“Chừng nào Putin còn nắm quyền, sẽ không ai được an toàn. Không một ai trong chúng ta “
lemonde.fr, Jonathan Littell, 2022-03-03
Nếu Tổng thống Nga tin ông đủ mạnh để thách thức phương Tây, đó là vì “mọi thứ chúng ta đã làm hay chính xác hơn, những thứ chúng ta chưa làm trong hai mươi hai năm đã dạy ông, chúng ta yếu kém”.
Hai mươi hai năm trước, một cuộc chiến tàn khốc đã đưa Vladimir Putin lên nắm quyền. Kể từ đó, chiến tranh vẫn là một trong những công cụ chính của ông. Ông đã sử dụng nó liên tục, không do dự, trong suốt thời gian trị vì lâu dài của ông. Putin tồn tại nhờ chiến tranh, thịnh vượng nhờ chiến tranh. Bây giờ chúng ta nên hy vọng, chiến tranh sẽ làm cho ông sụp đổ.
Tháng 8 năm 1999, khi đó Putin chưa được mọi người biết đến, ông được bổ nhiệm làm thủ tướng khi người tiền nhiệm của ông từ chối ủng hộ cuộc tái xâm lược hoàn toàn Chechnya. Putin đã sẵn sàng, và để đáp lại sự ủng hộ vô điều kiện của họ, ông thả lỏng quân đội, để họ rửa mối nhục thất bại năm 1996 trong máu và lửa. Đêm 31 tháng 12 năm 1999, Boris Yeltsin già nua tàn tạ từ chức, chuyển giao chức vụ tổng thống như một món quà cho người mới. Tháng 3 năm 2000, sau lời tuyên thệ nổi tiếng “tiêu diệt những kẻ khủng bố đến tận cầu tiêu”, Putin đã vinh quang đắc cử tổng thống. Ngoại trừ bốn năm làm thủ tướng (2008-2012), ông đã cai trị nước Nga kể từ đó.
Tôi trở lại làm việc ở Chechnya, với tư cách là nhà nhân đạo, khi bắt đầu cuộc chiến lần thứ hai. Vào tháng 2 năm 2000, tôi ăn tối trong khu vực với Sergei Kovalev, nhà bảo vệ nhân quyền lớn của Nga, tôi hỏi ông câu hỏi mà lúc đó ai cũng muốn hỏi: ai là tân tổng thống vô danh này? Putin là ai? Tôi còn nhớ câu trả lời của ông Kovalev: “Quý vị muốn biết chàng trai trẻ Vladimir Putin là ai ư? Vladimir Putin là một trung tá của cơ quan tình báo KGB Liên Xô. Và quý vị biết trung tá KGB là gì không? Không là gì cả.”
Những gì Kovalev muốn nói, đó là người chưa bao giờ thăng quá cấp bậc này, ngay cả cũng chưa lên được đại tá, chỉ là một đặc vụ tầm thường, không thể suy nghĩ chiến lược, không thể lập kế hoạch đi trước nhiều hơn một bước. Và nếu đúng, trong hai mươi hai năm cầm quyền, Putin đã phát triển vượt bậc về tầm vóc và kinh nghiệm, tôi nghĩ về cơ bản, người quá cố Kovalev đã đúng.
Lộ trước các mưu tính
Tuy nhiên, Putin đã sớm chứng tỏ ông là một nhà chiến thuật lỗi lạc, đặc biệt là khi ông khai thác những điểm yếu và sự chia rẽ của phương Tây. Phải mất nhiều năm để nghiền nát người Chechnya và đã để tâm nhiều năm thiết định cho bằng được cách điều binh khiển tướng kiều độc tài bước quân hành. Năm 2008, 4 tháng sau khi NATO hứa hẹn cho Ukraine và Gruzia gia nhập khối NATO, ông điều động quân đội “diễn tập” ở biên giới Gruzia và chiếm nước này trong 5 ngày, công nhận nền độc lập của hai “nước cộng hòa” ly khai. Các nền dân chủ phương Tây phản đối, và hầu như không làm gì cả.
