“Ở Ukraina, chúng tôi phải đối diện với vấn đề phẩm giá con người”
Trong khi Nga phát động một cuộc tấn công quân sự chống Ukraina ngày 24 tháng 2, nhà trí thức người Ukraina Constantin Sigov cảnh báo về các thách thức cho đất nước của ông và cho châu Âu.
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2022-02-24
Sáng 24 tháng 2, khi một số thành phố ở Ukraina bị trúng tên lửa và đạn pháo kích của Nga, một phụ nữ cầm thánh giá cầu nguyện ở Quảng trường Độc lập ở Kiev. DANIEL LEA / AFP
Triết gia, nhà xuất bản và giám đốc Trung tâm Châu Âu tại Đại học Kiev, giáo sư triết Constantin Sigov là nhà trí thức dấn thân bảo vệ phẩm giá con người. Ông làm tư vấn cho các vấn đề dân tộc và tự do lương tâm tại Cơ quan Công quyền của Ukraina. Báo La Vie có cuộc phỏng vấn với ông vài giờ trước cuộc tấn công quân sự do quân đội Nga tiến hành trên lãnh thổ Ukraina, ông phân tích các vấn đề chính trị và đạo đức của tình hình ở Ukraina.
Tâm trí của giáo sư bây giờ như thế nào?
Giáo sư Constantin Sigov: Cụ thể trong vài tuần nay, chúng tôi chờ các cuộc tấn công vào Kiev. Trên truyền hình, các chương trình thường xuyên thảo luận về cách ứng đối trong trường hợp bị pháo kích, những gì cần mang theo – giấy tờ, thực phẩm, thuốc men. Trẻ em cũng lo ngại, đặc biệt do các mối đe dọa đánh bom gia tăng trong tháng qua ở các trường học và trong tàu điện ngầm. Đôi khi chúng tôi cảm thấy như đang ở trong cơn ác mộng mà chúng tôi sắp tỉnh giấc. Nhưng sự leo thang vài giờ gần đây làm cho cơn ác mộng này trở nên rất thực.
Trong chuyến đi đầu tiên của tôi đến Paris, sau khi Crimea bị sáp nhập và cuộc chiến ở Donbass làm cho hàng ngàn người Ukraina thiệt mạng, những người đối thoại của tôi cảm thấy khó tin những gì đã xảy ra. Vì nó ở rất xa, chúng tôi nghĩ nó sẽ tạm thời. Lần này tình hình đã thay đổi, và mọi người đều hiểu tình hình đã trở nên rất nghiêm trọng. Chúng ta có nguy cơ xảy ra một cuộc chiến như Chiến tranh thế giới thứ hai ở châu Âu. Sự hiện diện của 150.000 binh sĩ Nga và vũ khí hạng nặng ở biên giới đã được đề cập trong những tuần gần đây, là hiện thực. Suốt đêm từ thứ hai đến thứ ba (21 và 22 tháng 2), quân đội Nga đã vượt biên giới với các trung đoàn lâu đời…
Giáo sư phân tích diễn biến thay đổi của Điện Kremlin như thế nào?
Trong một số chi tiết, tôi muốn nói chúng ta đang chứng kiến một dạng xuống cấp tinh thần, cách giao tiếp và lời nói. Việc Bộ trưởng Ngoại giao Nga bắt đầu nói “những lời chửi thề”, dùng biệt ngữ của những người tù khổ sai là sự thô lỗ chưa từng có, thậm chí so sánh với thời của Stalin. Nó không liên quan gì đến ngoại giao, theo bất kỳ nghĩa nào của từ này. Các yếu tố ngữ nghĩa của giao tiếp và ứng xử đã thay đổi, kể cả giữa các quan chức Nga. Nếu bà xem các hình ảnh của bài phát biểu trên truyền hình ngày 21 tháng 2, bà sẽ thấy người đứng đầu một cơ quan đặc nhiệm Nga nói: “Tôi ủng hộ hai nước cộng hòa Donetsk và Luhansk vào Liên bang Nga.” Một cách rất thô bỉ, Putin ngang ngược chận lời: “Ông đang nói về cái gì vậy? Chúng ta đang trong quá trình công nhận sự độc lập của họ!” Sau đó, ông ra lệnh cho viên chức này ngồi xuống, như thể ông này là nô lệ.
Rõ ràng là người ta chọn quay cảnh này và chiếu nó lên, đó là công khai sỉ nhục những người quyết định mạng sống chúng tôi, trong một trò hề diễn ra trước mặt mọi người. Điều này làm tôi liên tưởng đến phim Cái chết của Stalin (La Mort de Staline, phát hành năm 2017). Những người Pháp làm phim này đã hiểu lối ứng xử thô tục là cách diễn tả chính xác nhất để kể những gì xảy ra ở Điện Kremlin. Đó là lối ứng xử chúng ta đã thấy trong tuần này, trong số những người tuyên bố quyết định số phận của 150 triệu người Nga, các nước láng giềng của họ và rộng hơn là châu Âu, bà sử gia Françoise Thom, người gần đây đã viết một bài báo về chủ đề này, cho biết Điện Kremlin có tham vọng thống trị châu Âu trong các vấn đề an ninh.
