Giáo hoàng và người đồng tính

401

Giáo hoàng và người đồng tính

Đức Phanxicô trong buổi Kinh chiều tại Vương cung thánh đường Thánh Phaolô Ngoại thành Rôma ngày 25 tháng 1 năm 2022. (Ảnh của Haring / Vatican Pool / EIDON / MaxPPP)

international.la-croix.com, Robert Mickens, 2022-01-28

Bill Clinton thường được nhiều người Mỹ gốc Phi gọi là “tổng thống da đen đầu tiên” của Hoa Kỳ. Trong 8 năm ở Nhà Trắng (1993-2001), các chính sách và bổ nhiệm của ông được xem là đã cổ động cho các vấn đề quan trọng cho cộng đồng người Da đen và – cũng quan trọng không kém – giúp vượt qua sự phân biệt chủng tộc xấu xa mà thật không may vẫn còn tồn tại ở “Nước Mỹ” bây giờ.

Năm 1998, nhà văn Toni Morrison lần đầu tiên gán mác “tổng thống da đen đầu tiên” cho Clinton, tuy nhiên, đó không phải là lời khen. Bà không nói về sự nổi tiếng mà cựu tổng thống, bây giờ đã 75 tuổi, có với người Da đen. Nhưng ngược lại, bà nói đến việc ông bị đấu trường công cộng công kích khi còn tại chức, đặc biệt là trong vụ bê bối tình dục với Monica Lewinsky.

Mấy năm sau bà Morrison nói: “Tôi xem ông như một người da đen ngoài đường – là đã có tội, là đã có tội ác rồi.”

Giáo hoàng đồng tính đầu tiên

Với những lý do tương tự mà Clinton bị cho là “tổng thống da đen đầu tiên”, thì người ta cũng có thể cho giáo hoàng Phanxicô cũng xứng đáng được cho là “giáo hoàng đồng tính đầu tiên.”

Không phải vì càng ngày càng có nhiều người công giáo đồng tính bắt đầu nghĩ rằng ngài chống lưng cho họ. Và chắc chắn cũng không phải vì ngài nói câu nổi tiếng, “Tôi là ai để phán xét?” – đã thay đổi giáo huấn của Giáo hội về đồng tính. Ngài không vậy.

Quan điểm chính thức của Vatican về đồng tính, được tìm thấy trong tài liệu ai cũng biết mà Bộ Giáo lý Đức tin ban hành năm 1986, vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó mô tả đồng tính là “một rối loạn khách quan”, có nghĩa “ít nhiều có xu hướng mạnh mẽ đối với một cái ác đạo đức tự nội tại”.

Nhưng đó không phải là loại ngôn ngữ mà Đức Phanxicô dùng.

Phong cách cởi mở và chấp nhận

Trước hết, ngài không ngại dùng những chữ như đồng tính nam và đồng tính nữ, thay vì thuật ngữ giả-lâm sàng “những người cùng giới lôi cuốn nhau” được nhiều người trong Giáo hội dùng (đặc biệt là những người có vẻ cứng nhắc về mặt giáo điều và bị ám ảnh vào tội lỗi của xác thịt).

Kế đến ngài không sợ bị xem là người chấp nhận và thân thiện với người đồng tính.

Vì vậy, mặc dù giáo hoàng không thay đổi gì về thuật ngữ chính thức hoặc giáo huấn, nhưng trong nghĩa thực tế – ngài đã thay đổi mọi thứ về thái độ và phong tục, chỉ bằng tiếp xúc cá nhân của ngài với người đồng tính.

Đức Phanxicô đã làm được nhiều điều hơn bất kỳ giáo hoàng nào kể từ cuộc cách mạng tình dục những năm 1960 – khi người dân bắt đầu công khai xác định căn tính đồng tính của mình – để có được quyền và phẩm giá của người đồng tính nam và đồng tính nữ trong Giáo hội công giáo.

Và điều này đã giải thoát rất nhiều cho các giám mục, linh mục mà chỉ cách đây vài năm đã dè dặt khi tỏ ra “thân thiện với người đồng tính”, để họ bắt chước phong cách cởi mở và chấp nhận của giáo hoàng.

Điều đó không có nghĩa là giáo hoàng Dòng Tên của chúng ta “có thiện cảm” đối với tất cả các loại người thuộc nhóm được gọi là cộng đồng LGBTQ+.

Chẳng hạn ngài đã nói – dù không cố ý – một số điều khá tổn thương với những người người được cho là chuyển giới. Dù sao ngài cũng đã có những buổi gặp riêng và chia sẻ thư từ với ít nhất là một hoặc hai người chuyển giới.

