Véronique Margron: “Tôi luôn biết khát khao sống không phải là điều hiển nhiên”
lemonde.fr, Solenn de Royer, 2022-01-30
“Tôi sẽ không đến được đó nếu…”. Báo Le Monde (Thế giới) phỏng vấn sơ Véronique Margron về thời điểm quyết định trong cuộc đời của sơ. Nữ tu nói về nguồn gốc ơn gọi của mình và sơ bị “sốc” như thế nào trước những tiết lộ của báo cáo Sauvé về tội phạm ấu dâm trong Giáo hội.
Tiến sĩ thần học luân lý, phụ nữ đầu tiên được bầu làm khoa trưởng phân khoa thần học, sơ Véronique Margron đã cống hiến nhiều năm để lắng nghe các nạn nhân của bạo lực tình dục trong Giáo hội. Sơ là chủ tịch Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp và là giám tỉnh Dòng nữ Đa Minh Dâng Mình, sơ tham gia thành lập Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp do ông Jean-Marc Sauvé làm chủ tịch, bản báo cáo của Ủy ban đã công bố vào mùa thu năm ngoái.
Tôi sẽ không đến được đây nếu…
… Nếu tôi không gặp nhà thần học vĩ đại, Xavier Thévenot (1938-2004) khi tôi 25 tuổi. Với ngài, tôi bắt đầu học thần học. Ngài say mê khoa học nhân văn, là độc giả chăm chỉ của triết gia Paul Ricoeur, ngài cho rằng thần học không nên là bài diễn khép đóng kín, nhưng trước tiên cần phải lắng nghe thực tế. Ngài vừa chìm sâu trong Giáo hội, là linh mục dòng Salê Don Bosco, thần học gia, ngài ở trên thềm cửa, sẵn sàng tiếp nhận và lắng nghe những người mà cuộc sống của họ bị lệch đường. Ngài sống đúng thời điểm. Còn tôi, tôi vừa đi tu, tôi từ môi trường chìm sâu trong thuyết bất khả tri, tôi làm việc trong Bộ Tư pháp với những trẻ vị thành niên đang gặp nguy hiểm. Có một khác biệt giữa hai thế giới. Ngài giúp tôi làm gạch nối. Tôi đã gặp, cùng lúc tôi vừa nghe các mảnh đời bị đứt đoạn và tôi vừa có thể đọc Thánh Tôma Aquinô. Cuộc gặp này mang tính quyết định.
Thời thơ ấu của sơ như thế nào?
Sơ Véronique Margron: Tôi sinh năm 1957 tại Dakar, nơi tôi lớn lên cùng mẹ và anh trai. Một gia đình chặt chẽ, theo đúng nghĩa đen. Tôi là đứa bé nhút nhát và cô đơn. Mẹ tôi là công chức trong môi trường giáo dục. Tôi không bao giờ biết bà có gặp cha tôi ở môi trường này hay không, hoặc bà đã gặp ông trước và theo ông đến Châu Phi. Đó là một phần bí mật gia đình mà bà đã mang theo. Một năm sau khi Senegal độc lập, mấy mẹ con tôi về lại Pháp năm 1961, và sống một thời gian ở Orléans với ông bà của tôi. Ông tôi là công nhân nhà máy; bà tôi là thợ may. Tôi nghĩ bố mẹ tôi đã chia tay trước khi chúng tôi từ Phi châu về, nhưng tôi không rõ lắm. Anh trai tôi và tôi không hỏi.
Sơ có những kỷ niệm gì về bố của sơ?
Không một kỷ niệm nào. Chỉ từ mẹ tôi, bà hay khóc. Có phải vì xa ông mà bà phải về Pháp, hay vì bà một mình phải nuôi hai con? Tôi không biết.
Me tôi học rất nhiều, làm việc rất nhiều và hay mệt. Đời sống của bà không dễ dàng chút nào. Tôi ít có kỷ niệm có bạn đến nhà chơi. Chúng tôi sống khép kín. Khi tôi 10 tuổi, tôi thấy một thư báo tin cha tôi chết. Tôi khép thư lại và không bao giờ nói với ai. Trong căn hộ của chúng tôi ở Orleans, chỉ có hai phòng ngủ, một cho anh tôi, một cho hai mẹ con tôi. Tôi nhớ có những đêm trọn, tôi nhìn mẹ tôi ngủ, tôi tự hỏi không biết mẹ tôi đang nghĩ gì, đang cảm thấy gì. Tôi không thể hiểu tại sao mẹ không biểu lộ cảm xúc sau khi nhận được thư này. Mẹ tôi như đá hoa cương, không thể nào xuyên thủng được. Một người phụ nữ bí ẩn tuyệt đối.
