Nữ tu Véronique Margron, người đi đến cùng trong việc lắng nghe
Nữ tu Véronique Margron vừa được bầu chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp (Corref) nhiệm kỳ thứ hai. Tiếng nói phụ nữ hiếm có ở địa vị này của thể chế Giáo hội.
Hội nghị toàn thể Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp họp tại Lộ Đức từ ngày 16 đến 19 tháng 11. Nữ tu Véronique Margron tại hội nghị.
lepelerin.com, Alban de Montigny, Christophe Chaland, 2021-11-18
Nữ tu Véronique Margron, dòng Đa Minh, chi hội Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh, là nữ tu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ khoa trưởng phân khoa thần học. Sơ có bẩm chất thiên phú quý giá. Sơ có thể vội vàng, nhưng lại có thể làm cho người đối diện không cảm thấy điều này. Sơ luôn lắng nghe, luôn có mặt. Khi chúng tôi gặp sơ ở cuối buổi họp toàn thể của Hội đồng Giám mục Pháp, dù mệt mỏi sau một tuần làm việc căng thẳng, sơ vẫn giữ sự quan tâm nồng nhiệt này. Luôn với giọng nói vừa mềm mại vừa kiên quyết. Cũng chính giọng nói này, đôi lúc run rẩy đã làm mọi người xúc động trong ngày 5 tháng 10, khi báo cáo của Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội Pháp (Ciase) được công bố: “Biết nói gì đây, nếu không là một nỗi buồn vô hạn, một nỗi buồn trong thân xác, một phẫn nộ tuyệt cùng ở đây?”
Nội dung bài phát biểu của nữ tu Véronique Margron chính xác, lột trần, để thoát ra những gì tự đáy lòng sơ. Vài ngày trước đó, ông Jean-Marc Sauvé, người đứng đầu Ủy ban Ciase, đã trình bày miệng cho sơ Margron, chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp (Corref) và cho giám mục Éric de Moulins-Beaufort, chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp (Cef), nội dung bản báo cáo. Sơ Véronique Margron “không nói được một lời.” “Tôi còn giữ quyển sách ông Gióp và của bà Hannah Arendt (triết gia suy nghĩ về sự tầm thường của cái ác, sau khi bà dự phiên tòa xét xử tội phạm Đức Quốc xã Adolf Eichmann). Đối với tôi như vậy là đủ, nhưng nó không quá nặng sau mười năm thần học, và kế đó là gần hai mươi năm dạy học. Đây là sự tầm thường của cái ác, cái ác tận căn. Nếu mình để cái ác lấn át thì nó sẽ tước hết mọi thứ của mình.
Triết gia Hannah Arendt và sách ông Gióp
Ông Gióp đã cùng đồng hành với sơ từ lâu. Trong những năm 1980, khi sơ phụ trách ban tuyên úy của Tours (Indre-et-Loire), sơ đã đề nghị một nhóm thanh niên trẻ để ra một năm để đọc chuyện ông Gióp. Để mở trí cho sinh viên của mình, “Véro”, tên gọi thân tình của sơ, đào xới trong tủ sách của mình, nơi có thần học gia Gustavo Gutiérrez, cha đẻ của thần học giải phóng, và toàn bộ truyện tranh Mafalda ở bên cạnh nhau. Không có gì lạ cho người phụ nữ vui vẻ, hóm hỉnh này. Ngay cả ngày nay, nhiều học sinh vẫn còn giữ nguyên kỷ niệm về sơ. Bà Irène Léger, bác sĩ khoa lão kể: “ “Những đau khổ chúng tôi gặp phải trong thời gian thực tập y khoa làm tôi rất giận, sơ nói với tôi: ‘Con không cần tìm ý nghĩa cho đau khổ, nhưng con thử đem ý nghĩa vào các đời sống đang đau khổ này’, câu này luôn hướng dẫn tôi.”
