Cách Đức Phanxicô nhìn những người “truyền thống” như thế nào
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2022-01-17
Bằng cách hạn chế mạnh mẽ việc sử dụng nghi thức trước công đồng, Đức Phanxicô muốn chống lại mối đe dọa cho sự hợp nhất của Giáo hội, ngài lo ngại điều mà ngài xem là một hình thức “cứng nhắc”.
Đức Phanxicô thực sự nghĩ gì về những người “truyền thống” (tradis)? Sáu tháng sau khi công bố tự sắc Traditionis custodes (Cử hành thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng), câu hỏi được đặt ra. Thêm nữa, vào tháng 12, một văn bản thứ hai của Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích xác nhận việc nghiêm cấm cử hành một số bí tích theo hình thức cũ.
Dấu hiệu của sự tế nhị về vấn đề này, hầu hết những người làm việc trong hồ sơ này ở Rôma khi được hỏi, họ đều không muốn trả lời. Một người viết: “Tình trạng hiện nay là như vậy, và im lặng là một nghĩa vụ, chúng tôi chờ thời điểm tốt hơn và khác hơn”, một người khác viết: “Tôi không có gì để đóng góp lúc này.” Một người thứ ba đã rời Rôma không thích nói qua điện thoại, một việc thường xảy ra ở Vatican.
Đối với một tu sĩ Dòng Tên Argentina, đó là tranh luận vô bổ
Trước các giám mục Pháp, trong chuyến thăm ngũ niên ad limina vào tháng 9, và khi vấn đề Traditionis custodes được đưa ra, Đức Phanxicô đã giải thích một cách đáng chú ý về mối quan tâm của ngài về sự hiệp nhất của Giáo hội, dường như bị đe dọa vì việc dùng phụng vụ như một phương tiện để chống lại Công đồng Vatican II, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Thụy Sĩ. Một quan sát viên thành thạo ở Giáo triều giải thích: “Đối với một tu sĩ Dòng Tên Argentina, đó là tranh luận vô bổ. Với ngài, điều quan trọng là sứ mệnh của Giáo hội ở các vùng ngoại vi, bên cạnh những người nghèo nhất. Trước bí tích.”
Một nguồn tin thân cận với giới truyền thống nhớ lại: “Khi Đức Phanxicô đến, nhiều người nói phụng vụ không phải là ưu tiên của ngài, nhưng ngài sẽ để cho làm. Nhưng chúng tôi đã lầm. Giáo triều có kiến thức hời hợt về những người theo chủ nghĩa truyền thống. Điều duy nhất họ thấy là những quá độ trên mạng xã hội và YouTube. Nhưng trong số các hồng y đang làm việc, không ai đến để nhìn bên trong.”
Một tình trạng phụng vụ ngoại lệ?
Như thế làm sao chúng ta có thể giải thích sự khoan dung tương đối mà giáo hoàng đã làm với Huynh đoàn Thánh Piô X, mặc dù họ ở bên ngoài Giáo hội công giáo, chẳng hạn năm 2015 đã công nhận tính hợp lệ của phép giải tội của các linh mục trong Huynh đoàn? Một người am tường trong giới truyền thống trả lời: “Vì ngài đã thấy họ trong số những người nghèo ở Buenos Aires.”
Giáo sư, thần học gia người Ý Andrea Grillo trả lời: “Với những người theo phái Lefebvre, ngài ở trong đường hướng của lòng thương xót, ngài cũng làm như vậy trong các tương giao với các quan hệ đại kết hoặc liên tôn giáo. Nhưng với những người theo chủ nghĩa truyền thống nội bộ thì ngài có một thái độ khác, đòi hỏi khắt khe hơn.”
