Im lặng và khó chịu ở Mátxcơva chung quanh chuyến đi có thể có của Đức Phanxicô đến Kyiv
la-croix.com, Benjamin Quénell, Mátxcơva, 2022-04-12
Đằng sau sự thờ ơ bên ngoài là những dè chừng xưa cũ của Giáo hội chính thống với Đức Phanxicô, nói rộng ra là với người công giáo. Trong giới giáo sĩ đã có những cuộc tranh luận.
Đức Phanxicô trong lần hội thoại với thượng phụ Kyrill ngày 16 tháng 3 năm 2022. Vatican Media / AFP
Đầu tháng 4, tin Đức Phanxicô có thể sẽ đi Kyiv được đón nhận một cách thờ ơ và dè chừng, hầu như ở Mátxcơva chẳng ai chú ý. Ông Leonid Sevastyanov, người đứng đầu Liên Minh thế giới các cựu tín hữu, một nhà quan sát am tường giới ưu tú chính thống Nga cho biết: “Nếu chuyến đi này được thực hiện thì chắc chắn phản ứng ở Mátxcơva là làm giảm tầm quan trọng của nó. Cả Điện Cẩm Linh và tòa thượng phụ chính thống Nga sẽ không quan tâm để nói đến…”
Buổi hội thoại video giữa Đức Phanxicô và thượng phụ Kyrill ngày 16 tháng 3, về Ukraine và vai trò các mục tử cổ động cho hòa bình hầu như không được bình luận ở Nga – tuy nhiên, nó có thể được bình luận sau cuộc gặp trực tiếp vào tháng sáu.
Đưa tin tối thiểu
Chuyến đi Mátxcơva năm 2017 của hồng y Quốc Vụ Khanh Pietro Parolin được tổng thống Vladimir Putin tiếp đón, các nhà chức trách và các đài truyền hình đều đưa tin tối thiểu. Năm năm sau, dù trong bối cảnh rất căng thẳng, chuyến đi Ukraine cũng có thể chịu chung số phận.
Ông Jean-François Thiry, giám đốc“ Thư viện tinh thần”, nơi tổ chức các cuộc họp đại kết hiếm hoi ở Mátxcơva lấy làm tiếc: “Nếu Đức Phanxicô có được chuyến đi ý nghĩa và biểu tượng này đến Kyiv thì đa số người Nga, những người ủng hộ hành động của quân đội Nga ở Ukraine, sẽ nói Vatican đang ủng hộ chế độ kẻ thù. Điều này sẽ được dùng để biện minh cho những lời chỉ trích của họ trong quá khứ với giáo hoàng và với người công giáo.
Giữa oán hận và ghen tị
Đằng sau hờ hững là những nghi ngờ xưa cũ trở về. Các giáo sĩ chính thống giáo vẫn cực kỳ gay gắt với giáo hoàng, họ cho rằng từ lâu Vatican đã tìm cách nhúng tay vào Nga. Một cách chính thức, tòa thượng phụ đảm bảo “không còn vấn đề gì với người công giáo” nhưng, tại các nhà thờ ở Mátxcơva, những tiền đề xưa cũ cho rằng người công giáo có khuynh hướng chiêu dụ đã nhanh chóng được đem ra thảo luận.
Cho đến này, Đức Phanxicô được đánh giá cao ở Mátxcơva. Đặc biệt là vì giáo hoàng chưa bao giờ nói bất cứ điều gì khó chịu chống lại Vladimir Putin, ông Putin thường xuyên đến thăm Vatican, đã tận dụng cơ hội để bày tỏ sự “cởi mở” của mình với thế giới phương Tây. Nhưng sự nổi tiếng trên toàn thế giới của Đức Phanxicô làm cho giới ưu tú chính thống cảm thấy khó chịu, cảm giác xen lẫn kỳ lạ giữa phẫn nộ và ghen tị với giáo hoàng có khả năng quy tụ giáo dân lớn hơn và chân thành hơn so với các chuyến thăm của thượng phụ Kyrill.
Một nguồn tin giấu tên tại tòa thượng phụ Mátxcơva cho biết: “Nếu ngày nào Đức Phanxicô đến Mátxcơva, ngài sẽ thu hút nhiều người hơn giáo chủ chúng tôi. Mọi thứ đã được thực hiện trong nhiều năm để tránh không cho ngài đến đây.” Trong các nhà thờ, các giáo phụ thường có luận điệu với cùng câu trả lời cho các chuyến tông du của Đức Phanxicô: “Người Công giáo làm được nhiều việc. Chúng tôi không.”
Khó chịu nội bộ
Không phải là người khởi xướng nhưng Vladimir Putin đã dàn xếp để có cuộc gặp giữa giáo hoàng và thượng phụ ngày 12 tháng 2 năm 2016 tại Cuba. Một cuộc họp lịch sử giữa người đứng đầu Giáo hội công giáo và chính thống giáo Nga, một cuộc gặp chưa từng có kể từ Công đồng Florence năm 1439. Nhưng các tranh chấp vẫn kéo dài vì, ngoài những vấn đề lịch sử, còn có thêm vấn đề ganh tị cá nhân. Hệ thống phân cấp chính thống vẫn trung thành với quyền lực, qua những lời tuyên bố trung thành của thượng phụ Kyrill với Điện Cẩm Linh và sự ủng hộ không điều kiện của ông với điều mà Mátxcơva gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Ngay cả trước khi xảy ra xung đột Ukraine, người ta đã thấy các căng thẳng trong Giáo hội chính thống Nga, giữa các trào lưu bảo thủ và tự do, với việc một giáo chủ luôn ngăn cản mọi tranh luận. Một chuyến thăm của Đức Phanxicô đến Kyiv sẽ tăng thêm sự bất an, nhưng chính thức thì Giáo hội sẽ không tỏ ra cho thấy điều này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Thượng phụ Kyrill, lá bài chủ suy yếu của Điện Kremlin