Khi trưởng thành, sơ có bao giờ thử để tìm hiểu thêm không?
Không. Vì sợ hãi những gì mình sẽ thấy, vì dè dặt hoặc vì muốn bảo vệ mẹ, dù không biết đó là gì. Mẹ là người phụ nữ rất mạnh mẽ, đàng hoàng và suốt đời mẹ luôn đương đầu, nhưng tôi không muốn thấy mẹ suy sụp. Năm tháng càng trôi thì càng khó nói chuyện. Cuối cùng, chúng tôi tôn trọng sự im lặng của mẹ. Một thời gian ngắn trước khi 40 tuổi, tôi cần biết câu chuyện và làm một cuộc điều tra. Tôi tìm thấy được dấu vết của cha tôi. Cha tôi là đại diện bán hàng và có gia đình ở Haiti. Cha qua đời ở Paris, rất cô đơn.
Làm thế nào sơ thoát được không khí gia đình nặng nề như thế này?
Tôi chơi thể thao rất nhiều, tôi chơi bóng ném và nhiều môn thể thao khác. Mùa hè nào tôi cũng đi trại hè ở Barcelona, do một hiệp hội ở Orleans tổ chức. Một bầu trời tự do chưa từng có! Và cuối cùng tôi rời khỏi vũ trụ chật hẹp của tôi. Khoảng 16 tuổi, tôi thành người hướng dẫn các sinh hoạt, tôi bước ra khỏi chính mình. Tôi làm việc với bà Anna, người phụ trách ngôn ngữ trong các khóa này, bà là người phụ nữ tuyệt vời, đặc biệt, vui tính, chúng tôi nói chuyện hàng giờ không chán. Bà giúp tôi thở, tôi cần thở. Nhìn lại, tôi thấy mẹ tôi là người bí ẩn và ý chí, yêu thương nhưng cũng có thể là độc đoán và chiếm hữu. Không còn sống dưới cái nhìn của bà là một giải thoát. Hóa ra Anna rất mộ đạo nhưng không khuyến dụ ai theo đạo. Tôi không hiểu nhưng tôi thấy như thế đẹp. Hay đúng hơn như thế là đúng.
Sau đó sơ đến Tours để học tâm lý…
Đúng, tôi muốn tự lập nên tôi đi làm việc. Vào lúc đó, nếu có bằng tú tài, mình có thể làm cô giáo thay thế. Tôi được nhận vào “lớp hoàn thiện” để lo cho các em gặp khó khăn. Tôi vừa đi học tâm lý vừa dạy ở đó hai năm. Sau đó, tôi thi vào ngành Bảo vệ tư pháp Thanh niên. Công việc nhà giáo cho các em phạm pháp đã cuốn hút tôi. Tôi luôn thích cố gắng hiểu người khác và cố gắng chiến đấu với số phận. Với những bạn trẻ này, điều này thật phức tạp, nhưng đó là động lực thúc đẩy tôi. Những cuộc đời khó khăn không nên cam chịu, lại bị tái diễn!
Ơn gọi tu trì của sơ đến như thế nào?
Không phải ở trong nhà thờ, không phải đàng sau cột nhà thờ! Tôi đến từ một môi trường rất xa tôn giáo. Tôi không biết gì về tôn giáo, nhưng tôi có những người bạn trong thời sinh viên rất mộ đạo. Một ngày chủ nhật, tôi phải đi sao giấy tờ. Các bạn đưa tôi đến các sơ dòng Đa Minh, họ dạy học ở trường trung học ở Tours. Những phụ nữ này đã làm tôi xúc động. Họ hơi giống Anna, tôi có ấn tượng họ ở đúng vị trí của họ. Họ làm việc, họ hội nhập vào thế giới, họ không khoa trương. Đồng thời tôi cảm nhận đúng là họ sống đời sống đức tin một cách sâu đậm, qua phẩm chất lắng nghe và chú tâm của họ, cách họ sống, cách họ nói về Chúa rất đơn giản. Vừa khiêm tốn vừa độc đáo. Tôi cũng cảm thấy ở cộng đoàn này có một gắn bó lớn với tự do. Tôi nhìn thấy họ rất nhiều, sau đó tôi rời Tours về lại Orléans. Ở đó sau này tôi lại gặp họ!
Như thế nào? Tình cờ sao?
