Khi Đức Gioan-Phaolô I bảo vệ viên thuốc ngừa thai…

294

Khi Đức Gioan-Phaolô I bảo vệ viên thuốc ngừa thai…

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2022-06-24

Tin tức về Vatican dưới con mắt của phóng viên chúng tôi tại Rôma. Khi các phương tiện truyền thông Vatican đưa tin về sự tiến hóa của Đức Gioan-Phaolô I về tương lai của viên thuốc.

Trong những ngày này các phương tiện truyền thông Vatican đang phát sóng một loạt podcast hấp dẫn về Đức Gioan-Phaolô I, “giáo hoàng tươi cười”, triều giáo hoàng của ngài chỉ 33 ngày, tháng 9 năm 1978, và ngài sẽ được phong chân phước ngày 4 tháng 9.

Được nhà vatican học Andrea Tornielli thuộc bộ Truyền thông thực hiện, các video này phát các bản ghi âm cho đến nay chưa được công bố (bằng tiếng Ý), với một giọng nói nhẹ nhàng và hơi run của vị giáo hoàng người Ý. Và để tìm lại dấu vết một định mệnh kinh ngạc của chàng trai trẻ xuất thân từ một gia đình rất khiêm tốn, được Đức Phaolô VI phong Thượng phụ Venice năm 1969, 9 năm sau được bầu làm giáo hoàng vào ngày đầu tiên cuộc bỏ phiếu, và qua đời 33 ngày sau khi được bầu chọn.

Viên thuốc ngừa thai, “vấn đề thần học vĩ đại nhất chưa từng được giải quyết”

Khi cuộc họp gia đình thế giới khai mạc tại Vatican, nhà báo Andrea Tornielli viết một bài xã luận dưới dạng một câu chuyện, câu chuyện về sự tiến hóa của Albino Luciani về vấn đề viên thuốc ngừa thai. Ông viết: “Thật đánh động khi nghe giọng nói như còn sống của người sẽ kế vị giáo hoàng Montini nhờ đoạn băng ghi âm rất hiếm, những lời được tuyên bố vào mùa xuân năm 1968 tại giáo xứ Mogliano Veneto”, miền bắc nước Ý.

Ông Tornielli kể trong hội nghị này, Đức Gioan-Phaolô I tương lai đã tuyên bố, “đó là vấn đề thần học vĩ đại nhất chưa từng được giải quyết dành cho tôi”: “Khi các thần học gia Arius hay Nestorius nói về hai bản tính trong Chúa Kitô thì đó là những câu hỏi nghiêm túc, nhưng chúng chỉ được hiểu ở cấp cao nhất Giáo hội, các nhà thần học, các giám mục: những người nghèo không hiểu gì về những điều này, họ nói: “Tôi yêu mến Chúa Giêsu Kitô, tôi yêu Chúa, Đấng đã cứu chuộc tôi” và mọi sự ở đó, không có một nguy hiểm nào. Ở đây, ngược lại, có một vấn đề không chỉ liên quan đến các nhà lãnh đạo Giáo hội, mà là toàn thể Giáo hội, tất cả các gia đình trẻ…”, Đức Luciani đã lượng định như thế và ngài hy vọng một “tự do hóa” từ Giáo hoàng Chủ quyền.

Quan tâm đặc biệt đến các vấn đề gia đình

Đây không phải là sự can thiệp duy nhất của ngài vào chủ đề này. Andrea Tornielli kể lại, khi còn là giám mục của giáo phận Vittorio Veneto, ngài đặc biệt quan tâm đến vấn đề gia đình và các cặp vợ chồng.

Nhà báo Tornielli nói tiếp: “Năm 1965, khi giảng về các bài tập thiêng liêng ở Villa Thánh Tâm Possagno, ngài nói: Chủ đề này quá lớn: có hàng triệu tín hữu phạm tội, trong khi họ tốt trong các lãnh vực khác… Chúng ta tuyệt đối không thể bỏ qua họ. Nếu chỉ là một khả thể trên một ngàn, chúng ta phải tìm cho ra khả thể này và xem liệu tình cờ, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng ta có tìm ra điều gì đó cho đến nay đã lẩn tránh chúng ta không.”

Tiến đến việc chấp nhận viên thuốc?

