Những điểm nổi bật trong bài phát biểu của Đức Phanxicô về chức linh mục

293

Những điểm nổi bật trong bài phát biểu của Đức Phanxicô về chức linh mục

Đức Phanxicô và hồng y Marc Ouellet trong buổi khai mạc Hội nghị Chuyên đề về Chức linh mục ngày thứ năm 17 tháng 2-2022 tại Hội trường Phaolô VI | © KEYSTONE / MAXPPP / Riccardo De Luca

cath.ch, I.Media, 2022-02-17

Phát biểu trước thành viên tham dự Hội nghị Chuyên đề về Chức Linh mục ngày thứ năm 17 tháng 2 – 2022, Đức Phanxicô triển khai một bài suy niệm dài về “những điều gần gũi” mà các linh mục phải đảm trách để sống sứ vụ của mình một cách thanh thản. Hãng tin I.Media đã chọn mười đoạn trích đặc biệt quan trọng.

Tình bạn và đời sống độc thân linh mục

“Tôi cố gắng để nói, nơi nào có tình huynh đệ linh mục, có sự gần gũi giữa các linh mục với nhau, có những mối giao kết tình bạn thực sự, thì lựa chọn sống độc thân cũng có thể sống thanh thản hơn. Độc thân là ơn mà Giáo hội la-mã gìn giữ, nhưng đó là món quà được sống như sự thánh hóa, đòi hỏi phải có những mối quan hệ lành mạnh, những mối quan hệ có lòng quý trọng thực sự bắt nguồn từ Chúa Kitô. Không có bạn bè và không có lời cầu nguyện, cuộc sống độc thân có thể trở nên một gánh nặng không thể chịu đựng được và là một minh chứng ngược lại cho chính vẻ đẹp của chức linh mục”.

Đời sống cầu nguyện của các linh mục

“Nhiều cuộc khủng hoảng trong chức linh mục có nguồn gốc từ đời sống cầu nguyện nghèo nàn, thiếu sự thân mật với Chúa, giảm thiểu đời sống thiêng liêng chỉ còn là việc giữ đạo đơn thuần. Tôi nhớ những khoảnh khắc quan trọng trong đời tôi, khi sự gần gũi với Chúa đã là yếu tố quyết định nâng đỡ tôi. Không có sự mật thiết trong lời cầu nguyện trong đời sống thiêng liêng, trong sự gần gũi cụ thể với Chúa qua việc lắng nghe Lời Chúa (…) thì linh mục chỉ là người lao động mệt mỏi mà không được hưởng lợi ích từ những người bạn của Chúa”.

“Không có mối quan hệ nghiêm túc với Chúa, chức vụ của chúng ta trở nên khô cằn”

Lời cầu nguyện, dấu hiệu của tình hiếu thảo

“Quá thường xuyên, việc cầu nguyện trong đời sống linh mục chỉ bị xem như một bổn phận, mà quên tình bạn và tình yêu không thể bị áp đặt như một quy tắc bề ngoài, nhưng là một lựa chọn cơ bản của trái tim. Một cách tận căn, người linh mục cầu nguyện là người tín hữu kitô hiểu trọn vẹn ơn nhận được khi rửa tội. Một linh mục cầu nguyện là người con hằng nhớ mình là con và mình có người Cha yêu thương mình. Một linh mục cầu nguyện là người con trở nên gần gũi với Chúa”.

Mối quan hệ cá nhân với Chúa

“Không có mối quan hệ nghiêm túc với Chúa, chức vụ của chúng ta trở nên khô cằn. (…) Như trường hợp của Thầy chúng ta, bạn sẽ trải qua những khoảnh khắc vui sướng và phấn khích, những phép lạ và những chữa lành, phép lạ nhân bánh và nghỉ ngơi. Có những lúc được khen ngợi, nhưng cũng có những lúc bội bạc, bị loại bỏ, bị nghi ngờ và cô đơn, đến mức phải kêu lên: ‘Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?’ (Mt 27, 46 ).

