lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2022-04-02
Đức Phanxicô tại phi trường Valletta, Malta ngày thứ bảy 2 tháng 4-2022
Ngày càng khó đi đứng vì đau xương hông, đến Malta, Đức Phanxicô lên tiếng phản đối “những tuyên bố tham vọng lỗi thời về lợi ích dân tộc chủ nghĩa” trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Đức Phanxicô tại phi trường Rôma, Fulcimino sáng thứ bảy 2 tháng 4-2022
Đức Phanxicô, 85 tuổi, rời Rôma cũng như đến Malta với những khó khăn đi đứng thấy rõ, ngài không thể lên hoặc xuống cầu thang máy bay thông thường mà phải dùng thang máy. Đây là lần đầu tiên trong 36 chuyến tông du của ngài. Nhưng chuyện này không phải mới vì Đức Gioan-Phaolô II vào cuối đời bị nặng hơn, ngài đã dùng cách này trong nhiều chuyến đi.
Đức Phanxicô bị đau xương hông từ lâu, bị chứng đau thần kinh tọa tái phát và sưng đầu gối. Vì thế từ vài tháng nay ngày ngài càng đi khập khiễng. Cuối tháng hai ngài đã không đi Florence như đã dự định, bỏ nhiều buổi tiếp kiến chung để đầu gối được nghỉ ngơi. Nhưng cho đến nay, khuyết tật này không làm chậm lại hoạt động của ngài. Và ngay cả không tác động đến năng lực của ngài theo một số nguồn tin thân cận ngài.
Chuyến đi Malta bị hoãn một năm vì đại dịch cũng thích ứng cho tình trạng này. Dự kiến ngài sẽ đến đảo Gozo chiều thứ bảy, đảo Gozo ở phía tây bắc hòn đảo, tại đây ngài có giờ cầu nguyện tại Đền thánh Quốc gia “Ta’ Pinu”. Sáng chúa nhật ngài sẽ cử hành một thánh lễ ngoài trời tại Quảng trường Thánh Phêrô các Vựa lúa trước khi về lại Rôma.
Sáng thứ bảy 3 tháng 4, ngài có bài phát biểu rất được mong chờ trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, trước các nhà chính trị gia Malta và phái đoàn ngoại giao.
Bài đọc thêm: Một tháng dài như một thế kỷ
Bạo lực ấu trĩ và hủy diệt
Tuy nhiên, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine không có nhiều chỗ trong bài phát biểu của ngài như những cân nhắc thông thường của ngài về vấn đề nhập cư. Ngài tuyên bố: “Chúng ta nghĩ các xâm lăng của các quốc gia nước ngoài, các cuộc giao tranh bạo lực trong thành phố và các mối đe dọa nguyên tử là những ký ức đen tối của một quá khứ xa xôi, nhưng cơn bão lạnh giá của chiến tranh mang lại chết chóc, hủy diệt và hận thù đã cùng với bạo lực giáng xuống.”
Vì một lần nữa, “một số người có tiềm lực đang kích động và thúc đẩy xung đột.” Một số người có tiềm lực này, kể từ đầu cuộc chiến, Đức Phanxicô không nêu tên, “đã vì lợi ích riêng của họ đi tìm nơi và vùng ảnh hưởng cho họ”.
Một chính sách mà ngài mô tả là “ấu trĩ và hủy diệt”, thậm chí như một “chủ nghĩa ấu trĩ” dấy lên bằng vũ lực trong các tân đế quốc, trong sự tấn công toàn diện, không có khả năng xây dựng cầu và khởi đi từ những người nghèo nhất”.
Nhưng Đức Phanxicô van xin, “những gì chúng ta cần là lòng trắc ẩn và sự quan tâm, chúng ta không cần những tầm nhìn ý thức hệ, chủ nghĩa dân túy nuôi dưỡng bằng những lời thù hận, không có được sự sống cụ thể của những con người, những con người bình thường.” Ngài nói thêm, hiện tượng này xuất phát từ lâu và tuân theo những nguyên nhân cụ thể: “Chiến tranh đã diễn ra trong một thời gian dài với những khoản đầu tư lớn, với việc bán vũ khí.”
Vì thế ngài kêu gọi, “chúng ta phải có các hội nghị quốc tế vì hòa bình, trong đó vấn đề giải trừ vũ khí là trọng tâm” để “các quỹ khổng lồ dùng cho vũ khí được chuyển thành quỹ phát triển, y tế và lương thực”.
Theo ngài, vấn đề chính là “nguy cơ xảy ra ‘một cuộc chiến tranh lạnh sâu rộng’ có thể bóp nghẹt cuộc sống của mọi dân tộc và của nhiều thế hệ”.
Người khác không phải là vi-rút
Về vấn đề người di cư, một vấn đề ngài thường đề cập đến, người di cư đến châu Âu qua Địa Trung Hải, ngài thừa nhận “dòng người di cư ngày càng tăng trong những năm gần đây” ở Malta đã tạo ra “nỗi sợ hãi và bất an” từ đó là “chán nản và thất vọng”.
Sáng thứ bảy 2 tháng 4, trước khi lên đường đi Malta, Đức Phanxicô gặp các bà mẹ và trẻ em người tị nạn Ukraine được Cộng đoàn Sant’Egidio đón nhận.
Nhưng theo ngài, “hiện tượng di cư mang theo những món nợ của những bất công trong quá khứ, sự bóc lột, biến đổi khí hậu, những cuộc xung đột mạo hiểm mà hậu quả chúng ta phải trả”. Vì thế, thực tế “khối lượng người di chuyển đến phía bắc giàu có hơn (…) không thể bị loại bỏ bằng các cuộc đóng cửa theo kiểu xưa cổ, vì sẽ không có sự thịnh vượng, không có hội nhập trong cô lập.”
Và ngài công kích: “Nỗi sợ hãi và câu chuyện xâm lược” nổi trội hơn những người vượt Địa Trung Hải để tìm kiếm sự sống” để “bảo vệ an ninh cho chính họ bằng mọi giá”.
Bài đọc thêm: Chiến tranh Ukraine: các cố gắng của Đức Phanxicô
Vì thế ngài lặp đi lặp lại nhiều lần, “không được xem người di cư là mối đe dọa và không nhượng bộ trước cám dỗ xây tường, xây cầu rút”. Bởi vì “người khác không phải là vi-rút để chúng ta phải tự vệ, phải chống lại nhưng là người chúng ta tiếp nhận” dù phải trả bằng giá của những “nỗ lực, hy sinh” và “từ bỏ”.
Vì vậy, “Địa Trung Hải cần sự đồng trách nhiệm của châu Âu, một lần nữa Địa Trung Hải là nơi của tình đoàn kết, chứ không phải tiền trạm của một nền văn minh bị đắm tàu.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Tin Mừng trước mối nguy chiến tranh