Mười đặc nét trong tính cách của Đức Bênêđíctô XVI

376

Mười đặc nét trong tính cách của Đức Bênêđíctô XVI

fr.aleteia.org, Marzena Devoud, 2022-04-18

Dịu dàng, chung thủy, tình gia đình, giản dị, khiêm nhường… Mười nét chính trong tính cách của Đức Bênêđíctô XVI, mười nét mạnh mẽ và kín đáo trong triều giáo hoàng của ngài.

Khi giáo hoàng danh dự Bênêđíctô XVI 93 tuổi rời khuôn viên Vatican ngày 18 tháng 6 năm 2020 để đi Regensburg thăm người anh Georg Ratzinger đang hấp hối, những ai biết ngài đều không ngạc nhiên. Một lần nữa, với một cử chỉ đơn sơ, ngài đã cho thấy, điều gì đối với ngài là quan trọng trong đời. Những cử chỉ khác mạnh mẽ cũng như kín đáo, thường làm trong im lặng cho thấy triều giáo hoàng của ngài qua hai nét chính: tình yêu cho Chúa và cho người anh em.

1- Dịu dàng

Đức Bênêđíctô XVI tại văn phòng của ngài ở Castel Gandolfo, ngày 23 tháng 7 năm 2010. HO / OSSERVATORE

Khi hình ảnh của một hồng y “xe tăng” còn đi theo ngài vài tháng sau khi ngài được bầu chọn ngày 19 tháng 4 năm 2005, ngài đã làm mọi người ngạc nhiên khi lễ Giáng sinh năm đó, ngày 25 tháng 12 năm 2005 ngài ban hành thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, Deus caritas est đầu tiên của ngài. Thông điệp không nói về tín điều hay phụng vụ, mà nói về tình yêu. Deus caritas est không phải là bài phát biểu quan trọng của người đứng đầu Giáo hội, nhưng là bài suy niệm thiêng liêng và triết lý đầy dịu dàng về chủ đề tình người. “Sống bằng tình yêu thương và nhờ đó để ánh sáng của Thiên Chúa tràn vào thế giới, đây là điều tôi muốn khuyến khích với thông điệp này”, ngài kết luận ở cuối tài liệu.

2-  Trung thực

Đức Bênêđíctô XVI chào các thanh thiếu niên trẻ trong Ngày Thế Giới Trẻ tại Cologne, Đức, ngày 20 tháng 7 năm 2005 MICHAEL DALDER / POOL / AFP

Ngày 2 tháng 4 năm 2005, hàng ngàn thanh thiếu niên trẻ cầu nguyện ở Quảng trường Thánh Phêrô, họ biết Đức Gioan-Phaolô II đang sống những giây phút cuối cùng đời ngài. Khi từ giường bệnh, ngài nghe tiếng khóc của họ, ngài nói những lời cuối cùng với họ: “Cha đã đi tìm các con, và bây giờ các con đến với cha, cha cám ơn vì điều này.” Đức Gioan-Phaolô II qua đời vài tháng trước Ngày Thế Giới Trẻ ở Cologne, ngày 16 tháng 8. Đức Bênêđíctô XVI kế vị ngài, với bản tính  tính nhút nhát và quen với phòng họp hơn là các buổi nói chuyện với các thanh thiếu niên trẻ, nhưng trung thành và “trong tinh thần nối tiếp công việc của Đức Gioan-Phaolô II”, ngài lên đường đi Cologne. Đây là chuyến tông du đầu tiên của ngài. Thuật luyện kim hành động: với phong cách chiêm nghiệm của ngài, Đức Bênêđíctô XVI ngay lập tức bắt đầu “tình bạn” với những người trẻ tuổi từ khắp nơi trên thế giới với cùng một tinh thần trung thành.

3- Tình huynh đệ

Đức Bênêđíctô XVI trong chuyến đi thăm nguyện đường do thái ở Cologne, ngày 19 tháng 8 năm 2005. PIER PAOLO CITO / POOL / AFP

60 năm sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, ngài đã có một hành vi lịch sử trong tinh thần huynh đệ, ngài đến thăm nguyện đường do thái lâu đời nhất ở Cologne, nước Đức ngày 19 tháng 8 năm 2005. Ngài lên án “tội ác chưa từng có” của lò thiêu Holocaust và ngài cầu nguyện cho các nạn nhân của “chủ nghĩa quốc xã”, ngài tuyên bố mong muốn kết hiệp người kitô giáo và do thái giáo để chống lại “thế lực của cái ác”. Vì thế ngài đi theo con đường được Đức Gioan-Phaolô II khởi xướng: năm 1986, Đức Gioan-Phaolô II đã đến một nguyện đường do thái ở Rôma để làm chứng cho mong muốn hòa giải của Giáo hội công giáo với cộng đồng do thái. Chưa có giáo hoàng nào đến thăm nhiều giáo đường như vậy: sau Cologne năm 2005, New York năm 2008, Đức Bênêđíctô XVI đến thăm nguyện đường do thái ở Rôma năm 2010.

