Cặp Kyrill-Putin: “Một lô-gích toàn trị”

125

Cặp Kyrill-Putin: “Một lô-gích toàn trị”

Thượng phụ chính thống Nga và Tổng thống Putin bị kẹt “trong lô-gích toàn trị”. Ngày 25 tháng 3, nhà sử học về tôn giáo Jean-François Colosimo giải thích các động lực ý thức hệ đã phục vụ cho cái nhìn của chủ nghĩa đế quốc.

cath.ch, Bernard Litzler, 2022-03-27

Nhà sử học Pháp Jean-François Colosimo trong chương trình Les Matins của nhà báo Guillaume Erner trên truyền hình France Culture: “Kyrill, giáo chủ của Giáo hội Nga đã thần thánh hóa cuộc chiến ở Ukraine. Ông thay mắt Putin biến nó thành cuộc thập tự chinh thế cho Poutine.”

Trên thực tế, “Kyrill và Putin đại diện cho sự trỗi dậy của con người xô viết, homo sovieticus, người này người kia không màng đến người dân Ukraine chết, không màng đến người lính Nga ra trận phải chết, họ dứt khoát tiến hành cuộc chiến anh em giết nhau và chúng ta đang ở trong lô-gích của chủ nghĩa toàn trị”. Và theo nhà sử học: “Mọi thứ đã thấy rõ, Kyrill đã công cụ hóa chính thống giáo. Ông phải bị đuổi!”

Theo tư tưởng gia Pháp, giáo chủ Nga “trước hết là nhà tài phiệt, ông có một tài sản khổng lồ. Ông đích thực là bộ trưởng thờ phụng của Putin”.

Một Giáo hội tử đạo

Vậy mà Giáo hội Nga đã trả một giá quá nặng với chủ nghĩa cộng sản xô viết. Sử gia Colosimo nhắc lại trong buổi nói chuyện trên truyền hình: “Từ năm 1917 đến năm 1991, Giáo hội Nga đã có nhiều người tử đạo hơn tất cả các Giáo hội Thiên chúa giáo khác trong hai mươi thế kỷ: 600 giám mục, 40.000 linh mục, 120.000 nam nữ tu sĩ đã bị giết dưới chế độ cộng sản”.

Năm 1941, đối mặt với cuộc xâm lược Đức, Stalin đã đưa những giám mục cuối cùng còn sống trong các ngục tù goulag ra và bắt họ ký một thỏa ước. Đổi lại, cộng sản sẽ mở lại một số nhà thờ, chủng viện và tu viện. Năm 1970, trưởng giáo chủ Nicodème, Tổng giám mục Leningrad, buộc phải ký một thỏa hiệp với Bộ Chính trị và KGB. Trưởng giáo chủ sẽ bảo vệ Liên Xô về giải trừ quân bị, chủ nghĩa thế giới thứ ba, không liên kết với với bên ngoài, với điều kiện là Giáo hội được nới lỏng. Sử gia Colosimo nói: “Và Kyrill, trưởng giáo chủ Nga hiện nay là đệ tử của Nicodème.”

Chính thống giáo như hệ tư tưởng Quốc gia

Sử gia nói tiếp: “Năm 1991, trên đống tro vụn của chủ nghĩa cộng sản, chỉ có hai tổ chức còn đứng vững: KGB và Giáo hội. Nước Nga là cường quốc hạt nhân nhưng lại là chú lùn kinh tế. Và bây giờ nước Nga có nguy cơ thành người lùn địa chính trị. Toàn bộ giấc mơ của Putin về việc khôi phục đế quốc – một loại tái thiết hoàn toàn hoang tưởng – sẽ dựa trên chính thống giáo, xem chính thống giáo như một ý thức hệ Quốc gia. Và Kyrill sẽ bước theo Putin. Đặc biệt là vì tòa thượng phụ Mátxcơva là tổ chức duy nhất thời hậu xô viết bao gồm toàn bộ lãnh thổ của Liên Xô. Putin sẽ công cụ hóa lực lượng ngoại giao này, và Kyrill sẽ dọn mâm vàng cho ông.”

