Linh mục Epicoco: “Giáo hoàng không cần bất cứ điều gì để giao tiếp”
Kể từ tháng sáu vừa qua, linh mục người Ý Luigi Maria Epicoco, thân cận với giáo hoàng, là Trợ tá Giáo sĩ của Bộ Truyền thông và là nhà viết xã luận cho báo L’Osservatore Romano. Linh mục Epicoco trả lời trang I. Media về cuộc khủng hoảng căn tính mà Bộ đã trải qua. Linh mục đảm bảo: “Giáo hoàng Phanxicô dạy chúng tôi thực tế thì ưu tiên hơn các ý tưởng.”
Tháng 6 năm 2021, linh mục Luigi Maria Epicoco được bổ nhiệm làm Trợ tá Giáo sĩ của Bộ Truyền thông | DR
cath.ch, Isabella H. de Carvalho, I. Media, 2021-07-08
Nhiệm vụ Trợ tá Giáo sĩ mà Giáo hoàng Phanxicô giao cho cha là nhiệm vụ gì?
Linh mục Luigi Maria Epicoco: Chính xác chức vụ là phục vụ con người. Đó là việc giúp xây dựng các quan hệ tốt trong công việc. Thực sự Bộ rất lớn. Có khoảng 600 nhân viên, qua các thực tế của nhiều năm tháng, cuối cùng Bộ đã quy tụ với nhau xung quanh cùng một cốt lõi. Bộ giống như thùng chứa, trong đó có rất nhiều thực tế khác nhau. Công việc của tôi là quy tụ lại, cố gắng tạo sự thống nhất. Và đúng vậy, khi một cơ quan có tầm mức lớn càng đoàn kết thì càng có hiệu quả hơn. Đó không phải do có cùng một lý tưởng, nhưng khai thác toàn bộ tiềm năng mà những nhân viên khác nhau có thể có, vì tất cả họ đều là những chuyên gia rất giỏi.
Tôi vẫn đang suy nghĩ về việc tôi sẽ thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, vì việc bổ nhiệm này đến với tôi hơi đột ngột. Thời gian đầu tiên tôi sẽ dùng để lắng nghe mọi người. Và cũng để tìm hiểu các cơ chế của Bộ, để sẵn sàng phục vụ.
Có thể nghĩ cha như một “tuyên úy” của Bộ không?
Không, chính xác không phải vậy. Tôi có một hình ảnh, có lẽ hơi quá thơ mộng để cho bà biết tôi sẽ làm gì. Khi làm bánh ngọt, chúng ta cần nhiều nguyên liệu, nhưng quan trọng là đến một lúc nào đó, các nguyên liệu này phải được trộn chung với nhau. Nếu không trộn thì không thành chiếc bánh. Vì vậy, vai trò của tôi là cố gắng giúp tất cả những nguyên liệu này – rất tốt và chất lượng rất tốt – tìm thấy sự thống nhất để tạo thành quả mới. Thành quả này không phải là tổng số tất cả những người có mặt trong Bộ, nhưng là một cái gì đó mới.
Vì sao Đức Phanxicô bổ nhiệm cha vào chức vụ này? Chính xác vì sao lại là bây giờ?
Từ lâu ngài đã muốn đưa tôi vào trải nghiệm này, nhưng do tôi kẹt trong các cam kết ở các cơ quan của tôi, nên tôi không thể nhận chức vụ này. Và đến thời điểm lịch sử này… Theo quan điểm của tôi, Đức Phanxicô có lòng kính trọng vô cùng với ông Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông. Khi nói với tôi về Bộ này, ngài đã nói: “Như người cha, cha gởi con đến một nơi mà con có thể học hỏi, nơi con có thể làm việc với những người rất giỏi”. Tôi đến đây đặt mình vào phục vụ, nhưng tôi cũng rất vui vì có thể có nhiều nhân viên.
Bộ đang đang trải qua một cuộc khủng hoảng căn tính. Bài phát biểu gần đây của giáo hoàng với Vatican News cho thấy ngài mong chờ nhiều hơn ở các nhà báo của ngài. Giấc mơ của giáo hoàng cho Bộ là gì?
Đây là câu hỏi khó trả lời trong nghĩa, giáo hoàng là người có biệt tài về truyền thông. Một thiên tài bẩm sinh. Trong thực tế, ngài không cần bất cứ điều gì để giao tiếp vì ngài biết cách làm. Cái khó, cái thử thách là cố gắng đặt mình ngang hàng với thiên tài này.
Cuộc khủng hoảng mà Bộ trải qua là bình thường, đó là khủng hoảng của một cơ quan chấp nhận mình thay đổi. Hiện nay trong cuộc khủng hoảng này, có một sự tiến hóa. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem chúng tôi sẽ đi đến đâu. Đôi khi chúng tôi nghĩ cập nhật truyền thông chỉ là cập nhật công nghệ, vì vậy chúng tôi cải thiện hiệu suất hoặc chúng tôi cung cấp dịch vụ… Nhưng ngài muốn chúng tôi đổi mới cách chúng tôi nhìn vào thực tế, cách chúng tôi truyền đạt nó.
