Thiên nhiên, bạn chiêm ngắm

277

Thiên nhiên, bạn chiêm ngắm

Thứ mười: Thiên nhiên, bạn chiêm ngắm

Hoặc làm thế nào tìm thấy trong thiên nhiên nguồn cội cho đời sống thiêng liêng của tôi

Trích sách Hãy về sống lại với nội tâm, Jean-Guilhem Xerri, nxb. Cerf.

Người ta nói nhiều về “tinh hoa thiêng liêng”. Như chúng ta đã thấy, nó là thứ trật của những gì mang lại Sự sống và theo cách riêng của mình, thiên nhiên mang tính thiêng liêng. Vì vậy, tôn trọng thiên nhiên nhưng cũng chú tâm chiêm ngắm thiêng liêng, đây mới thực sự là một kinh nghiệm thiêng liêng.

Và các Giáo phụ sa mạc quay về với thiên nhiên, còn gì đẹp bằng!

Sau khi ngồi xuống và chờ một chút, các vị khách thấy hai con sư tử đi tới, Giáo phụ vuốt ve chúng, thay vì hung dữ, chúng thuần phục ngài. Ngài làm dấu ra lệnh cho chúng đưa các người khách lạ đi lạc này tìm đường về.

“Khi tôi thấy mình đối diện với ngọn núi hùng vỹ Bạch Sơn (Mont-Blanc), điều duy nhất tôi muốn làm là im lặng và quan sát.” Đây là kinh nghiệm của cô bé tuổi vị thành niên cho biết cô bị phong cảnh đẹp của núi non hùng vỹ hớp hồn như thế nào.

Thiên nhiên đượm hương vị của tinh hoa thiêng liêng

Thiên nhiên có liên quan gì đến đời sống nội tâm của chúng ta không? Tiếp xúc với thiên nhiên có phải là một yếu tố cân bằng cho đời sống nội tâm không? Có. Thiên nhiên không phải là nguồn tài nguyên để khai thác hay thuần hóa, nó cũng không phải là nơi cho các sinh hoạt thể thao hay một nơi để bảo vệ. Thiên nhiên là bạn đồng hành và thiên nhiên kêu gọi tâm hồn chúng ta chú ý đến nó để nhận thức cốt lõi thiêng liêng trong đó.

Nhiều người trong chúng ta xúc động trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Tiếp xúc với thiên nhiên, đôi khi chúng ta có các cảm xúc mạnh và sâu lắng. Bị dãy núi vĩ đại làm xúc động mạnh, chúng ta không thấy đó chỉ là một khối đá. Khi nhìn đại dương, chúng ta không thấy đó chỉ là khối nước mặn bao la. Chúng ta cảm thấy tâm hồn bình an khi chiêm ngắm thiên nhiên. Và một cách trực giác, không cố ý, chúng ta không những chỉ ngắm nhìn thiên nhiên với các giác quan cơ thể (thị giác, khứu giác, thính giác) mà còn cả năng lực nhận thức trong tâm hồn. Chúng ta đã biết các “giác quan nội tâm” nổi tiếng của nhà thần học Symeon đã nói…

Với các Giáo phụ sa mạc, không có gì bình thường hơn: sự sống thần thánh đã được kết hợp vào bản chất thiêng liêng của thiên nhiên.

Đó chính là cuộc sống ngay cả khi nó có vấn đề

Đối với họ, Chúa không thể bị nhốt trong một biểu hiệu. Thiên Chúa, người thợ đồng hồ vĩ đại, quan tòa bất công, người xấu xa, người chăm sóc, nhưng không phải là Chúa lòng lành – tóm lại, các vị thần tương ứng với các vấn đề, với các hoang tưởng của chúng ta – những chuyện này không phải là suy nghĩ của các Giáo phụ. Giáo phụ Clement của Alexandria nói:

Đa số con người bị nhốt trong cơ thể phàm trần như con ốc cuộn trong vỏ, cuộn các ám ảnh của mình như con nhím, họ đúc kết ý tưởng họ có về Chúa trên chính họ.

Giáo phụ Gregoire de Nysse và Giáo phụ Denys L’Aéropagite, cả hai cảnh báo chúng ta: Chúa không còn là đối tượng của tri thức.

Mọi khái niệm hình thành bằng lý trí nào để cố gắng đạt được và xác định bản chất thần thánh là chỉ đúc khuôn một Chúa thần tượng, chứ không phải làm cho Ngài được biết đến.