Năm 2014, khi người dân Ukraine, sau một cuộc cách mạng lâu dài và đẫm máu, lật đổ một tổng thống thân Nga, người đã quay lưng lại với châu Âu để hoàn toàn liên kết với Mátxcơva, Putin đã xâm lược và sáp nhập Crimea với tốc độ chóng mặt. Đây là lần đầu tiên kể từ cuộc chiến cuối cùng mà chủ quyền một quốc gia châu Âu bị công khai xâm phạm. Khi các nhà lãnh đạo bàng hoàng và bối rối của chúng ta đáp trả bằng các lệnh trừng phạt, ông đã tăng gấp đôi và châm ngòi cho các cuộc nổi dậy ở Donbass, một vùng nói tiếng Nga của Ukraine, lén lút sử dụng lực lượng của ông để đè bẹp quân đội Ukraine yếu ớt và thành lập hai “nước cộng hòa” mới, nơi tiềm ẩn một cuộc chiến không bao giờ ngừng. Vì thế các mưu tính của ông bắt đầu lộ. Ở từng bước, phương Tây đều lên án và cố gắng trừng phạt ông bằng các biện pháp hạn chế và không hiệu quả, với hy vọng hảo làm ông nản lòng. Và, với mỗi bước, ông bắt đầu lại trò chơi, tiếp tục tiến lên. Luôn luôn xa hơn.
Putin là người đàn ông nhỏ con, lớn lên ở Leningrad thời hậu chiến, hẳn không dễ dàng gì với ông. Rõ ràng ông đã học một bài học ở đó: nếu bạn là người nhỏ nhất, hãy tấn công trước, tấn công mạnh và tiếp tục tấn công. Và những đứa lớn hơn sẽ học cách để sợ bạn và lùi bước. Đó là bài học ông khắc cốt ghi tâm. Ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2020 là 778 tỷ đô la, ngân sách tổng hợp của châu Âu là 378 tỷ đô la, và của Nga là khoảng 62 tỷ đô la. Nhưng nó vẫn làm cho chúng ta sợ hơn nhiều. Đó là lợi thế của việc chiến đấu như một con chuột mắc kẹt, hơn là thằng bé mập tròn nhũn người vì Coca-Cola, Instagram và tám mươi năm hòa bình ở châu Âu.
Putin có thể vui mừng trước thực tế phương Tây, mong muốn đóng băng xung đột Donbass, đã lặng lẽ xóa sổ Crimea và vì thế thừa nhận việc sáp nhập bất hợp pháp vào Nga. Ông hiểu rằng, mặc dù các lệnh trừng phạt gây tổn hại, nhưng chúng không quá khắt khe và sẽ cho phép ông tiếp tục xây dựng quân đội và mở rộng quyền lực của mình. Ông thấy nước Đức, cường quốc kinh tế lớn nhất ở châu Âu, đã không thể từ bỏ thị trường khí đốt và thị trường xe hơi của họ. Ông thấy ông có thể mua các chính trị gia châu Âu, một cựu thủ tướng Đức và một cựu thủ tướng Pháp, và đặt họ vào hội đồng quản trị của các tập đoàn nhà nước của ông. Ông thấy ngay cả những quốc gia phản đối ông về nguyên tắc cũng lặp đi lặp lại những câu thần chú “ngoại giao”, “thiết lập lại”, “bình thường hóa quan hệ”. Ông thấy, mỗi lần ông thúc đẩy, phương Tây rút lui và sau đó quay lại tớp, hy vọng vào một “thỏa thuận” không bao giờ có thể nắm bắt được: Barack Obama, Emmanuel Macron, Donald Trump, danh sách tiếp tục.
Syria, miếng đất tập trận
Putin bắt đầu ám sát các đối thủ của ông, ở Nga và ở nước ngoài. Khi các vụ này xảy ra ở nhà chúng ta (Âu châu), chúng ta phàn nàn, nhưng chúng ta không bao giờ đi xa hơn. Năm 2013, khi Obama hèn nhát phớt lờ “lằn ranh đỏ” của ông ở Syria, từ chối can thiệp sau khi Bashar al-Assad sử dụng khí độc chống lại một khu dân cư ở ngoại ô Damascus, ông ấn định thời gian gặp. Năm 2015, ông điều động lực lượng tới Syria, mở rộng căn cứ hải quân hiện có tại Tartous và mua một căn cứ không quân mới tại Hmeimim. Trong bảy năm tiếp theo, ông sử dụng Syria làm nơi huấn luyện đa ngành cho quân đội của ông, cung cấp kinh nghiệm thục địa thiết yếu cho sĩ quan của ông, trau dồi chiến thuật, cách phối hợp, thiết bị, cùng lúc ném bom tàn sát hàng ngàn người Syria, giúp Al-Assad giành lại quyền kiểm soát hầu hết đất nước.