Nguy cơ thiêng liêng là nguy cơ theo chủ nghĩa hoạt động

“Rất khó để từ bỏ chủ nghĩa hoạt động, bởi vì bình an không đến ngay lập tức trong tâm hồn khi chúng ta ngừng bận rộn, mà là sầu khổ. Và để không rơi vào tình trạng sầu khổ, chúng ta không sẵn sàng để ngừng lại. Tuy nhiên, chính khi chấp nhận sầu khổ đến từ im lặng, từ việc hãm mình trong các hoạt động và lời nói, từ can đảm trung thực xét mình, thì tất cả sẽ nhận được ánh sáng và bình an không còn phụ thuộc vào sức lực hay khả năng của chúng ta.”

Cuộc khủng hoảng về ơn gọi

“Ơn gọi đích thực được sinh ra ở nơi có sự sống, có lòng nhiệt thành và có lòng mong muốn mang Chúa Kitô đến cho người khác. Ngay cả trong những giáo xứ mà các linh mục không mấy dấn thân hay vui tươi, thì chính đời sống huynh đệ và nhiệt thành của cộng đoàn đã khơi dậy ước muốn tận hiến đời mình cho Chúa và cho việc truyền giáo, nhất là khi cộng đoàn năng động này cầu nguyện, kiên trì xin ơn gọi và can đảm đề xuất một con đường tận hiến cụ thể cho những người trẻ của mình.”

Phân định ơn gọi

“Ơn gọi của chúng ta trên hết là với Đấng đã yêu thương chúng ta đầu tiên (…). Mỗi người, khi nhìn vào nhân tính, lịch sử, cá tính của mình không nên tự hỏi, sự lựa chọn nghề nghiệp có phù hợp hay không, nhưng nếu, trong lương tâm, ơn gọi này mạc khải cho họ, tiềm năng của tình yêu mà họ đã lãnh nhận ngày rửa tội.”

“Linh mục trải qua những điều kiện và những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của họ”

Sự cám dỗ của “chức tư tế mà không có phép rửa tội”

“Cuộc đời của linh mục trên hết là câu chuyện về Sự cứu rỗi của một người đã được rửa tội. Chúng ta không bao giờ được quên, bất kỳ ơn gọi đặc biệt nào, kể cả ơn gọi của bậc tu trì, là việc hoàn chỉnh phép rửa tội. Sự cám dỗ luôn lớn lao khi sống chức tư tế mà không có phép rửa tội, nghĩa là không nhớ lời kêu gọi đầu tiên là nên thánh”.

 Gần gũi cụ thể chứ không phải chủ nghĩa trí tuệ

“Trước sự cám dỗ khép mình trong những bài diễn văn và thảo luận bất tận về thần học của chức tư tế hoặc những lý thuyết về những gì nên làm, Chúa sẽ dịu dàng nhìn với lòng trắc ẩn và cho linh mục những tiêu chuẩn để từ đó họ có thể nhận ra và duy trì lòng nhiệt thành cho sứ vụ: gần gũi, gần gũi với Chúa, với giám mục, với anh em linh mục và với những người đã được giao phó cho họ.

Những khủng hoảng cá nhân

“Người linh mục trải qua những điều kiện khác nhau và những giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của họ. Bản thân tôi đã trải qua nhiều điều kiện và giai đoạn khác nhau, và khi ‘ngẫm lại’ những động lực của Thần Khí, tôi nhận thấy, trong một số hoàn cảnh, kể cả thời gian thử thách, khó khăn và sầu khổ, khi tôi sống và chia sẻ kinh nghiệm, theo một cách nào đó, bình an vẫn có.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Một hội nghị chuyên đề tại Vatican để suy nghĩ lại về chức linh mục

Một vài hình ảnh trong ngày khai mạc Hội nghị Chuyên đề về Chức Linh mục ngày thứ năm 17 tháng 2 – 2022 tại Hội trường Phaolô VI