“Vì sao tôi ở lại trong Giáo hội”

101

“Vì sao tôi ở lại trong Giáo hội”

Linh mục Patrick Goujon và linh mục Jean-Luc Souveton bị các linh mục tấn công khi còn trẻ. Nhưng chính họ, họ đã trở thành linh mục và gắn bó với Giáo hội. Hôm nay họ mong chờ gì ở cuộc họp khoáng đại của các giám mục Pháp đang diễn ra ở Lộ Đức?

Phỏng vấn cha Patrick Goujon và cha Jean-Luc Souveton, bị một linh mục lạm dụng tình dục khi họ còn vị thành niên, trong văn phòng báo La Croix ngày 20 tháng 10 năm 2021. Guillaume Poli / La Croix.

croire.la-croix.com, Florence Chatel, 2021-11-03

“Vì sao tôi ở lại trong Giáo hội”

Linh mục Patrick Goujon, Dòng Tên, linh mục Jean-Luc Souveton, giáo phận Saint-Étienne

Các cha từng là nạn nhân của các linh mục ấu dâm khi còn nhỏ hoặc thiếu niên. Và chính các cha đã trở thành linh mục. Các cha chưa bao giờ nghĩ đến việc rời bỏ Giáo hội?

Linh mục Patrick Goujon: Tôi bị một loại chấn thương không trí nhớ trong vòng bốn mươi năm. Mỗi lần ký ức những lần bị tấn công hiện về là tôi xem lại lý do vì sao tôi trở thành linh mục. Nhưng lúc đó tôi không đặt câu hỏi “vì sao tôi còn ở trong Giáo hội”. Ngược lại, khi còn là thiếu niên, tôi đã tự hỏi mình, vì tôi rất khó chịu với mối quan hệ quyền lực trong Giáo hội. Sau đó, khi đọc các bài về Công đồng Vatican II, tôi khám phá ra một tầm nhìn khác về Giáo Hội. Nó tương ứng với thực tế bình thường của những gì tôi đã sống ở Verdun (Meuse) trong đời sống giáo xứ và giáo phận trong những năm 1980. Phần tiếp theo thì phức tạp hơn với tôi do sự cứng nhắc của Giáo hội. Tôi nhớ bài diễn văn của Đức Gioan Phaolô II về luân lý tình dục ở Strasbourg năm 1988, mọi người vỗ tay trong khi hầu hết những người trẻ có mặt ở đó đều sống ngược lại với tinh thần này. Bị sốc, tôi tự nghĩ: “Mọi người đều đóng kịch và sự thật thì không thấy đâu.” Ngày nay, tương quan sai lầm với sự thật trong Giáo hội đã bùng phát. Điều này không làm tôi muốn rời Giáo hội, nhưng để cải thiện mối tương quan của chúng tôi với sự thật.

Linh mục Jean-Luc Souveton, giáo phận Saint-Étienne, tại văn phòng báo La Croix ngày 20 tháng 10 năm 2021. / Guillaume Poli / La Croix.

Bài đọc thêm: Linh mục Jean-Luc Souveton Vì sao tôi đến dự hội nghị khoáng đại của Hội đồng Giám mục Pháp

