Guy Consolmagno: “Tâm hồn và trí tưởng tượng của chúng ta cần được nuôi dưỡng”

192

Guy Consolmagno: “Tâm hồn và trí tưởng tượng của chúng ta cần được nuôi dưỡng”

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2021-07-16

Vì sao phải quan sát các vì sao khi con người chết đói ở quả đất này? Câu hỏi làm nhói lòng nhà thiên văn học, đã nảy sinh sự dấn thân của nhà thiên văn trong lãnh vực này. Khoa học vẫn ở trong cuộc đời của thầy, hòa trong ơn gọi đi tìm Chân lý.

Hình: Eric Vanderville

Năm 1982, tôi 30 tuổi, tôi đang nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và trường Đại học Harvard. Trong thời gian này, tôi bị ám ảnh bởi câu hỏi: tại sao tôi lãng phí thì giờ để chú ý đến các hành tinh, khi trên quả đất này con người đang chết đói? Tin chắc rằng Chúa đòi hỏi tôi từ bỏ nghiên cứu khoa học để tôi thành người hữu ích hơn, tôi quyết định chấm dứt khoa học, với ý định dứt khoát là không bao giờ nghe đến nó nữa.

Thức ăn linh hồn

Tôi dấn thân với tổ chức Đội quân Hòa bình, Peace Corps, một tổ chức phi chính phủ có mục đích phát triển hòa bình trên thế giới, và tổ chức đã gởi tôi đến Kenya. Trớ trêu thay, ở Kenya, nhiệm vụ của tôi là giảng dạy khoa học ở các trường đại học!

Trong hành lý của tôi, tôi có mang theo chiếc viễn vọng kính nhỏ, rồi tôi cho dân làng xem. Họ thích thú, họ đến gặp tôi xin xem Mặt trăng, sao Mộc… những thứ mà tôi cũng thích xem. Niềm đam mê thiên văn của họ đưa tôi trở lại câu hỏi ban đầu: vì sao chúng ta nhìn các ngôi sao trong khi trên thế giới có nhiều người chết đói?

Lần này, tôi có câu trả lời: đó là tâm hồn và trí tưởng tượng của chúng ta, chứ không chỉ cái bụng chúng ta mới cần được nuôi dưỡng. Kinh Thánh đã nói và Kinh Thánh hỗ trợ chúng ta, rằng chúng ta cũng phải có những ước mơ ngoài các nhu cầu trước mắt. Dù chúng ta là người nghèo ở vùng nông thôn sâu xa Kenya, chúng ta là con người có đầy giấc mơ, loại giấc mơ này.

Vào Dòng Tên

Vì thế khi tôi về lại Mỹ, tôi bắt đầu dạy ở một trường đại học nhỏ và tôi rất thích công việc này. Khi đó tôi quen một cô, nhưng chuyện không thành, may mắn là tôi nhận ra khá nhanh. Sau đó tôi được mời dự đám cưới của hai người bạn trong Đội quân Hòa bình, tôi vui cho họ và tôi hiểu, đây không phải là ơn gọi của tôi. Tôi cũng biết, tôi không đủ đức tính để trở thành linh mục. Lúc đó, tôi nhớ khi tôi học trung học, tôi gặp một thầy Dòng Tên, thầy có tiến sĩ khoa học và tôi nhận ra người mê khoa học và công nghệ như tôi có thể tìm thấy con đường của mình để đơn sơ làm một thầy dòng.

Khi tôi nói với các bạn nam nữ của tôi, tất cả đều trả lời: “Chúng tôi đã nói với bạn, đó là chuyện đương nhiên.” Thế là, chỉ trong vài chữ, tôi vào Dòng Tên.

Một ngôi nhà hạnh phúc

Niềm tin và niềm đam mê khoa học của tôi bắt nguồn từ thời thơ ấu. Cha tôi mê các vì sao và ông dạy cho tôi quan sát chúng, ông cũng thích những câu chuyện khoa học viễn tưởng… Vì thế từ rất nhỏ, tôi cũng bị các vì sao, khoa học viễn tưởng và các cuộc phiêu lưu thu hút.

Tôi sinh ra ngay sau Thế chiến Thứ hai một chút. Cha mẹ tôi đám cưới năm 1945, họ gặp nhau trước chiến tranh. Cha tôi, người gốc Ý, từng phục vụ trong Không quân Hoa Kỳ, nhưng trước đó ông là thủy thủ và đã học về thiên văn.

Hình: Eric Vanderville

Mẹ tôi là người Ai-len. Sau khi lập gia đình, cha mẹ tôi dọn về Detroit, cha tôi là nhà báo và tôi sinh ra ở Detroit. Hồi đó, tất cả con trai đều muốn là nhà khoa học. Và tôi cũng vậy!