Tháng 1 năm 2018, Putin tiến quân trên chiến trường phía tây, gởi đoàn lính đánh thuê Wagner của ông đến Cộng hòa Trung Phi. Quá trình tương tự hiện đang lặp lại ở Mali, nơi lực lượng kháng chiến do Nga hậu thuẫn, vừa buộc Chiến dịch Barkhane phải xếp hành lý. Nga cũng đang hoạt động ở Libya, họ làm suy yếu các nỗ lực hòa bình của phương Tây và dàn quân ở sườn nam Địa Trung Hải nhằm đe dọa trực tiếp các lợi ích của châu Âu. Cứ mỗi lần như vậy, chúng ta phản đối, chúng ta huơ tay và chúng ta chẳng làm gì. Và, mỗi lần như vậy, ông ghi sổ đàng hoàng.
Ukraine đại diện cho thời điểm cuối cùng ông quyết định hạ hết quân bài của ông. Rõ ràng ông tin mình đủ mạnh để công khai thách thức phương Tây bằng cách vô cớ xâm lăng quốc gia có chủ quyền của Âu châu, mà không bị khiêu khích kể từ năm 1945. Và ông tin, tất cả những gì chúng ta đã làm hoặc chính xác hơn là chúng ta chưa làm từ hai mươi hai năm nay, đã cho ông học được, chúng ta yếu.
Putin có thể là một thiên tài chiến thuật, nhưng ông không có khả năng tư duy chiến lược. Các nhà lãnh đạo của chúng ta từ chối không muốn hiểu ông, nhưng ông cũng vậy, ông không có khả năng hiểu chúng ta. Hai năm hoàn toàn cô lập vì Covid-19, ông dường như càng ngày càng trở nên cuồng hoảng và thấm nhuần ý thức hệ toàn-slavơ, chủ nghĩa tân đế quốc và chính thống của riêng ông, khởi đi từ một sáng tạo nhân tạo được cho là tạo một lớp mỏng hợp pháp cho chế độ thối nát của ông.
Về phần người Ukraine, gần như ông hoàn toàn nuốt lời ông đã tuyên truyền. Có tin họ hoan hô người “giải phóng” Nga của họ không? Họ sẽ đầu hàng ngay lập tức? Nếu ông tin như vậy thì ông đã lầm. Người Ukraine đang chiến đấu, dù số quân và số vũ khí kém hơn, nhưng họ chiến đấu như những con chó. Các cô giáo, nhân viên văn phòng nghệ sĩ, sinh viên, những người giới thiệu chương trình âm nhạc, các nữ hoàng âm nhạc đều cầm vũ khí và bắn lính Nga, những người lính này là những đứa trẻ không biết một chút gì về những gì mình làm ở đây. Ukraine không nhượng một tấc đất nào, và có vẻ như Nga sẽ không thể chiếm các thành phố nếu họ không san bằng chúng như họ đã san bằng Grozny và Aleppo. Và đừng nghĩ Kyiv là thành phố “Âu châu” mà Putin sẽ ngần ngại san bằng. Các cuộc dội bom đã bắt đầu.
Sự thức tỉnh của nước Đức
Sau cú sốc ban đầu, cuối cùng các nước dân chủ phương Tây dường như đã hiểu rõ mối đe dọa hiện hữu mà Putin đặt ra với trật tự thế giới thời hậu chiến, với châu Âu, với “lối sống” của chúng ta mà ông rất khinh thường. Các biện pháp trừng phạt hàng loạt đang được đưa ra, bất chấp cái giá phải trả cho nền kinh tế chúng ta. Vũ khí đang tràn vào Ukraine. Nước Đức đột nhiên thức tỉnh sau giấc ngủ dài và nhận ra vì an toàn của mình, họ không còn có thể phụ thuộc vào lòng tốt của người khác, họ cần một đội quân thực sự, hoạt động hiệu quả. Nga đang bị cô lập trên toàn thế giới, nền kinh tế và khả năng của nó sẽ bị suy thoái nặng.