Tôi xin đưa ra một ví dụ: đôi khi chúng ta nghĩ bác ái chỉ là cho người đói ăn, cho người khát uống. Nhưng hình thức bác ái cao nhất là mang tiếng nói đến cho những người không có tiếng nói. Kể những câu chuyện ngoài lề, những câu chuyện từ vùng ngoại vi, đặt trọng tâm vào những chuyện mà xã hội không ai nhìn đến: đó là vấn đề của một trong những sứ mệnh truyền thông Vatican. Giáo hoàng dạy chúng tôi, Giáo hội đi ra trong hướng này, đặt ngoại vi vào trung tâm. Đó không phải là điều chúng tôi có thể làm như làm trong một nhóm, chung quanh chiếc bàn tròn. Đúng hơn, đây là hoán cải mỗi người: chúng tôi phải nhìn thực tế theo một cách mới.
Cha có nghĩ rằng các phương tiện truyền thông của Vatican thực sự được tự do để đến thực địa, đến các vùng ngoại vi không? Chẳng hạn chúng tôi biết các nhà báo Vatican không thể tự do kể những gì đang xảy ra ở Trung Quốc…
Giáo hoàng dạy chúng tôi thực tế thì ưu tiên hơn ý tưởng. Thực tế được tạo thành từ những căng thẳng biện chứng, có nghĩa là có rất nhiều chuyện phải tính đến. Ví dụ, nếu tôi kể xấu về một quốc gia hay một chính sách nào đó, thì anh em chúng tôi sống trong quốc gia đó có thể vì chúng tôi mà chịu thiệt thòi, vì thế chúng tôi phải hết sức cẩn thận. Đồng thời, tôi phải học để có thể nói sự thật cho anh em tôi. Một mặt, chúng tôi phải cẩn thận, mặt khác, chúng tôi phải ra khơi. Không bao giờ có cái này mà không có cái kia.
Vì vậy, đối với một số chủ đề như Trung Quốc hay Armenia, thận trọng có phải là một hình thức bác ái không?
Đúng, đó là bác ái với anh em của chúng ta, đúng.
Làm sao có được cân bằng giữa thận trọng và chấp nhận rủi ro?
Không có công thức, nó giống như người đi trên dây. Nếu người đó bất động, họ sẽ bị té, họ phải lắc lư, phải dao động. Điều này có nghĩa họ không ngừng điều chỉnh cách giao tiếp. Không bao giờ đóng hoàn toàn và cũng không bao giờ chỉ mở ra. Hai chuyển động này phải luôn cùng nhau thực hiện. Điều giúp chúng tôi phân định, là không ai có thể làm việc một mình. Cái nhìn của người khác có thể giúp tôi nhìn thấy những gì tôi không thể nhìn thấy. Người đối diện tôi có thể thấy đằng sau lưng tôi, nhưng tôi, tôi không thể nhìn thấy, và vì thế họ giúp tôi. Điều này có nghĩa cẩn thận và dũng cảm đôi khi chạm trán nhau.
Cha có nghĩ, giáo hoàng có nhận ra, không dễ dàng làm cho cách giao tiếp rất tự phát của ngài cùng làm việc song song với một tổ chức như Bộ Truyền thông không? Đó là một thách thức…
Đúng, ngài nhận ra đó là một thách thức. Nhưng chúng ta cũng đừng quên Bộ Truyền thông chỉ gồm các chuyên gia. Bộ giống như một bệnh viện có trưởng khoa tim mạch giỏi nhất hay trưởng khoa chỉnh hình giỏi nhất. Họ đều rất chuyên nghiệp. Tôi nghĩ giáo hoàng rất yên tâm với việc Bộ được một người có chiều dày kinh nghiệm như ông Paolo Ruffini đứng đầu, người, đối với chúng tôi ở Ý luôn là một chuẩn mực. Điều này làm cho ngài yên tâm rất nhiều vì lời nói của ngài mang một tầm quan trọng đặc biệt. Tôi nghĩ ngài đã can đảm thành lập một cơ quan mà phần lớn nhân viên là giáo dân, cả một giá trị được gia tăng. Nghịch lý cho vị trí của tôi trong Bộ này, tôi sẽ làm những gì tôi phải làm: đó là làm linh mục.
Giáo hoàng đã nhiều lần gửi lời chúc mừng đến báo Văn minh Công giáo, La Civiltà Cattolica, phương tiện truyền thông của Dòng Tên. Có vẻ như tờ báo của Dòng Tên là gương mẫu của ngài. Ngài thích gì nơi đường hướng biên tập của tờ báo?
Đức Phanxicô là người rất hiếu kỳ. Ngài thích khi ngài tìm thấy được các công cụ, thay vì lặp đi lặp lại những điều giống nhau, ngài đi tìm cái gì đó mới. Chẳng hạn, ngài nói với tôi khi ngài đọc bài phỏng vấn bà Edith Brooke trên báo L’Osservatore Romano, (bà là nhà văn Ý gốc Hungary, người sống sót của trại tập trung Auschwitz). Khi đọc xong, ngài nghĩ mình phải đến thăm bà. Như thử ngài biết chính xác ngài phải làm gì. Giáo hoàng không nhạy cảm với lịch sử, nhưng nhạy cảm với các câu chuyện của con người, không bao giờ chung chung, nhưng luôn đi vào chi tiết. Những câu chuyện giúp mọi người gặp gỡ và kết nối với nhau. Khi các công cụ truyền thông thành công trong việc kể những câu chuyện này, nó đã chạm đến ngài rất nhiều.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô thăm bà Edith Bruck, người sống sót của Trại tập trung Auschwitz
Câu chuyện kể giữa Đức Phanxicô và bà Edith Bruck: “Bởi vì bà yêu ông”
Ký ức là cuộc sống, viết là hơi thở
Chuyến viếng thăm ngoài tưởng tượng của Đức Phanxicô và bà Edith Bruck