Edgar Morin: “Cái chết, tôi kìm nén nó khi tôi sống”
lejdd.fr, Anna Cabana, 2021-07-04
Nhà lý thuyết tư tưởng về sự phức tạp Edgar Morin kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của mình với muôn vàn lời chúc ngày 8 tháng 7. Từ đỉnh cao của một thế kỷ sống trên trái đất, ông nhìn lại hành trình của mình và đặt câu hỏi về thế giới ngày nay.
Triết gia Edgar Morin sẽ tròn 100 tuổi vào ngày 8 tháng 7. Chúng tôi gặp nhà trí thức, người mà hậu thế sẽ nhớ ông là tác giả của khái niệm về sự phức tạp ở bar của một khách sạn Paris, áo sơ mi vải jean xanh, cổ quấn khăn; bà Sabah, vợ ông, bây giờ đi theo ông khắp nơi.
Ông là người mà tháng 5 năm 1945 đã vào văn phòng của Hitler ở Berlin, ông là quân nhân trong chiến tuyến Đức sau khi phục vụ trong thời Kháng chiến, cuộc đời của ông trải qua nhiều thảm kịch, những sai lệch và những dằn vặt của một thời kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc cho đến Covid-19. Ông vẫn tiếp tục xem cuộc sống là một bí ẩn. Và là một cuộc phiêu lưu.
Với ông, thế nào là một thế kỷ sống?
Nhà xã hội học Edgar Morin: Tôi đã phải làm quen với ý tưởng này. Vì tôi còn ở tuổi ngoài chín mươi nên tôi chưa đối diện thẳng với con số 100. Và vì tôi vẫn còn ít nhiều sức khỏe nên tôi sống tương đối bình lặng như thử cuộc sống cứ phải tiếp tục vô định. Đặc biệt là khi tôi 80 tuổi, tôi đã nghĩ mình đang ở tuổi sắp chết; tôi chờ chết và tôi ngạc nhiên khi tôi không chết ở tuổi 90, cuối cùng tôi đã quen với việc sống. Một trăm, đó là con số phải chết; dù có khoan nhượng tới đâu, nhưng cũng sẽ không lâu. Vì có hai con số zero. Zero này như quả trứng. Chung chung, kỷ niệm sinh nhật là chết một năm, để mở ra một năm khác. Nhưng bây giờ, thực sự, tôi không có nhiều triển vọng trong tương lai. Một trăm năm, thật là ấn tượng với tôi. Tốt… (Tất cả đều ở đó, bằng cách nói những chữ “tốt” vào cuối câu, giống như những quả bóng có chữ ký giả; một kiểu dằn tiếng.) Tôi vẫn còn ấn tượng với các buổi lễ kỷ niệm một trăm năm của tôi. Đã có Unesco, sẽ có vinh danh quốc gia của Điện Élysée, của Thành phố Paris, của Liên hoan Avignon. Những buổi kỷ niệm biết ơn cho tôi một niềm vui lớn. Nhưng tôi biết, sau các buổi lễ này tôi sẽ cực kỳ buồn. Đại tướng Wellington đã nói một câu rất sâu sắc: “Có một nỗi buồn sau thất bại, nhưng có một nỗi buồn còn lớn hơn sau chiến thắng.” Sau tôn vinh, chúng ta rơi vào tầm thường và nhàm chán của cuộc sống hàng ngày. Tôi sợ rơi xuống. (Người phục vụ đến. Edgar Morin quay sang: “Anh có xérès không? Ở Pháp không có…” Cười. Đó là một loại sâm banh. Người ta không nghiêm túc khi họ 100 tuổi…)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp triết gia Edgar Morin và vợ là bà Sabah Abouessalam ở Điện Élysée ngày thứ năm 8 tháng 7-2021
Ông có cảm thấy cô đơn không?
Nhiều người bạn rất thân của tôi đã qua đời. Nhưng tôi may mắn có Sabah (bà ở bên cạnh ông chăm sóc mọi thứ cho ông), đôi khi bà không cho tôi có lý, nhưng thật sự bà giữ tôi lại với cuộc sống. Tôi chưa bao giờ có thể làm việc trong lạnh lùng. Tôi chỉ có thể gây dựng công trình của tôi nhờ tôi có hơi ấm của yêu thương và được yêu thương. Tôi cần lò sưởi cao độ của tình yêu. Bây giờ tôi cần nghỉ ngơi thật nhiều, bình thản, không nên đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra cho tôi, nếu không, tôi sẽ chết. Vì bây giờ năng lượng của tôi rất hạn chế. (Ông nói chuyện này với con mắt thèm thuồng thích thú qua câu ông vừa nói; chắc chắn đó là sức sống.)
