Chụp quang tuyến tân hồng y cử tri đoàn

232

Chụp quang tuyến tân hồng y cử tri đoàn

Các hồng y dự thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô, Rôma | © I.Media

cath.ch, I.Media, 2022-06-06

Ngày 27 tháng 8 năm 2022, Đức Phanxicô triệu tập công nghị, ngài sẽ phong 21 tân hồng y, trong đó có 16 hồng y cử tri. Để hiểu tình trạng các hồng y cử tri, I.Media đưa ra bản phân tích dưới dạng thông tin theo đồ họa.

Các số liệu thống kê này bao gồm các hồng y được chỉ định, các hồng y chỉ chính thức nhận chức hồng y trong ngày công nghị cuối tháng 8, sẽ có 132 hồng y cử tri dựa trên phân tích sau đây.

1- Giáo hoàng Phanxicô đã đổi mới hơn 60% Hồng y đoàn

Khi phong thêm 16 tân hồng y vào cử tri đoàn, Đức Phanxicô tiếp tục công việc đổi mới của ngài một cách cơ chế. Trong số 132 hồng y sẽ có mặt tại Nhà nguyện Sistine khi có mật nghị, Đức Phanxicô bổ nhiệm 83 vị hay 63% hồng y đoàn.

Như thế vẫn còn 38 hồng y dưới 80 tuổi do Đức Bênêđíctô XVI phong (29%) và chỉ có 11 hồng y được phong dưới triều Đức Gioan-Phaolô II (8%).

Như thế chỉ có 49 hồng y (37%) đã dự ít nhất một mật nghị.

2- Sự gia tăng các hồng y cử tri trẻ kể từ năm 2013

Đức Phanxicô làm trẻ trung hóa hồng y cử tri lần này, đây là công nghị trẻ nhất trong 8 công nghị do ngài triệu tập kể từ đầu triều giáo hoàng của ngài. Trung bình tuổi của 16 tân hồng y cử tri này là 65,2. Để so sánh, trung bình tuổi các hồng y cử tri năm 2020 là 66,3, năm 2017 là 72. Hiện tại, trung bình tuổi của 132 hồng y cử tri là 71,8.

Hồng y trẻ nhất trong công nghị lần này là hồng y Giorgio Marengo người Ý, sẽ 48 tuổi vào lúc công nghị. Hồng y Marengo là nhà truyền giáo ở Mông Cổ, sinh ngày 7 tháng 6 năm 1974, trẻ hơn hồng y Dieudonné Nzapalainga, ngài 49 tuổi khi vào hồng y đoàn năm 2016, năm nay ngài 55 tuổi. Hồng y Giorgio Marengo là hồng y đầu tiên sinh trong những năm 1970.

Người lớn tuổi nhất vào danh sách hồng y cử tri là giám mục Tây Ban Nha Fernando Vérgez Alzaga, 77 tuổi, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Nhà nước Thành phố Vatican và là chủ tịch chính quyền Nhà nước Thành phố Vatican, ngài sẽ 80 tuổi ngày 1 tháng 3 năm 2025 và khi đó ngài sẽ không thể bầu giáo hoàng trong trường hợp có mật nghị.

 

3- Tỷ lệ châu Âu tiếp tục giảm dần

Phải công nhận, châu Âu vẫn là châu lục còn nặng ký nhất trong hồng y đoàn. Với 5 tân hồng y của châu Âu, tổng cộng châu Âu có 56 hồng y cử tri trong tổng số 132, chiếm 42% số hồng y. Nhưng tỷ lệ này có xu hướng giảm dần sau mỗi công nghị của Đức Phanxicô.

Để so sánh, biểu đồ dưới đây chỉ tính 83 cử tri do Đức Phanxicô phong. Lưu ý, Đức Phanxicô “chỉ” phong 37% hồng y châu Âu. Trong mật nghị năm 2013, Hồng y đoàn có 52% là châu Âu. Lục địa xưa cổ đã mất 10 điểm chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm.

Mặt khác, châu Á lại gia tăng mạnh dưới thời Đức Phanxicô. Châu lục này hiện đại diện cho 15% cử tri trong khi lần mật nghị cuối cùng châu Á chỉ chiếm 9%. Còn châu Phi chiếm 10% vào năm 2013 và bây giờ là 12%.

