Tổng giám mục Le Gall: “Làm giám mục đã trở nên một gánh nặng rất nặng nề”

193

Tổng giám mục Le Gall: “Làm giám mục đã trở nên một gánh nặng rất nặng nề”

Ngày thứ năm 9 tháng 12, Đức Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức phụ trách mục vụ vì lý do tuổi tác của tổng giám mục Robert Le Gall, tổng giáo phận Toulouse. Ngài bổ nhiệm giám mục Guy de Kerimel thay thế, trước đây giám mục Kerimel ở giáo phận Grenoble. Tổng giám mục Le Gall trả lời báo Famille Chrétienne về những năm làm giám mục của mình.

famillechretienne.fr, Elisabeth Caillemer, 2021-12-09

Cha nhìn lại trách vụ giám mục ở hai giáo phận của cha như thế nào?

Tổng giám mục Robert Le Gall: Những năm đầu tiên làm giám mục ở giáo phận Mende đã đánh dấu tôi rất nhiều. Sau 38 năm sống trong tu viện, khi đó tôi là Viện Phụ (Père Abbé), tôi đã phải thay đổi cuộc sống của tôi một cách sâu đậm. Tôi thực sự rất thích bốn năm rưỡi ở Lozère, phong cảnh tuyệt vời, trên mảnh đất thấm nhuần kitô giáo. Nhờ giáo dân và các linh mục, tôi đã trở thành giám mục, nhiệm vụ mục tử của tôi. Một quyển sách về mục vụ chăn dắt đàn chiên giải thích người mục tử học rất nhiều ở đàn chiên và đàn chiên rất cần người chăn dắt. Có một trao đổi bí ẩn giữa họ. Sự việc là người chăn dắt và mục tử đã đánh động tôi nhất trong sứ mệnh giám mục mà tôi được giao để sống trong 20 năm. Trách vụ Viện Phụ cũng là trách vụ mục tử. Nhận gậy giám mục là một biểu tượng của trách vụ này. Là giám mục, tôi bước theo chân của nhiều Viện Phụ thời Trung cổ được đưa về tòa giám mục để hướng dẫn dân Chúa.

Khi cha đang là Viện Phụ ở Kergonan, cha được đề nghị nhận trách vụ giám mục. Cha đón nhận lời đề nghị này như thế nào?

Mười mấy năm trước khi tôi được bổ nhiệm, nhiều người nói với tôi, họ đã đề nghị tôi làm giám mục. Như vậy tôi đã biết khả năng này. Trong những năm sau, những dấu chỉ khác cũng cho tôi biết. Đặc biệt tôi biết Đức Gioan-Phaolô II muốn có một tu sĩ Dòng Biển Đức trong hàng giám mục Pháp. Tuy nhiên, tôi rất bất ngờ khi Sứ thần Tòa thánh gọi. Đó là ngày Thánh Grêgôriô Cả, ngày 3 tháng 9, vị thánh vĩ đại mà tôi đặc biệt yêu mến, ngài viết sách về Thánh Biển Đức. Và điều này đã đánh động tôi thật sâu đậm. Sứ thần Tòa thánh nói tôi về giáo phận Mende, ở Lozère. Tôi không biết gì về việc này. Tôi đưa ra một số phản đối với ngài, kể cả việc tôi chưa bao giờ làm việc ở một giáo xứ, tôi vào tu viện lúc 17 tuổi rưỡi. Nhưng lời mời gọi của Đức Thánh Cha rất khẩn cấp. Lẽ ra tôi đã từ chối nhưng tôi cảm thấy tôi phải nhận chức vụ này vì vâng lời. Tôi ngạc nhiên về giáo phận nhỏ bé này được giao cho tôi, nhưng thực ra đó là một thận trọng của Tòa thánh. Hơn bốn năm sau, nghĩa là cách đây 15 năm, vào ngày 11 tháng bảy, ngày Thánh Biển Đức, Đức Bênêđictô XVI bổ nhiệm tôi làm tổng giám mục giáo phận Toulouse.

Ngày nay, một phần ba linh mục được chọn đã từ chối làm giám mục. Cha nghĩ sao?

Đúng, người ta nói đúng như vậy, và một trong những lý do được đưa ra là nỗi sợ cô đơn. Tôi hiểu điều này, vì chuyện tôi nhớ nhất khi nhận trách vụ giám mục là đời sống cộng đoàn. Thêm vào đó, bây giờ khó khăn còn lớn hơn. giám mục không còn là một chức vụ nổi tiếng như xưa: đó là chức vụ được phơi ra ánh sáng, nhất là trong hai mươi năm qua với khủng hoảng của những vụ lạm dụng quyền lực, lạm dụng thiêng liêng và tình dục, đó là một gánh nặng rất nặng nề, tôi có thể hiểu vì sao một số linh mục đã từ chối chức vụ giám mục.