Ông có vui khi 100 tuổi không?
Có lẽ vào ngày 8 tháng 7, sinh nhật lần thứ một trăm của tôi, tôi sẽ nói, “Tôi đến đây rồi.” Nhưng ngày hôm trước thì tôi không chắc. Tôi đã từng lo lắng như vậy khi chờ đến năm 2000. Tôi thường tự hỏi: “Liệu tôi có vượt qua được cho đến năm 2000 không?” Khi chúng ta đến năm 2000, con số này luôn là con số kỳ diệu, lần này là ba số không, tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Khi ngày chết đến, tôi sẽ có cảm giác này. (Người phục vụ đưa ly sâm panh, ông thích thú, “uống một ly mình thích”.)
Khi tôi nhìn vào toàn bộ tác phẩm của tôi, chúng không giống như bất cứ một cái gì gọi là bình thường.
Ông có cảm thấy ông có tất cả các quyền không?
(Cười.) Tôi không dùng nó. Tôi cũng không cảm thấy tôi có quyền. Không có gì tôi đã làm mà không ở trong thứ trật bình thường. Tôi là đứa bé mồ côi mẹ lúc 10 tuổi, tôi sống trong cô đơn, thậm chí tôi là người lệch lạc so với gia đình tôi. Quyển sách quan trọng đầu tiên của tôi, Con người và Cái chết (L’Homme et la Mort), cũng là một phần của một thứ trật phi thường: Tôi muốn tìm trong tất cả các lĩnh vực, những lãnh vực chưa ai làm. Khi tôi nhìn vào công việc của tôi, chúng không giống như bất cứ một cái gì gọi là bình thường. Không có gì tôi đã làm theo thứ trật bình thường. François Furet, bạn tôi nói với tôi: “Anh bắt đầu được biết đến như một nhà xã hội học, anh sẽ làm gì với Phương pháp luận (La Méthode) trong những lĩnh vực không phải của anh?” Vì thế tôi đã sống bên lề của những ý tưởng chính thức lớn. Khi có chủ nghĩa cấu trúc, tôi không phải là nhà theo chủ nghĩa cấu trúc. Sau năm 1968, khi có chủ nghĩa Mác, tôi không còn là người mác-xít. Xác tín của tôi, tôi đã rèn luyện dựa trên các yếu tố ở khắp nơi.
Trong tự do?
Tôi thật may mắn: tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, CNRS, họ đã để tôi tự do. Đó là phân bộ xã hội học, nhưng tôi đã làm những chuyện có thể liệt kê là triết học, lịch sử hoặc nhân học. Xã hội học chỉ là một khía cạnh của tôi. Người ta luôn dán nhãn: Morin, nhà xã hội học.
Ông có xé nhãn không?
Có. Tôi đã có thể là giáo sư đại học, tôi muốn giữ tự do của mình với tư cách là nhà nghiên cứu ở CNRS. Tôi hiểu tự do của tôi là trên hết. Tự do này, thực sự tôi có thể nói, tôi rất thích nó. Tôi không phải là giáo sư đại học giảng dạy đệ tử như người ta trồng một ngôi vườn. Tôi là kẻ lang thang, người săn bắn trái phép, tôi vô tình tạo ra nhiều mối thù ghét. Giống như cây táo nở hoa rồi gieo mầm; gió cuốn chúng đi đâu không biết. Trong trường hợp của tôi, hóa ra gió đã đưa đi rất xa…
Ông có nghĩ đến Châu Mỹ Latinh?
(Mím môi làm điệu.) Trước khi các quyển sách của tôi được dịch, đã có những bản sao lưu hành. Khi lần đầu tiên tôi đến Colombia, mọi người đã biết tôi. Tôi hạnh phúc với sự lan rộng này. Tác phẩm của tôi được biết đến nhưng phân tán. Thật không may, tác phẩm của tôi không được đưa vào văn học chính thức. Sách giáo khoa triết học, tôi không có ở đó! Sách giáo khoa xã hội học, tôi có một chỗ rất nhỏ ở đó!
Ông có nói quá không!
Để có chiếc thắt lưng, không phải vì khiết tịnh nhưng vì danh dự, và nhất là với những kẻ gièm pha tôi, tôi nhận tất cả bằng tiến sĩ danh dự đã trao cho tôi.
Bao nhiêu?
Bốn mươi! Và nó vẫn tiếp tục. (Ông cười khúc khích.) Tôi vừa nhận được một bằng qua Zoom của Đại học Chihuahua (thành phố Chihuahua, Mexicô). Cho đến bây giờ tôi chỉ biết tên Chihuahua là tên của một con chó nho nhỏ. Và tôi phải nhận huy chương Cavaliere của Ý.
