Chúng ta biết gì về chuyến kinh lý tông tòa ở giáo phận Strasbourg

140

Chúng ta biết gì về chuyến kinh lý tông tòa ở giáo phận Strasbourg

la-croix.com, Clemence Houdaille và Benoỵt Fauchet, 2022-06-24

Nhà thờ chính tòa Strasbourg

Tòa sứ thần tại Pháp thông báo việc tổ chức chuyến kinh lý tông tòa ở giáo phận Strasbourg từ thứ hai 27 tháng 6. Chuyến kinh lý theo sau thông tin “liên quan đến quản trị mục vụ” của tổng giám mục Luc Ravel, giáo phận Alsace.

Ai đã loan báo chuyến kinh lý tông tòa này?

Theo một tiến trình rất hiếm hoi, ngày thứ năm 23 tháng 6, chính sứ thần Tòa thánh tại Pháp đã ra thông báo một chuyến kinh lý tông tòa sẽ đến Strasbourg. Và sau khi nghe bộ Giáo sĩ đưa thông tin liên quan đến vấn đề quản trị mục vụ của tổng giáo phận Strasbourg, Đức Phanxicô đã ra lệnh có chuyến kinh lý này.

Chuyến kinh lý này sẽ do giám mục Stanislas Lalanne, giáo phận  Pontoise, và linh mục Joël Mercier, thư ký danh dự của giáo phận tiến hành vào ngày thứ hai 27 tháng 6 này. Thông báo của tòa sứ thần cho biết, “Đức Phanxicô quan tâm đến Giáo hội Alsace”.

Không có thông tin nào được đưa ra về thời gian kéo dài của chuyến đi này, đó là sắc lệnh do hồng y Marc Ouellet, bộ trưởng bộ Giám mục ký. Giám mục Lalanne chỉ đơn giản nói với báo La Croix: “Tôi sẽ xem tại chỗ những gì đang xảy ra và chuyến đi cần bao nhiêu thời gian”.

Trong một thông cáo báo chí đăng trên trang web của giáo phận, giám mục Luc Ravel, 65 tuổi, tổng giám mục Strasbourg kể từ tháng 2 năm 2017, đảm bảo ngài đón nhận “trong đức tin và tin tưởng vào quyết định của Đức Phanxicô”. Ngài nói thêm: “Chắc chắn, ít nhất là trong tâm trí tôi, Giáo hội Alsace tráng lệ của chúng tôi sẽ có ngày bình an lại.”

Chúng ta biết gì về bối cảnh?

Xuất thân từ giáo phận của quân đội, với tính bộc trực, thậm chí sắc bén, giám mục Ravel đứng đầu Giáo hội Alsace có hơn 500 linh mục, 250 giáo dân là nhân viên và 90 phó tế. Một người am tường giáo phận cho biết: “Trong giáo phận giàu có này, nơi các linh mục và nhân viên mục vụ được ở trong tình trạng thoải mái, một số người rất chú ý đến những lợi thế có được từ quan điểm của họ”. Một người khác cho biết: “Người Alsace không thích bị thúc bách quá nhiều.”

Giáo phận Strasbourg cũng như giáo phận Metz, không phải tuân theo luật năm 1905 về việc tách Giáo hội ra khỏi Nhà nước. Theo hòa ước năm 1801, các thừa tác viên của các tôn giáo như công giáo, luther, cải cách và do-thái được công quỹ trả lương. Nguồn tin này cho biết thêm: “Điều này có thể dẫn đến một hình thức độc lập nào đó của các linh mục với giám mục của họ.”

Rất dấn thân đấu tranh chống lạm dụng tình dục trong Giáo hội, đến mức làm cho một số người khó chịu, giám mục Ravel không ngần ngại nói lên quan điểm của mình, dù ít được đồng thuận, như khi ngài kiên quyết yêu cầu các nhân viên mục vụ can thiệp vào các cơ sở y tế để tiêm vắc xin chống lại Covid- 19.

Giám mục Ravel có bị đặt vấn đề không?

Ngay khi về nhận giáo phận năm 2017, trong bài giảng nhậm chức năm 2017, giám mục Ravel đã nói lên “tình trạng bất ổn giữa các linh mục, các linh mục không thể trở thành mục tử tốt nếu không có tình yêu sốt sắng với Chúa Kitô, là điều không thể chấp nhận được”. Một người trong giáo phận nhấn mạnh: “Ngài đã cho nội bộ mình một bài học dù ngài chỉ mới về giáo phận được sáu tuần trước.”

Một số nhà quan sát giải thích một số quyết định và bổ nhiệm nào đó bị cho là “tàn bạo”, trong khi một số nhà quan sát khác chỉ trích tổng giám mục vì đã đưa “người nước ngoài đến giáo phận”, dù đó  là cộng đồng Thánh Martinô (một cộng đồng được giao phó cho một giáo xứ từ năm 2021) hay các linh mục châu Phi. Ngày 3 tháng 6, nhật báo Tin Mới Alsace tiết lộ ông Jacques Bourrier, quản lý giáo phận, đã bị giám mục Ravel đột ngột sa thải. Ông Bourrier cho rằng đó là một “hình thức xử phạt kỷ luật nặng mà không có lý do”, ông có ý định phản đối quyết định này trước tòa.

Giám mục Luc Ravel

Một cựu nhân viên của giáo phận cho biết: “Kể từ khi giám mục Ravel về, đã có một hình thức cô đơn trong việc quản lý sứ mệnh của ngài và khoảng cách ngày càng lớn với nhà xứ và những người cộng tác của ngài”. Linh mục Didier Muntzinger, linh mục niên trưởng nhà thờ chính tòa Strasbourg cảm thấy một chút choáng váng khi nghe tin có chuyến kinh lý tông tòa, linh mục cho biết: “Không đúng khi nói giám mục Ravel cai quản trong đơn độc. Ngài là người hoàn toàn dễ gần và có thể nói ra mọi thứ.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Kinh lý tông tòa giáo phận Strasbourg: tình trạng bất ổn mới ở Giáo hội Pháp