Không phán xét các linh mục đồng tính

Rất nhiều bài báo tích cực và bổ ích đã viết về cách Đức Phanxicô đã bắt đầu thay đổi cách Giáo hội nhìn nhận và đối xử với người đồng tính, qua tấm gương tốt của chính ngài.

Và điều này thật sự đáng kể khi chúng ta nghĩ đến. Không phải ngày nào cũng có một giám mục công giáo 85 tuổi đến từ Châu Mỹ La-tinh nói: “Tôi là ai để phán xét?” khi nói về người đồng tính.

Thật ra khi ngài nói câu đó là năm ngài 76 tuổi, tháng 7 năm 2013.

Nhưng càng lớn tuổi hơn, ngài vẫn giữ lập trường này. Và ngài triển khai nó.

Nhưng, điều mà nhiều người dường như đã quên, đó là ngài nói về các giáo sĩ đồng tính.

Câu hỏi được đặt ra cho ngài là nói về một trong những phụ tá thân cận của ngài ở Vatican, một linh mục bị phát hiện có quan hệ đồng tính (hoặc một quan hệ ổn định) trong thời gian làm việc ở tòa sứ thần Uruguay, và liệu có một “vận động hành lang đồng tính” ở Vatican không.

Ngài nói: “Bạn phải phân biệt giữa thực tế là một người đồng tính và thực tế là một người nào đó làm hành lang, bởi vì không phải tất cả các vận động hành lang đều tốt. Điều này (có nghĩa ở Vatican) là không tốt”.

Trả lời bằng sự thông minh của cảm xúc

Sau đó, ngài đã có câu phản hồi, có lẽ là câu nổi tiếng nhất và được trích nhiều nhất trong triều giáo hoàng của ngài.

Ngài hỏi: “Nếu người nào đó là người đồng tính, và họ đang đi tìm Chúa và họ có thiện tâm, thì tôi là ai để phán xét họ?”

Các giáo hoàng trước đây phần lớn tránh nói về đồng tính trước công chúng. Nhưng khi họ làm như vậy, họ cho thấy họ thiếu thông minh cảm xúc, họ vụng về trong vấn đề này.

Và đây không phải là trường hợp của Đức Phanxicô.

Và có một lời giải thích hợp lý cho điều này. Ngài biết có một tỷ lệ lớn những người đồng tính trong số các giám mục, linh mục công giáo. Và cũng như chúng ta, ngài cũng biết (và luôn là như thế) có những hồng y đồng tính (và ngay cả các giáo hoàng trong quá khứ).

Làm sao một người sáng suốt nhạy bén như ngài lại không biết? Ngài đã dành phần lớn đời mình để giáo dục các chủng sinh, các linh mục trẻ. Và gần như tất cả những điều này trong nhóm giáo sĩ mà phần lớn ngài bác bỏ.

Trấn an những ai phải chiến đấu và thách thức những kẻ đạo đức giả

Mặc dù việc nói đến đồng tính giữa các sứ vụ viên được phong chức trong Giáo hội là điều cấm kỵ, nhưng Đức Phanxicô đã bắt đầu nói lên – dù chỉ một chút – để phá vỡ sự im lặng.

Và có thể có hai lý do để cho ngài làm như vậy.

Trước hết là để xoa dịu lương tâm của những giáo sĩ đã thừa nhận mình là người đồng tính và muốn tiếp tục trung thành phục vụ dân Chúa.

Thái độ mà giáo hoàng muốn nói với những người đồng tính chỉ có thể là một khẳng định mạnh mẽ cho những người mà Giáo hội đã nói với họ, một cách cơ bản và nghiêm túc, họ là những người bỏ đi.

Và kế đến là thách thức thói đạo đức giả của những người đồng tính ghét người khác, ghét chính mình trong chức thánh.

Thái độ của giáo hoàng cho thấy khả năng phán xét của họ và hy vọng làm cho ít nhất một số trong số họ suy ngẫm sâu sắc hơn, trung thực hơn và hoán cải hơn – để chấp nhận mình và chấp nhận người khác, những người mà họ đang lên án.

“Tổng thống da đen đầu tiên” của Hoa Kỳ cuối cùng cũng được một người Mỹ gốc Phi thực sự kế nhiệm.

Mặt khác, Giáo hội đã được dẫn dắt – ngay cả trong lịch sử tương đối gần đây – bởi các giáo hoàng, những người chắc chắn sẽ được xem là đồng tính theo cách hiểu thuật ngữ này ngày nay.

Nhưng không ai trong số họ từng dám nói những điều mà “giáo hoàng đồng tính đầu tiên” đã nói trong vài năm qua. Ngài vẫn còn con đường phải đi, nhưng rất nhiều người Công giáo LGBTQ+ đã sẵn sàng đồng hành cùng ngài trên hành trình của ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Hồng y Hollerich: Cần thay đổi học thuyết về đồng tính