Nếu khi thấy Chúa, chúng ta hiểu những gì chúng ta thấy, thì chúng ta chưa thấy chính Chúa.

Chúa còn không thể định danh được nữa, như Giáo phụ Gregoire de Naziance đã nói:

Không có lời nào để diễn tả Chúa. Tinh thần nào có thể nắm bắt được Chúa? Không một trí tuệ nào có thể nghĩ ra Chúa. Duy nhất, Chúa không thể tả nên lời. Duy nhất, Chúa không thể biết được.

Theo Giáo phụ Maxime người Giải tội và Giáo phụ Jean Climaque, Chúa thì không thể tiếp cận, không thể biết, không cạn nguồn…

Chắc chắn, vô tận là một cái gì của Chúa, nhưng không phải là chính Chúa, Chúa còn vô tận ngoài vô tận.

Ai muốn định nghĩa Chúa thì như người mù muốn đếm cát trong biển.

Tất cả những chuyện này để nói lên điều gì? Theo các Giáo phụ là để chúng ta không sống như người máy, có mặt để hiện diện với Đấng hiện hữu, và sự Hiện Hữu này chính là Sự sống, như Giáo phụ Denys L’Aéropagite đã nói.

Bây giờ chúng ta phải dâng mừng Sự sống vĩnh viễn mà từ đó tất cả sự sống tiếp tục, và qua đó tất cả sinh vật, trong phạm vi khả năng của chúng, nhận được sự sống. Nếu bạn đặt đời sống thiêng liêng, tâm hệ hay thể xác, cuộc sống nuôi dưỡng và phát triển, hay bất kỳ cuộc sống nào mà nó có thể có, là nhờ vào Sự sống vượt lên trên tất cả sự sống làm nó sống và làm sinh động. Vì nói cuộc sống này sống động là nói quá ít. Đó là Nguyên lý của sự sống, nguồn duy nhất của sự sống. Chính đó, là sự hoàn thiện và khác biệt mọi sự sống, và chính từ mọi sự sống mà chúng ta phải dâng mừng.  Sự sống này ban sự sống và hơn cả sự sống, nó xứng đáng được tôn vinh bởi tất cả các tên mà con người có thể dùng để nói lên Cuộc sống không thể nói lên này.

Và trong tầm nhìn của các Giáo phụ về thế giới, Sự sống thể hiện theo một cách đặc biệt trong Con Người, tất nhiên, nhưng cũng trong thiên nhiên.

Vì thế các tín hữu kitô đầu tiên đã nhìn thấy sự sống lại trong mọi sự: con chim bay, tán cây hùng vỹ, vóc thân trọn vẹn của Con Người.

Đối với các Giáo phụ, Thiên Chúa hiện diện trong thiên nhiên.

Bạn nhìn thấy mặt trời; hãy nghĩ về Đấng là Ánh sáng của thế giới, bị che khuất bởi bóng tối. Bạn nhìn thấy cây và cành cây, bạn hãy nghĩ về Đấng bị treo trên cây gỗ đã làm mọi người nhìn về Ngài. Bạn thấy các viên đá và các tảng đá; bạn hãy nghĩ đến hòn đá trong khu vườn đã chặn lối vào ngôi mộ. Nó được lăn đi và từ đó, cánh cửa ngôi mộ này chưa bao giờ khép lại.

Thánh Âugutinô nói, thế giới là quyển “Kinh thánh đầu tiên”. Thiên Chúa ẩn giấu và mạc khải mình trong thiên nhiên. Tinh thần là hiện thân của vật chất. Như thế, mỗi sự được ở trong điều vô hình.

Nếu thông qua các điều hữu hình, các điều vô hình được chiêm ngắm thì ở một mức độ lớn hơn, các điều hữu hình được đào sâu qua các điều vô hình qua những người chiêm ngắm. Vì chiêm ngắm các điều thiêng liêng qua cái hữu hình không gì khác hơn là sự hiểu biết trong Thần Khí của những điều hữu hình qua các điều vô hình.

Có thể nói, kiến thức thiêng liêng về thiên nhiên nhìn từ bên trong, không thay thế, nhưng bổ sung cho những gì khoa học duy lý nói về nó.

