Bước qua tuổi 85, năm 2021 là năm gay go cho sức khỏe của Đức Phanxicô

126

Bước qua tuổi 85, năm 2021 là năm gay go cho sức khỏe của Đức Phanxicô

Bước qua tuổi 85 ngày 17 tháng 12 – 2021, năm 2021 là năm gay go cho sức khỏe của Đức Phanxicô

cath.ch, I.Media, 2021-12-16

Trong bối cảnh bị đại dịch Covid tác động, về mặt sức khỏe, năm 2021 được xem là năm tế nhị với Đức Phanxicô. Khi chuẩn bị kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 vào ngày 17 tháng 12 năm 2021, Đức Phanxicô trải qua một năm đầy cố gắng, ngài phải nhập viện 10 ngày tại bệnh viện Gemelli. Và lần đầu tiên trong triều giáo hoàng của ngài, vấn đề sức khỏe của ngài được đưa ra tranh luận.

Ngày 1 tháng 1 năm 2021, bắt đầu một năm sức khỏe không tốt với Đức Phanxicô: một cơn đau thần kinh tọa buộc ngài phải hủy một số buổi cử hành phụng vụ và hoãn bài phát biểu truyền thống trước ngoại giao đoàn. Một cơn đau ngài bị đau nhiều lần trong những năm gần đây và đã làm cho ngài phải đi khập khiễng thấy rõ.

Một khởi đầu khó khăn như vậy rồi cũng qua. Ngày 14 tháng 1, ngài nhận liều vắc-xin đầu tiên. Trong một thông báo trước đó trên truyền hình Ý, ngài xin mọi người nên tiêm chủng: “Tôi nghĩ rằng, trên quan điểm đạo đức, mọi người nên tiêm chủng vắc-xin.” Ngày 3 tháng 2, ngài nhận liều vắc-xin thứ hai.

Tuy nhiên, sau chuyến tông du từ ngày 5 đến 8 tháng 10 tới Iraq, ngài có dấu hiệu mệt mỏi, ngài nói với các nhà báo trên chuyến bay từ Iraq về Rôma: “Tôi phải thú nhận với quý vị, sau chuyến đi này tôi cảm thấy mệt nhiều so với những chuyến đi khác.”

Một vụ phẫu thuật bất ngờ

Vấn đề sức khỏe của Đức Phanxicô lại có vấn đề vào đầu mùa hè. Ngày chúa nhật 4 tháng 7, vài giờ sau khi đọc Kinh Truyền Tin như thường lệ ở Quảng trường Thánh Phêrô, Vatican loan tin Đức Phanxicô vào bệnh viện Gemelli. Ngài được phẫu thuật vì “chứng hẹp túi thừa có triệu chứng của đại tràng”, một loại phẫu thuật phổ biến với người lớn tuổi như ngài, nhưng cũng có thể trở thành một ca mổ phức tạp.

Vụ mổ đã được Vatican lên kế hoạch trước, nhưng sau đó dấy lên lo ngại về tình trạng sức khỏe của người đứng đầu Giáo hội công giáo. Thêm nữa, bệnh viện Gemelli vẫn còn ám ảnh vì thời gian bệnh của Đứng Gioan-Phaolô II đã bị loan tin rộng rãi vào năm 2005, dù ngài không qua đời ở đó.

10 ngày nằm bệnh viện

Đức Phanxicô phải ở lại bệnh viện mười ngày – lâu hơn so với dự tính ban đầu, ngài đã phải đọc Kinh Truyền Tin từ ban-công bệnh viện trưa ngày chúa nhật 11 tháng 7. Trong mười ngày này, các bản tin y tế đã được báo chí quốc tế quan tâm theo dõi. Một bầu khí bất ổn làm nảy sinh nhiều tin đồn về sức khỏe suy yếu của Đức Phanxicô.

