Leonid Sevastyanov: “Đức Phanxicô muốn chúng tôi là những đại sứ của hòa bình”

118

Leonid Sevastyanov: “Đức Phanxicô muốn chúng tôi là những đại sứ của hòa bình”

cath.ch, Ban biên tập, 2022-05-17

Svetlan Kasyan và Leonid Sevastianov cùng với Đức Phanxicô | Vatican Media

“Là tín hữu kitô, chúng ta phải là đại sứ cho hòa bình”, đó là lời Đức Phanxicô viết cho ông Leonid Sevastyanov và ca sĩ opera Svetlana Kasyan ngày 5 tháng 5 năm 2022. Hai vợ chồng chính thống giáo Nga đã gặp Đức Phanxicô 8 lần kể từ lần đầu tiên họ trao đổi với ngài năm 2013.

Leonid Sevastyanov là chủ tịch Liên minh Thế giới các Tín hữu cổ, người bất đồng chính kiến với chính thống giáo Nga. Svetlana Kasyan là ca sĩ. Vì cuộc chiến ở Ukraine đã làm cho hàng ngàn người thiệt mạng và làm cho hàng triệu người Ukraine không nhà không cửa, phải đi sơ tán, phải di tản, I.Media phỏng vấn ông Leonid Sevastyanov về việc trở thành đại sứ cho hòa bình ngày nay có ý nghĩa như thế nào. Ông cũng nói về cuộc chiến đang diễn ra, vị trí của thượng phụ Kyril trong cuộc xung đột và mong muốn được thấy Đức Phanxicô đến Nga.

Xin ông cho biết bức thư Đức Phanxicô gởi cho ông nói lên điều gì?

Leonid Sevastyanov: Chúng tôi nhận thư Đức Phanxicô mời Svetlana và tôi làm đại sứ hòa bình, nhưng kể từ cuộc gặp đầu tiên với ngài năm 2013, chúng tôi đã làm. Vào lúc đó, chúng tôi tổ chức một buổi hòa nhạc vì hòa bình tại Thính phòng Conciliazione, Rôma đặc biệt dành cho cuộc chiến ở Syria. Sau buổi hòa nhạc, thư ký của giáo hoàng cho chúng tôi biết ngài muốn gặp chúng tôi và chúng tôi đến dự thánh lễ riêng của ngài ở Nhà nguyện Thánh Marta. Chúng tôi ngồi ở hàng ghế đầu, ngài nói chuyện với chúng tôi và xin Svetlana hát để cổ vũ cho hòa bình. Đó là vào tháng mười một.

Ba tháng sau, tháng 2 năm 2014, sự kiện bi thảm bắt đầu xảy ra ở Ukraine. Từ đó, giáo hoàng bắt đầu gởi thư cho chúng tôi, nhắc lại lời kêu gọi hòa bình của ngài. Tôi còn nhớ rất rõ, tháng 4 năm 2014 khi gặp Thủ tướng Ukraine lúc bấy giờ là ông Arseniy Yatsenyuk, ngài tặng cho ông cây viết mong ông dùng nó vì hòa bình.

Vì thế chúng tôi đã là bạn của ngài trong gần 10 năm nay, và mối quan hệ của chúng tôi với ngài luôn dựa trên việc thúc đẩy hòa bình.

Ông nghĩ gì về hành động của ngài khi đối diện với cuộc chiến này?

Đối với người Nga, nhìn thấy một giáo hoàng công giáo Dòng Tên, với lịch sử của các tu sĩ Dòng Tên trong nước, thì đây là biểu tượng của một phương Tây xâm nhập. Nhưng đây là một giáo hoàng này rất khiêm tốn. Ngài ở ngoài lĩnh vực chính trị. Khi mọi người hỏi tôi vì sao tôi đứng về phía Giáo hoàng, tôi trả lời, ngay từ đầu, tôi đã ấn tượng trước thực tế ngài luôn đứng về phía những người đau khổ, dù họ là người ở tôn giáo nào, chính thống, công giáo hay các đạo khác. Từ năm 2014, ngài đã luôn hỏi ngài có thể làm gì, giúp đỡ như thế nào. Ngay cả khi tôi nói với ngài về cuộc chiến Ukraine, ngài chưa bao giờ đưa ra quan điểm chính trị, đó là điều quan trọng.

Ngoài ra, ngài không chỉ nói về cuộc chiến ở châu Âu mà còn nói về những người chết ở châu Phi, châu Mỹ la-tinh và những nơi khác. Với ngài, chiến tranh ở khắp nơi là tội trọng.

