la-croix.com, Isabelle De Gaulmyn, Tổng biên tập báo La Croix, 2022-06-10
Lyon, Paris, Avignon, Cayenne, Toulon… Ngày nay làm giám mục ở Pháp là rất khó. Có rất nhiều lý do, từ cuộc khủng hoảng ảnh hưởng trên tất cả các cơ quan đến một tổ chức Giáo hội quá tập trung đã tạo nhiều áp lực lên vai giám mục.
Vào thời buổi này khó để là một giám mục tốt. Hồng y Barbarin ở Lyon, tổng giám mục Michel Aupetit ở Paris, những di sản phức tạp để lại cho giám mục Cattenoz ở Avignon và Lafont ở Cayenne, hình phạt nghiêm khắc đã giáng xuống giáo phận Toulon buộc giáo phận phải hoãn các vụ phong chức đã được lên kế hoạch vào cuối tháng 6, nhiều người tự hỏi sắp đến lượt ai… Phải công nhận những trường hợp này có các tình huống khác nhau. Nhưng tất cả đều nói lên sự khó khăn của chức vụ giám mục ngày nay ở Pháp. Điều quan trọng là việc tìm các ứng viên cho chức giám mục ngày càng khó khăn. Đó là điều đáng lo ngại, với vai trò mục tử, giám mục là người đảm đương cho thể chế và cho sự hợp nhất của người công giáo.
Vì không chỉ là Giáo hội. Cuộc khủng hoảng này là một phần trong một khung chung, sự mất lòng tin vào các thể chế. Các chính trị gia cũng không thoát! Bất cứ ai nhận trách nhiệm trước công chúng đều thấy mình ở tuyến đầu của chỉ trích. Trong một xã hội ngày càng “quần đảo hóa”, nơi mạng xã hội là tác nhân thúc đẩy chia rẽ khủng khiếp, thì ngày nay chắc chắn không dễ gì “tạo xã hội” hơn là “tạo Giáo hội”…
Cũng đúng là các giám mục đã vô cùng suy yếu trước báo cáo của Ủy ban Sauvé về lạm dụng tình dục trong Giáo hội, được công bố vào mùa thu năm ngoái. Việc đưa ra lời chứng của các nạn nhân đã làm các linh mục mất thăng bằng. Nhưng báo cáo Sauvé đã ảnh hưởng trực tiếp đến các giám mục. Hơn nữa, họ không nhầm: với một số người, đây là việc đặt lại vấn đề một cách sâu đậm, với một số khác thì không thể lãnh hội. Khi nói “cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống” của những vụ lạm dụng, các tác giả của ủy ban Sauvé đã chỉ định rõ tổ chức này, và vì thế những người đứng đầu tổ chức có tội vì đã che giấu sự thật.
Thế kỷ 20 đã làm cho giám mục trở thành người mạnh mẽ của Giáo hội. Tất cả dựa trên họ, điều này không thể xảy ra trong quá khứ, khi các hoàng tử giám mục, lãnh chúa và các kinh sĩ khác tham gia vào việc quản lý – và kiểm soát – tôn giáo. Kể từ bây giờ, dù tốt hay xấu, một mình giám mục là hiện thân của tổ chức. Công đồng Vatican II đã lưu ý đến sự phát triển này nhưng không dự trù các hình thức quản trị tập thể hơn. Kết quả là sự tập trung quyền lực quá mức làm cô lập họ và làm cho họ dễ bị tổn thương, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng: chúng ta đã đi từ thế hệ giám mục xây dựng của đầu thế kỷ 20 trở thành thế hệ giám mục kiệt sức khi quản lý một di sản quá nặng nề. Dưới mặt quần chúng, họ nhanh chóng trở thành những người kiểm toán đầu tiên của một tình huống mà họ không phạm tội.
Làm thế nào để chữa khỏi? Đức Phanxicô đã trả lời, bằng con đường hiệp hành. Một hiệp hành đặt tất cả người công giáo vào một vị trí có trách nhiệm. Mục tiêu là chuyển từ một Giáo hội của những người trung thành vâng lời một nhà lãnh đạo sang một Giáo hội mà mọi người đều là nhân chứng cho Tin Mừng. Người công giáo vẫn cần phải chấp nhận mình góp phần vào… Và với các giám mục, họ phải có khả năng sáng tạo và chủ động, diễn tả bên ngoài nhưng vẫn đảm bảo sự gắn kết của toàn bộ.
Về cơ bản, không có gì thực sự đáng ngạc nhiên. Trong chính trị, chúng ta cũng cảm thấy cần phải tìm ra những hình thức tham gia mới của người dân. Thế giới kinh doanh cũng biết bây giờ chúng ta không còn quản lý như ngày hôm qua nữa, và việc tạo ra một tập thể đòi hỏi phải có kỹ năng. Điều tương tự cũng phải áp dụng cho Giáo hội: chúng ta phải suy nghĩ lại về việc đào tạo những người điều hành, đa dạng hóa chân dung của họ, cung cấp các thủ tục cho tính tập thể, có nơi cho tất cả giáo dân phát biểu, cơ quan quản lý, đánh giá và kiểm soát. Tóm lại, chúng ta phải đưa sự quản trị của Giáo hội vào thế kỷ 21.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Thích điều này:
Thích Đang tải...