Lạm dụng tình dục và “đền bù”: Bà Marie Derain được bổ nhiệm để “lắng nghe nhu cầu của nạn nhân”

62

Lạm dụng tình dục và “đền bù”: Bà Marie Derain được bổ nhiệm để “lắng nghe nhu cầu của nạn nhân”

Ngày thứ hai 8 tháng 11, bà Marie Derain de Vaucresson được các giám mục Pháp bổ nhiệm làm chủ tịch của Cơ quan Quốc gia Độc lập về Công nhận và Bồi thường, có nhiệm vụ thành lập một ủy ban chịu trách nhiệm hỗ trợ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong Giáo hội.

la-croix, Céline Hoyeau, 2021-11-8

Bà Marie Derain de Vaucresson tháng 11 năm 2011 tại Điện Élysée. Christophe Petit Tesson / MAXPPP

Báo La Croix: Sự độc lập của Ủy ban do bà chủ trì dựa trên điều gì?

 Bà Marie Derain de Vaucresson: Cơ quan này sẽ được xây dựng trên mô hình của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ciase). Với tư cách là chủ tịch, tôi hoàn toàn tự do trong việc thành lập ủy ban. Các phương tiện sẽ được Hội đồng Giám mục Pháp (CEF) cung cấp với một phong thư đầu tiên và sự đảm bảo CEF sẽ cung cấp để đáp ứng nhu cầu hoạt động. Đồng thời, vấn đề tài chính để bồi thường cho các nạn nhân, theo mong chờ và nhu cầu được bày tỏ của họ, ủy ban sẽ được quỹ do các giám mục thành lập cung cấp. Nhưng về điểm này, tôi không liên quan đến các vấn đề tài chánh – vẫn còn những điều chưa chắc chắn về nguồn gốc của các khoản tiền, v.v. – nhưng như vậy lại tốt hơn. Để hoàn toàn tự do làm việc với các nạn nhân, tốt nhất là ủy ban không phải lo lắng về tài chính.

Như các thành viên của Ủy ban Ciase, công việc của tôi sẽ là thiện nguyện. Tôi cần tuyển một tổng thư ký, một ban thư ký mà tôi hy vọng sẽ hoạt động vào tháng 1 để bắt đầu đón nhận sớm nhất các yêu cầu đầu tiên của nạn nhân. Chung quanh tôi sẽ có một nòng cốt vững chắc, trên đó chúng tôi xây dựng tiến trình và sẽ được mở rộng sau đó, nhất là với những người trung gian hòa giải. Hoạt động của ủy ban vẫn còn trong giai đoạn đầu, về bản chất, chúng tôi làm việc trong tinh thần hợp tác và tất cả sẽ được hoàn thiện với các thành viên của ủy ban.

Bà sẽ làm thế nào để thiết lập sự công nhận về tình trạng của các nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong Giáo hội?

Theo tôi, dường như chúng ta có thể xây dựng trên những gì đã được thực hiện cho các nạn nhân của bạo lực gia đình. Trong những trường hợp này, chúng tôi nói về “thực tế của các sự việc”. Thực tế này có thể được đánh giá qua lời kể của nạn nhân – một số lời khai đã được Ủy ban Ciase thu thập và lưu trữ, vì thế chúng tôi sẽ xin phép – nếu có thể – dùng lại để tránh cho nạn nhân phải đau lòng hồi tưởng lại, theo một cách nào đó, những hành vi bị lạm dụng bằng cách phải kể lại. Chúng tôi cũng sẽ lấy thông tin từ các giáo phận nơi các sự kiện được báo cáo. Chúng tôi sẽ có nhiều nguồn thông tin. Để làm được điều này, ủy ban sẽ gồm các luật gia dày dạn kinh nghiệm (thẩm phán, luật sư, v.v.), các chuyên gia từ ngành y tế chuyên về lạm dụng và hệ quả của chấn thương tâm lý (bác sĩ, nhà tâm lý học, bác sĩ tâm thần, nhà phân tâm học, v.v.), nhưng cũng với các nạn nhân mà Ủy ban Ciase xem họ là những người “hiểu biết thực nghiệm”, có nghĩa là những nhân vật chính ngày nay trong việc bồi thường thiệt hại.

Ủy ban Ciase không thu thập tất cả các lời khai. Một số người vẫn chưa khai và chúng tôi sẽ cần một cách tiếp cận cụ thể cho những nạn nhân mới đến với chúng tôi. Vì vậy, tôi không tin chúng tôi có thể đưa ra giới hạn thời gian cho công việc của ủy ban. Mọi con số của quá khứ không phải là của ngày mai.

Loại đền bù nào sẽ được ủy ban của bà đề xuất?

Nó thực sự tùy thuộc vào từng nạn nhân. Mục tiêu của chúng tôi sẽ là lắng nghe mong chờ và nhu cầu của nạn nhân, đồng thời giúp nạn nhân đánh giá điều gì tốt cho họ và đáp ứng yêu cầu của họ một cách chặt chẽ nhất có thể. Một số chỉ đơn giản muốn biết kẻ tấn công họ có còn sống hay không, một số khác muốn gặp những người có liên quan đến tình trạng của họ – chính kẻ bạo hành, hoặc giám mục thời đó…  Một số khác cần những hành vi cụ thể. Chúng ta phải hình dung tất cả các phương thức bồi thường thiệt hại này. Việc đồng hành này có thể là một quá trình lâu dài: gần đây tôi đã gặp một người nói với tôi, họ đã mất bảy năm mới có thể viết thư cho giám mục và thêm bốn năm nữa để chấp nhận có một cuộc hẹn.