 4- Sức mạnh tâm hồn

Đức Bênêđíctô XVI cầu nguyện trước bức tường chết trong lần đến thăm trại nazi Auschwitz, ngày 28 tháng 5 năm 2006. VINCENZO PINTO / AFP

Lạy Chúa, Chúa là Chúa của hòa bình…”, Đức Bênêđíctô XVI nói tiếng Đức, tiếng mẹ đẻ của ngài, ngài cầu nguyện trước đài tưởng niệm các khối đá đen của trại nazi Auschwitz-Birkenau. Một cử chỉ kêu gọi hòa giải mà ngài mong muốn thực hiện “trên hết với tư cách là người công giáo và là người con của dân tộc Đức”. Lúc ngài cầu nguyện, một cầu vồng xuất hiện trên bầu trời, được các nhiếp ảnh gia tháp tùng chuyến đi của ngài chụp. Ngài tuyên bố khi kết thúc chuyến tông du Ba Lan: “Tôi đã được an ủi rất nhiều khi thấy cầu vồng xuất hiện trên bầu trời, và, trong một cử chỉ của ông Gióp, tôi kêu lên Chúa khi đối diện với sự kinh hoàng của nơi này, trong nỗi kinh hoàng về sự vắng mặt của Chúa, tôi cảm nhận một niềm tin chắc chắn, Ngài không bao giờ ngừng hiện diện và ở lại với chúng ta, ngay cả trong sự im lặng của Ngài.”

5- Ý nghĩa của tình gia đình

Đức Bênêđíctô XVI trong buổi tiếp kiến chung tại Hội trường Phaolô VI ngày 14 tháng 2 năm 2013 GABRIEL BOUYS / AFP

Ngài không bao giờ rời chiếc đồng hồ này. Ngay từ ngày đầu triều giáo hoàng của ngài, các nhà báo ủy nhiệm tại Vatican thấy ngài mang chiếc đồng hồ… phụ nữ. Tò mò, họ được ông Peter Seewald, người viết tiểu sử của ngài cho biết, đó là

chiếc đồng hồ của người chị yêu quý Maria Ratzinger của ngài đã qua đời năm 1991. Maria là chị cả. Từ thời thơ ấu, chị Maria chăm sóc em mình và khi ngài làm hồng y, chị là quản gia của ngài. Ngày 2 tháng 11 năm 1991, trong lần đi thăm mộ cha mẹ như thường lệ, chị Maria đã chết bất đắc kỳ tử. Kể từ đó, như một cử chỉ tưởng nhớ và yêu thương chị, Đức Bênêđíctô luôn mang đồng hồ của chị.

6- Tình bạn thiêng liêng

Đức Bênêđíctô và anh trai Georg trước mộ của cha mẹ, ông bà Joseph và Maria Ratzinger và chị Maria, tại nghĩa trang ở Regensburg, Đức, ngày 13 tháng 9 năm 2006. DBWolfgang Radtke / DPA / dpa Picture-Alliance qua AFP

Biết anh mình, linh mục Georg Ratzinger đang sống những ngày cuối đời, từ ngày 18 đến 22 tháng 6 Đức Bênêđíctô XVI đi Đức thăm anh lần cuối. Ngày 19 tháng 6, ngày lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, hai anh em đồng tế tại tư gia. Vài ngày sau người anh qua đời và chôn ngày 8 tháng 7 tại Regensburg, Đức. Tuy Đức Bênêđíctô không còn ở lại Đức để dự tang lễ, nhưng ngài luôn gần gũi với anh mình, hai người cách nhau 3 tuổi.  Hai anh em thụ phong linh mục cùng ngày, 29 tháng 6 năm 1951, và giữ tình thân thiết trong suốt đời nhau. Tổng giám mục đương nhiệm Rudolf Voderholzer tại Regensburg nhớ lại, hai anh em đã gặp nhau 9 lần trong vài ngày ở bên nhau: “Có rất ít lời nói nhưng có nhiều cử chỉ dịu dàng và nhất là những lời cầu nguyện bên nhau”.