Điện Kremlin cũng đang dựa vào khả năng tăng cường liên minh với Trung Quốc để chống lại phương Tây, giáo sư nghĩ sao?
Tôi có ấn tượng quyền lực của Putin hoàn toàn hiểu nỗi sợ của người phương Tây và điều đó tác động trên các yếu tố có thể làm mọi người sợ hãi. Đối với sự hỗ trợ có thể có từ Trung Quốc, chúng ta đừng quên Putin thích chơi kiểu tố bài như tay chơi xì phé. Sự thật là ngoại trưởng Trung Quốc mới đây đã nói lại ở Munich, Trung Quốc công nhận toàn vẹn và chủ quyền của Ukraina. Đây là quan điểm chính thức.
Tám năm trước, bà Angela Merk cho rằng Vladimir Putin đã “đánh mất thực tế”. Điều này được chứng minh, khi trong đại dịch, ông Putin cố thủ trong hầm chống bom của ông. Và bài phát biểu trên truyền hình của ông ngày 21 tháng 2 hoàn toàn ảo tưởng: nó gần giống một truyện ngắn của nhà văn Gogol, khi ông tuyên bố Ukraina không có một phần lãnh thổ của riêng mình…
Để biện minh cho thái độ của Nga, Putin nói về lịch sử của Kievan Rus’, một công quốc tồn tại từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13, và về sự đa dạng của đất nước, nhắc đến những người thân Nga và nói tiếng Nga. Đây là những lập luận thực sự hay là những cái cớ?
Giả thuyết thứ hai có vẻ phù hợp hơn với tôi. Từ một bài phát biểu công phu để biện minh cho những hành vi bất hợp pháp, Putin dường như đã chuyển sang một xác tín thực sự. Khi ông sống trong bong bóng của mình, tôi nghĩ ông sẽ khó khăn để phân biệt đâu là những gì ông tự chế để thuyết phục và đâu là đặc tính riêng của ông. Tôi không muốn đi vào đầu của ông, nhưng tôi nghĩ có những lý do khác làm cho bộ máy này hành động. Chúng ta cần nhớ, ông là sĩ quan làm việc tại Đức vào thời bức tường Berlin sụp đổ. Khi ông hỏi các cấp trên của ông về cách những người làm việc cho KGB phải phản ứng như thế nào, ông không nhận được câu trả lời nào.
Kinh nghiệm về sự sụp đổ này là cú sốc hiện sinh của ông. Vì thế đường lối làm việc của ông, đó là sự trả thù của Liên Xô, và với ông, mọi phương tiện để thực hiện đều tốt. Ông làm lại Lịch sử, đặc biệt là lịch sử Ukraina, quay trở lại thời Kievan Rus’, từ những kiến thức ông có sau này, dù điều này có nghĩa là phải bỏ đi toàn bộ phần có thể mâu thuẫn với tầm nhìn của ông về các sự việc. Nó hơi giống như có người nào đó tuyên bố muốn vẽ lại biên giới giữa Pháp và Đức vì vua Charlemagne thời Trung Cổ!
Làm thế nào để hiểu mối quan hệ của Putin với quá khứ Xô Viết?
Theo tôi, châu Âu không lượng ra được họ đối mặt với một người dã tâm đóng cửa Tổ chức Phi chính phủ ONG Memorial International và ném một trong những nhà nghiên cứu của tổ chức này ở tù 15 năm, dù cho ông này đã lớn tuổi. Đây là chủ nghĩa xét lại thô bỉ, được công khai công nhận. Vì có cái bóng đè nặng trên đầu ông, đó là nỗi sợ bị phán xét, đó là cái bóng của một phiên tòa Nuremberg (xét xử tội ác chiến tranh). Khi ông dựng các bức tượng của Stalin ở Nga và ở Donbass, đó là một cách để nói tội ác của Stalin và của chính ông nằm ngoài phạm vi xét xử của nhân loại. Ông muốn thuyết phục thế giới đây là “chuyện nội bộ”.
Nếu Kiev quan trọng với ông, đó không phải vì Thánh Vladimir và vì lễ rửa tội của Nga, mà vì Kiev biết tất cả mọi chuyện: đó là nơi chứa các kho lưu trữ mở rộng nhất của KGB. Khi Putin có ám ảnh phải tấn công khối NATO, ông muốn nói đến những lực lượng có thể phán xét tội ác của chủ nghĩa Stalin.
Và giáo sư nghĩ gì về mối tương quan của Putin với Giáo hội và với các giá trị đạo đức truyền thống?
