Xáo động vì một sứ mệnh phi thường nhưng niềm hy vọng vẫn còn
Các thành viên của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp, Ciase, cho biết họ bị xáo trộn vì một sứ mệnh phi thường nhưng niềm hy vọng vẫn còn.
lavie.fr, Sophie Lebrun, 2021-10-07
Thần học gia Joël Molinario và chuyên gia Alice Casagrande về các vụ ngược đãi trong thể chế trả lời báo La Vie cơ bản sứ mệnh của họ trong Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp, những chuyện bên trong và lời khuyên của họ khi nhận báo cáo của Ủy ban.
Bà Alice Casagrande và ông Joël Molinario, thành viên của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp. Frédérique Plas, La Vie.
Ông Joël Molinario và bà Alice Casagrande có thể sẽ không bao giờ gặp nhau. Tuy nhiên, gặp nhau trong thời gian trao đổi này cho chúng ta thấy được tình bạn sâu đậm nơi người thứ nhất, nhà thần học, hướng dẫn người thứ hai, nhà tư vấn cho Nhà nước, trong hành lang muôn màu sắc của Viện công giáo Paris.
Ông Joël Molinario rành nơi này vì ông đã dạy ở đây và đã điều hành Viện Mục vụ Giáo lý Cấp cao. Bà Alice Casagrande thì khá quen thuộc với những tòa nhà có trần cao ngất, nơi bà là chuyên gia luân lý, chủ tịch Ủy ban đấu tranh chống ngược đãi và khuyến khích có ứng xử tốt.
Trong hai năm rưỡi, hai người là thành viên của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ciase). Họ cùng gặp các nạn nhân, tranh luận về nguyên nhân bạo lực tình dục trong Giáo hội và các nơi khác, đồng thời soạn thảo các khuyến nghị cho các giám mục Pháp.
Hôm nay, họ mỉm cười như hai sinh vật đã trải qua những gập ghềnh không thể chịu nổi… và bây giờ được về bằng an. Họ nhận trả lời cho báo La Vie, họ cùng nhấn mạnh đến sứ mệnh “không giống ai” này. Và họ cùng chia sẻ hy vọng của mình.
Vì sao quý vị tham gia vào Ủy ban Ciase đầu năm 2019?
Thần học gia Joël Molinario: Nó như từ trên trời rơi xuống tôi. Tôi có nghe nói về Ủy ban, nhưng tôi không hề nghĩ mình sẽ là một thành phần trong Ủy ban này. Ông Jean-Marc Sauvé, chủ tịch Ủy ban đề nghị tôi là thành viên của nhóm: tôi là chuyên gia về lịch sử giáo lý và Giáo hội, tôi không nghĩ mình có một khả năng đặc biệt nào. Tôi thảo luận chuyện này với ông Jean-Louis Souletie, khoa trưởng phân khoa Thần học Học viện công giáo Paris, ông trả lời: “Bạn không có quyền nói không.” Như thế, dù là giáo dân thì cũng có đức vâng lời! Bây giờ tôi nhận ra, tôi đã rất ngây thơ về những gì công việc của Ủy ban dành cho tôi, về thì giờ, về cảm xúc mà công việc này đưa lại, về những gì chúng tôi sẽ trải nghiệm và khám phá… Đó là một sứ mệnh phi thường làm xáo trộn hoàn toàn.
Bà Alice Casagrande: Tôi nghĩ tôi là một trong số hiếm hoi người nộp đơn xin làm! Vấn đề ngược đãi thể chế đã ở trong tâm hồn tôi từ lâu và tác động đến toàn bộ sự nghiệp của tôi, tôi muốn đặt khả năng nghề nghiệp của tôi để phục vụ Ủy ban… nhưng cũng phục vụ Giáo hội. Là người công giáo giữ đạo, điều tôi mong muốn, đó là tôi có thể giúp được gì. Chồng tôi lúc đầu cũng sợ. Trong mỗi công việc, tôi đều làm hết mình; cho đến lúc đó, đức tin luôn là động lực cho tôi. Chúng tôi đã bàn với nhau nhiều về việc này, nhìn những chuyện khủng khiếp ở nơi, mà đó là nơi mình nương thân, nó sẽ tác động đến tâm hồn tôi như thế nào. Cha mẹ và bạn bè thân nâng đỡ tôi không điều kiện trong suốt quá trình tôi tham gia vào Ủy ban Ciase. Và may mắn thay… Vào cuối cuộc gặp đầu tiên của tôi với ông Jean-Marc Sauvé, tôi nhớ tôi đã xác định: “Tôi có cá tính, tôi là người vui vẻ”; đứng trước những gì tôi sắp sống, tôi nghĩ nó rất hữu ích. Tôi tin vào phương pháp sư phạm và tôi tin chắc chúng ta sẽ lớn lên dù phải đối diện với những điều khủng khiếp, về mặt cá nhân cũng như về mặt thể chế.
Công việc của quý vị trong Ủy ban là gì?
Bà Alice Casagrande: Tất cả chúng tôi đều là tình nguyện viên. Theo tôi, điều này được thấy qua các cuộc họp, các buổi điều trần và gặp gỡ nhau vào buổi tối và cuối tuần, cũng như vào các ngày lễ. Ông Jean-Marc Sauvé đề nghị tôi đồng chủ trì, cùng thẩm phán Antoine Garapon, của một nhóm về chủ đề “các nạn nhân và việc bồi thường” nhằm phản ánh những gì Giáo hội có thể và nên thực hiện trên sửa chữa cho nạn nhân. Theo đề nghị của tôi, chúng tôi làm việc theo một phương pháp luận cụ thể. Mỗi lần nhóm này họp, chúng tôi dành thì giờ với một “nhóm phản chiếu”, gồm các đại diện các hiệp hội nạn nhân cũng là “đồng đội” của chúng tôi ngày xưa và với họ chúng tôi tranh luận các ý tưởng của mình.
Nền tảng của cách tiếp cận này là nhận biết các nạn nhân không những họ chỉ có bằng chứng về cuộc sống, nhưng họ có một hiểu biết đặc biệt về Giáo hội. Vì bị tấn công lạm dụng, ban đầu họ như bị tước đoạt, từ cơ thể đến quyền quyết định của họ, và chúng tôi không muốn tước đoạt họ thêm một lần nữa, bằng cách viết báo cáo mà không có họ, trong khi kinh nghiệm của họ đã cho họ có một hiểu biết rất kinh khủng và rất đúng về Giáo hội, ở những khía cạnh xấu xa nhất của nó. Với họ, chúng tôi đã thực hiện công việc đồng xây dựng… đòi hỏi một dấn thân rất lớn, một tinh thần sẵn sàng. Điểm đặc biệt của chủ đề này là chúng ta không thể chia nhỏ thành từng phần, những gì chúng tôi sống khi làm việc vẫn hằn trong tâm trí chúng tôi rất lâu sau khi cuộc họp kết thúc.
Ông Joël Molinario: Kết hợp công việc tình nguyện này với công việc nghề nghiệp toàn thời gian không phải là điều dễ dàng, đặc biệt là ở trường đại học, khi cuộc khủng hoảng sức khỏe dẫn đến việc tái tổ chức lớn trong một khoảng thời gian rất ngắn. Về phần tôi, tôi là đồng chủ tịch của nhóm “thần học, giáo hội học, quản trị Giáo hội” với người điều hành cao cấp Alain Cordier. Nhóm được thành lập sớm từ tháng 6 năm 2019, với ý tưởng chúng ta không thể phân tích bạo lực trong Giáo hội mà không xem xét đến thể chế Giáo hội nói chung, gồm giáo dân, cộng đồng, giáo xứ, kỷ luật, luật pháp, thần học, Truyền thống… Chúng tôi đã thực hiện “thần học thực hành”, mục đích là suy tư chính đời sống Giáo hội đã tự nói lên điều gì đó về đức tin. Trong trường hợp này, chúng tôi bắt đầu từ những gì các nạn nhân đã sống trong Giáo hội, chúng tôi lắng nghe những gì họ nói về những mong manh và yếu kém trong cách diễn tả giáo điều của Giáo hội.
Khi nào thì quý vị bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của những gì quý vị khám phá? Kinh nghiệm gây sốc của quý vị là gì?
Bà Alice Casagrande: Tôi đã mong chờ một con số gây sốc, một cách duy lý, nhưng dù vậy tôi cũng đã rất sốc khi phát hiện ra chúng. Chẳng hạn tôi hoàn toàn không nghĩ ở môi trường Giáo hội lại nặng hơn ở trường học hay trong các sinh hoạt thể thao. Nó làm cho tôi điếng người, tôi hoàn toàn không thể tin được…
Ông Joël Molinario: Chưa đầy một năm trước, những con số đáng kinh hoàng xuất hiện: tôi lặng người… Mà đó là bà Alice, cũng như các người khác trong Ủy ban đã không quá ngạc nhiên và đã nói trước cho chúng tôi: “Chúng tôi đã nói với quý vị.” Đúng vậy! Nhưng đây cũng chỉ là “một cách nói.” Tôi hiểu tôi phải giữ một khoảng cách với thực tế này để bảo vệ tôi.
Bà Alice Casagrande: Tôi đã có một trải nghiệm mạnh khi làm việc ở Ủy ban Ciase. Đó là thời gian đang có cuộc đua xe đạp Vòng quanh nước Pháp, Tour de France, chúng tôi tổ chức các cuộc gặp nạn nhân ở các thành phố khác nhau. Tôi ở chung nhóm với bà Marion Muller-Colard, thần học gia, chúng tôi có một ngày chuẩn bị gay go vì có một kẻ tấn công nói với chúng tôi, ông sẽ đến và muốn nói chuyện, chúng tôi biết có một số nạn nhân của ông ở trong phòng. Trước buổi họp, dự trù vào buổi đầu giờ tối, chúng tôi đến gặp giám mục, như chúng tôi vẫn làm ở mỗi giai đoạn. Khi chúng tôi đến văn phòng của giám mục, giám mục mỉm cười và buột miệng nói: “Ồ, bà là người vấy thối.” Một cách chơi chữ rất vụng về… và xúc phạm (“Ah oui, vous êtes la chiase”, trong tiếng Pháp Ciase là tên tắt của Ủy ban, và chiase là vấy thối.) Chúng tôi chết lặng trước mặt giám mục. Tôi đã không tưởng tượng về phía Giáo hội đã có một sự khinh thường mà theo tôi mang một nét kỳ thị nào đó: giám mục này sẽ không bao giờ nói như thế trước mặt ông Jean-Marc Sauvé! Tôi đã trình bày sứ mệnh của Ủy ban một cách chuyên nghiệp, nhưng trong thâm tâm tôi hiểu, tôi vừa trải qua tình huống bạo lực đầu tiên của tôi trong Giáo hội, tình huống mà rất nhiều nạn nhân đã có thể kể cho tôi trong cố gắng của họ muốn báo động cho hệ thống phẩm trật! Buổi tối diễn ra thành công, dù bà Marion Muller-Colard đã phải bỏ nhiều thì giờ ra đứng ở cửa để ngăn kẻ tấn công đi vào. Tôi thật khó tin khi nghe giám mục nói với truyền thông ông đã đến “để lắng nghe các nạn nhân.” Buổi họp kết thúc, chúng tôi, hai phụ nữ đội mưa trong đêm tối, biết kẻ gây hấn ở vỉa hè trước mặt… chúng tôi hơi sợ. Phía sau chúng tôi, ông Olivier Savignac, một nhân vật anh hùng trong cuộc chiến vì các nạn nhân xuất hiện, ông cũng đến tham dự buổi họp, chúng tôi xin ông đi cùng, giải thích cho ông lý do chúng tôi sợ, ông hiểu ngay. Và cuối buổi tối này là giây phút cảm động của tình huynh đệ.
Ông Joël Molinario: Chúng tôi cũng sống một khoảnh khắc rất đặc biệt với bà Alice trong cuộc họp. Đó là một trong những điều cuối cùng chúng tôi đã làm. Câu chuyện về đời sống của người phụ nữ này thật kinh ngạc. Những vụ hãm hiếp dây chuyền, thay phiên nhau của các linh mục, nỗi kinh hoàng, sự đồng lõa khắp nơi, một gia đình mà đến bây giờ 20 năm sau vẫn còn từ chối không muốn nghe lại sự việc… người phụ nữ này đã phải gánh chịu tất cả. Đó là bài học đi từ cái chết qua sự sống. Hôm nay bà không còn muốn dính gì với Giáo hội công giáo.
Bà Alice Casagrande: Những gì người phụ nữ này nói thì thật không tưởng tượng được, vậy mà bà toát ra một sức sống, bà nói về những trận chiến thắng, bà nhạo báng và đầy hài hước! Tôi nhớ lại cảm giác “muốn quỳ gối” theo đúng nghĩa đen sau cuộc gặp gỡ này. Và đó là lúc tôi xin được hỗ trợ tâm lý.
Làm thế nào sứ mệnh này lại làm cho quý vị xáo trộn tận cùng, trong nội tâm, trong đời sống quý vị?
Bà Alice Casagrande: Tôi đã không thể cầu nguyện trong nhiều tháng. Thánh lễ, khoảng thời gian hiệp thông vốn là nguồn lực mạnh mẽ của tôi, đã trở thành giây phút đầy ma quỷ. Tôi đã sống trong tình trạng của những cơn ác mộng khi tỉnh dậy: tôi nhìn nhà nguyện bên cạnh và tôi nhớ lại lời chứng của vụ tấn công hung hãn; Tôi nghe thấy tiếng trẻ em hát và tôi biết đó chính là độ tuổi đó mà hầu hết các em bị tấn công dữ dội… Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc rời nhà thờ, rời Giáo hội, nhưng tôi không thể ở đó như người đã chết, như người trống rỗng. Người không còn tâm hồn. Tôi đã cám ơn gia đình và bạn bè của tôi, tôi không thể nói với họ bất cứ điều gì (và dù tôi được phép, những câu chuyện của các nạn nhân thường là những chuyện “không tả được”), nhưng gia đình và bạn bè luôn ở bên cạnh tôi. Kết thúc công việc, tôi ra đi, tôi vào sa mạc, theo đúng nghĩa đen. Ở Maroc, giữa hư không, một mình, vào giữa đêm, tôi nói với Chúa, tôi cầu xin Ngài: “Lạy Chúa, xin Chúa đặt cho mỗi ngôi sao trên trời tên của một em bé bị tấn công. Lạy Chúa, con không thể biết hết tất cả các tên nhưng Chúa biết. Xin Chúa đón nhận các em.” Tôi không “lành được” nhưng tôi tiếp tục con đường cầu nguyện. Nghe tiếng chuông của nguyện đường hồi giáo và thấy cả một dân tộc có đức tin cùng nhau đứng dậy cầu nguyện đã làm sống lại lòng tin đã có trong tôi.
Ông Joël Molinario: Đôi khi tôi đánh mất niềm vui sống, niềm vui khi nghĩ mình là người có lòng tin. Tôi đã sốc khi thấy Thánh Kinh bị hiểu sai. Theo phúc âm Thánh Mátthêu và Máccô: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã”: mọi người, kể cả gia đình các nạn nhân, dựa vào đó để không tố cáo các vụ bạo hành trẻ em. Thật khủng khiếp, vì đó chính là lời Chúa Giêsu dùng để bảo vệ trẻ em! Làm thế nào để người ta có thể hiểu sai Phúc âm đến mức như vậy? Nếu tôi ngưng cầu nguyện, ngưng đọc Kinh Thánh thì tôi sẽ luôn nghi ngờ khi người lân cận của tôi đi lễ, khi thảo luận với những bạn tin vào Chúa: họ có giống tôi trước đây không, xa tất cả và sợ đến gần? Họ có nghĩ những người trong Ủy ban Ciase là kẻ thù đang giận dữ với Giáo hội không? Người ta có xoay ngược các dữ liệu trong bản báo cáo, lấy mất đi lời tự do của dân Chúa không? Tôi vẫn có nỗi sợ hãi này.
Làm thế nào để vượt lên sự điếng người và duy trì được hy vọng?
Ông Joël Molinario: Nguồn lực chính của tôi là Phúc âm! Tôi nghĩ tôi đã hiểu hơn trước, giáo điều và các văn bản của Giáo Hội mỏng manh và dễ bị tổn thương đến mức nào: nó bị lầm lạc đến mức như thế nào! Nhưng khi xem các số liệu thống kê liên quan đến bạo lực tình dục trong Giáo hội, đôi khi chúng ta quên những người bị hành hung, tuy họ rời bỏ Giáo hội nhưng họ vẫn giữ đức tin: Tin Mừng vẫn có ý nghĩa đối với họ. Tin Mừng phải luôn cùng nhau đọc và khám phá để thanh luyện hành vi chúng ta.
Bà Alice Casagrande: Các buổi trao đổi cuối cùng tôi thực hiện cho Ủy ban Ciase là… với các linh mục và chủng sinh. Họ giúp tôi tìm lại bộ mặt của Giáo hội, một bộ mặt nhân bản, phong phú và đa dạng! Nó không dính gì đến “cân bằng” hoặc “cứu chuộc” (cái cân công lý hoàn toàn không nằm ở đây), nhưng nghe phản ứng của họ, suy nghĩ của họ cho tương lai đã khơi dậy trí tưởng tượng và hy vọng của tôi với Giáo hội. Tôi chắc chắn điều này rất mạnh để việc lắng nghe các nạn nhân sẽ phải được tiếp tục thực hiện và lắng nghe nơi các mục tử muốn hành động. Đừng biến Giáo hội thành một “tổng thể”.
Còn những trường hợp khẩn cấp cần được thực hiện là gì?
Ông Joël Molinario: Có rất nhiều khuyến nghị được Ủy ban Ciase đưa ra, và nhất là nó không tùy thuộc vào chúng ta nhưng tùy thuộc vào hệ thống cấp bậc, đôi khi là ở Rôma. Tuy nhiên, tôi kêu gọi mỗi người hãy nhìn vào chính mình, xem mình có thể hành động như thế nào, luôn theo mức độ của mình. Chẳng hạn, chúng tôi yêu cầu Giáo lý của Giáo hội công giáo tiến triển theo cách đề cập đến điều răn thứ sáu, “Chớ làm chuyện dâm dục”, chớ ngoại tình: sau hai năm rưỡi làm việc ở Ủy ban Ciase tôi không còn chịu đựng được khi nghe hiếp dâm và thủ dâm ở cùng một cấp độ! Trong khi chờ đợi Vatican khắc phục điều này, chúng tôi, trong công việc mục vụ có thể xem lại các sách giáo lý của chúng ta và dạy đoạn này theo cách khác. Một nhận thức thần học là cần thiết. Chúng ta không tôn trọng nạn nhân… nhưng nhà thần học vĩ đại người Đức, linh mục giáo sư thần học Johann Baptist Metz, trong quyển sách Ký ức về cuộc Khổ nạn (Memoria Passionis, nxb. Cerf) của linh mục, linh mục đã phân tích các thảm kịch của thế kỷ 20, ngài nhấn mạnh ở phương Tây, chúng ta đã xây dựng một “thần học của kẻ chiến thắng”. Nhưng Chúa Kitô, ký ức của kitô giáo, không phải là kẻ chiến thắng trên Thập giá, ngài là một nạn nhân khiêm hèn: chúng ta không thể trao truyền đức tin mà bỏ qua ký ức đau khổ.
Bà Alice Casagrande: Ủy ban được giao nhiệm vụ điều tra “lạm dụng tình dục” và làm báo cáo về “bạo lực tình dục”: điều này không phải là chuyện tầm thường! Chúng ta sống bằng ngôn ngữ. Trong không gian xã hội, chúng ta phải ngừng lối nói trại này, ngoại trừ để tôn trọng các lựa chọn từ vựng của nạn nhân. Thách thức bây giờ là neo vào báo cáo, các kết luận, khuyến nghị của Ủy ban, trong cụ thể của đời sống giáo xứ để điều này không còn vướng mắc nơi các chuyên gia chỉ chuyên bàn cãi dài dòng, nói những chuyện xa vời trên các phương tiện truyền thông. Giáo dân nên thường xuyên đòi hỏi các cuộc họp nói về chủ đề này. Bởi vì mỗi giáo dân phải ý thức, lúc này, trong buổi gặp nhau ngày chúa nhật, xung quanh mình có những nạn nhân. Nếu đây không phải là đối thoại trong tình huynh đệ, trong việc chữa lành, thì đó là cái chết thứ hai cho các nạn nhân cũng như cho Giáo hội.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Jean-Marc Sauvé: “Chúng tôi đã chạm trán với bí ẩn của cái ác”