Thế giới thiêng liêng trong tổng thể biểu hiệu trong tổng thể của thế giới cảm tính. Và toàn bộ thế giới cảm tính minh bạch một cách bí mật với toàn bộ thế giới thiêng liêng, được đơn giản hóa và thống nhất bởi các tinh hoa thiêng liêng.

Các Giáo phụ sa mạc sống hiệp thông với thiên nhiên

Đó là lý do vì sao họ ra lệnh “chiêm ngắm thiên nhiên.” Giáo phụ Basile viết: “Chỉ cần chiêm ngắm vẻ đẹp của thế giới là đủ.” Đối với họ, Con Người không sinh ra để nuốt chửng thế giới nhưng để dò tìm tinh hoa thiêng liêng ẩn chứa trong đó.

Giáo phụ Gregoire de Nysse giải thích thực tại thiêng liêng này trong thiên nhiên:

Ai có trí óc kém phát triển, khi họ nhìn một cái gì có vẻ đẹp lan tỏa trên đó, họ nghĩ rằng nó đẹp là tự chính nó. Nhưng người đã có tâm hồn thanh lọc, họ nhìn các điều đẹp như bước đệm của cái hữu hình để nhìn thấy, để vươn lên chiêm ngắm điều thiêng liêng.

Chính Giáo phụ Antoine đã có kinh nghiệm:

Một trong các nhà hiền triết đến gặp Giáo phụ Antoine và hỏi ngài: “Làm sao cha có thể hạnh phúc được khi cha không có sách vở để an ủi?” Giáo phụ Antoine trả lời: : “Quyển sách của tôi là bản chất con người và khi tôi muốn đọc lời Chúa, quyển sách này luôn ở trước mặt tôi.”

Đối với các Giáo phụ, chiêm niệm là “cảm nhận các bí ẩn thần thánh ẩn chứa trong sự vật”. Như thể, khi huy động các giác quan tâm linh, thế giới cảm tính trở nên bớt mờ đục hơn với thực tại thiêng liêng của thiên nhiên. Nói cách khác: thiên nhiên không chỉ có khía cạnh hữu hình và bề ngoài mà các giác quan cơ thể và tâm hệ có thể giúp chúng ta hiểu được.

Vì thế, thế giới là nơi biểu hiện sức mạnh thần thánh, không phải là thuyết phiếm thần, thuyết vật linh hay thuyết Thời đại mới. Thiên nhiên không phải là thần thánh, nhưng năng lượng thần thánh đi qua nó. Giáo phụ Origene giải thích rõ ràng. Bên cạnh chức năng nuôi dưỡng, thiên nhiên tham dự vào việc nâng cao tinh thần cho Con Người:

Chúng ta có thể thừa nhận, các sinh vật này, hạt giống, thực vật, rễ cây hoặc động vật, chắc chắn là để phục vụ nhu cầu cơ thể của con người, nhưng ngoài ra chúng còn chứa đựng hình hài và hình ảnh của thế giới vô hình, chúng còn có chức năng nâng cao tâm hồn và dẫn dắt đến việc chiêm nghiệm các việc thiêng liêng.

Trong tinh thần tiếp nối các Giáo phụ, Thánh Phanxicô Assisi, một cách rất đặc biệt, đã chú ý đến thiên nhiên, vì thiên nhiên cho thấy khía cạnh thần thánh. Theo Thánh Bonaventure, bằng lời cầu nguyện, Thánh Phanxicô Assisi đã “quay trở lại với Đấng là nguyên nhân và lý do sống động của vũ trụ, […] dùng toàn thể vũ trụ như chiếc thang nâng mình lên đến với Đấng là Sự sống”. Đó là lý do vì sao ngài nói chuyện với chim muông, cây cối. Thomas de Celano kể rằng, Thánh Phanxicô Assisi thấy các dấu vết của sự tốt lành thiêng liêng khi quan sát thế giới:

Trong tất cả tác phẩm của nghệ sĩ, ngài ngưỡng mộ người nghệ sĩ. Ngài quy về Đấng Tạo Hóa cho các phẩm chất ngài khám phá nơi mỗi tạo vật. Ngài vui mừng vì tất cả công trình do bàn tay của Chúa và đó là niềm vui của ngài, ngài quy về Đấng là nguyên nhân, nguyên lý và sự sống của vũ trụ. Ngài biết, một điều tuyệt vời, là chiêm ngắm Đấng Tối Cao. Với ngài, tất cả mọi thứ đều tốt lành.