Hoàn toàn! Trong thời gian đó họ thành lập một cộng đoàn ở Orléans, trong một nhà dành cho người có lợi tức thấp, HLM, gần nhà ga. Tôi đang đi qua một cây cầu thì tôi gặp một trong các sơ, thật không thể tin được! Sơ mời tôi đến gặp lại các sơ. Tôi xin các sơ cho tôi sống với họ một thời gian. Tôi muốn hiểu từ bên trong cuộc sống của họ như thế nào. Như thế đó, mới đầu chỉ là một cuộc gặp tình cờ: cuộc sống đôi khi chỉ treo lơ lửng trên một sợi dây! Trong những năm trước, tôi đã ở lại một số tu viện, đặc biệt là với Dòng Biển Đức ở Pierre-qui-Vire. Tôi bị cuốn hút với thinh lặng, dày đặc, có một cái gì đó êm dịu, có gì đó như nghỉ ngơi. Tôi tìm thấy những khuôn mặt nhân từ ở đó và dần dần đến với đời sống tu trì, như một hình thức của đơn giản, của hiệp nhất. Những người này là mặt trái của sự phân tán. Như thế đã tạo tiếng vang trong tôi.
Vì sao?
Tôi đã tự đặt cho mình câu hỏi ý nghĩa về sự tồn tại rất nhiều. Tôi luôn ý thức, có thể khi tiếp xúc với các người trẻ gặp khó khăn, tôi gần các em trong tư cách là nhà giáo dục, rằng cuộc sống, khát vọng sống, không phải là điều hiển nhiên, nó cần phải được mài dũa, được nuôi dưỡng. Điều gì làm cho chúng ta thức dậy mỗi ngày, thực hiện các dự án, nỗ lực để thành công? Điều gì giữ tất cả lại với nhau, mang lại cho nó hương vị? Đây là những câu hỏi đau nhói ám ảnh. Gặp các sơ đã giúp tôi tìm được câu trả lời. Trên tất cả, tôi có cảm giác như tôi đang ở nhà tôi. Khi tôi vào nhà tập ở Tours, tôi mới 23 tuổi.
Mẹ của sơ phản ứng như thế nào?
Bà đau. Một thế giới sụp đổ. Bà, người đấu tranh để tự lập, bà có cảm tưởng tôi thành người lệ thuộc vào người khác, một sự đi lui. Hai mẹ con đã không nói chuyện với nhau trong nhiều tháng. Bà cũng đến trong các ngày khấn của tôi, nhưng bà khóc không ngừng. Những người bạn nhà giáo của tôi cũng đến. Ban đầu họ rất lo lắng. Họ nói với tôi: “Bạn vào một tà phái!” Nhưng cứ đến thăm tôi, nói chuyện với các sơ, họ đã hiểu.
Sơ là phụ nữ đầu tiên làm khoa trưởng một phân khoa thần học ở Pháp… Làm thế nào sơ lại có thể lắng nghe nạn nhân của tội phạm ấu dâm?
Linh mục giáo sư thần học Xavier Thévenot của tôi, cha đã bị bệnh Parkinson, cha bắt đầu đưa những người cần đón nhận và lắng nghe đến gặp tôi. Một số chỉ cần đồng hành thiêng liêng. Một số khác thật sự bị bệnh. Tôi tiếp nhiều nạn nhân các vụ loạn luân. Cũng có các nạn nhân của các linh mục. Đối với tôi, những người này đã từng là nạn nhân của những kẻ khốn nạn. Tôi không đặt một liên hệ với Giáo hội. Mãi sau này, tôi mới hiểu được chiều hướng hệ thống của những tội ác này, tổ chức đã tự biến mình thành đồng phạm.
Sơ luôn tiếp nhiều nạn nhân. Điều này có phải vì sơ là phụ nữ không?
Tôi không biết. Có lẽ với đàn ông sẽ có nhiều ngờ vực hơn chăng. Nhưng trên hết, tôi tiếp nhiều nạn nhân đã không được ai nghe họ. Họ đã gõ cửa không biết bao nhiêu cửa nhà tu, giám mục, linh mục… Vô vọng. Tôi nghĩ phụ nữ phải chiếm trọn vị trí của mình trong Giáo hội, họ phải bước ra cái vòng giữa họ với nhau. Vì càng có nhiều người trong cùng giới (nam giới, độc thân, tu sĩ hay linh mục, nghĩa là đỉnh cao giữa nhau!) thì càng có nhiều nguy cơ lạm dụng.
Trải nghiệm lắng nghe này có làm thay đổi sơ? Sơ có cố gắng bảo vệ mình?