Trong một phỏng vấn với nhật báo Corriere della Sera, ngài nói thượng phụ Kyrill “không thể trở thành người giúp lễ cho Putin” hay “NATO sủa trước cửa nước Nga” đã làm cho Putin phản ứng. Ông nghĩ gì về những từ này?

Tôi thích những từ này vì ngài cứng rắn, nhưng ngài cứng rắn với mọi người. Khi ngài nói về thượng phụ Kyrill và NATO, ngài đúng về cả hai.

Giáo hội chính thống Nga luôn dính với Nhà nước: bây giờ cũng như cách đây 10, 100 hay 200 năm. Là tín hữu cổ (phong trào tôn giáo chính thống Nga) tôi công khai chỉ trích điều này, vì theo tôi, đó không phải chức năng của Giáo hội.

“Tôi cầu nguyện để giáo hoàng có thể đến Nga, như thế có thể làm tiến triển các não trạng tâm lý”

Đối với NATO, giáo hoàng ở trong tâm thế đối lập – điều mà không ai khác làm. Nga có thể cảm thấy hơi “bị loại ra ngoài”.  Những lời của ngài giúp tôi hiểu rõ hơn về tình hình, vì tôi không nhìn thấy động lực kinh tế hay chính trị cho cuộc tấn công này. Chúng ta thường nói về kinh tế học chứ không nói về tâm lý học.

Tôi cầu nguyện để giáo hoàng có thể đến Nga, như thế có thể làm tiến triển các não trạng tâm lý. Ngài có thể đề xuất các cách chung sống và chính nhờ tính trung lập và phản đối bất kỳ cuộc chiến nào, nên ngài có thể có ảnh hưởng trên Putin. Chúng ta phải mở rộng cửa cho các nhà dân chủ, các nhà độc tài, tất cả mọi người, để họ ngồi lại với nhau và tao ảnh hưởng về mặt đạo đức.

Tòa thánh có thể làm gì khác để giúp giải quyết xung đột?

Về mặt đạo đức, tôi nghĩ Vatican nên trở thành thủ đô chính trị quốc tế. Tôi nghĩ không có giải pháp nào thay thế cho giải pháp hòa bình, không những cho Ukraine mà cho toàn thế giới. Thật vậy, sau Thế chiến thứ hai, chúng ta đã không tạo được một thể chế bảo vệ chúng ta khỏi chiến tranh. Khi đặt mối quan hệ chỉ dựa trên kinh tế, chiến tranh sẽ luôn bùng ra. Chúng ta phải tạo ra một thể chế mới dựa trên đức tin. Chỉ có một thể chế duy nhất, một Nhà nước luôn trung lập và phản đối bất kỳ cuộc chiến tranh nào: đó là Vatican. Tôi nhớ năm 2003, khi tôi đang học ở Ý, bạn tôi là hồng y Roger Etchegaray được Đức Gioan Phaolô II cử đến nói chuyện với Saddam Hussein ở Iraq. Ngay cả với Saddam Hussein, Vatican cũng luôn cố gắng thúc đẩy hòa bình và tìm kiếm điểm chung để tránh xung đột.

Làm thế nào điều này có thể thực hiện một cách cụ thể được?

Tôi đề nghị mở một loại “bàn tròn” ở Vatican. Tòa thánh nên mời Biden, Zelensky, đại diện NATO, Putin, Tập Cận Bình, v.v., tham dự cuộc gặp thượng đỉnh do giáo hoàng điều phối. Tôi không thấy bất kỳ thể chế nào khác, bất kỳ quốc gia trung lập nào khác có thể thúc đẩy hòa bình. Tất cả đều quan tâm đến vấn đề kinh tế nhiều hơn. Không thể chấm dứt chiến tranh mà không có đối thoại và theo tôi, Tòa thánh phải đảm nhận vai trò chính và đạo đức. Tôi đã đề nghị điều đó với giáo hoàng nhưng ngài không trả lời gì.

“Nhiều người Ukraine, nhiều người Nga sẽ đánh mất đức tin vì một Giáo hội cổ vũ chiến tranh”

Ông nghĩ gì về những phát biểu của thượng phụ Kyrill? Ông có nghĩ thượng phụ sẽ có thể thay đổi thái độ?

Tôi đồng ý với triết gia Nietzsche, ông nói con người luôn hành động cho quyền lực, cả khi ông nói về tôn giáo. Người ta chỉ có thể thay đổi thái độ của mình nếu họ thấy một vài hữu ích nào đó để họ thay đổi.

