“Một số linh mục đã thực sự tạo một sự nghiệp tội phạm trong Giáo hội”

59

“Một số linh mục đã thực sự tạo một sự nghiệp tội phạm trong Giáo hội”

nouvelobs.com, Céline Rastello, 2021-10-04

Ngày chúa nhật 14 tháng 3, giám mục François Jacolin, giáo phận Luçon, Vendée, nước Pháp cử hành thánh lễ ăn năn sám hối cho các hành vi tội phạm đến trẻ em trong Giáo hội. (LOIC VENANCE / AFP)

Bác sĩ tâm thần Thierry Baubet, thành viên của Ủy ban Sauvé (Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp) đã nghe nhiều nhân chứng và bị đánh động bởi sự gần gũi giữa các hành vi tội phạm đến trẻ em trong Giáo hội và những người cũng phạm tội ác này trong gia đình. Bài phỏng vấn.

“Cuối cùng tôi đã nói đồng ý vì tôi không thể chịu được các yêu cầu nào của ông đó nữa”, một người đàn ông nói với Ủy ban vào tháng 6 năm 2019. “Rất rắc rối vì linh mục này rất lôi cuốn, được mọi người chung quanh rất tôn trọng, thậm chí các cựu học sinh của ông còn lập hội ái hữu để tưởng nhớ phương pháp sư phạm ông”, một người khác thổ lộ với Ủy ban. “Cha X, một tu sĩ Dòng Tên bây giờ đã qua đời, là một người lớn tuổi đáng yêu, người chuẩn bị cho trẻ em thêm sức. Một ngày nọ, cha mời tôi đi theo cha vào căn phòng nơi cha có chiếc xe lửa điện,” một phụ nữ kể lại…

Giáo sư tâm thần học trẻ em và vị thành niên tại Đại học Paris-13 và tại Inserm (Viện Quốc gia Y tế và Nghiên cứu Y khoa), trưởng khoa tại bệnh viện Avicenne ở Bobigny (Seine-Saint-Denis), giáo sư Thierry Baubet, cùng với thẩm phán Antoine Garapon, đã có nhiều buổi tường thuật với các nạn nhân cho Ủy ban Ciase.

Vào đầu năm nay, giáo sư đã nói với chúng tôi giáo sư bị đánh động bởi sự gần gũi giữa các hành vi tội phạm đến trẻ em trong Giáo hội và trong gia đình. Ghi nhận này đã được xác nhận? Và ở chừng mực nào?

Giáo sư Thierry Baubet: Điều này thực sự đã được khẳng định trong một số lớn trường hợp và có một điểm chung đầu tiên: cơ chế “im lặng”. Rất khó để cho nạn nhân ý thức mình là nạn nhân của bạo lực và khi nạn nhân nhận ra thì rất khó nói về chuyện này. Nhất là hành động do một người có thẩm quyền rất cao mà nạn nhân vô cùng tôn trọng, và nói chung họ cũng vô cùng tôn trọng cha mẹ của mình. Nói, khi nói được, thì cũng làm tan vỡ nhiều chuyện, trong gia đình cũng vậy, nó cũng như trường hợp loạn luân. Đó cũng là nguy cơ lớn của việc không được tin, hoặc, có lẽ còn nghiêm trọng hơn, vẫn được tin nhưng xin đương sự giữ im lặng. Các cơ chế “im lặng” làm tăng thêm tình trạng cô lập, đau khổ, cảm giác tội lỗi, bởi vì đứa bé đặt niềm tin vào người này.

Thêm nữa chúng ta gọi linh mục là “cha”, điều đó không phải là không có hại… Tôi để ý đến một khía cạnh khác, đó là liên kết thiêng liêng và quyền hành để thực hiện hành vi bạo lực này. Chẳng hạn, nhiều linh mục hung hãn đã lợi dụng khi xưng tội để có những hành vi tội phạm trên trẻ em?

Đúng vậy. Dùng từ “lạm dụng” đã bị chỉ trích rất nhiều, nhưng vẫn đúng để dùng từ này, vì ngoài bạo lực tình dục, còn là lạm dụng thiêng liêng để dần dần tiến đến sự khống chế hoàn toàn, mở đầu cho tội ác. Cũng khá kỳ lạ và cũng khá khác biệt, với những gì chúng ta có thể thấy trong trường hợp một người lạ hay một người không ở trong vòng thân thiết làm. Những cuộc tấn công này do những người ở trong vòng thân thiết làm. Một số thường được gia đình mời về ăn tối. Một số linh mục đã thực sự tạo một sự nghiệp tội phạm trong nhiều thập kỷ trong Giáo hội ; họ có sự nghiệp của những kẻ săn mồi tình dục chính. Điều này không áp dụng cho tất cả nhưng đã có, và nó thực sự đặt ra câu hỏi: làm thế nào điều này có thể xảy ra? Hệ thống nào đã cho phép điều này tiếp tục làm trong nhiều năm như vậy?

Cùng với thẩm phán Antoine Garapon, giáo sư đã có nhiều buổi nghe nạn nhân tường thuật. Các buổi tường thuật xảy ra như thế nào?