Tôi không tin cần phải bảo vệ mình. Nguyên tắc vàng của tôi là cố gắng lắng nghe càng nhiều, càng đi sâu càng tốt. Đứng trước những câu chuyện này, bạn cảm thấy mình thật nhỏ bé. Rất nhiều người nghĩ rằng chúng tôi sẽ không chịu đựng được nữa, sẽ quay lưng đi… Tôi chỉ cố gắng ở đó, thực sự ở đó. Với cơ thể của tôi, trong nhân bản tính của tôi. Điều này dự vào phần nhận biết cái ác đã gây ra, cái ác phải gánh chịu. Đương đầu với những man rợ như vậy đã cán nát nội tâm tôi. Tôi muốn thoát ra những chuyện này mà cơ thể không bị tác động, nhưng không thể: nó không nhiều so với những gì nạn nhân đã trải qua. Thật đau lòng khi thấy cái ác len lỏi, chìm sâu và tàn phá như thế nào, dù ở tuổi nào. Tôi nghe một nữ tu 100 tuổi, từng là nạn nhân của một linh mục khi bà lên 9: bà vẫn còn nhớ mùi của kẻ tấn công mình…
Sơ đã đóng vai trò gì trong việc thành lập Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp, Ciase?
Năm 2014, các sơ bầu tôi làm giám tỉnh, có nghĩa là có trách nhiệm với nhà dòng ở Pháp. Tôi thay đổi cuộc sống, tôi dọn về Paris. Sau đó, năm 2016, tôi được bầu làm chủ tịch Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp (Corref). Sau đó, chúng tôi đang ở trong thời kỳ tòa xét xử linh mục Preynat, chứng kiến sự ra đời của hiệp hội Lời Giải phóng (La Parole Librée), hiệp hội đã phá vỡ luật cấm nói về lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Là chủ tịch Hội đồng nam nữ tu sĩ Pháp, tôi nhận nhiều lời khai của các người từng là nạn nhân của một tu sĩ. Lần đầu tiên các lời chứng gởi đến cho những người có trách nhiệm của Giáo hội. Số lượng thư nhận được làm tôi ngạc nhiên, và càng ngày càng nhiều hơn. Đối diện với mức độ lớn của hiện tượng, tôi cảm thấy chúng tôi sẽ không thể đối phó được, rằng một điều gì đó quá nặng nề đang ập đến. Chúng tôi cần hiểu chuyện gì đang xảy ra và hơn hết là phải trả lời chính xác cho các nạn nhân. Đó là cách mà ý tưởng về một ủy ban độc lập, do ông Jean-Marc Sauvé làm chủ tịch ra đời.
Sơ phản ứng thế nào với những tiết lộ này?
Việc công bố báo cáo là thời điểm quá khó khăn, cả một cú sốc. Tôi không có lời nào. Nói gì đây, nếu không phải là cảm thấy đau buồn vô hạn và phẫn nộ tuyệt đối? Báo cáo này cho thấy hai thảm họa: đó là tất cả những cuộc sống vỡ nát trong Giáo hội, và những thể chế của chúng ta, không bảo vệ được trẻ em, không đưa ra ánh sáng các tội phạm của những tội ác này. Choáng váng mặt mày! Đã làm trong lãnh vực thần học 10 năm, đã đi dạy thần học 20 năm, đã không lường được mức độ nặng nề khi đối diện với cái ác đã phạm và cái ác phải gánh chịu. Tôi chỉ còn quyển sách Ông Gióp, người bạn đồng hành suốt đời của tôi, và sách của bà triết gia do thái Hannah Arendt, bà đã suy ngẫm về sự tầm thường của cái ác.
Sau đó, làm thế nào sơ tiếp tục sống trong Giáo hội? Sơ có những nghi ngờ gì không?
Chúa Kitô đã luôn đứng về phía các nạn nhân. Nhưng đã có những thời điểm khó khăn, đó là sự thật. Nghe những câu chuyện đen tối này, đôi khi không thể tưởng tượng, và nhận thấy thể chế đã can dự vào, hoặc không làm gì để ngăn chặn là điều rất khó chấp nhận. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi tin chắc tôi ở đúng vị trí của tôi. Lắng nghe những mảnh đời tan nát, trở ngại này là một phần cuộc sống của tôi, đức tin của tôi. Bạn không cần phải tìm kiếm ý nghĩa của đau khổ. Nhưng chúng ta có thể cố gắng mang lại ý nghĩa cho những cuộc đời đã trải qua đau khổ này.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Sơ Véronique Margron, lắng nghe đến cùng
Nữ tu Véronique Margron: “Khi những người dễ bị tổn thương bị ngược đãi, là chính Chúa bị ngược đãi”
Nữ tu Véronique Margron, gương mặt nhân ái của Giáo hội công giáo Pháp