Đền bù tài chánh sẽ như thế nào? Sẽ có một quy định? Ủy ban Ciase ước tính số nạn nhân bị lạm dụng tình dục trong Giáo hội là khoảng 330.000 người. Bà có sợ một loạt yêu cầu không?

Thật là chóng mặt, và có thể chúng tôi sẽ xem sứ mệnh của chúng tôi ở một quy mô khác nếu có hàng ngàn đơn gởi đến. Đền bù tài chánh sẽ là một phần của đáp ứng, nhưng không phải tự động.

Tôi có nghe các nạn nhân nói với tôi, đối với họ đó không phải là vấn đề. Tôi không thể trả lời cho bà về câu hỏi quy mô, tiêu chuẩn bồi thường. Chúng tôi phải bắt đầu từ những nạn nhân và những nhu cầu được nói lên. Chúng tôi sẽ không giải quyết vấn đề bồi thường cho hệ thống công lý lượng định trên cái giá của đau khổ. Chúng tôi ở trong một động lực khác, đó là công lý phục hồi. Chúng tôi sẽ ưu tiên đáp ứng cho những người không thể có được câu trả lời từ hệ thống tư pháp vì các sự kiện đã quá thời hiệu.

Một vài đòi hỏi bồi thường thiệt hại có nguy cơ vô giới hạn không?

Tôi ý thức sẽ không bao giờ làm đủ được cho các nạn nhân. Chúng ta sẽ không bao giờ hoàn toàn bồi thường được thiệt hại cho một nạn nhân, họ bị đau khổ suốt đời vì việc “ngăn họ sống” này, tạo ra do bạo lực tình dục được nói đến trong bản báo cáo Ciase, nhưng chúng tôi có thể nâng đỡ, tháp tùng họ trên con đường sửa chữa.

Sau đó, vai trò đồng hành trong việc bồi thường thiệt hại sẽ đặt nạn nhân trong thực tế giới hạn này. Đồng thời giúp họ tìm kiếm các nguồn trợ lực bên ngoài, những nơi để lắng nghe. Nhưng chúng tôi ở đúng trong cái phải làm. Ý muốn của các giám mục đã được nói lên, và cũng là ý muốn của Giáo hội, vì thế sẽ có những nỗ lực đáng kể được thực hiện để bổ sung cho quỹ bồi thường.

Điều gì thúc đẩy bà chấp nhận nhiệm vụ này?

Trước hết tôi dựa vào lời xác nhận chính thức của hội nghị ngày thứ sáu 5 tháng 11. Theo tôi, việc công nhận trách nhiệm thể chế của Giáo hội Pháp là điều kiện tiên quyết cần thiết để tôi chấp nhận làm việc.

Lời kêu gọi mà tôi chấp nhận, đó là đường hướng cho tất cả cam kết, nghề nghiệp và cá nhân với tư cách là một tín hữu và một thành viên của Giáo hội, là ở bên cạnh các nạn nhân.

Từ những năm tháng trẻ tuổi trong nghề của tôi khi tôi còn ở trong Bảo vệ Thanh niên Tư pháp, tôi đã ấn tượng bởi tỷ lệ trẻ em và thanh niên là nạn nhân của bạo lực tình dục. Sau đó là Phó Ban Bảo vệ Trẻ em của Người Bảo vệ Quyền, tham gia xây dựng Đạo luật Bảo vệ Trẻ em năm 2016, là người đi đầu trong cuộc chiến chống bạo lực trên trẻ em năm 2017, và ngay cả có chân trong Hội đồng Bảo vệ Trẻ em Quốc gia, với tư cách là Tổng Thư ký, tôi chưa bao giờ ngừng làm việc này, luôn tìm cách làm tốt hơn trong việc đấu tranh chống bạo lực tình dục và chăm sóc nạn nhân, một cách chuyên nghiệp và thiện nguyện. Từ những năm 1990 và còn tích cực hơn trong những năm 2000, tôi đã tham gia và khởi xướng động lực ngăn chận bạo lực, đặc biệt là bạo lực tình dục, và lắng nghe những người trẻ nhất trong số các phong trào Hướng đạo và Hướng dẫn viên của Pháp. Như bất cứ đâu, không phải lúc nào cũng dễ dàng để làm công việc này. Tất cả đã dẫn đến việc ngày tôi càng nghe nhiều tâm sự. Đặc biệt kể từ vụ của cựu linh mục Preynat, không có tháng nào mà tôi không nhận được thông tin từ những người từng là nạn nhân trong Giáo hội. Nếu tôi dấn thân vào sứ mệnh này, trước hết và trên hết là vì họ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Bà Marie Derain, một luật gia tận tâm được chỉ định để đảm trách việc bồi thường cho nạn nhân

Quyết tâm được các giám mục Pháp biểu quyết ở cuộc Họp khoáng đại ngày 8 tháng 11-2021