Linh mục Jean-Luc Souveton: Tôi luôn giữ ký ức về những gì tôi đã trải qua nhưng theo một cách tách biệt. Tôi phải mất một thời gian dài để nhận ra cuộc tấn công tình dục này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi như thế nào. Tôi gặp khó khăn trong việc gắn kết với chính mình, một tương quan tách biệt với thứ bậc như thể tôi luôn gặp nguy hiểm khi đối diện với thẩm quyền. Nhiều người hỏi tôi làm thế nào lại trở thành linh mục. Một nhân vật đã cứu tôi: đó là vị linh mục trong quyển tiểu thuyết Các chìa khóa của Nước Chúa (Les Clés du royaume của tác giả A. J. Cronin). Đối với tôi, là linh mục là người phục vụ cho ơn gọi duy nhất của mỗi người; nếu nó không được đón nhận và hoàn thiện, thì có một điều gì đó đang thiếu trong chương trình hoạch định của Chúa. Tôi chưa bao giờ thực sự có cám dỗ rời bỏ Giáo hội. Nếu tôi rời, tôi sẽ phủ nhận một cái gì đó rất thiết yếu với tôi: điều này còn hủy hoại tôi nhiều hơn thế nữa. Nhiều người ngần ngại rời bỏ Giáo hội vì họ nghĩ họ có tội khi bỏ Chúa Kitô. Tôi không nghĩ như vậy. Loại suy nghĩ này là loại suy nghĩ cấm tố cáo các rối loạn chức năng của hệ thống, ám chỉ rằng như thế sẽ làm hại cho Chúa Kitô. Tôi ghét Giáo hội ở đỉnh cao của niềm hy vọng mà tôi vẫn kỳ vọng ở Giáo hội.

Báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp đã tạo một cơn địa chấn trong Giáo hội. Cha tiếp nhận những phản ứng này như thế nào?

Linh mục Patrick Goujon: Trong các bài phát biểu sau khi bản báo cáo được đưa ra, trước hết là cảm xúc. Sự xấu hổ và tức giận là không thể tránh khỏi, nhưng những cảm xúc này cũng là công cụ giao tiếp trong Giáo hội. Tuy nhiên, các khuyến nghị của bản báo cáo Sauvé bắt đầu bằng việc giáo dục lương tâm. Người ta sợ rằng một số giám mục đương nhiệm ngày nay là những người đã bao che cho cả những trường hợp gần đây. Nhưng họ nói như thể họ vừa mới nhận chức vụ. Khi nào các giám mục này mới ý thức trước các trách nhiệm mà họ đã không quyết định? Xin các nạn nhân tha thứ và đảm bảo rằng chúng tôi cầu nguyện cho họ chẳng cam kết gì.

Linh mục Dòng Tên Patrick Goujon / Guillaume Poli / La Croix.

Bài đọc thêm: Nỗi đau dai dẳng, phỏng vấn linh mục Dòng Tên Patrick C. Goujon

Linh mục Jean-Luc Souveton: Tôi không thể cầu nguyện thêm cho chúng tôi! Tôi đề nghị mỗi ai muốn cầu nguyện cho các nạn nhân xin họ đọc lời cầu nguyện Thánh Thể, trong đó có câu: “Xin mở mắt chúng con trước mọi đau khổ. Xin cho chúng con nói lời thích hợp khi chúng con đứng trước anh chị em cô đơn và không nơi nương tựa. Xin cho chúng con can đảm để thực hiện một hành vi anh em…” Vấn đề tha thứ thường được đưa ra như một đảm bảo để các nạn nhân được chữa lành. Điều này đặt trách nhiệm nặng trên nạn nhân cho chính bất hạnh của họ. Một linh mục lớn tuổi nói với tôi trước khi xưng tội, “trước hết phải ngâm áo quần dơ”. Cho đến khi nào chúng ta không bị tác động bởi những gì là tội lỗi đã làm trong đời sống của người khác và trong đời sống của mình, xin tha thứ là chuyện quá nhanh chóng. Nó không để áo quần dơ có thì giờ ngâm, để có thể đón nhận các nạn nhân bị tổn thương do những hành động trong quá khứ, mà còn cả với những nạn nhân hiện tại. Ba tháng trước, tôi nghe trong lòng tôi nói, “Jean-Luc, bạn đã im lặng 40 năm rồi, bây giờ sao bạn không tiếp tục im lặng nữa?”

Lời nói của cha đã được giải thoát: điều này có thay đổi mối tương quan của cha với Giáo hội không?

Linh mục Jean-Luc Souveton: Khi nói điều này, tôi ý thức có những bạo lực của thể chế bình thường trong Giáo hội. Đối với tôi, Giáo hội là một xã hội hoàn hảo. Tôi đã thoát ra khỏi ngây thơ. Khi tôi nghe nói có khoảng 330.000 người đã sống qua những chuyện như tôi đã sống, tôi khóc ròng trong hàng giờ.