Theo những gì tôi còn nhớ, tôi luôn là người tin Chúa. Như thế tôi không có kinh nghiệm “trở lại chớp nhoáng” vì Chúa luôn ở đó trong đời sống của tôi. Với tôi, đó là chuyện tự nhiên xuất phát từ gia đình tôi, ít nhất là một phần. Trong căn nhà chúng tôi, đức tin luôn được nuôi dưỡng, đức tin không bao giờ bị bức bách, tất cả đều được tắm gội trong tinh thần vui vẻ hài hước một cách tuyệt vời.

Niềm vui là dấu hiệu sự hiện diện của Chúa và tôi đã lớn lên trong căn nhà vui vẻ hạnh phúc. Anh trai tôi là nhạc sĩ với trọn tâm hồn, anh nói anh sẽ không bao giờ là một nghệ sĩ chơi nhạc blues vĩ đại vì tuổi thơ của chúng tôi quá hạnh phúc.

Khám phá Học viện Công nghệ Massachusetts,  MIT

Những thiên thạch đã đến hoàn toàn bất ngờ trong đời sống của tôi. Là sinh viên ở Boston trong những năm 1970, tôi không vui, vì các sinh viên khác thích tiệc tùng hơn là nghiên cứu, và tôi không phải như vậy. Người bạn thân nhất của tôi thời trung học đang học tại MIT cách đó một giờ xe lửa.

Tôi đến thăm anh và tôi khám phá đại học này có bộ sưu tập sách khoa học viễn tưởng lớn nhất thế giới. Vì thế tôi đến MIT để nghiên cứu khoa học viễn tưởng! Tôi phải chọn một chuyên ngành và một trong các môn học có môn “Trái đất và khoa học hành tinh”.

“Tuyệt vời!” Tôi mừng, nghĩ rằng đây là môn thiên văn, trước khi nhận ra, đó là ảo tưởng oái oăm, chúng tôi sẽ nghiên cứu địa chất. Cho đến ngày tôi khám phá ra những tảng đá rơi từ trên trời xuống, những thiên thạch, tôi mê ngay lập tức.

Hình: Eric Vanderville

Thiên thạch và Rôma

Khi đi tu, chúng ta có ba lời khấn: khó nghèo, khiết tịnh và vâng lời. Khi vào Dòng năm 38 tuổi, tôi cảm thấy mình ở đúng chỗ của mình, tôi sẵn sàng dạy vật lý ở một trường đại học của Dòng Tên đâu đó trên nước Mỹ, nhưng tôi đã khấn vâng lời (theo tôi, đó là lời khấn khó nhất).

Vậy mà bây giờ các cha Dòng Tên ra lệnh cho tôi làm một việc ngoài dự định của tôi: đến Rôma, sống trong phủ Albano, dốc hết tâm trí để nghiên cứu thiên văn. Hàng ngàn thiên thạch ở đó cần người quản lý. Cuối cùng, tôi cũng không có vấn đề gì với đức vâng lời! Tôi khá choáng váng trước cách mà mọi yếu tố trong cuộc sống đặt để lên tôi.

Ở Đài thiên văn Vatican, chúng tôi có mười mấy nhà thiên văn đến từ năm châu, họ được đào tạo ở các trường đại học lớn, và chúng tôi nghiên cứu khoa học, từ thiên thạch đến thiên hà, điều này cho phép chúng tôi cộng tác rất chặt chẽ với các nhà thiên văn trên khắp thế giới.

Hình: Eric Vanderville

Tôi là nhà thiên văn trong 20 năm ở ngoài đời trước khi ở Vatican. Chỉ có một khác biệt, tôi làm chuyện này với một lý do khác. Nếu tôi lập gia đình và có một gia đình để nuôi, tôi phải lo công việc của tôi và phải chọn một đề tài nghiên cứu để hỗ trợ vấn đề tài chánh.

Ở đây, chúng tôi tự do lựa chọn các chủ đề chỉ vì một động lực, chúng tôi là các nhà khoa học. Vì vậy, tôi có thể dành từ năm đến mười năm để nghiên cứu một chủ đề tôi quan tâm. Nó sẽ không bao giờ làm cho tôi nổi tiếng, nhưng chúng tôi tạo ra các dữ liệu mà thế giới thiên văn cần.

Dấn thân tìm sự thật

Mỗi người thường hay hỏi tôi, các khoa học gia đồng nghiệp phản ứng như thế nào khi biết tôi là tu sĩ. Các bạn hình dung xem có bao nhiêu người trong số họ đi nhà thờ. Trong lĩnh vực thiên văn, chúng tôi gặp nhiều người có đức tin thuộc nhiều tôn giáo khác nhau.

