Cẩn thận với các vòng nối kết nội tâm của chúng ta
Ronald Rolheiser, 2021-10-25
“Không ai là một hòn đảo”. Nhà thơ người Anh John Donne đã viết câu bất hủ này cách đây bốn thế kỷ, và bây giờ câu này vẫn còn đúng, trừ khi chúng ta không còn tin như thế nữa.
Ngày nay, chúng ta ngày càng xác định gia đình hạt nhân và nhóm bạn hữu thân thuộc mà chúng ta đã tuyển chọn kỹ càng là hòn đảo tự đủ cho mình, và ngày càng kén chọn để không ai được phép bước vào hòn đảo đó, vào nhóm bằng hữu đó, nhóm những người mà chúng ta xem là đáng tôn trọng. Chúng ta xác định và bảo vệ những hòn đảo riêng của mình bằng một ý thức hệ, bằng quan điểm chính trị, quan điểm luân lý, quan điểm về giới tính và tôn giáo nhất định nào đó. Bất kỳ ai không cùng quan điểm với chúng ta thì không được hoan nghênh, không xứng đáng để chúng ta tôn trọng và dành thì giờ cho họ.
Hơn nữa, truyền thông đương thời còn góp phần cho chuyện này. Ngoài hàng trăm kênh truyền hình mà mỗi kênh đều có chương trình kế hoạch riêng, chúng ta còn có mạng xã hội để chúng ta tìm được những quan điểm ý thức hệ, chính trị, luân lý và tôn giáo vốn vun đắp, bảo vệ và cô lập hòn đảo của mình, biến nhóm hạt nhân nhỏ của chúng ta thành một thứ tự đủ, riêng biệt và bất khoan nhượng. Lại thêm chúng ta còn có những công cụ để rảo khắp mạng lưới truyền thông cho đến khi tìm được chính xác “sự thật” mà chúng ta thích. Chúng ta đã xa rồi thời ngày xưa khi có những nhà báo như nhà báo Mỹ Walter Cronkite, ông có thể đưa ra một sự thật mà ai cũng có thể tin.
Tác động của chuyện này xảy ra khắp nơi, không chỉ trong sự phân cực cay đắng ngày càng tăng mà chúng ta đang thấy rõ trong mọi vấn đề chính trị, luân lý, kinh tế và tôn giáo của thế giới. Ngày nay, chúng ta thấy mình đang sống trên những hòn đảo biệt lập, không cởi mở lắng nghe, tôn trọng hay đối thoại với bất kỳ ai không cùng quan điểm với mình. Bất kỳ ai bất đồng với tôi thì chẳng đáng để tôi dành thời gian, chẳng đáng để tôi lắng nghe, tôn trọng. Chuyện này dường như đang là thái độ phổ biến thời nay.
Và nó có trong những hình thức hung hãn của Văn hóa Tẩy chay, trong chủ nghĩa dân tộc ngày càng hướng nội và cứng rắn ở nhiều quốc gia. Những gì xa lạ thì không được hoan nghênh, đơn giản vậy thôi. Chúng ta không còn đối diện với bất kỳ thứ gì thách thức đặc nét của mình nữa.
Có cái gì không ổn ở đâu? Gần như tất cả đều không ổn. Dù chúng ta nhìn chuyện này từ quan điểm Kinh Thánh và kitô giáo hay từ quan điểm sức khỏe và sự chính chắn của con người, thì nó đều sai trái.
Về mặt Kinh Thánh thì quá rõ ràng rồi. Thiên Chúa đi vào đời chúng ta qua nhiều con đường quan trọng, chủ yếu là qua “người lạ”, qua những gì xa lạ, qua những gì khác với chúng ta, và qua những gì làm cho tư tưởng của chúng ta rối bời, đập tan những kỳ vọng theo tính toán của chúng ta. Sự mặc khải thường đến một cách đầy ngạc nhiên, dưới những hình thức làm cho tư tưởng của ta đảo lộn tất cả. Như sự nhập thể chẳng hạn. Trong nhiều thế kỷ, người ta tìm kiếm Đấng Thiên sai, Thiên Chúa trong xác phàm, Đấng đè bẹp và hạ nhục mọi kẻ địch và ban vinh quang và danh dự cho những ai trung tín cầu nguyện mong ngóng Ngài. Họ cầu nguyện và trông đợi một siêu nhân, nhưng cuối cùng là thế nào? Một đứa bé yếu đuối nằm trong máng cỏ. Mặc khải làm việc như thế. Chính vì vậy mà thánh Phaolô dạy chúng ta hãy luôn chào đón khách lạ vì đó có thể là một thiên thần hóa trang.
Tôi chắc chắn rằng, trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều có trải nghiệm được gặp một thiên thần trong hình hài người lạ mà chúng ta tiếp đón với phần nào e dè và sợ hãi. Tôi biết trong đời tôi, đã có nhiều lúc tôi chẳng muốn chào đón một người nào đó hay một chuyện nào đó đến với mình. Tôi sống trong dòng tu, nơi chúng ta đâu được lựa ai sẽ là người sống với mình. Bạn được chỉ định vào “gia đình ruột” của mình, và (trừ vài trường hợp ngoại lệ do thể chất hạn chế) bề trên không xem tâm trạng tương đồng là tiêu chuẩn để chỉ định người cùng sống chung với nhau trong cộng đoàn. Và không hiếm khi tôi sống trong những cộng đoàn có những người mà nếu được chọn thì tôi đã hẳn không chọn họ làm bạn bè, đồng nghiệp, người láng giềng hay người thân của mình. Ngạc nhiên thay, thường thì những người tôi chẳng ưu tiên chọn nhất lại là những người mang ân sủng và làm cuộc đời tôi biến đổi.
Hơn nữa, chuyện này cũng đúng trong cuộc sống nói chung của tôi. Tôi thường thấy mình được thêm ân phúc nhờ những người ban đầu ít có khả năng được tôi chào đón nhất. Thú thật, chuyện này không phải lúc nào cũng êm đẹp. Những gì xa lạ, những gì khác mình, có thể gây buồn bực và đau khổ trong một thời gian dài trước khi chúng ta nhận ra được ân sủng và mặc khải.
Nhưng đó luôn là thách thức cho chúng ta, nhất là thời nay khi nhiều người trong chúng ta rút vào trong những hòn đảo riêng, xem đó là chính chắn, rồi biện luận nó bằng một đức tin sai lầm, lòng ái quốc sai lầm và ý tưởng sai lầm về sự chính chắn. Làm như thế vừa sai trái vừa nguy hiểm. DDấn thân vào những gì khác lạ sẽ đem lại thăng tiến cho bản thân chúng ta. Thiên Chúa ở trong người lạ, và mỗi khi chúng ta không để người lạ vào cuộc sống mình là chúng ta đang tự tách mình khỏi con đường ân phúc chủ yếu.
J.B. Thái Hòa dịch
Bài đọc thêm: Chuyện nhập cư, thời ấy và bây giờ