Với 21 hồng y cử tri, cho đến nay Ý vẫn là quốc gia có nhiều đại diện nhất trong Hồng y đoàn. Nhưng tỷ lệ giảm dần sau mỗi công nghị. Người Ý hiện chiếm 16% số cử tri. Trong lần mật nghị năm 2013, Ý có 28 cử tri, gần một phần tư số đại biểu.

Với 10 hồng y, Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ hai trong số các quốc gia có hồng y cử tri (8%). Tây Ban Nha có 8 hồng y. Với 5 vị hồng y, Pháp và Ấn Độ đứng sau Brazil (6).

4- Những chuyện chưa từng có trong công nghị 2022 này

Trong số các tân hồng y có các giám mục của các quốc gia chưa từng được trao mũ đỏ. Đó là nước Đông Timor với giám mục Da Silva, giáo phận Dili, hoặc Singapore với giám mục William Seng Chye Goh.

Đây cũng là lần đầu tiên Paraguay có hồng y trên đất nước của mình với giám mục Adalberto Martínez Flores, 70 tuổi, giáo phận Asunción. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, đã có một hồng y quốc tịch Paraguay, hồng y Tây Ban Nha Cristóbal López Romero, tổng giám mục Rabat ở Maroc. Trước đây ngài đã sống ở Paraguay trong vài năm và nhập quốc tịch Paraguay.

Mông Cổ cũng chưa bao giờ có hồng y. Dù tân hồng y không phải là người Mông Cổ, nhưng là người Ý, nhưng hồng y trẻ tuổi Giorgio Marengo đã sống ở đất nước này 20 năm và có thể sẽ ở lại đó.

Cuối cùng, chúng tôi có thể trích dẫn trong số những điểm mới lạ của công nghị này là Đức Phanxicô đã trao mũ đỏ cho hồng y người Đalit đầu tiên trong lịch sử. Như vậy, tổng giám mục Anthony Poola, giáo phận Hyderabad, Ấn Độ ở trong danh sách hồng y cử tri. Ngài xuấn thân từ giai cấp Đalit – trước đây gọi là giai cấp cùng đinh, là giai cấp thường bị phân biệt đối xử.

5- Những người vắng mặt trong công nghị này

Một lần nữa, qua công nghị này, Đức Phanxicô cho thấy ngài nhất quán với tự do của ngài, ngài đi ra khỏi các quan điểm truyền thống về các hồng y. Chẳng hạn ở Ý, thượng phụ Venice và các tổng giám mục hiện tại của Turin, Naples, Palermo, ngay cả giáo phận Genoa vẫn chưa nhận được tước vị hồng y.

Cũng vậy, Đức Phanxicô đã không phong tổng giám mục José Horacio Gómez, giáo phận Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, giáo phận này có ba vị tiền nhiệm là hồng y. Nhưng ngài lại phong cho giám mục Robert Walter McElroy, giáo phận San Diego, một giáo phận thuộc tổng giáo phận Los Angeles.

Kể từ khi bắt đầu triều giáo hoàng, Đức Phanxicô đã không chọn một hồng y nào từ trung Âu – ngoại trừ hồng y người Ba Lan Konrad Krajewski, được phong hồng y năm 2018, ngài là tuyên úy tông tòa làm việc ở Rôma đảm trách việc từ thiện của giáo hoàng.

Cuối cùng có một số giám mục không được Đức Phanxicô trao mũ đỏ. Trong số những ngạc nhiên này là trường hợp của giám mục Charles Scicluna, tổng giám mục Malta, thứ trưởng bộ Giáo lý Đức tin. Năm 2018, giáo hoàng đã xin giám mục Scicluna điều tra vụ Karadima ở Chi-lê.

Tên của Giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Phúc Âm hóa kể từ tháng 6 năm 2010 và phụ trách việc tổ chức Năm Thánh 2025 tại Rôma cũng không có tên trong danh sách 21 tân hồng y. Tuy nhiên, tùy thuộc vào sự phát triển trong tương lai trong sơ đồ tổ chức của Giáo triều la-mã, không thể loại trừ sẽ có các cuộc bổ nhiệm khác.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

 

Bài đọc thêm: 21 tân hồng y được Đức Phanxicô bổ nhiệm là ai?