Tiếp xúc với thiên nhiên giúp con người có cơ hội đến gần hơn với thần thánh và tìm thấy sự tái sinh.

Những gì tôi giữ lại từ kinh nghiệm của các nhà trị liệu trong sa mạc

Chiêm ngắm thiên nhiên là cách tiếp cận cuộc sống thiêng liêng và được tái sinh từ đó. Chiêm ngắm thiên nhiên giúp chúng ta cảm nhận được tinh hoa thiêng liêng của nó, “dấu ấn mà Sự Sống đã để lại trên nó”. Chiêm ngắm thiên nhiên có thể mang lại hương vị tinh thần cho cuộc sống của chúng ta. Dù tôi không phải là nhà thần bí, tôi chỉ cần một chút quan tâm yêu thương.

Đề nghị

Nhà văn Pierre Emmanuel, trong Arbre de vente (Cây để bán), cho thấy sự cần thiết phải trải nghiệm chiều sâu của vũ trụ để đánh thức chiều sâu này trong mình. Ông nói:

Ở nông thôn, chiều kích này có ở khắp mọi nơi. Ở vùng đồng bằng kéo dài cho đến tận Ventoux; trong rừng thông bạt ngàn; trong chuyến bay của con chim ưng; trong tiếng kêu của con chim hù ban đêm; trong khoảng cách đến ngôi sao, đến hoàng hôn. Những chuyện này vừa hữu hình vừa vô hình, tồn tại như tôi và nhiều hơn cả tôi, mỗi thứ theo thứ tự riêng của nó. Thước đo đích thực của con người nằm ở trong những chuyện này: đó là biến nội tâm của chúng thành nội tâm của mình, dùng lời khen ngợi của chúng, nghe điều này trong chúng, xây dựng điều đó trong mình.

Đúng, biến nội tâm của thiên nhiên làm nội tâm của mình

Bài tập cá nhân

Tiếp xúc với thiên nhiên là đã có thể mang lại hương vị đặc biệt cho cuộc sống. Chỉ cần chú ý một chút đến nó, để nó tiết lộ bí mật của nó cho chúng ta. Tôi chạm vào một hòn đá, một vỏ cây, tôi quan sát sự chậm chạp của cây. Điều này vừa hữu hình vừa vô hình. Dần dần, trong im lặng, tôi tiếp xúc với nội tâm của nó, cho đến cả “phía bên kia” của nó.

Câu châm ngôn để suy gẫm

Chúng ta thậm chí có thể cảm nhận Sự sống nếu chúng ta cố gắng, qua tất cả cảm giác để tham dự vào thực tại của mỗi chủ thể và không đi chệch khỏi nó trước khi thấm nhập trong chính thế giới của nó ở bên kia.

Sự tinh khiết là gì? Đó là tấm lòng nhân ái đối với tất cả tạo vật. Và trái tim nhân ái là gì? Ngài nói: “Đó là trái tim cháy bỏng cho mọi tạo vật, cho con người, cho muông chim, cho động vật, cho mọi sinh vật. Khi nghĩ đến chúng, ngài rơi lệ. Lòng trắc ẩn của ngài quá sâu mạnh đến nỗi trái tim ngài tan nát khi nhìn thấy cái ác và nỗi thống khổ của bất cứ một sinh vật nào hèn mọn nhất”.

Kết luận sách Hãy về sống lại với nội tâm, Jean-Guilhem Xerri, nxb. Cerf.

Chúng ta đã đến cuối quyển sách chưa? Đến rồi. Cùng bơi lội với các Giáo phụ sa mạc không có gì bảo đảm hơn! Tất cả bắt đầu ngay bây giờ. Chúng ta đã khám phá lời giảng dạy của họ hoặc tiến bộ khi học hỏi kinh nghiệm của họ. Bây giờ tôi tiếp tục như thế nào đây?

Về phần tôi, tôi hiểu hơn, minh triết và thăng bằng nội tâm trước hết là chống lại mệnh lệnh phải có hiệu năng, sắc đẹp và hạnh phúc; từ ảo tưởng đến yên bình, thanh thản hay luôn “bình an và vui vẻ”; từ sự chuyên chế dứt khoát phải buông bỏ, của “thay đổi thế giới” và không căng thẳng. Đối với tôi, chúng ở bên cạnh của hiện diện; hiện diện trong chính tôi, hiện diện trong thực tế như nó vốn có, hiện diện trong Cuộc sống như nó được cho. Sự hiện diện và sự chú tâm cũng vậy: sự chú tâm này là bộ phận thiêng liêng quý nhất của chúng ta, nhưng nó lại thường xuyên bị lạm dụng và bị đồi trụy.