Nó cũng cùng thứ trật với mối tương quan của ông với Lịch sử và với Kievan Rus’. Ông khai thác Giáo hội chính thống và các giá trị đạo đức truyền thống. Tôi có nhiều bạn là tín hữu ở Mátxcơva, những người ngạc nhiên trước tình trạng này và họ rất đau khổ. Nó làm tổn hại đến đức tin của họ, đặc biệt là ở những người trẻ, những người mà chúng ta đang chứng kiến trào lưu chống hệ thống giáo quyền đang gia tăng.
Và tình trạng của các Giáo hội ở Ukraina như thế nào?
Nghịch lý thay, ngay cả trong những tháng khó khăn nhất, chúng tôi chưa bao giờ sống trong tình trạng căng thẳng nào. Chi nhánh của Giáo hội trực thuộc Tòa Thượng phụ Mátxcơva ở Ukraina vẫn im lặng, nhưng không va chạm. Trong bài phát biểu chính thức, Thượng phụ Giáo hội tự trị của Ukraina kêu gọi tránh bất kỳ hình thức khiêu khích nào có thể làm cớ cho cuộc xâm lược đất nước được “biện minh.” Mặt khác, có một sự hiểu biết rất tốt giữa người công giáo hy-lạp và Giáo hội tự trị.
Mùa hè năm ngoái, tôi tổ chức một hội thảo quy tụ các đại diện các Giáo hội khác nhau, tất cả đều ngoài bốn mươi và đều là học trò của Đức Gioan Phaolô II, độc giả của Thượng phụ Athenagoras. Các giám mục ở Ukraina đi trước tầng lớp chính trị. Ở họ có một tình bạn, một ý thức về Phúc âm và mong muốn phát triển đối thoại với xã hội, trước khi đối thoại với quyền lực chính trị. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc làm sao để đối thoại là chân trời của giới trẻ Ukraina.
Và trên quy mô quốc gia, liệu có thể thống nhất được không?
Hiện tại, đại đa số những người nói tiếng Nga đều cảm thấy kinh hoàng khi quần chúng đồng hóa người nói tiếng Nga là người ủng hộ đường lối chính trị của Nga. Bà Odessa, người nói tiếng Nga, rất hoảng sợ trước những chiếc xe tăng muốn xâm nhập Ukraina lấy lý do là để bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa của họ. Không có “khủng hoảng Ukraina”, không có nội chiến, nhưng là khủng hoảng của Nga, với hành động xâm lược. Putin đã khích động những gì ông có thể làm, nhưng ở phía đông đất nước, người dân ý thức họ bị dùng làm thịt sống cho đại bác. Đó là việc quay trở lại nền tảng đã được Âu châu ấn định vào năm 1948: mở lại điều đầu tiên của Tuyên ngôn chung bảo vệ phẩm giá của con người. Chúng tôi chỉ muốn điều này.
Có nghĩa là?
Đất nước chúng tôi bảo vệ các giá trị dân chủ và tự do, và đó cũng là giá trị của châu Âu. Nếu châu Âu vẫn đoàn kết trong cuộc khủng hoảng này, thì châu Âu sẽ lớn lên trong sự tôn trọng chính mình. Chúng ta đang phải đối diện với vấn đề về nhân phẩm. Về mặt khái niệm, tất cả mọi người đều đồng ý. Nhưng cụ thể, chúng ta có xu hướng nghĩ về các quốc gia “nhỏ” và các quốc gia “lớn”. Diễn từ về “các quốc gia nhỏ” này không phù hợp với Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền. Chúng ta đã xuống quá thấp trong tương quan với sự thật là phẩm giá con người và theo nghĩa này, châu Âu đang gặp nguy hiểm.
Triết gia Constantin Sigov
Thật khó để giới thiệu đầy đủ về triết gia Ukraina, vì ông giống những nhà nhân văn thế kỷ 16, những trí thức vạn hoa và đa ngôn ngữ. Chính thống giáo, tông đồ của chủ nghĩa đại kết và tư tưởng kitô giáo ở châu Âu, nhà nghiên cứu tại Viện Triết học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraina, giáo sư triết tại Học viện Mohyla ở Kiev và điều hành nhà xuất bản Duh ì Lìtera (Tinh thần và Văn chương). Là nhà hoạt động vì nhân phẩm, ông ủng hộ cuộc nổi dậy của Maidan và thành lập hiệp hội Trẻ em của Hy vọng, nhằm giúp đỡ những trẻ em trong cuộc chiến ở Donbass.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Antoine Arjakovsky: “Không có các Giáo hội, chúng tôi không thể nghĩ đến hòa bình ở Ukraina”
Ukraina: Đức Phanxicô kêu gọi một ngày ăn chay vì hòa bình
Người dân Ukraina cầu nguyện cho hòa binh