Bài đọc thêm: ĐứcHồng y Ouellet: Một phần ba ứng viên giám mục từ chối nhận chỉ định

Làm thế nào cha có thể dung hòa đời sống cầu nguyện với đời sống tràn ngập công việc? Cha có tiếp tục đọc bảy giờ kinh không?

Đời sống cầu nguyện của tôi là đời sống của các linh mục giáo phận: đọc phụng vụ giờ kinh. Tôi không thể giữ giờ kinh lâu như ở tu viện, nhưng trong hai mươi năm, mỗi đêm tôi thức dậy lúc 2:30 sáng để đọc kinh vọng và các bài đọc thánh lễ trong ngày, khoảng chừng nửa giờ. Sau đó tôi thức dậy lúc 5:30 sáng. Tôi lần chuỗi, tôi đi bộ. Ban đêm và buổi sáng là giờ đặc biệt cầu nguyện như khi ở tu viện.

Nhiều linh mục và giám mục bị các buổi họp tràn ngập trong thời khóa biểu của họ. Cha có bị không?

Cuộc sống hàng ngày của một giám mục rất bận rộn và đa dạng. Đúng là chúng tôi có nhiều cuộc họp, nhưng các công việc hành chính là cần thiết và chúng tôi có những cộng tác viên giúp chúng tôi làm những việc này. Quan tâm đầu tiên của tôi là làm sinh động, hướng dẫn và khuyến khích giáo dân sống đức tin của họ bất cứ ở đâu và đảm bảo họ là môn đồ truyền giáo thực sự của Chúa Kitô, sống theo lời Chúa. Trong thời gian làm giám mục, tôi đi gặp tất cả các cộng đồng trong giáo phận, đặc biệt là đi thăm viếng mục vụ. Đó luôn là những giây phút đặc biệt.

Một số giám mục gặp vấn đề với nhóm của họ. Có một thỏa thuận nào giữa họ và giám mục? Làm thế nào để duy trì giao tiếp mà vẫn giữ dấu ấn của mình?

Chung chung khi chúng tôi đến một giáo phận, chưa ai biết chúng tôi. Chúng tôi phải khám phá tất cả. Khôn ngoan cho thấy, bước đầu tiên là quan sát và duy trì các chức vụ của họ, cha Tổng Đại diện cũng như các hội đồng khác nhau (giám mục, linh mục, mục vụ), những người hiểu rõ về giáo phận. Nhưng các giám mục không phải là một bản sao và không nhất thiết phải in dấu ấn cá nhân của họ, phải nhận biết mỗi người đều có ân sủng riêng của mình và phải dùng nó với khả năng tốt nhất của mình vì lợi ích của giáo phận, có nhiệt tâm duy trì sự hiệp thông.

Trước các biện pháp y tế của chính phủ, cha đã vận động giáo dân trở về với thánh lễ. Ở điểm nào một giám mục có thể cự lại và trong những lĩnh vực nào?

Theo tôi, các giám mục dường như phải lớn tiếng, như một số đã làm trong suốt lịch sử kitô giáo. Tôi nghĩ đến Thánh Lêô Cả thế kỷ thứ 5. Và ngài đã cứu thành phố Rôma khi thương lượng với Attila rút lui quân đội; tôi nghĩ đến Thánh Bertrand de Comminges ở phía nam giáo phận của tôi vào thế kỷ 11, người đã xây dựng lại thành phố của mình, hoặc gần đây hơn là hồng y Monsengwo, cựu tổng giám mục của Kinshasa, ngài đã chiến đấu chống lại chế độ độc tài ở đất nước Congo của ngài. Các giám mục Pháp đã huy động chung quanh vấn đề được gọi là luật đạo đức sinh học và tôi rất phẫn nộ vì chúng tôi đã không được lắng nghe. Tôi luôn khuyến khích các tín hữu đến với Les Marches trọn đời. Tôi cũng đã tham gia ở Toulouse, nhưng tôi không nghĩ vị trí của một giám mục là phải tham gia biểu tình mọi lúc. Ngài cũng phải ở chỗ né và dẫn dắt đàn chiên của mình, khi thì ở giữa, khi thì đi đầu để hướng dẫn, khi thì đi sau để thúc đẩy một chút. Khi tôi đến Toulouse, một người chăn cừu đã cho tôi cây gậy của anh, một khúc gỗ với đoạn sắt cong, như gậy giám mục, dùng để đi ở vùng núi, đe dọa những kẻ săn mồi và đưa chiên về bằng cách nắm chân nó. Cây gậy này ở trong nhà nguyện của tôi tại tổng giáo phận, gần nhà tạm, vì đó là nơi Người Mục Tử Nhân Lành ở.