Ngay ở những người nói họ không tin Chúa, ít nhất tất cả đều dấn thân cho sự thật, một sự thật lớn hơn sự quan tâm của họ đối với sự nghiệp của chính họ. Chẳng hạn, trong số tất cả những người tôi biết, không có nhà thiên văn nào làm sai lệch dữ liệu của mình để được thăng chức.

Tất cả chúng tôi đều quan tâm đến sự thật hơn là để có một bề ngoài tốt trước bạn bè, tất cả chúng tôi đều gắn bó với cảm giác vui vẻ và kinh ngạc vốn có trong nghiên cứu và khám phá. Và đó cũng là bằng chứng về sự hiện diện của Chúa.

Vì vậy, dù khi các đồng ngiệp của tôi nghĩ họ không tin vào Chúa, thì họ cũng tin vào một Chúa như tôi. Đấng đã nói: “Ta là đường, là sự thật, là sự sống.”

Khoa học và đức tin

Một câu hỏi khác thường được hỏi là liệu có một chương trình nghị sự được cho là bí mật của Vatican trong lĩnh vực không gian không. Không, chúng tôi không có một chương trình làm việc đặc biệt, chúng tôi nghiên cứu và chúng tôi truyền tải.

Ở các lớp hè miễn phí, chúng tôi nhận 25 sinh viên từ khắp nơi trên thế giới.

Điều kiện duy nhất là họ muốn thành nhà thiên văn chuyên nghiệp. Hai phần ba trong số họ đến từ các nước đang phát triển, một số đến từ Trung Hoa và Đài Loan, một số khác đến từ Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ… Thiên văn học là nơi mà tất cả chúng ta có thể gặp gỡ nhau vì chúng ta đều sống dưới cùng một bầu trời.

Vì vậy, chúng tôi không đi tìm người ngoài hành tinh để rửa tội hoặc bất kỳ điều gì hoang tưởng. Chúng tôi đi tìm sự thật, bất cứ nơi nào đưa chúng tôi đến, vì sự thật không mâu thuẫn với sự thật. Như thế có nghĩa là chúng ta không bao giờ sợ Sự thật.

Khoa học không thể mâu thuẫn với đức tin, vì cả khoa học và đức tin đều không phải là những thứ có thể mâu thuẫn với nhau. Điều gì xảy ra khi một quan sát mới có vẻ mâu thuẫn với một lý thuyết? Các bạn hào hứng vì các bạn nói mình sắp học một cái gì đó mới.

Khoa học không phải là quyển sách cẩm nang to lớn của các sự việc, cũng như tôn giáo không phải là quyển sách của nhiều quy tắc phải áp dụng. Tình yêu là động cơ của đức tin và khoa học. Tôi yêu Vũ trụ vì nó phản ánh lòng tốt của Chúa. Và tôi đã gặp Chúa trong Vũ trụ này.

Đài thiên văn Vatican

Nếu nguồn gốc của Đài có từ thế kỷ 16, thì bây giờ hình thức hiện tại của Đài là viện được giáo hoàng Lêô XIII thành lập  năm 1891, và ở Albano, không xa nhà nghỉ hè Castel Gandolfo của các giáo hoàng, Đài có một trung tâm nghiên cứu ở Tucson, bang Arizona, nước Mỹ. Một bảo tàng dành riêng cho lịch sử của nơi này dự kiến sẽ sớm mở cửa trong khu vườn Castel Gandolfo. Trong khi chờ đợi, có rất nhiều nội dung, ảnh, video, podcast và văn bản tiếng Anh được đăng trên trang web của Đài Thiên văn.

Những người ngoài hành tinh có hay không? Một nhà thiên văn Vatican trả lời, tác giả Guy Consolmagno, Quasar (Les extraterrestres existent-ils? Un astronome du Vatican répond).

Guy Consolmagno

1952 Sinh ra ở Detroit, Michigan.

1974 Bằng Khoa học của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).

1978 Luận án Tiến sĩ khoa học hành tinh, Đại học Arizona.

1983 Gia nhập Đội quân Hòa bình tại Hoa Kỳ và phục vụ tại Đại học Nairobi, Kenya.

1989 Vào Dòng Tên.

1993 Làm việc ở Đài thiên văn Vatican với tư cách là nhà thiên văn.

2015 Đức Phanxicô bổ nhiệm làm giám đốc Đài thiên văn Vatican.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Khi khoa học tái khám phá Thiên Chúa

Thầy Guy Consolmagno: Làm thế nào khoa học đã mang Chúa đến gần hơn

Vatican: Làm thế nào để giữ gìn các thiên thạch

Gặp nhà thiên văn của Vatican