Bi kịch của cuộc sống, đó là chúng ta vẫn là người mà không tăng trưởng thành người, có một cơ thể sống nhưng không thực sự sống. Và đó là những gì có khả năng sẽ xảy ra, nếu… không có gì xảy ra; nếu tôi để người khác hoặc môi trường quyết định cho tôi. Tôi hiểu từ các Giáo phụ, tôi có khả năng để đảm trách đời tôi. Ở điểm này, một lần nữa các Giáo phụ rất hiện tại. Đây chính xác là cái gì ngày nay người ta gọi là trao quyền (empowerment). Đây là thuật ngữ Anglo-Saxon tương ứng với khả năng của một người (hoặc một nhóm) giành lại quyền kiểm soát những gì liên quan đến họ. Thuật ngữ này thường được dùng trong ngành quản lý, và ngày càng được dùng nhiều trong lãnh vực y học. Việc trao quyền cho bệnh nhân sẽ giúp họ không uống thuốc một cách thụ động trong khi chờ đợi khỏi bệnh, họ tham dự tích cực hơn vào quá trình chữa bệnh hoặc sống chung với bệnh. Như được mô tả trong lĩnh vực y tế, đó là cách để bệnh nhân tự chủ hơn, giải phóng bản thân khỏi các tác nhân gây rối loạn do hoàn cảnh mà căn bệnh đặt ra và trên thực tế là đương sự bị bệnh. Việc “giành lại kiểm soát” này hoặc “quyền tự chủ hơn” mà y học hiện đại tái khám phá, giúp bệnh nhân phát triển các kỹ năng về bệnh của mình (tốt hơn để biết những gì đang xảy ra) và tiến tới nhiều hơn trong việc tự mình tham gia trị liệu. Những ai bị bệnh kinh niên như bệnh tiểu đường đều hiểu điều này.

Trên thực tế, đó là động lực mà các Giáo phụ sa mạc đề nghị cho chúng ta:

– “hãy trao quyền cho đời sống nội tâm của mình”

– “đạt được kỹ năng trên tâm hồn mình”

– “hãy cảnh giác về chất lượng hiện diện và chú tâm của bạn”.

Lời mời bây giờ là tiếp tục, mỗi người theo cách của mình, theo nhịp của mình, với những gì trong quyển sách này đã chạm, đã làm mình chú tâm và làm lay động mình nhiều hơn. Các bạn đã biết, khi các bạn đã có các giác quan nội tâm; bây giờ là lúc các bạn dùng chúng. Tâm hồn tôi đang cảm nhận gì? Tôi đọc lại chương nào, chương nào lợi nhất cho tôi? Quyển sách này và các bài suy niệm không phải để đọc nhưng để sống và để chia sẻ.

Trong con đường nội tâm này, xin các bạn vừa kiên định vừa nhẹ nhàng với chính mình. Cũng có lúc các bạn chăm sóc mình, cũng có lúc bạn buông thả như nhiều người khác. Rồi bạn sẽ quay trở lại với quyển sách và bạn sẽ hạnh phúc. Đời sống nội tâm không phải là “để thành công” nhưng để tăng trưởng, với sự chú tâm. Tôi hình dung nếu một Giáo phụ sống vào thời này, thì ngài sẽ nói với tôi câu châm ngôn sau: “Hãy nắm lấy (lại) đời sống nội tâm của con trong tay, nguồn Sự sống ở trong con”!

Hết

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm:

Làm thế nào để tạo ra một môi trường thăng bằng

Đoàn kết và bình an

Thiền, bạn sẽ thực hành

Cảnh giác nội tâm, bạn sẽ phát triển

Từ các bệnh có nguồn gốc tâm linh của bạn, bạn chẩn đoán

Lòng tham của bạn, bạn kiểm soát nó

Biếng nhác, bạn cẩn thận để đừng sa vào

Là người, bạn sẽ bắt đầu trở thành

Hướng về nội tâm của bạn, bạn quay về