Nguy cơ của nạn buôn người ở Ukraine và các nước láng giềng là rất cao

97

Nguy cơ của nạn buôn người ở Ukraine và các nước láng giềng là rất cao

Trong chưa đầy một tháng, đã có ba triệu người Ukraine lưu vong chạy trốn cuộc chiến đang tàn phá, một nửa trong số này là trẻ em. Bà Geneviève Colas, điều phối viên Cơ quan Cứu trợ Công giáo-Caritas Pháp và hiệp hội Cùng nhau chống nạn buôn người báo động đã có các tình huống rất nguy hiểm.

lavie.fr, Enola Richet, 2022-03-18

Người tị nạn Ukraine đến Siret, biên giới Romania ngày 16 tháng 3 – 2022.  PASSARO / FOTOGRAMMA / ROPI-REA

Xin bà cho biết mối lo của bà ngày nay là gì?

Bà Geneviève Colas: Chúng ta biết, trong mọi tình huống xung đột và di cư đều có nguy cơ bị bóc lột, bị buôn bán người. Đó là trường hợp ngày nay ở Ukraine và các nước lân cận, mỗi ngày họ tiếp nhận hàng ngàn người tị nạn dễ bị tổn thương này. Rủi ro càng lớn khi phần lớn những người này là phụ nữ có cha hoặc chồng phải ở lại chiến đấu ở Ukraine, và một nửa trong số này là trẻ em, đôi khi không có người lớn đi cùng.

Nhiều hiệp hội đang lo cho vấn đề này ở Ukraine và ở các quốc gia lân cận, trong số này có cơ quan Caritas. Trong lãnh vực này, các thành viên chúng tôi đã nghe lời chứng của các em tuổi vị thành niên không có người lớn đi kèm, các em bị dụ dỗ rất nguy hiểm, như có người đề nghị trao đổi tình dục để đưa các em qua biên giới.

Sự bóc lột con người dưới hình thức nào?

Có những mạng lưới buôn bán mafia và mại dâm hoạt động rất mạnh trong khu vực này và rất nguy hiểm. Ukraine từ lâu đã bị ảnh hưởng bởi vấn nạn buôn người -Caritas hoạt động rất tích cực trên vấn đề này ở Ukraine – và cả ở Romania, Bulgaria, Kosovo và Albania. Các hệ thống báo động được áp dụng tại các quốc gia này thông qua các hiệp hội, các định chế quốc gia để bắt các mạng lưới tội phạm này.

Nhưng bóc lột không chỉ có vậy. Có nhiều hình thức khác nhau, đôi khi do các cá nhân không thuộc mạng lưới chung, nhưng có mục đích xấu và trục lợi: bóc lột tình dục, ép buộc phạm tội, ép buộc đi ăn xin…

Nếu người di cư được một gia đình hoặc một cơ quan tiếp nhận, họ có thể bị nguy cơ “bóc lột làm việc nhà.” Mới đầu là nhờ giữ trẻ để có chỗ ở, sau đó dọn dẹp, làm vườn, v.v. và nạn nhân thấy mình phải làm liên tục. Rất từ từ, và gần như không thấy nhưng lại vô cùng nguy hiểm.

Có thể làm gì để phòng ngừa nguy cơ bị lạm dụng trong bối cảnh chiến tranh?

Một trong những mối nguy lớn nhất là sự vô tổ chức và thiếu khuôn khổ trong tiến trình di cư với hoàn cảnh chiến tranh. Dù các tổ chức và hiệp hội ở biên giới làm việc rất nhiều, nhưng rất khó để đăng ký tất cả những người di cư vào dữ liệu. Nhất là đăng ký trường hợp các em bé đi một mình hoặc đi cùng với người không thiện tâm giúp các em. Các em sẽ dễ dàng biến mất với người không đăng ký chính thức. Do đó, việc đăng ký người tị nạn là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Công cụ thứ nhì là đào tạo và nâng cao nhận thức: đầu tiên là với tất cả các nhân viên y tế, xã hội và các nhân viên thực thi pháp luật ở châu Âu, đặc biệt là ở biên giới. Nhưng cũng còn nhận thức của công chúng, của những người tiếp nhận người tị nạn. Tất cả chúng ta phải học cách cảnh giác trong loại tình huống có thể xảy ra bên cạnh chúng ta.

Với Cơ quan Cứu trợ Công giáo-Caritas Pháp, chúng tôi đặt ra quy tắc ứng xử, các nhân viên tiếp nhận và thiện nguyện viên làm công việc tiếp nhận người tị nạn phải ký,  cam kết không gây tổn hại về thể chất hoặc đạo đức cho những người này.

Pháp và Châu Âu làm việc như thế nào về nạn buôn người?

Cuộc khủng hoảng giúp nước Pháp nhạy cảm với vấn đề này, kể từ khi nước Pháp vào ban chủ tịch Âu châu. Ông Adrien Taquet, bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Trẻ em và Gia đình, cũng như bà Marlène Schiappa, bộ trưởng Bộ phụ trách Quốc tịch đã thành lập một ủy ban bảo vệ trẻ em và chống nạn bóc lột con người trong tuần này. Điều này diễn ra sau hai cuộc họp ở cấp châu Âu trong những tuần gần đây liên quan đến nguy cơ buôn người trong bối cảnh chiến tranh Ukraine và rộng hơn là ở châu Âu.

Tuy nhiên, hãy cẩn thận: hiện tượng buôn người không chỉ tồn tại bên ngoài biên giới chúng ta. Nó đã tồn tại ở Pháp trước cuộc chiến ở Ukraine. Hôm nay chúng tôi tập trung vào việc bảo vệ người tị nạn Ukraine, nhưng cũng có nhiều người tị nạn ở trong tình huống nguy hiểm hoặc dễ bị tổn thương ở Pháp. Tôi đặc biệt nghĩ đến những trẻ vị thành niên không có người đi lớn kèm từ Syria hoặc Afghanistan, những người mà nước Pháp không phải lúc nào cũng chăm sóc, dù luật pháp bắt buộc phải làm. Đấu tranh chống lại sự bóc lột con người bắt đầu bằng việc không để nạn nhân ra đường chỉ để cố gắng sống còn.

Trong bối cảnh Ukraine đang xung đột, phải đặt lên hàng đầu việc đón nhận lâu dài cho họ. Việc người công dân đón nhận là đáng khen ngợi, nhưng nhiều gia đình sẽ thấy thời gian đón nhận quá lâu sẽ quá nặng nề với họ. Tinh thần đoàn kết phải được tổ chức để có các giải pháp chỗ ở bền vững, và công việc này phải bắt đầu ngay từ bây giờ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Trong tình đoàn kết, Ý chuẩn bị đón dòng người tị nạn động đảo đến từ Ukraine