“Tình trạng phụng vụ ngoại lệ”
Giáo sư Grillo của Viện giáo hoàng Athenaeum Thánh-Anselm ở Rôma, từ tháng 1 năm 2020 đã công bố một bức thư ngỏ cảnh báo về một “tình trạng phụng vụ ngoại lệ” mà một vài triển khai được thấy trong tự sắc. Ông giải thích: “Tôi chưa bao giờ tiếp xúc với giáo hoàng, và tôi đã không viết tài liệu này”, nhưng ông nghĩ văn bản của ông “chắc chắn đã được đọc nhiều”.
Từ năm 2019, Đức Phanxicô đã thực sự bắt đầu xem xét việc hạn chế phụng vụ trước Công đồng sau khi biết Ủy ban “Ecclesia Dei” phụ trách các quan hệ giữa Vatican và giới truyền thống đã cho phép một số viện dùng các sách lễ có từ trước năm 1962 cho các nghi thức Tuần Thánh. Một khám phá mà theo một số nguồn tin đã đưa đến việc Đức Phanxicô bãi bỏ Ủy ban này.
Từ năm 2016, ngài đã nêu lên thắc mắc của ngài về vấn đề này. Ngài nói với linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro: “Tôi luôn cố gắng tìm hiểu điều gì ẩn đằng sau những người còn quá trẻ, họ chưa sống phụng vụ trước Công đồng nhưng họ đang xin điều này.” Phải đào sâu, đào sâu, sự cứng nhắc này luôn ẩn chứa một điều gì đó: sự bất an, đôi khi còn hơn thế nữa… Sự cứng nhắc là phòng thủ. Tình yêu đích thực không cứng nhắc.” Một thành viên của Giáo triều tóm tắt: “Ngài xem những người truyền thống là những người hoài cổ, nhưng không hiểu vì sao người trẻ lại như vậy.”
Các văn bản khác đang chuẩn bị
Một nguồn tin khác trong số các cộng tác viên của ngài giải thích thời điểm công bố tự sắc: “Theo ngài, chủ đề này rất quan trọng. Ngài đẩy nhanh mọi chuyện vào tháng 7 sau khi mổ, ngài thấy có khả năng triều giáo hoàng của ngài sẽ kết thúc. Tôi nghĩ ngài sợ chết.” Điều này giải thích việc công bố tự sắc vào giữa mùa hè chứ không phải giữa tháng 9 như dự kiến ban đầu.
Theo các nguồn tin của chúng tôi, Vatican đang nghiên cứu các văn bản khác về phụng vụ: một văn bản rộng hơn về phụng vụ hậu-công đồng đang được chuẩn bị, như thế thay thế chỉ dẫn Liturgiam authenticam xuất bản năm 2001. Và một sắc lệnh mới về các viện Ecclesia Dei sẽ được chuẩn bị cho tháng ba.
Thánh lễ Tridentine là gì?
Thánh lễ Tridentine được cử hành theo Sách lễ do Giáo hoàng Piô V ban hành năm 1570 và theo các khuyến nghị của Công đồng Trent, đã kết thúc bảy năm trước đó, nhằm thống nhất phụng vụ của Giáo hội la-tinh.
Sách Lễ Thánh Piô V này sẽ có nhiều bổ sung, ấn bản cuối cùng xuất bản năm 1962 dưới thời Đức Gioan XXIII, trước khi Công đồng Vatican II yêu cầu sửa đổi hoàn toàn phụng vụ, sau đó sẽ là việc ban hành Sách lễ mới gọi là “Sách lễ Phaolô VI”. Năm 1984, một đặc quyền được ban cho các giám mục khả năng “cho phép các linh mục và tín hữu cử hành Thánh lễ bằng Sách lễ Rôma được xuất bản chính thức năm 1962”.
Năm 2007, tự sắc Summorum pontificum đã mở rộng tự do việc dùng sách lễ cũ này, Đức Bênêđíctô XVI giải thích có hai hình thức, một hình thức bình thường (thánh lễ Phaolô VI), một hình thức ngoại thường (thánh lễ Thánh Piô V) của cùng một nghi thức Rôma.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Chiến tranh của các nghi thức và sự kết thúc của đạo công giáo