 “Giáo hội, một tân đảng cộng sản”

Giao ước tôn giáo và chính trị này là giao ước được mong muốn, nhà sử học cho biết: “Kyrill trao đổi việc tái thiết các nhà thờ, đổi lại ông trung thành tuân theo chính sách đối nội và đối ngoại của Putin”.

“Kyrill sẽ cung cấp Giáo hội như một tân đảng cộng sản, bù đắp chỗ trống đảng để lại. Từ đó trở đi, Giáo hội đứng trước một loại phòng thí nghiệm để sản xuất ý thức hệ. Giáo hội ở đó để chứng nhận cho Nhà nước, để bịt miệng những người bất đồng chính kiến, để lên mặt dạy dân chúng. Giáo hội cũng đóng vai công cụ tạo ảnh hưởng ở nước ngoài bằng cách cung cấp các mạng lưới bên ngoài của họ.

Tiền tuyến

Cuộc chiến ở Ukraine có nhiều nguồn gốc. Chúng ta cùng nhìn lại lịch sử: sau các cuộc xâm lược man rợ, hai thế giới, một bên là byzantium (Istanbul hiện nay), bên kia là thế giới của Carolingian, hai thế giới trở nên xa lạ với nhau. Theo sử gia Colosimo: “Những nhà truyền giáo của họ thấy mình trên một chiến tuyến từ Riga, biển Baltic, đến Split ở Croatia, rìa Địa Trung Hải. Lằn ranh này là lằn ranh đối đầu giữa hai sứ mệnh truyền giáo.”

Một bên là người Ba Lan, người Séc, người Croatia, và bên kia là người Belarus, người Serb. Một bên là bảng chữ cái la-tinh và bên kia là bảng chữ cái Kyrill. Lằn ranh này đi qua Kyiv và cắt Ukraine làm hai: toàn bộ phía tây của đất nước là công giáo, tức là 10% dân số, so với 70 đến 80% chính thống giáo ở miền trung và miền đông.

Người công giáo – trên thực tế là người công giáo-hy lạp, còn được gọi là thống nhất, uniate,  – ban đầu là chính thống giáo gia nhập Rôma khi Cộng hòa của hai nước (Ba Lan – Lithuania) thống trị khu vực vào thế kỷ 16. Sử gia Colosimo tóm tắt: “Khi một đế chế tiến lên, đế chế công giáo với người Áo-Hung hay  đế chế Luther với người Phổ, mọi thứ đều ổn. Nhưng khi đó là đế chế Nga, thì nó trở thành hung bạo. Dĩ nhiên người công giáo hy-lạp sẽ đau khổ và ôm mối hận người Nga. Ngày nay, họ là mũi nhọn của khát vọng hướng về phương trời tây của châu Âu.”

Ký ức bị tổn thương

Vì thế cuộc chiến Ukraine diễn ra trên một một mảnh đất được thèm muốn, đặt dưới lợi ích của các đế chế tái thiết lập. “Những khu vực đế quốc này có bản sắc rất mạnh thường được tái xây dựng lại trong suốt dòng lịch sử. Nhưng những căn tính này cũng trôi nổi trên bình diện địa lý và chính trị.”

“Đông Âu là một phương Đông khác. Có một bức tranh khảm của các tương tác. Chúng ta đang ở trên một tảng núi ký ức bị tổn thương. Và yếu tố tôn giáo đóng vai trò rất mạnh trong việc tái tạo bản sắc ”.

Cuộc tập họp không thành công

Khi xâm lược Ukraine, “Putin đặt cược vào sự tập họp ngay lập tức các nhóm dân tộc thiểu số và ngôn ngữ Nga cũng như các nhóm của chính thống giáo. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra.” Và chúng ta nhớ năm 1991, 92% người Ukraine ủng hộ đất nước họ được độc lập và vì thế đây là phần lớn theo chính thống giáo.

“Sau đó, ngày càng nhiều người chính thống giáo ở Ukraine cảm thấy khó khăn khi phải sống với thực tế là các nhà cầm quyền tôn giáo ở Mátxcơva đang nằm trong tay Putin. Năm 2018 một cuộc ly giáo đã xảy ra khi trưởng giáo chủ Constantinople, Bartholomeo công nhận sự độc lập của người Ukraine”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Tất cả người chính thống giáo phải đả kích thượng phụ Matxcơva

Ukraine: cuộc chiến “búp bê Nga”