì. Sự thay đổi này ngầm tạo sức mạnh cho vùng ngoại vi. Trong hiến chế tông truyền gần đây, Đức Phanxicô nói về việc cải cách giáo triều, “Praedicate Evangelium” (“Rao giảng Tin Mừng”), ngài đưa ra một hình thức thể chế cho sự thay đổi này và những thay đổi tương tự – những dấu hiệu cho thấy ngài tìm cách đảo ngược quỹ đạo giáo hoàng của lịch sử gần đây.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Juan Vicente Boo: “Đức Phanxicô là giáo hoàng bị quấy rầy nhiều nhất trong hai thế kỷ qua”