Vào cuối Công đồng Vatican II, giám mục Luciani đào sâu nghiên cứu của mình. Nhà báo Tornielli trích một trích đoạn của tài liệu và giải thích: “Trong một bản đánh máy chưa công bố tháng 8 năm 1967, được thư ký của ngài lưu trữ ở giáo phận Vittorio Veneto và ngày nay tài liệu này ở trong số các tài liệu của án phong thánh cho ngài, Đức Luciani lập luận, khi ngài nói đến sự thận trọng của mình với việc dùng viên thuốc ngừa thai, ngài nhắc lại chính bản chất tự nhiên ngăn chặn sự rụng trứng của người phụ nữ ngay sau khi họ mang thai, trong suốt thai kỳ và trong những tháng đầu tiên cho con bú.”

Đây là: “Có vẻ như cách giải thích này là đúng luật, giám mục Luciani viết: bản chất tự nhiên, dù bằng kích thích tố progesteron, là nghĩ đến việc cho bà mẹ được nghỉ ngơi một chút và vì lợi ích của đứa bé (có thì giờ chăm sóc nó một mình, có một khoảng cách xa với một em bé khác). Chất ‘ngăn thai kỳ, progestatif’ không gì khác là progesteron tổng hợp, được sản xuất trong phòng thí nghiệm. Nó dường như không đi ngược lại tự nhiên nếu, được tạo ra để bắt chước progesteron tự nhiên, được dùng để tạo khoảng cách giữa lần sinh này với lần sinh khác, giúp bà mẹ nghỉ ngơi và nghĩ đến những em bé đã sinh hoặc sắp sinh. Đương nhiên, để việc sử dụng được hợp pháp, phải đáp ứng các bối cảnh: một ý muốn chính đáng, nghĩa là ý định sinh con – trong những năm sinh nở – số con mà bà chăm sóc và giáo dục thích hợp”.

“Chúng ta không thể buộc đó là ‘tội’ cho những người dùng viên thuốc ngừa thai”

Đức Luciani còn đi xa hơn, ngài tấn công lập luận theo đó, viên thuốc progestogen là ‘chống tự nhiên’: “Thiên nhiên đã ấn định người phụ nữ rụng trứng mỗi tháng. Đúng, nhưng thiên nhiên đình chỉ rụng trứng trong thời kỳ mang thai và cho con bú và sau khi mãn kinh. Cần phải chú ý đừng đặt ‘thiên nhiên’ vào một khung quá hẹp. Chẳng hạn, thiên nhiên cho rằng chúng ta phải nặng hơn không khí: tuy nhiên, chúng ta có thể di chuyển bằng đường hàng không, bắt chước nguyên tắc tự nhiên của loài chim. Tất nhiên, Huấn Quyền có thể giải thích một cách xác thực các quy luật tự nhiên. Nhưng hết sức thận trọng, khi có một số dữ liệu nào đó trong tay. Trong trường hợp này của chúng ta, các dữ liệu dường như là như vậy, dù người ta nói: nó được phép, hoặc ở đây có một nghi ngờ. Và khi nghi ngờ, chúng ta không thể buộc tội những người dùng viên thuốc đó.” Những lập luận của giám mục Luciani đã lọt vào tai của Thượng phụ Venice vào thời điểm đó, người đã giao cho giám mục nhiệm vụ soạn một hồ sơ để ngài gởi cho Đức Phaolô VI vào mùa xuân năm 1968.

Tuy nhiên, một vài tuần sau, Đức Phaolô VI công bố thông điệp Sự sống Con người, Humanae Vitae, ngài thấy ở Luciani một sự ủng hộ không ngừng. Nhà báo Tornielli cho biết, không những chỉ tham gia tích cực vào việc tiếp nhận thông điệp gây tranh cãi giữa các linh mục và giáo dân, ngài còn viết các bài bình luận và phân tích thường không ký tên, đăng trên nhật báo Tòa Thánh L’Osservatore Romano, theo yêu cầu của Đức Phaolô VI.