Chúng tôi đã suy nghĩ rất nhiều trước các buổi tường thuật này, đây không phải là các buổi phỏng vấn nghiên cứu và, mặc dù tôi là tâm lý gia và ông Antoine Garapon là thẩm phán, nhưng đây không phải là những buổi trị liệu tâm lý hay những lời khai trước tòa. Nó cực kỳ căng thẳng, rất nhiều người lần đầu tiên nói về chuyện này, họ bị suy sụp hoàn toàn, nhưng tôi tin rằng, chung chung cách tổ chức của chúng tôi đã thành công. Trước buổi tường thuật, nạn nhân có thể gởi cho chúng tôi một bản viết – một số người gởi vài ba hàng, một số khác gởi cả trăm trang, các buổi tường thuật kéo dài không hạn định thời gian – đôi khi vài giờ – và khi kết thúc, chúng tôi dành thì giờ để nói chuyện. Sau đó chúng tôi ghi lại bài tường thuật và gởi cho người hiệu đính. Điều quan trọng là nạn nhân phải tự chủ đến cùng trong lời chứng của họ. Chúng tôi đã không có một phản ứng tiêu cực. Đa số họ gọi lại cho chúng tôi để cho chúng tôi biết tác động tích cực của buổi tường thuật này.

Họ đặt quan trọng những gì?

Thực tế là họ đã có thể nói và thực sự cảm thấy được nhìn nhận, được lắng nghe, được hiểu. Tôi nghĩ, phần lớn các buổi này đã giúp họ chuyển từ trạng thái nạn nhân sang trạng thái nhân chứng. Việc nhận ra mình là nạn nhân và được công nhận là rất quan trọng, và chúng tôi luôn hy vọng, các nạn nhân có thể vượt qua tình trạng này, vốn bị cho là thụ động, để trở thành nhân vật chính. Và vì điều này, một trong các hành vi nền tảng là khả năng làm chứng, để nạn nhân có thể nói: “Đó là những gì họ đã làm cho tôi, đó là, tôi nghĩ, đã không không có hành động gì sau đó, đó là người như vậy, không muốn tiếp tôi cũng không muốn nghe tôi.” Nhưng tôi nghĩ, tôi có thể nói, nếu các buổi tường thuật này có thể có ảnh hưởng trên nạn nhân, nhưng chính nó cũng đã biến đổi chúng tôi ở một mức độ nào đó. Chúng tôi cũng cảm thấy cần phải trả lại một cái gì đó cho các nạn nhân. Phụ lục của bản báo cáo, giống như một tập sách nhỏ, sẽ gồm một tập trích dẫn từ của các lời chứng nguyên thô, không phân tích: phụ lục này sẽ được dành cho họ.

 Giáo sư không quen tiếp những người lớn…

Đúng rồi. Tôi ít gặp những người ở độ tuổi 60 hoặc 70 từng là nạn nhân những chấn thương tình dục thời thơ ấu, họ chưa bao giờ nói về nó hoặc chưa bao giờ được chữa trị. Các tác động đến các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống của họ rất đa dạng nhưng chủ yếu là rất quan trọng. Ngay cả khi họ không mắc các bệnh tâm thần, nghiện ngập hoặc rối loạn căng thẳng hậu chấn thương, thì tác động cũng rất mạnh trên đời sống tình cảm, khả năng quan hệ với người khác và cảm nhận về tình yêu, về tình dục của họ… Một người 60 tuổi nói với chúng tôi: “Suốt cuộc đời tôi, mỗi khi tôi làm tình với người bạn của tôi,  tôi luôn nhìn thấy khuôn mặt của linh mục đó.” Những chấn thương tình dục bị khi còn nhỏ thường có đặc điểm cụ thể là nó ảnh hưởng đến con người đang phát triển. Nếu những chấn thương không được nhận ra cũng không được chăm sóc thì toàn bộ phát triển sẽ bị biến chất: họ sẽ gặp khó khăn về mặt trí tuệ, quan hệ, gia đình, xã hội… Trái ngược với những gì chúng ta có thể nghĩ, chấn thương càng nghiêm trọng thêm khi bị lúc còn nhỏ. Ngoài ra, chúng tôi không gặp nhiều người bị chứng đãng trí do chấn thương mà người ta nói rất nhiều. Một số nói với chúng tôi họ che giấu nó trong vài thập kỷ, nhưng rất hiếm. Họ cũng nói với chúng tôi, họ nghĩ đến chuyện này mỗi ngày trong đời, họ đã quên nó một thời gian trước khi nó quay trở lại một cách dữ dội, hoặc họ cấm mình nghĩ đến.

Giáo sư có thể đưa ra lời khuyên nào cho những nạn nhân của bạo lực tình dục thời thơ ấu để cố gắng vượt lên những chấn thương?

Tôi sẽ nói, không có hạn tuổi để đi tham vấn. Nếu chúng ta đau vì có triệu chứng hay bị  khó chịu nặng nề, sự giúp đỡ của nhà trị liệu tâm lý hoặc được thông cảm lắng nghe sẽ rất hữu ích, dù thời điểm bị chấn thương đã xảy ra rất lâu. Cũng có các cơ quan, hiệp hội, chẳng hạn như Hội Nạn nhân ở Pháp, France Victimes, có mạng lưới các chuyên gia trên khắp nước Pháp. Cũng có thể đến với các hiệp hội nạn nhân, phần lớn những người này muốn giúp những người đồng bệnh. Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng chúng ta có thể hành động vì tương lai.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Quyết tâm được các giám mục Pháp biểu quyết ở cuộc Họp khoáng đại ngày 8 tháng 11-2021

Giám mục Leborgne: “Chúng tôi không thể đi lui được nữa”

Tại Lộ Đức, các giám mục Pháp quỳ gối trong một buổi lễ ăn năn sám hối cảm động