Tuy nhiên vì vào dịp nghỉ hè, các phương tiện truyền thông không nhắc tới nhưng không vì thế mà các thắc mắc không có. Trong suốt mùa hè, thậm chí một số nhà vatican học bắt đầu tranh luận về sự cần thiết phải cải cách các quy tắc của mật nghị. Trong một quyển sách xuất bản vào đầu tháng 9, nhà vatican học Francesco Antonio Grana còn tuyên bố, Giáo hội hiện đang ở trong “thời tiền mật nghị”.

Thời gian phục hồi phức tạp

Trong một lần phỏng vấn trên đài truyền hình Tây Ban Nha Cope sau khi giải phẫu, Đức Phanxicô tương đối hóa: “Mỗi khi giáo hoàng bị đau, luôn có một làn gió nhẹ hoặc một cơn bão tố.” Nhưng ngài cũng thừa nhận vụ mổ hai tháng trước là một vụ mổ lớn. Ngài cho biết đã có thể ăn lại bất cứ gì, nhưng trong một thời gian, điều này không phải dễ. Và ngài vẫn dùng thuốc sau phẫu thuật, “bởi vì não phải nhớ khúc ruột đã ngắn hơn 33 xăng-ti-mét của nó.” Ngài trấn an: “Ngoài ra, tôi có một cuộc sống bình thường, tôi sống một cuộc sống hoàn toàn bình thường.”

“Sức khỏe bằng sắt”

Sau đó sức khỏe của ngài được bác sĩ Nelson Castro, người Argentina và là bạn của  ngài xác nhận. Ông là tác giả quyển sách viết về sức khỏe các giáo hoàng, ông đã đến Rôma để giới thiệu ấn bản tiếng Ý vào tháng 10, ông cho biết ông vừa gặp giáo hoàng, và có ấn tượng: “Ngài là người có một sức khỏe bằng sắt.”

Quyển sách của ông giải thích, ngài đặc biệt ý thức các vấn đề liên quan đến sức khỏe của mình. Ngài kể cho ông nghe những lần phẫu thuật nghiêm trọng của ngài khi còn trẻ, ngài đã bị cắt một phần phổi. Ngài cũng cho biết, ngài đã chữa trị tâm lý để giúp ngài đối phó với nỗi sợ hãi của mình.

Trở lại bình thường?

Bác sĩ Castro cho biết, chứng đau thần kinh tọa của ngài đã được điều trị trong năm qua. Ông vẫn tin rằng ngài hoàn toàn có thể đi các chuyến đi dài. Một thông tin quan trọng: năm 2012, vì lý do sức khỏe, Đức Bênêđíctô XVI đã phải quyết định từ nhiệm khi bác sĩ cấm ngài đi các chuyến đi đường dài, như những chuyến vượt Đại Tây Dương.

Hai chuyến tông du của Đức Phanxicô vào mùa thu (Hungary-Slovakia rồi Síp-Hy Lạp), cũng như một danh sách dài cho các chuyến đi được lên kế hoạch năm 2022 – đặc biệt những chuyến đi xa: Congo, Đông Timor… – dường như cho thấy bây giờ triều giáo hoàng của Đức Phanxicô đã “trở lại bình thường”.

Không sợ chết

Tuy nhiên, một trở lại bình thường rất tương đối. Ở tuổi 85, bây giờ giáo hoàng Phanxicô đã là giáo hoàng lớn tuổi thứ mười hai trong lịch sử. Năm 2021, ngài vượt tuổi Đức Gioan-Phaolô II khi Đức Gioan-Phaolô II qua đời và bằng tuổi của Đức Bênêđíctô XVI khi ngài từ nhiệm.

Ngày 11 tháng 1, bác sĩ riêng Fabrizio Soccorsi của ngài qua đời vì bệnh ung thư, và bác sĩ Roberto Bernabei là bác sĩ riêng của ngài bây giờ.

Trong cuộc phỏng vấn với bác sĩ Nelson Castro, ngài cho biết, ngài nghĩ ngài sẽ chết ở Rôma chứ không phải ở quê hương của mình. Và bây giờ ngài hoàn toàn không sợ chết.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: “Sức khỏe của các giáo hoàng”, quyển sách yêu thích của Đức Phanxicô