Một bản chất thứ hai
Sơ nổi bật với kỹ năng lắng nghe. Bản chất thứ hai của bề trên giám tỉnh dòng Nữ tu Bác ái Dòng Đa Minh, chi hội Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh: “Lắng nghe là nghe một điều gì đó từ Thiên Chúa một cách huyền bí. Cho dù người đó có là người tin hay không tin, thì điều quan trọng là tính xác thực trong lời của họ và sự hiện diện của mình mới đáng kể.” Một tiếp cận bắt nguồn từ đời sống thứ nhất của sơ. Trong sáu năm, sơ là nhà giáo trong một ngôi nhà Bảo vệ Thanh niên Tư pháp. “Nỗi ám ảnh của tôi là bắt chuyện với những người trẻ tuổi này.” Sơ nhớ lại: “Ngay lập tức, bắt chuyện làm dịu xuống mức độ gây hấn của các em và chúng tôi là con người-con người với nhau.” Trong thời gian này, sơ Véronique Margron theo học với nhà thần học đạo đức Xavier Thévenot tại Học viện công giáo Paris. Cuộc gặp của sơ với tu sĩ dòng Salê này mang tính quyết định. Đạo đức, môn học đòi hỏi phải đắm mình trong Kinh thánh nhưng vẫn bám chặt vào thực tế, sơ mê môn học này. Sơ bắt đầu tiếp các nạn nhân của nạn loạn luân. Và rồi một ngày nọ, một ông đến tâm sự với sơ, khi còn nhỏ, ông bị một linh mục lạm dụng. Và rồi, những người khác đến thố lộ sau.
Việc sơ được bầu làm chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp năm 2016 mở ra cho sơ một con đường chóng mặt. Hiệp hội Lời Giải phóng, được thành lập một năm trước đó, bứt phá lệnh cấm nói về các lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Các nữ tu trưởng thành bị lạm dụng đến tâm sự với sơ. Sơ nhận rất nhiều thư của nạn nhân, những người ban đầu gởi cho các giám mục hoặc cho bề trên dòng mà không nhận một thư trả lời nào. Khi đó sơ Véronique Margron nhận thức được bản chất hệ thống của các vụ lạm dụng. Sơ nhớ lại: “Các yếu tố trong lối sống của Giáo hội công giáo đã được chứng minh là cơ sở bi thảm thuận lợi cho tội ác.”
Một phụ nữ cương nghị và hành động
Ủy ban Ciase được thành lập, sơ khuyến khích các dòng và các tu hội mở kho lưu trữ tài liệu của họ. Tháng 10 năm 2019, sơ cùng giám mục Éric de Moulins-Beaufort và ông Jean-Marc Sauvé đến Rôma để loại bỏ những trở ngại còn lại. Yêu cầu của họ sau đó được đáp ứng bằng sự im lặng lịch sự. Tuy nhiên, một vài tuần sau đó, không có mối liên hệ nhân-quả rõ rệt nào, một bản viết lại (tự sắc) của Đức Phanxicô dỡ bỏ bí mật giáo hoàng về bạo lực tình dục của các giáo sĩ.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng, sơ Margron là người phụ nữ cương nghị, người của hành động, sơ quan tâm đến sự độc lập của Ủy ban Ciase và quyền tự do điều tra của Ủy ban. Nhưng điều này không hiển nhiên cho mọi người, kể cả những người ở Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp cũng như ở Hội đồng Giám mục Pháp. Sơ đồng ý: “Dù một số giám mục nghĩ là sai, có thể như vậy. Các bề trên chính, như chúng tôi thường nói trong biệt ngữ không mang tinh thần phúc âm mấy (giọng của sơ mang âm thanh vui cười), có thể cũng nghĩ như vậy.” Sơ không bảo vệ thể chế bằng mọi giá. Thẩm phán Antoine Garapon, thành viên của Ủy ban Ciase, nhận xét: “Sơ là người không tự bảo vệ mình sau lớp vỏ nữ tu. Sơ không tự cho mình ở trong địa vị tách biệt với người khác.” Tinh thần phê phán này là tinh thần đặc biệt của sơ. Sơ không lớn lên trong một gia đình giữ đạo. Không đắm nhuần trong vũ trụ này, sơ lại càng tự do hơn trong tinh thần công giáo.
Người ta không nghe sơ nói những từ như “Đức ông” hay “Cha” và sơ đã làm phiền một số người. Tại Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp, sơ phải đối diện với những nhạy cảm khác nhau. Một tu viện trưởng nói, “sơ không tạo nhất trí.” Linh mục Pierre-Yves Pecqueux, phó tổng thư ký Corref nói: “Sơ biết mình muốn gì và sơ có thể làm cho các giám mục sợ: sơ là phụ nữ, thần học gia nổi tiếng có thể đặt chân thẳng vào vấn đề.” Trong quá khứ, những lời chỉ trích của sơ về thể chế này đã gây khó chịu trong nội bộ các giám mục. Một số phương tiện truyền thông xem sơ là gương mặt nhân ái của Giáo hội, ngược với các giám mục. Một số giám mục bực mình.