Một hành vi vâng lời đơn thuần? Không đơn thuần như vậy, chính xác là…

Khi được tạp chí Prospettive nel mondo hỏi vào ngày hôm trước cuộc bầu chọn ngài làm giáo hoàng, khi lần đầu tiên một em bé được thụ tinh trong ống nghiệm ra đời – cuộc phỏng vấn được công bố sau khi ngài qua đời – Luciani đã thận trọng trả lời, ngài nói không phải trong tư cách là giám mục, nhưng “như một nhà báo được đồng nghiệp mình hỏi” (ngòi bút cảnh giác, ngài viết quyển sách Illustrissimi, bốn mươi bức thư tưởng tượng gởi các nhân vật lịch sử về các chủ đề thời sự), và ngài chờ những tuyên bố của “huấn quyền đích thực” của Giáo hội. Sau đó, ngài tuyên bố “chỉ chia sẻ một phần nhiệt tình của những người hoan nghênh sự tiến bộ của khoa học và công nghệ”, và đặc biệt ngài tự hỏi điều gì sẽ xảy ra vào ngày mà công nghệ sẽ phải đối diện với những đứa trẻ dị tật. Sau đó, ngài đề cập đến nguy cơ tạo ra “một thị trường trẻ em”. Ngài cầu chúc “điều may mắn” cho đứa trẻ và từ chối sự lên án cha mẹ.

Vấn đề xã hội, cơ hội để Giáo hội quy tụ lại?

Chứng từ của Đức Gioan-Phaolô I để lại là gì? Theo nhà báo  Tornielli, đó là sự cởi mở không sợ hãi để thảo luận, và sau đó, một khi Huấn quyền đã quyết định thì phải tin tưởng vào sự khôn ngoan của Giáo hội và làm chứng cho ý nghĩa của sự hợp nhất. Ông Tornielli so sánh câu chuyện này với câu chuyện của giáo sư Gottlieb Söhngen, người mà Đức Ratzinger kể lại trong hồi ký của ngài, ông có lập trường chống lại việc tuyên bố tín điều Đức Mẹ Lên Trời. Một giáo sư khác hỏi giáo sư Söhngen liệu chúng ta có nên quay lưng lại với Giáo hội hay không nếu giáo điều được Đức Piô XII công bố. Giáo sư Söhngen đã trả lời: “Nếu giáo điều được công bố, tôi sẽ nhớ rằng Giáo hội thì khôn ngoan hơn tôi và tôi tin tưởng vào Giáo hội hơn là học thuyết của chính tôi.” Nhà báo Tornielli nhấn mạnh, Đức Bênêđíctô XVI đã nhận xét theo cách sau: “Tôi tin câu chuyện này nói lên tất cả tinh thần mà thần học đã được thực hiện ở Munich, một cách phê phán nhưng đáng tin.”

Nhà báo Tornielli kết luận: “Thái độ của chân phước Albino Luciani với viên thuốc ngừa thai, sự gần gũi cụ thể của ngài với các vấn đề gia đình và lòng trung thành của ngài với người kế vị Thánh Phêrô đại diện cho một chứng từ của một vấn đề thời sự lớn vẫn còn cho đến ngày nay. Đối với các hồng y sắp rời Rôma ngày 30 tháng 8 năm 1978, Đức Gioan-Phaolô I nói: ‘Xin thương xót tân giáo hoàng tội nghiệp, người thực sự không mong chờ để đảm nhận chức vụ này. Xin anh em cố gắng giúp đỡ ngài và chúng ta hãy cùng nhau cố gắng làm cho thế giới là nơi đoàn kết, thậm chí đôi khi phải hy sinh một thứ gì đó; nhưng chúng ta sẽ mất tất cả nếu thế giới không thấy chúng ta đoàn kết vững chắc.’ ”

Khi chính Đức Phanxicô cũng phải đối diện với những lời chỉ trích ngày càng tăng về một số chủ đề, và thượng hội đồng hiệp hành cũng cho thấy những mong chờ đôi khi đối nghịch và những rạn nứt có thể có, câu chuyện của nhà báo Andrea Tornielli kể dường như vượt xa cuộc tranh luận về viên thuốc. Thậm chí nó còn có hình dạng của một parabol, tập hợp tất cả các điểm trong mặt phẳng cách đều với một điểm, một đường thẳng cố định.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Tòa thánh tích cực quảng bá di sản của Đức Gioan-Phaolô I