Ở Nga, Giáo hội trải qua thời kỳ phục hồi sau khi chế độ xô viết mà họ chống đối sụp đổ. Bây giờ tôi mong có một khủng hoảng tôn giáo và hiện sinh lớn sau cuộc xung đột này ở Ukraine, vì lần này Giáo hội ủng hộ chế độ. Tôi hình dung nhiều người Ukraine, nhiều người Nga sẽ đánh mất đức tin vì một Giáo hội cổ vũ cho chiến tranh.

Các tín hữu chính thống giáo nghĩ gì về thái độ của thượng phụ Kyrill?

Thượng phu không được lòng dân chút nào. Ngay trong số các giám mục, nhiều người chịu đựng nhưng trong lòng họ không đồng ý. Rất khó để ủng hộ chủ nghĩa quân phiệt. Tôi có thể hiểu rất rõ trên quan điểm của tuyên truyền và chính trị, nhưng họ không ở trên quan điểm của Phúc âm, nó không tồn tại và không thể giải thích được.

Mối quan hệ của ông với Giáo hội chính thống Nga là gì?

Tôi đã làm việc lâu năm trong Giáo hội chính thống Nga với tư cách là giám đốc Quỹ Thánh Gregory, tổ chức hỗ trợ cho Ban Đối ngoại của tòa thượng phụ Mátxcơva, do trưởng giáo chủ Hilarion làm chủ tịch. Năm 2018 xảy ra các vấn đề với tòa thượng phụ Constantinople và Ukraine. Kể từ thời điểm đó, tôi cảm thấy tôi không muốn tham gia vào những chuyện này, những cuộc chiến đó này nên tôi đã rời văn phòng đó.

Bây giờ tôi là chủ tịch của Liên minh Thế giới các Tín hữu cổ. Đây là một truyền thống tôn giáo lịch sử của Nga vào thế kỷ 17 đã tách khỏi Giáo hội chính thống vì không chấp nhận sự gắn bó và phục tùng Nhà nước. Kể từ những cải cách ở thế kỷ 17 này, dù tốt dù xấu Giáo hội luôn ủng hộ Nhà nước. Mặt khác, với những tín đồ cổ xưa, truyền thống chính thống dựa trên cộng đồng. Gia đình tôi xuất thân từ truyền thống này. Hôm nay, tôi là người đại diện ở cấp độ chính trị và xã hội. Một số cộng đồng công nhận thượng phụ Kyrill, một số cộng đồng khác tách rời.

“Chúng tôi quyết định ở lại Nga khi cuộc chiến bắt đầu, nhưng không dễ dàng chút nào”

 Ông nghĩ vì sao giáo hoàng lại có mối quan hệ thân thiết với ông  như vậy?

 

Trong quá khứ người ta đã hỏi tôi: “Ông là ai để nói chuyện với giáo hoàng?” hoặc “Không có ca sĩ nào khác quan trọng hơn Svetlana sao?” Nhưng theo tôi, giáo hoàng đánh giá cao những người bình thường. Bạn không thể hiểu mọi người nếu bạn đặt ưu tiên cho “người ưu tú”. Ngay từ đầu, ngài đã nói với chúng tôi, mọi thứ chỉ có thể thay đổi nếu những người bình thường làm việc vì hòa bình. Vì một chính trị gia có thể thúc đẩy hòa bình hôm nay, và ngày mai họ quên, nhưng nếu đa số người dân thúc đẩy hòa bình, thì các chính trị gia sẽ ảnh hưởng theo.

Và chúng tôi đang làm việc cho điều này với Svetlana. Chúng tôi quyết định ở lại Nga khi cuộc chiến bắt đầu, nhưng không dễ dàng chút nào. Chúng tôi cố gắng đăng trên báo chí Nga, công khai nói về hoà bình dù phải gặp rủi ro. Chúng tôi cũng tổ chức các sự kiện văn hóa và các buổi hòa nhạc để cổ động hòa bình. Chúng tôi sẽ có một cuộc họp ở Kaliningrad, vùng cực Tây của Nga ngày 1 tháng 6. Chúng tôi cũng đang giúp đỡ những người tị nạn, nhiều người trong số họ đã đến đây kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô nói với nhà đối thoại người Nga Leonid Sebastianov: “Chúng ta cùng làm việc cho hòa bình”

 

Ca sĩ Svetlana Kasyan giới thiệu album Fratelli tutti

 

 

Svetlana Kasyan, ca sĩ opera yêu thích của Đức Phanxicô