Biết biểu lộ cảm xúc của mình
Sơ Véronique Margron để cảm xúc của mình được thấy rõ, điều mà các giám mục dù rất đau khổ cũng không phải lúc nào cũng có thể biểu lộ. Bà Alice Casagrande, chuyên gia về các vụ ngược đãi của Ủy ban Ciase nhận xét: “Sơ có thể nói về sự tuyệt vọng với một khái niệm và lý thuyết không thể chối cãi, sơ không cho phép mình vướng vào trừu tượng. Nơi sơ, thì giờ lắng nghe lời nói của nạn nhân vừa chậm, vừa đúng tầm mức nghiêm túc, vừa im lặng.”
Bài đọc thêm: Nữ tu Véronique Margron: “Khi những người dễ bị tổn thương bị ngược đãi, là chính Chúa bị ngược đãi”
Sơ Véronique Margron thừa nhận: “Cuộc đối đầu với sự man rợ như vậy được khắc từ bên trong. Tôi muốn thoát ra mà không hề hấn gì cả về mặt thể xác. Điều đó là không thể. Nó chẳng là bao so với những gì mà các nạn nhân đã phải trải qua. Bất cứ ai có trách nhiệm, kể cả giám mục, người đã trải qua việc lắng nghe này đều có thể làm chứng cho. Nhưng mỗi người đều có cá tính riêng của mình và chúng tôi không có cùng địa vị như nhau. Địa vị của tôi thì dễ dàng hơn: tôi chịu trách nhiệm cho nhà dòng của tôi, nhưng tôi không chịu trách nhiệm cho một bộ phận dân Chúa.”
Không ai nghi ngờ về sự dấn thân trọn vẹn của sơ Margron. Nếu cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục chiếm một phần lớn thời gian của sơ, thì những dự án khác đang chờ sơ: các cộng đoàn đang già đi, tương lai tài sản bất động sản của họ… Là người làm việc không ngừng, sơ không tiết kiệm sức. linh mục Pierre-Yves Pecqueux lo lắng: “Đôi khi, tôi thấy sơ kiệt sức, ở giới hạn sức lực của mình. Sự mệt mỏi nặng nề này đè nặng trên cơ thể mong manh. Sơ không tự động nói chuyện này, nhưng từ hàng chục năm nay, sơ sống với một chứng đau kinh niên. Trong trời giá lạnh ở Lộ Đức, sơ tâm tình: “Tôi nhận ra cuộc sống của tôi có thể quá nghiêm trọng. Nó cũng cần sự nhẹ nhàng, nhưng trong những tuần gần đây, nó thật phức tạp.” Ngày 5 tháng 10, ngày bản báo cáo Ciase được công bố, khi kết thúc bài phát biểu của mình, sơ trích dẫn lời của nhà văn Bernanos: “Hy vọng là chiến thắng lớn nhất và khó khăn nhất mà con người có thể mang lại cho tâm hồn mình… Chúng ta chỉ đến được hy vọng khi trải qua sự thật, với cái giá là một nỗ lực lớn lao.”
Tiểu sử của sơ Véronique Margron
1957 Sinh tại Dakar (Senegal).
1989 Vào Dòng Đa Minh, chi hội Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh
2004-2010 Khoa trưởng phân khoa Thần học của Đại học công giáo Phương Tây (UCO) ở Angers (Maine-et-Loire).
2013 Bề trên giám tỉnh Tỉnh Dòng Đa Minh, chi hội Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh.
2016 Chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp (Corref).
2021 Được tái bầu chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp nhiệm kỳ thứ hai.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Nữ tu Véronique Margron tái đắc cử chủ tịch Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp
Nữ tu Véronique Margron, gương mặt nhân ái của Giáo hội công giáo Pháp
Nữ tu Véronique Margron tại Hội nghị toàn thể Hội đồng nam nữ Tu sĩ Pháp họp tại Lộ Đức từ ngày 16 đến 19 tháng 11.