Là nhà phụng vụ học, cha nghĩ gì về tự sắc Thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng? Cha nghĩ gì về những lệch tâm trong thánh lễ của Đức Phaolô VI?

Ở Toulouse, hai nơi mà người ta có thể cử hành dưới hình thức phi thường yên bình và các linh mục chăm sóc tốt cho các tín hữu của họ. Tuy nhiên, tôi nghĩ Đức Phanxicô đã có lý khi làm rõ tình hình, vì rồi giáo dân sẽ cân nhắc hai hình thức được lựa chọn tùy theo sở thích của mỗi người, linh mục hay giáo dân, đó không phải là trường hợp này. Cuối cùng, chúng ta đã nhận được Sách Lễ Rôma mới bằng tiếng Pháp vào tháng 10: đây là dịp để chúng ta xem lại cách cử hành của chúng a, sao cho phù hợp với những gì Giáo hội đang yêu cầu, trong sự cao quý và giản dị mà Công đồng Vatican II đã khuyến nghị cho tất cả các phụng vụ của chúng ta.

Theo cha, đâu là những thách thức mà Giáo hội ngày mai sẽ đối diện?

Chúng rất nhiều. Tôi bị đánh động về số lượng người công giáo giữ đạo và trẻ em rửa tội đã giảm rất nhiều. Dĩ nhiên sự không quan tâm đến tôn giáo làm cho tôi lo lắng. Nhưng cũng có những dấu hiệu của hy vọng, đặc biệt số người tân tòng và số người lớn xin chịu phép thêm sức gia tăng. Giáo hội cũng phải đương đầu với thách thức của nạn nghèo đói và cô đơn, đã rất nặng thêm trong đại dịch. Về vấn đề này, tôi ghi nhận các cộng đồng của chúng tôi đã thấy sự cần thiết phải phát triển “diakonia”, tác vụ phục vụ. Chúng tôi nhận ra rằng vấn đề không chỉ là quan tâm đến người nghèo, nâng đỡ họ, nhưng làm sao để họ trở thành tác nhân truyền bá phúc âm với chúng ta. Một trong những từ khóa của Giáo hội ngày nay là đồng hành. Làm thế nào để tháp tùng những người đến với chúng ta?

Đâu là niềm vui và nỗi khổ của cha trong thời gian cha làm giám mục?

Niềm vui của tôi ở trong các mối quan hệ: tương quan với Chúa qua lời cầu nguyện hàng ngày, việc cử hành các bí tích và thánh lễ, mối quan hệ của tôi với đủ mọi người. Trước khi tôi đến Toulouse, người bạn hồng y Margéot, Giám mục giáo phận Port-Louis ở Mauritius, đã cho tôi lời khuyên: “Yêu các linh mục, yêu giáo dân và để họ yêu mình!” Đó là con đường hướng dẫn tôi. Niềm vui này cũng thành đau khổ, vì đặt con người trong tương quan, hiệp nhất, hiệp thông là điều khó. Những nhạy cảm nhất thiết phải đa dạng, chúng mang lại hạnh phúc, nhưng chúng có thể dễ dàng biến thành sự khác biệt và đối lập. Một giám mục cảm thấy điều này rất mạnh. Sự hiệp nhất không bao giờ được thực hiện một lần là xong, phải luôn làm việc không ngừng.

 Cha sẽ nghỉ hưu ở đâu?

Tôi mong về lại cuộc sống cộng đoàn Biển Đức, nhưng không phải ở Kergonan. Đây không phải là lúc tôi về lại đó, lúc không có Viện Phụ và cộng đoàn đang tìm kiếm chính mình một chút. Vì thế tôi sẽ nghỉ hưu ở một tu viện Biển Đức ở đảo Wight và thuộc tu hội Solesmes. Đó là tu viện tôi đã biết trong 58 năm và với tôi đó là nơi ở của tâm hồn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Tổng giám mục Germay: “Làm tổng giám mục không phải để thỏa mãn tham vọng cá nhân”

 Vì sao các linh mục từ chối trách vụ giám mục