Tôi không nhìn vào cái chết; đôi khi chính cái chết nhìn tôi
Ông vừa nói quyển Con người và Cái chết, quyển sách này ông xuất bản năm 1951. Bây giờ ông thấy quyển sách này như thế nào? Và cái chết?
Vào thời điểm đó, tôi dự đoán với tiến bộ khoa học, cái chết sẽ bị đẩy lui đến vô thời hạn. Vào năm 1969-1970, các nhà sinh vật học bạn của tôi ở một Viện ở California đã nói với tôi: “Điều đó là không thể; dù muốn hay không, một hệ thống sớm muộn gì cũng bị diệt vong.” Vì vậy, tôi tái bản và nói: “Tôi đã sai, tôi là nạn nhân của một huyền thoại.” Nhiều năm trôi qua. Tôi được học để biết, với tế bào gốc, chúng ta có thể kéo dài tuổi thọ. Vì vậy, tôi viết lại lời nói đầu mới. Đó là những gì tôi đã thay đổi vài lần. Phần còn lại đều đúng.
Bây giờ ông nhìn cái chết như thế nào?
Tôi không nhìn vào cái chết; đôi khi chính cái chết nhìn tôi. (Cười) Trong tôi có một lực sống kìm lại ý tưởng về cái chết. Những giây phút tôi trải nghiệm cuộc sống thơ mộng, khi tôi có các góc nhìn, những hiếu kỳ, cảm giác mình có một sứ mệnh. Đôi khi buổi tối đi ngủ, tôi không biết sáng hôm sau có dậy không. Đôi khi tôi bị xâm chiếm bởi hư vô, vì tôi nghĩ, tất cả những gì có trong tôi, da thịt tôi rồi sẽ bị phân hủy. Nhưng những giây phút đó biến mất dưới sự xô đẩy của dòng đời. Từ thời tiền sử, con người đã biết chắc chắn xác sẽ phân hủy; chúng ta sẽ đốt nó, chúng ta sẽ chôn nó, nhưng dù như thế nào, chúng ta cũng tin có một đời sống sau cái chết. Không có một xã hội nào mà không có tôn giáo và không có niềm tin vào cái chết. Đó là một cách để từ chối cái chết. Tôi, cái chết, tôi không từ chối nó trong niềm tin, tôi kìm nó khi tôi sống. Chính sự sống kìm lại cái chết. Điều thứ hai tôi nhận thấy: ngay cả khi con người coi trọng mạng sống, một số người sẵn sàng hy sinh mạng sống cho một chính nghĩa. Với tôi, vấn đề này được đặt ra năm 1942. Tôi muốn sống, tôi 20 tuổi, nhưng nếu tôi tránh, tôi sẽ chỉ sống sót. Tôi hiểu trong một số trường hợp, phải liều mạng sống mình. Sống là chấp nhận rủi ro trong cuộc phiêu lưu cá nhân, chính các phiêu lưu này nối kết với phiêu lưu của tổ quốc, phiêu lưu tổ quốc nằm trong phiêu lưu của nhân loại. Tôi thích phiêu lưu.
Tối thiểu chúng ta có thể nói, triết lý phiêu lưu này không thắng Covid chứ. Điều này có làm ông buồn không?
Tôi hiểu sự phục tùng tập thể này, tôi cũng chấp nhận cách ly. Nhưng có một nguy cơ là chúng ta sẽ quen với một xã hội tuân thủ, khi lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có thể điều khiển tất cả con người nhờ máy bay không người lái, nhận dạng khuôn mặt, v.v. Quá trình nguy hiểm này bắt đầu trước khi có Covid. Một số người nói Covid sẽ là dịp để nhảy vọt. Đúng là ngay cả trên bình diện cá nhân, con người có thể quyết định thay đổi chế độ ăn uống, nơi sống của mình, chưa kể những người quyết định ly dị (ông cười.) Đó có thể là cuộc cách mạng của lương tâm, một cuộc cách mạng chính trị và xã hội nhưng điều này đã không xảy ra.
Ông có tiếc không?
Tất nhiên. Chúng ta hãy đổi con đường! Changeons de voie (Đó là tiêu đề quyển sách ông cùng viết với bà Sabah Abouessalam, vợ của ông, và được xuất bản tháng 6 năm 2020.) Quốc gia đang bị giằng xé hơn bao giờ hết, cuộc khủng hoảng, rất nghiêm trọng. Tôi đang chờ những lực mới nhưng chưa thấy xuất hiện.
Những lực mới này có thể là gì?
Chúng ta không thể biết trước. Ai đã thấy trước Emmanuel Macron? Tôi đang ở trong tình trạng không chắc chắn về chính trị. Tôi chờ đợi, tôi quan sát, tôi lo lắng. Hiện nay tôi lo nhiều hơn là hy vọng.
Chúng ta là ai? Tại sao chúng ta được sinh ra? Tại sao lại có thế giới này? Những câu hỏi này ám ảnh tôi suốt đời. Cả cuộc đời, tôi là người rất ngạc nhiên.
Đâu là những linh đạo đã đánh dấu trên ông?
Triết gia Heraclitus thời cổ đại là một triết gia lớn tuổi, bị lãng quên, người đã nhìn thấy một chút tất cả các mâu thuẫn của con người, chẳng hạn ông đã nói: “Chúng ta ngủ mà vẫn thức.” Hoặc: “Sống như chết, chết như sống.” Và còn nữa: “Hài hòa, bất hòa là cha và mẹ của tất cả mọi thứ”. Tôi chọn phía hài hòa. Không biết tương lai sẽ như thế nào, một tương lai vô cùng bấp bênh, nhưng ít nhất tôi đang ở phía tôi thích, phía của những người yêu thương và đoàn kết, và điều này làm cho tôi thấy dễ chịu.
Chúng tôi hỏi ông về linh đạo thì ông lại trả lời bằng triết học… Chúng tôi có nên hiểu các tôn giáo làm cho ông lạnh lùng không?
Tôi không phải là phật tử, nhưng tôi rất ấn tượng về triết lý vô thường và từ bi. Tôi thích lời dạy của Chúa Giêsu: tha thứ và cảm nhận sự khốn khổ của con người. Đó là những khái niệm đã đi vào tâm hồn tôi. Nhà văn Dostoïevski đã cho tôi một cảm giác thương xót với những người bị sỉ nhục, yếu đuối, những người bị chế giễu. Chúng ta là ai? Tại sao chúng ta được sinh ra? Tại sao lại có thế giới này? Những câu hỏi này ám ảnh tôi suốt đời. Cả cuộc đời, tôi là người rất ngạc nhiên.
Ông phát âm động từ này như người háu ăn. Làm thế nào ông vẫn còn ngạc nhiên?
Tôi ngạc nhiên hơn bao giờ hết! Tôi ngạc nhiên khi sống, với bầu trời xanh, với mọi thứ. Khi tôi đi ngoài đường dưới ánh nắng mặt trời, khi tôi cảm thấy cơ thể mình đang hoạt động, tất cả mang đến cho tôi một niềm vui, một niềm hân hoan, một niềm vui sống. Trong màn cuối của vở Bi kịch của con người, La Tragédie de l’homme, một vở kịch của tác giả Imre Madách người Hungary, nói đến chỉ còn một vài người Eskimo trên Trái đất, đó là một thảm họa; người phụ nữ sinh em bé, ngay lập tức khuôn mặt của cô ánh lên tia hy vọng. Cảnh này kết thúc bằng cuộc đối thoại giữa Chúa và Satan; Chúa nói với Satan: “Hãy ở lại, Ta cần sự tiêu cực của ngươi!” Được sống là điều thật kinh ngạc, làm mình rối trí.
Ông sẽ nói rằng cuộc đời là đẹp không?
Cuộc đời quá đẹp và quá kinh khủng. Tôi nhìn thấy tất cả mọi thứ thú vị trong cuộc sống, tôi rất nhạy cảm với bất cứ điều gì mang lại cho tôi niềm vui. Nhưng đồng thời tôi cũng thấy được sự tàn nhẫn, khinh miệt, gian ác, ghen ghét, hận thù. Tôi sống với hai cái nhìn này. Một cái nhìn làm cho tôi sợ hãi và kinh hoàng; một cái nhìn làm cho tôi kinh ngạc. Tôi cố gắng không quên cái nào. Tôi nghĩ vì tôi thực sự yêu cuộc sống nên tôi có sức mạnh kinh ngạc này, sức mạnh này làm tôi nổi loạn.
Ông có phải là nhà thần nghiệm không?
Tôi là người vừa lý trí vừa thần nghiệm. Theo tôi, thần nghiệm là ở trong trạng thái xuất thần làm cho chúng ta gần với cực lạc, cảm giác đánh mất bản thân trong khi tìm thấy chính mình, cảm giác nên một với vũ trụ.
Ông nói đến triết lý phật giáo và thông điệp của các sách Phúc âm, nhưng ông không nói đến thông điệp của do thái. Ông là người do thái như thế nào?
Tôi là một người do thái vì tôi cảm thấy tôi trung thành với tất cả những gì trong quá khứ bức hại của người do thái. Tôi là người do thái như thành viên của một dân tộc bị nguyền rủa. Tôi từ chối ở trong dân tộc được chọn.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Lời mừng sinh nhật triết gia Edgar Morin 100 tuổi của Đức Phanxicô