7- Yêu âm nhạc

Đức Bênêđíctô XVI đàn dương cầm ở Les Combes, vùng Valle d’Aosta, ngày 16 tháng 7 năm 2006. ARTURO MARI / OSSERVATORE ROMANO / AFP

Đàn dương cầm luôn là thú tiêu khiển của ngài. Ngài đặc biệt thích nhạc của Mozart. Ngài nói trong một buổi hòa nhạc ngày 7 tháng 9 năm 2010 được tổ chức để vinh danh ngài tại Castel Gandolfo: “Một tình cảm đặc biệt gắn kết tôi với người nhạc sĩ tài ba này. Mỗi lần nghe nhạc của ông, tôi chỉ có thể quay lại ký ức về nhà thờ giáo xứ của tôi khi còn nhỏ vào những ngày lễ trọng, bài “Messe” vang lên: tôi cảm thấy như trong tim tôi có một nét đẹp từ Trời đến với tôi, và mỗi lần nghe, tôi đều cảm nhận được cảm giác này.” Ngài cũng thích đàn các bản nhạc khác, như lần ở Les Combes, vùng phía bắc Valle d’Aosta, ngày 16 tháng 7 năm 2006 trong kỳ nghỉ hè, ngài còn ngẫu hứng chơi nhạc jazz.

8- Khiêm tốn

Đức Bênêđíctô XVI rời ban-công sau lần nói chuyện cuối cùng với giáo dân khi ngài đến Castel Gandolfo, ngày 28 tháng 2 năm 2013. FILIPPO MONTEFORTE / AFP

Ngày 11 tháng 2 năm 2013, trong một cử chỉ gần như chưa từng có trong lịch sử, Đức Bênêđíctô XVI đã làm thế giới ngạc nhiên khi ngài tuyên bố từ bỏ ngai thánh Phêrô. Trong tự do hoàn toàn, ngài quyết định chấm dứt triều giáo hoàng, mà cho đến nay, triều giáo hoàng chỉ chấm dứt khi giáo hoàng đương nhiệm qua đời. Một sự kiện lịch sử để lại nhiều câu hỏi.

Trong một phỏng vấn của báo La Repubblica ngày 24 tháng 8 năm 2016, ngài nói: “Tôi quá mệt mỏi nên tôi phải từ bỏ ngai Thánh Phêrô. Rõ ràng là do sức yếu và tuổi già: năm 2013, tôi có nhiều chương trình đã dự trù, như Ngày Thế Giới Trẻ ở Rio de Janeiro mà tôi nghĩ tôi không đủ sức đi”, ngài giải thích thêm việc ngài từ nhiệm là một cử chỉ của khiêm tốn và trách nhiệm.

9- Giản dị

Đức Bênêđíctô XVI tổ chức sinh nhật với một số bạn bè ở vườn Vatican ngày 17 tháng 4 năm 2017. Lena Klimkeit / DPA / dpa Picture Alliance

Giống như sự từ nhiệm của ngài ngày 28 tháng 2 năm 2013, ngài không tổ chức sinh nhật của ngài theo một nghi lễ nào. Ăn tối, chào hỏi nhân viên phục vụ bình thường, sau đó trở lại nhà nguyện và cầu nguyện – hàng ngày, sự giản dị của ngài có thể thấy trong bất kỳ giây phút nào. Ngoại lệ duy nhất, ngày sinh nhật lần thứ 90, 17 tháng 4 năm 2017, được tổ chức với một nhóm nhỏ bạn bè, anh trai Georg, giám mục thư ký riêng Ganswein của ngài và bà quản gia quanh một… ly bia. Ngài nói trong ngày đầu tiên triều giáo hoàng: “Tôi nhận thức được những giới hạn của con người và khả năng của mình và tôi mong muốn hoàn thành sứ mệnh của mình trong đơn giản và sẵn sàng.”

10- Kín đáo

Đức Bênêđíctô XVI lần hạt trong vườn Castel Gandolfo, ngày 25 tháng 7 năm 2019. HO / OSSERVATORE ROMANO / AFP

Linh mục Lombardi Federico, cựu phát ngôn viên của ngài, trong một phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican năm 2017, linh mục cho biết: “Cách sống những năm cuối đời của ngài tương ứng với những gì ngài đã tuyên bố: kể từ khi từ nhiệm, Đức Bênêđíctô XVI sống trong lời cầu nguyện và cực kỳ kín đáo, đồng hành với đời sống Giáo hội và liên đới với người kế vị”. Đức Bênêđíctô XVI sống trong tu viện và không bao giờ rời khỏi tường thành Vatican. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ đã xảy ra (ngoài chuyến đi Đức thăm người anh hấp hối),  ngày 25 tháng 7 năm 2019, giáo hoàng danh dự đã tự cho mình một chuyến đi dạo ở Castel Gandolfo, nơi nghỉ mùa hè của các Giáo hoàng, nơi ngài đã lần chuỗi Mân Côi trên các lối đi trong khu vườn nơi này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: “Nghệ thuật chết lành” theo Đức Bênêđictô XVI