Linh mục Patrick Goujon: Tôi đã bỏ các cuộc hẹn của tôi trong hai ngày. Tôi không thể nói gì được nữa. Giống như cha Jean-Luc, tôi cũng phải đi ra khỏi sự phủ nhận bạo lực của Giáo hội. Các linh mục biết tội ác của kẻ tấn công tôi và họ không làm gì cả. Tôi thấy mình rơi vào trạng thái căng thẳng hậu chấn thương. Tôi không chịu đựng nỗi những thỏa thuận nhỏ với chính mình. Hành động mang tính thiêng liêng nhất của báo cáo Sauvé là cho tôi thấy, những vụ tấn công tình dục trong Giáo hội là chống lại điều răn thứ năm “Chớ giết người”. Người ta nói với tôi, các nạn nhân không chết. Nhưng có một số đã tự tử và có những người vẫn còn i chứng. Cách đây sáu năm trước, có một bác sĩ nhận xét về tôi: “Thật kỳ lạ, cha có các triệu chứng của bệnh tự-miễn, nhưng chúng tôi không tìm thấy gì cả.” Sau đó, khi ra cửa, ông hỏi tôi, tôi có bị lạm dụng khi còn nhỏ hay không bởi vì theo thống kê, có một tương quan qua về giữa hai việc này. Chúng tôi không sống lại nhanh như vậy. Chúng tôi thực sự đang ở trong vùng đất của sự sống, nhưng cái chết của tội ác vẫn còn những tác động trên thể xác và trên hệ tâm lý. Chúng tôi có một kinh nghiệm về sự cứu rỗi, nhưng Cuộc Khổ nạn vẫn tiếp tục. Mỗi sáng tôi phải tập hai mươi phút để kéo giãn cơ thể.

Phỏng vấn cha Patrick Goujon và cha Jean-Luc Souveton, bị một linh mục lạm dụng tình dục khi họ còn vị thành niên, trong văn phòng báo La Croix ngày 20 tháng 10 năm 2021. Guillaume Poli / La Croix

Cha Jean-Luc Souveton, cha sẽ có mặt với các nạn nhân khác trong cuộc họp của các giám mục ở Lộ Đức. Cả hai cha mong chờ những biện pháp mạnh mẽ nào từ hội nghị này?

Linh mục Jean-Luc Souveton: Tôi hy vọng các giám mục sẽ đứng lên, như một người, để nói họ nhận trách nhiệm hệ thống của Giáo hội và họ mở ra cho quyền của các nạn nhân đòi hỏi một sự sửa chữa. Một ngày nọ, một giám mục nói với tôi: “Chúng tôi đang tìm một cái gì đó có thể xoa dịu quý vị…” Tôi không muốn các ngài xoa dịu tôi, nhưng tôi muốn đòi công lý cho tôi. Một trong những điều làm tôi bị tổn thương nhất, đó là Giáo hội phản ứng vì bắt buộc. Nhưng một hành vi bắt buộc sẽ không có tác dụng chữa bệnh, cứu nguy như một hành vi làm với tinh thần nhưng không.

Linh mục Patrick Goujon: Một số khuyến nghị của bản báo cáo Sauvé có thể dùng để tự vấn lương tâm. Nó cộng hưởng với truyền thống kitô giáo mạnh mẽ nhất. Thay vì giải quyết chúng bằng cách cúi đầu, ở đây chúng ta cũng có lý do để vui mừng. Tôi mong chờ các giám mục đọc bản báo cáo, đón nhận bản báo cáo và suy nghĩ. Tôi không hy vọng các giám mục có các giải pháp ngay lập tức, nhưng họ có các quyết định để làm việc và điều gì cần phải thay đổi thì thay đổi nhanh nhất có thể. Tôi tràn đầy hy vọng, nhưng cũng cảnh giác.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: 45 Khuyến nghị của Ủy ban Ciase về các vụ lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp