Đức Phanxicô sau khi phẫu thuật: “Tôi không bao giờ nghĩ đến việc từ chức” (2/2)

112

Đức Phanxicô sau khi phẫu thuật: “Tôi không bao giờ nghĩ đến việc từ chức” (2/2)

Bài phỏng vấn với nhà báo Carlos Herrera trên Đài phát thanh Tây Ban Nha COPE, phần 2.

Đức Phanxicô, nhà báo Carlos Herrera và bà Eva Fernández trong cuộc phỏng vấn tại Nhà Thánh Marta

Trả lời phỏng vấn với nhà báo Carlos Herrera trên Đài phát thanh Tây Ban Nha COPE. Lần đầu tiên, Đức Phanxicô nói về cuộc phẫu thuật tháng 7 vừa qua, về Afghanistan, về Trung Quốc, an tử và cải cách giáo triều la-mã.

vaticannews.va, Carlos Herrera, 2021-09-01

Về sinh thái

Nhà báo Carlos Herrera: Cách đây một thời gian, cũng vài năm, cha thừa nhận cha không quan tâm lắm đến vấn đề sinh thái. Bây giờ cha theo dõi, cha là một trong các nhà lãnh đạo thế giới lên tiếng nhiều nhất về vấn đề này, về các lạm dụng chống lại Trái đất. Sự lựa chọn sinh thái có làm cha có thêm kẻ thù không? Cha sẽ có đi Glasgow cho cuộc họp COP26 không?

Đức Phanxicô: Tôi thử nhớ lại: Đại hội lần thứ năm của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La Tinh, CELAM năm 2007 tại Aparecida, nếu tôi nhớ không lầm. Ở đó, tôi nghe các giám mục Brazil nói về việc bảo tồn thiên nhiên, vấn đề sinh thái, bảo vệ Amazon… Họ nhấn mạnh, nhấn mạnh, nhấn mạnh và tôi tự hỏi điều này có liên quan gì đến việc truyền giáo. Đó là những gì tôi cảm nhận. Tôi không có một khái niệm nào. Tôi đang nói về năm 2007. Những gì tôi nghe làm tôi sốc. Khi về lại Buenos Aires, tôi bắt đầu quan tâm, và dần dần tôi hiểu có một cái gì đó. Đã ở đây rồi ư? Tôi bắt đầu hoán cải và tôi đã hiểu nhiều hơn. Bằng cách này cách kia, tôi nhận ra mình phải làm một cái gì, và rồi tôi có ý tưởng viết một cái gì đó như huấn quyền vì Giáo hội đứng trước vấn đề này… Tôi như người u mê, người ngu ngốc không hiểu gì chuyện này, có nhiều người thiện chí không hiểu… Vì vậy, để đưa ra một số giáo huấn về điều này, tôi triệu tập một nhóm các khoa học gia để họ giải thích cho chúng tôi nghe những vấn đề thực sự; không phải là giả thuyết, nhưng là sự thật. Họ đã lên một danh mục chính đáng cho tôi. Tôi chuyển cho các nhà thần học để họ suy nghĩ về vấn đề này. Và đó là cách Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Si’ ra đời.

Có một giai thoại hay: khi tôi đến Strasbourg, Tổng thống Pháp François Hollande cử Bộ trưởng Môi trường lúc đó là bà Ségolène Royal đến đón và tiễn tôi. Trong cuộc nói chuyện giữa tôi và bà, bà hỏi tôi, “Có phải cha đang viết cái gì đó phải không?”, Bộ trưởng Bộ Môi trường đã hiểu. Và tôi nói, “Đúng, tôi đang viết.” “Xin cha vui lòng công bố trước khi Hội nghị thượng đỉnh ở Paris họp, vì chúng tôi cần sự xác nhận.” Trở về, tôi làm nhanh. Và thông điệp được đưa ra trước cuộc họp ở Paris. Đối với tôi, cuộc họp ở Paris là cuộc họp thượng đỉnh của ý thức toàn cầu. Sau đó, chuyện gì xảy ra? Nỗi sợ hãi bắt đầu xuất hiện. Và dần dần, trong những lần gặp gỡ sau đó, họ đi trở lại. Tôi hy vọng bây giờ ở Glasgow sẽ nâng cao tầm nhìn một chút và đưa chúng ta đi đúng hướng.

Cha sẽ đến đó không?

Có, theo chương trình tôi sẽ đi. Tất cả tùy thuộc tình trạng sức khỏe của tôi lúc đó. Nhưng bây giờ bài phát biểu của tôi đã được chuẩn bị, và kế hoạch là sẽ có.

Về Trung quốc

Chúng ta nói về Trung quốc nếu cha muốn… Trong hàng ngũ của cha, có người không muốn cha gia hạn thỏa thuận mà Vatican đã ký với Trung quốc vì nó tạo nguy hiểm cho thẩm quyền đạo đức của cha. Cha có cảm giác có nhiều người muốn vạch con đường cho giáo hoàng không?

Khi tôi còn là giáo dân và linh mục, tôi thích chỉ đường cho giám mục; đó là một cám dỗ mà tôi thấy là hợp pháp nếu mình làm với thiện chí. Trung Quốc không dễ dàng gì nhưng tôi tin chắc chúng ta không nên từ bỏ đối thoại. Chúng ta có thể bị lừa dối trong đối thoại, chúng ta có thể mắc sai lầm, nhưng tất cả là như vậy… Tư duy khép kín không bao giờ là con đường. Những gì đã đạt được cho đến nay ở Trung Quốc, ít nhất là đã đối thoại… một số việc cụ thể như việc bổ nhiệm các giám mục mới, từ từ … Nhưng đó là những bước có thể còn thảo luận và kết quả tùy thuộc bên này bên kia. Với tôi, nhân vật chủ chốt đã giúp tôi là hồng y Casaroli. Hồng y Casaroli là người được Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII giao nhiệm vụ xây dựng cây cầu với Trung Âu. Ngài có một quyển sách rất hay, quyển “Tử đạo của lòng kiên nhẫn” (‘The Martyrdom of Patience), ngài kể câu chuyện của ngài ở đó. Hoặc kinh nghiệm của ngài được một người tổng hợp lại. Và đó là từng bước nhỏ đã tạo nên cây cầu. Đôi khi chúng ta phải nói ngoài trời hoặc mở vòi nước trong những lúc khó khăn. Từ từ, chầm chậm ngài đã có các mối quan hệ ngoại giao mà cuối cùng là bổ nhiệm các giám mục mới và chăm sóc tín hữu Chúa. Ngày nay, bằng cách nào đó, chúng ta phải bước đi từng bước một theo con đường đối thoại này trong những tình huống khó hiểu nhất. Chẳng hạn kinh nghiệm đối thoại của tôi với Đại giáo sĩ hồi giáo Al-Tayyeb là rất tích cực, tôi rất biết ơn ông. Kinh nghiệm này là mầm của Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti sau này. Nhưng đối thoại, luôn đối thoại hoặc muốn đối thoại. Lần cuối Thánh Gioan-Phaolô II gặp hồng y Casaroli, ngài đã đến để thông báo diễn tiến các sự việc… (Mỗi cuối tuần, hồng y Casaroli đến một nhà tù dành cho trẻ vị thành niên. Tôi nghĩ đó là Casal del Marmo, tôi không chắc. Ngài ở với các trẻ vị thành niên và mặc áo chùng như một linh mục. Không ai biết… Một số không biết ngài là ai). Khi hai người chào tạm biệt và hồng y Casaroli đã ở cửa, Thánh Gioan-Phaolô II gọi hồng y và nói: “Anh còn đi gặp các cậu bé đó không?”  “Dạ còn, dạ còn.” “Đừng bao giờ bỏ các em.” Minh chứng của một giáo hoàng thánh thiện cho một nhà ngoại giao dày dặn: “Tiếp tục con đường ngoại giao nhưng đừng quên mình là linh mục, như cách cha đang làm.” Điều này đối với tôi là đầy cảm hứng.

Về an tử

An tử đã được hợp pháp hóa ở Tây Ban Nha, trên cơ sở cái được gọi là “quyền được chết chính đáng”. Nhưng đó là chủ nghĩa ngụy biện, vì Giáo hội không bênh vực đau khổ nhập thể, mà bảo vệ nhân phẩm cho đến cùng. Con người có quyền lực thực sự đối với cuộc sống của mình đến mức nào? Cha nghĩ gì?

Chúng ta đang ở trong một nền văn hóa vứt bỏ. Cái gì vô ích thì bỏ đi. Người già là vật dụng dùng một lần: họ gieo phiền toái. Không phải tất cả, nhưng trong vô thức tập thể của văn hóa vứt bỏ, người già… nhất là những người ở giai đoạn cuối; các em bé không được mong muốn cũng vậy, các em bị bỏ đi trước khi sinh ra… Nói cách khác, có loại văn hóa này.

Sau đó, chúng ta hãy nhìn vào các vùng ngoại vi, chúng ta hãy nghĩ đến các vùng ngoại vi lớn của châu Á, để đi xa và đừng nghĩ rằng chúng ta chỉ nói về những điều ở đây. Một sự vứt bỏ toàn bộ các dân tộc. Chúng ta nghĩ đến những người Duy Ngô Nhĩ, những người du mục bị bỏ rơi trên khắp thế giới. Những chuyện quá đau buồn.  Nói cách khác, họ bị loại bỏ. Họ không tốt, họ không phù hợp, họ không tốt.

Nền văn hóa vứt bỏ mang dấu ấn mạnh với chúng ta. Nó đánh dấu mạnh nơi người trẻ và người lớn tuổi. Nó có ảnh hưởng mạnh đến các thảm kịch văn hóa Âu châu ngày nay. Ở Ý, độ tuổi trung bình là 47 tuổi. Ở Tây Ban Nha, tôi nghĩ lớn hơn, có nghĩa kim tự tháp đã đổi ngược. Đó là mùa đông nhân khẩu sinh sản, khi có nhiều trường hợp phá thai hơn. Văn hóa nhân khẩu thua lỗ vì chúng ta nhìn vào lợi nhuận. Họ quay lưng với người trước mặt… và đôi khi họ nói với giọng thương cảm: “Để người này không khổ trong trường hợp…” Điều Giáo hội đòi hỏi là giúp mọi người được chết với phẩm giá. Điều này đã luôn được thực hiện.

Liên quan đến trường hợp phá thai, tôi không muốn đi vào con đường thảo luận về việc liệu có khả thể hay không khả thể, đến mức này mức kia không, nhưng tôi nói thế này: bất kỳ sách chỉ dẫn nào về phôi thai dạy cho sinh viên y khoa đều nói, kể từ tuần thứ ba của quá trình thụ thai, đôi khi còn trước cả khi người mẹ biết mình đang mang thai, tất cả cơ quan trong phôi thai đã được tượng hình, kể cả DNA. Đó là sự sống. Đó là con người. Một số người nói: “Đó không phải là con người. Nhưng, đó là con người! Vậy đứng trước một con người, tôi tự đặt hai câu hỏi: có hợp pháp để loại một đời sống nhằm giải quyết một vấn đề, có chính đáng để loại một đời sống nhằm giải quyết một vấn đề hay không? Câu hỏi thứ hai: Có chính đáng để thuê một người giết mướn để giải quyết một vấn đề không? Với hai câu hỏi này, có còn trường hợp loại bỏ con người – bên này hay bên kia – vì họ là gánh nặng cho xã hội không?”

Tôi nhớ đến một chuyện tôi được kể khi ở nhà. Về một gia đình rất tốt có nhiều con, và người ông sống với họ, ông đã lớn tuổi, khi ngồi ăn ông thường chảy nước miếng. Người cha không dám mời khách vì xấu hổ. Vì thế ông đặt một cái bàn rất đẹp trong bếp và giải thích với gia đình, bắt đầu từ ngày mai ông nội sẽ ăn trong bếp để gia đình có thể mời khách. Và ông đã làm như vậy. Một tuần sau, khi về nhà ông thấy người con trai 8-9 tuổi của ông đang chơi với gỗ, đinh, búa, ông hỏi: “Con đang làm gì vậy?”  “Con đóng cái bàn cha ạ.” “Con đóng cho ai?”  “Con đóng cho cha khi cha già.” Nói cách khác, gieo rác sẽ gặt rác sau này.

 Về người di dân

Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa chủ quyền đã gieo vào Âu châu những cái chết và những người nhập cư. Và tôi xin hỏi cha: đối diện với việc di cư gây do nhiều hiện tượng khác nhau mà chúng ta đang ngập chìm bây giờ, chúng ta nên có quan điểm nào? Điều gì sẽ xảy ra khi số người xin nhập cư vượt quá khả năng tiếp nhận của một quốc gia? Có nên không có biên giới? Mọi người có thể ở bất cứ đâu, ở nơi nào họ muốn không? Các Quốc gia có quyền đặt ra các quy tắc cứng nhắc hoặc ít cứng nhắc hơn không?

Câu trả lời của tôi là: thứ nhất, đối với người di cư, cần có bốn thái độ: chào đón, bảo vệ, cổ động và hội nhập. Và với câu hỏi cuối cùng: nếu bạn đón họ và để lỏng lẻo không hội nhập, họ là mối nguy hiểm, vì họ cảm thấy họ là người ngoài. Chúng ta hãy suy nghĩ về thảm kịch Zaventem.

Những kẻ gieo khủng bố này là những người Bỉ, con cái người nhập cư không được hội nhập, ở khu biệt cư ghetto.

Tôi phải làm sao để người nhập cư được hội nhập, vì thế không chỉ là đón nhận, nhưng phải bảo vệ, cổ động, giáo dục v.v. Điều thứ hai, còn hơn câu hỏi của ông: các quốc gia phải rất trung thực với chính họ, liệu xem mình đón nhận được bao nhiêu và tối đa là bao nhiêu, ở đây, đối thoại giữa các quốc gia là quan trọng. Ngày nay, vấn đề di cư không thể chỉ một mình một quốc gia giải quyết và điều quan trọng là phải đối thoại và xem “tôi có thể đi xa đến mức này…”, “tôi có nhiều khả năng hơn” hay không, “các cấu trúc hội nhập có hợp lệ hay không” v.v.. Tôi đang nghĩ đến một đất nước mà một vài ngày sau khi đến, người di cư nhận trợ cấp để đi học ngôn ngữ, sau đó họ kiếm được việc làm và hòa nhập. Đó là thời kỳ hội nhập của các chế độ độc tài quân sự ở Nam Mỹ: Argentina, Chile, Uruguay. Tôi đang nói về Thụy Điển. Thụy Điển là một ví dụ trong bốn bước chào đón, bảo vệ, cổ động và hội nhập này.

Và rồi một thực tế khác khi đối diện với người nhập cư mà tôi đã nêu ra, nhưng tôi lặp lại: thực tế mùa đông nhân khẩu học. Ở Ý có những ngôi làng gần như trống không.

Ở Tây Ban Nha cũng vậy.

“Ồ, người ta đang chuẩn bị.” Bạn chờ gì, không còn ai sao? Đó là một thực tế. Nói cách khác, di cư là một trợ giúp miễn là các bước hội nhập của chúng ta được hoàn thiện. Đó là quan điểm của tôi. Nhưng dĩ nhiên, một nước phải trung thực để nói: “Tôi có thể đi xa đến đâu”.

Về các chuyến tông du

Năm tới sẽ là năm đánh dấu kỷ niệm lần thứ 50 bài diễn văn của Thánh Gioan Phaolô II về bản sắc châu Âu. Tôi muốn hỏi cha về những nơi mà cha có thể đi nếu sức khỏe cho phép. Có thể là Haiti, là Argentina, là Santiago de Compostela.

Trước đây Thánh Gioan-Phaolô II đã nói: “Hãy tìm về với chính mình, hãy là chính mình, khám phá nguồn gốc của mình. Có thể là một điều hay để kỷ niệm Năm Thánh Jacobean…

Tôi đã nói với chủ tịch của Xunta de Galicia, tôi sẽ suy nghĩ về vấn đề này. Có nghĩa là tôi đã không rút nó ra khỏi lịch trình cuối cùng.

Theo tôi sự thống nhất của châu Âu vào lúc này là một thách thức. Hoặc là châu Âu tiếp tục hoàn thiện và cải thiện trong Liên minh châu Âu, hoặc là tan rã. Liên hiệp Âu châu là tầm nhìn của những vĩ nhân – Schumann, Adenauer … – những người đã nhìn thấy nó. Tôi đã có sáu bài phát biểu về sự thống nhất của châu Âu. Hai ở Strasbourg, một khi tôi được trao Giải Carlo Magno và một trong bài phát biểu của thị trưởng Aachen, tôi đề nghị, vì đó là một bài diễn văn tuyệt vời về vấn đề Liên hiệp Âu châu. Nhưng chúng ta không thể bỏ cuộc. Một trong những giây phút hạnh phúc nhất tôi có được là khi tôi đọc bài diễn văn trước các nguyên thủ quốc gia và các vị đứng đầu chính phủ từ Liên hiệp Âu châu đến. Không thiếu ai và chúng tôi đã chụp một bức hình chung ở Nhà nguyện Sistine. Tôi không bao giờ quên chuyện này. Chúng ta không thể đi lui. Đó là thời điểm khủng hoảng và Liên hiệp Âu châu đã phản ứng đúng với khủng hoảng. Dù có các cuộc tranh luận, Liên hiệp đã phản ứng tốt. Chúng ta phải làm những gì có thể để cứu lấy di sản đó. Đó là di sản và cũng là nghĩa vụ.

Nếu tôi không hỏi cha khi nào cha sẽ đi Tây Ban Nha thì người ta sẽ nói “vì sao ông không hỏi giáo hoàng…” Tôi xin đề nghị với cha, cha sẽ không biết về Tuần Thánh nếu cha không đến Seville vào một ngày Thứ Ba Tuần Thánh để gặp Đức Trinh Nữ Candelaria. Cha không hiếu kỳ để biết sao?

Rất nhiều. Rất nhiều. Nhưng lựa chọn của tôi cho đến nay là chỉ đi những nước nhỏ ở Âu châu. Đầu tiên đó là Albania và sau đó là tất cả các quốc gia nhỏ. Giờ đây, Slovakia nằm trong chương trình này, sau đó là Síp, Hy Lạp và Malta. Tôi có lựa chọn: ưu tiên các nước nhỏ. Tôi đã đến Strasbourg nhưng không đến Pháp. Tôi đến Strasbourg vì Liên hiệp Âu châu. Và nếu tôi đi Santiago là vì Santiago, chứ không phải Tây Ban Nha, chúng ta hãy rõ ràng chuyện này.

Đến Âu châu.

Chuyện này vẫn chưa quyết định.

Về tâm sự gia đình

Ngoài đại dịch, trong năm vừa qua có điều gì làm cha khóc hoặc giáo hoàng không dễ khóc?

Tôi không phải là người dễ khóc, nhưng thỉnh thoảng tôi buồn trước một số chuyện và tôi cẩn thận để không nhầm với nỗi buồn man mác như thi sĩ Pháp Paul Verlaine nói: “Những nức nở lê thê của mùa thu làm tôi ấm lòng”. Không, không. Tôi không muốn bị nhầm với chuyện này. Đôi khi, nhìn một số chuyện chạm đến tâm hồn tôi… và đôi khi tôi cũng khóc…

Cha được gọi là “Giáo hoàng nhạc pop” hoặc “Giáo hoàng siêu nhân”, tôi biết cha không thích. Nhưng thật sự Phanxicô là người như thế nào, cha muốn được nhớ đến là người như thế nào?

Với con người thật của tôi: người có tội cố gắng làm điều tốt.

Vậy thì chúng ta là hai người có tội ngồi ở bàn này…

Hai chúng ta là.

Nhưng cha có được bàn tay trên cao giúp đỡ. [Cười] Tôi luôn ấn tượng bởi mối quan hệ của cha với nhà văn Jorge Luis Borges. Vì sao ông ấy lại chú ý đến tu sĩ dòng Tên trẻ tuổi khi đó?

Tôi không biết vì sao. Tôi gần với văn sĩ vì tôi rất thân với thư ký của ông. Và sau đó là thân thiện… Tôi chưa là linh mục khi tôi gặp ông. Tôi mới 25, 26 tuổi và tôi đang dạy ở Santa Fe trong tư cách là tu sĩ Dòng Tên, trong ba năm tôi dạy ở đây, tôi đã mời ông đến nói chuyện với các sinh viên lớp văn của tôi. Và ông đến, ông có giờ dạy của ông… Tôi không biết vì sao. Nhưng ông là người rất tốt. Một người rất tốt.

Chúng tôi đã nghe cha kể nhiều về bà nội Rosa của cha, chúng tôi ít nghe cha kể về mẹ của cha, hoặc có lẽ chúng tôi chỉ đơn giản là chưa nghe cha kể về bà…

Có hai yếu tố ở đây. Chúng tôi có năm anh chị em, tất cả đều rất thân thiết với ông bà. Chúa đã gìn giữ ông bà cho đến khi chúng tôi lớn lên. Tôi mất người ông sớm nhất khi tôi mới 16 tuổi, và người bà cuối cùng khi tôi là giám tỉnh Dòng Tên. Vì vậy, ông bà luôn ở bên cạnh chúng tôi. Chúng tôi có truyền thống gia đình; bốn cháu lớn nghỉ hè ở nhà ông bà nội ngoại để cha mẹ có thể nghỉ ngơi một chút; người em nhỏ nhất ở nhà vì còn rất nhỏ, sau chúng tôi sáu năm.  chúng tôi rất vui khi ở nhà ông bà, có nhiều thứ để chơi ở đó. Còn về bà nội Rosa thì vẫn các giai thoại tôi đã kể. Có nhiều chuyện rất buồn cười. Còn bà ngoại, tôi cũng có kể các giai thoại, như bài học bà dạy tôi trong ngày nhạc sĩ Prokofiev qua đời, về cố gắng trong cuộc đời của ông khi tôi hỏi vì sao ông có thể làm được như vậy. Lúc đó tôi ở tuổi vị thành niên. Tôi cũng nhớ nhiều chuyện về mẹ tôi và tôi cũng có kể… Nhưng có thể nhiều hơn với bà nội vì tôi nhắc lại những chuyện hiếu kỳ về bà, những chuyện không thể lặp lại qua thư, qua các chương trình radio… một số câu nói đã dạy chúng tôi rất nhiều. Nhưng, ngoài việc chúng tôi rất thương ông bà, mỗi ngày chúa nhật chúng tôi đến nhà ông bà để xem đội bóng San Lorenzo. Ông bà đã có ảnh hưởng rất lớn trên đời sống của chúng tôi.

Cha không về lại để xem đội bóng San Lorenzo vì cha không muốn xem truyền hình từ rất lâu…

Đúng vậy. Ngày 16 tháng 7 năm 1990 tôi đã hứa. Tôi cảm thấy Chúa đang đòi hỏi tôi làm như vậy, vì chúng tôi đang ở trong cộng đoàn và xem một thứ gì đó mà cuối cùng thành tục tĩu, khó chịu, xấu xa. Tôi cảm thấy xấu xa. Đó là đêm 15 tháng 7. Và ngày hôm sau, trong lời cầu nguyện, tôi đã hứa với Chúa là không xem truyền hình nữa. Tất nhiên, khi một tổng thống nhậm chức, khi có máy bay rớt, tôi xem… nhưng tôi không nghiện nó.

 Cha có xem Cúp Copa America?

Hoàn toàn không.

Có một truyền thuyết cổ nói rằng giáo hoàng đã thoát khỏi Vatican. Cha có thoát đi mà cho đến bây giờ chưa ai biết không?

Không. Người từng đi trượt tuyết là Thánh Gioan-Phaolô II, ngài có máu trượt tuyết trong người. Cách Rôma một giờ có đồi trượt tuyết. Ngài đi mà không ai biết. Có một ngày khi ngài đang xếp hàng thì một cậu bé nói: “Giáo hoàng!” tôi không biết làm sao em bé lại phát hiện ra. Ngài về ngay lập tức, và cố gắng cẩn thận hơn. Theo tôi nhớ, tôi có đi thăm ba nhà: nhà như một nửa tu viện của các Nữ tu Têrêxa, tôi muốn đến thăm giáo sư Mara, đã 90 tuổi, một phụ nữ cao cả từng dạy học ở Đại học La Sapienza và sau đó dạy ở Viện Augustinianum, tôi muốn dâng thánh lễ cho giáo sư. Lần thứ nhì tôi đến chia buồn với người bạn thân, một nhà báo người Ý. Và lần thứ ba tôi đến thăm bà Edith Bruck, năm nay bà 90 tuổi, bà đã ở trại tập trung do thái. Bà là người Hungary – Do Thái. Đó là vào đầu năm nay hay năm ngoái, tôi không nhớ nổi. Đó là ba ngôi nhà duy nhất tôi kín đáo đến thăm rồi về. Tôi thích đi bộ xuống phố, tôi rất thích, nhưng tôi không đi được vì tôi không thể đi được mười mét.

Cha có bao giờ bị cám dỗ mặc áo dân sự không?

Không, hoàn toàn không.

 … Với chiếc mũ và cặp kiếng?

[Cười] Không, không, không hề.

Làm thế nào để cha chống chỏi với nỗi nhớ, với hương vị thức ăn có mùi hồi cha ăn sáng ở La Puerto Rico?

Tôi cố gắng không để nỗi buồn man mác buổi sáng mùa thu làm tôi buồn, dù mùa thu ở Buenos Aires là tuyệt vời, những ngày nhiều mây, nhiều sương mù, mình không thể thấy quá mười mét qua cửa sổ và nghe tango của Piazzola. Tôi có nhớ chuyện này một chút nhưng Rôma cũng có những ngày sương mù. Không hoài niệm, không. Nhưng muốn đi bộ từ giáo xứ này qua giáo xứ khác thì có; nhưng không phải là nhớ.

Về từ nhiệm

Cha có những ngày đau đầu vì những lời nói hoặc những lời quy kết đã đi quá xa, để lại những hậu quả mà cha không thể đếm xuể được?

Nguy hiểm luôn ở đó. Một từ có thể được hiểu theo cách này hay cách khác, phải không? Đó là điều đã xảy ra. Và những gì tôi biết… Tuần trước tôi không biết báo chí lấy từ đâu ra tin tôi sẽ từ chức! Họ hiểu từ gì ở đất nước tôi? Và tin tức từ đó thoát ra. Họ nói đó là giao động, thậm chí chuyện này còn không đến trong tâm trí tôi. Khi có những diễn giải hơi méo mó về một số từ ngữ của tôi, tôi giữ im lặng, vì cố gắng làm cho rõ thì còn tệ hơn.

 Về bóng đá

Ở Nhà Thánh Marta mọi người có nói nhiều đến đá banh không?

Có, rất nhiều về bóng đá Ý. Tôi bắt đầu biết một chút, họ bàn rất nhiều.

Cha là cầu thủ nào trong đội bóng đá?

Tôi có bàn chân vững, họ gọi tôi là ‘el pata dura’, nên họ luôn đặt tôi vào khung thành, ở đó, ít nhiều tôi được bảo vệ.

Trong chương trình thể thao ‘Tiempo de juego’, các đồng nghiệp khi biết tôi sẽ đi gặp giáo hoàng, họ nói “làm ơn hỏi ngài nghĩ gì về việc Lionel Mesi ký hợp đồng với đội tuyển Pháp”. Cha nghĩ gì về thế giới túc cầu, cha có theo dõi kỹ không?

Tôi đã viết một bài về mục vụ thể thao. Một mục vụ không phải là mục vụ. Trong hai bước. Đầu tiên là bài báo được đăng trên Gazzetta dello Sport vào ngày 2 tháng 1 năm nay. Một bài báo phỏng vấn. Tôi chỉ nói điều này: để trở thành một cầu thủ bóng đá giỏi, bạn phải có hai điều: biết làm việc với tập thể và không “cắn bóng”, thành ngữ chúng tôi nói ở Buenos Aires, luôn ở trong đội. Thứ nhì, không đánh mất tinh thần nghiệp dư. Vì khi thể thao mất tinh thần nghiệp dư này thì nó sẽ thành thương mại hóa. Và có những người đã không để mình bị vấy bẩn vì những điều này, họ cống hiến thu nhập và mọi thứ cho các hiệp hội và các việc tốt lành. Nhưng nhất là làm việc theo nhóm, trường học của tinh thần đồng đội, và không đánh mất tinh thần nghiệp dư.

Trọng kính cha, tôi xin cám ơn cha rất nhiều về những giây phút khó quên cha cống hiến cho thính giả đài phát thanh COPE.

Tôi xin trân trọng chào những người nghe chương trình và xin cầu nguyện để Chúa tiếp tục bảo vệ và chăm sóc tôi, bởi vì nếu Ngài để tôi yên thì tôi sẽ mất trật tự.

Bình thường thì cha sẽ nói với chúng tôi điều này, nhưng hôm nay chỉ có hai người: Xin Chúa phù hộ cha.

Và với tất cả các bạn. Xin Chúa phù hộ cho ông. Xin cám ơn.

Xin cám ơn,

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô sau khi phẫu thuật: “Tôi không bao giờ nghĩ đến việc từ chức” (1/2)

 Một vài hình ảnh của cuộc phỏng vấn