Nhưng như thế chưa đủ. Cho đến khi nào Putin còn nắm quyền, ông sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, thúc đẩy hơn nữa và làm tất cả những gì nguy hiểm ông có thể làm. Vì ông khinh thường phương Tây, vì quyền lực của ông hoàn toàn dựa trên bạo lực: không chỉ là mối đe dọa, mà còn là việc sử dụng nó có hệ thống. Đó là cách duy nhất ông biết làm. Chúng ta có thật sự tin những lời đe dọa hạt nhân của ông là trò bịp không? Chúng ta có cho phép ông làm không? Cho đến khi nào ông còn tiếp tục cai trị nước Nga, sẽ không có ai được an toàn. Không một ai trong chúng ta.
Cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này về lâu dài là làm cho Putin thất bại thật thảm hại ở Ukraine, cho nước Nga và cho lợi ích thực sự của nó, đến mức giới tinh hoa Nga sẽ không có lựa chọn nào khác là loại bỏ ông. Và để làm được, rất nhiều điều có thể làm. Các nhà lãnh đạo chúng ta có vẻ tập trung vào các “nhà tài phiệt” Nga, nhưng họ phải hiểu Putin chỉ khinh miệt họ và không quan tâm đến ý kiến cũng như tài sản của họ; ông chỉ xem họ là con bò sữa, vắt khi cần.
Sa hoàng điên cuồng vì quyền lực
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây phải nhắm vào những người giúp cho Putin hành động: toàn bộ guồng máy hành chính và an ninh của ông. Không chỉ vài chục người đã được nhắm mục tiêu, mà còn hàng ngàn công chức cấp hai trong chính quyền tổng thống, lực lượng vũ trang và dịch vụ an ninh. Họ không phải là tỷ phú, nhưng tất cả là triệu phú, với rất nhiều thứ để mất.
Chúng ta làm hại hàng ngàn người này, nhưng họ sẽ biết ai có lỗi. Tịch thu các biệt thự ở Anh hoặc Tây Ban Nha, cấm các kỳ nghỉ ở Courchevel và Sardinia, không nệ hà đuổi con cái họ ra khỏi Harvard, Yale hoặc Oxford, để chúng ở lại Nga, không có lối thoát và không có hàng hóa nhập khẩu để tiêu tiền trộm cắp của chúng. Chúng ta phải làm sao để cái giá phải trả là một cái giá thật, một giá cá nhân và để họ thấy cái giá phải trả khi họ duy trì một sa hoàng điên rồ ở trên ngôi quyền lực. Hãy để họ quyết định xem họ có muốn theo ông xuống vực thẳm không.
Từ hai mươi hai năm nay, nước Nga rơi vào tay của một chế độ lú lẫn, tham nhũng, toàn trị mà chúng ta dễ dàng hoan hỉ. Nhưng đó là đất nước tuyệt vời mà tôi vô cùng yêu thích, nơi sản sinh ra những con người tuyệt vời, nhân đạo, công chính. Nó xứng đáng hơn bọn trộm cướp này, những kẻ cướp đoạt tài sản của nó dưới lớp bọc ảo tưởng hoàng gia, tàn phá các láng giềng của mình để củng cố quyền lực tuyệt đối của họ. Nước Nga xứng đáng có được tự do, thứ tự do mà Ukraine đã dày công xây dựng trong nhiều thập kỷ qua. Một lệnh ngừng bắn ở Ukraine là bước quan trọng và khẩn cấp đầu tiên, và bước kế tiếp là rút toàn bộ lực lượng của Nga. Nhưng sau đó, Putin phải ra đi.
Tác giả Jonathan Littell là nhà văn và nhà làm phim. Ông được giải Goncourt năm 2006 với quyển Những kẻ thiện tâm (Les Bienveillantes, nxb. Gallimard). Ông đã làm việc cho các tổ chức phi chính phủ nhân đạo MSF và Hành động Chống lại nạn đói ở Bosnia, Chechnya và Afghanistan. Năm 2008, ông viết phóng sự tại Gruzia cho báo “Le Monde 2” ngay sau cuộc xung đột ngắn ngủi giữa nước này và Nga.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Sự can thiệp của Nga: “Hôm qua là Aleppo, hôm nay là Kyiv và ngày mai sẽ là Âu châu”