Linh mục Éric Salobir: “Công nghệ có thể làm chúng ta trở nên con người hơn”
Linh mục Đa Minh Éric Salobir không mệt mỏi hỗ trợ cho cuộc đối thoại với các doanh nhân với công nghệ mới. Lạc quan, nhưng sáng suốt, linh mục chia sẻ những câu hỏi của mình và đưa chúng ta đến trung tâm của thế giới những công ty khởi nghiệp đang định hình tương lai chúng ta.
la-croix.com, Alain Guillemoles và Nicolas Senèze.
Linh mục Eric Salobir. Frédéric Stucin báo La Croix L’Hebdo
La Croix L’Hebdo: Cha có nhớ lần kết nối đầu của cha với Internet không? E-mail đầu tiên của cha?
Linh mục Éric Salobir: Thư điện tử là thời tiền sử! Có lẽ vào khoảng cuối những năm 1990. Khi còn tuổi vị thành niên, tôi đã có chiếc máy tính và tham dự vào câu lạc bộ máy tính. Sau đó, tôi là một trong những người đầu tiên có điện thoại di động. Không mê điên cuồng kỹ thuật số, nhưng thành thật mà nói, tôi thích nó! Tôi tin công nghệ mang lại nhiều cải tiến hơn là những bất tiện của nó.
Những bất tiện, nếu chúng có, thì phải chấn chỉnh và giảm thiểu, như chúng ta đã làm với quy tắc, an toàn đường xá cho xe hơi. Với các công nghệ mới, vấn đề cũng vậy: làm thế nào để có một văn hóa và điều chỉnh cho các công nghệ này? Cần có thời gian để mọi người thích ứng với công nghệ để có thể phát minh ra cuộc sống, cùng sống với nó.
Trong những năm 1990, điện thoại di động được khám phá và mọi người gọi khắp nơi. Đã lâu tôi không còn nghe ai đó để điện thoại reo thật to trên xe tốc hành. Với thông minh nhân tạo vừa đến xáo trộn đời sống chúng ta, chúng ta phải tạo một văn hóa để dùng tốt nhất loại thông minh này.
Đâu là sứ vụ chính xác của cha?
Từ năm 2012, tôi trách nhiệm về truyền thống của Dòng Đa Minh ở Rôma. Tôi được mời dự các buổi suy nghĩ, đã giúp tôi hình thành một mạng lưới, ban đầu là không chính thức, gồm các học giả và những công nghệ gia suy nghĩ về các vấn đề công nghệ. Ba năm trước, bề trên Dòng nhờ tôi lập nền hỗ trợ mạng lưới giúp Giáo hội nhìn rõ mọi thứ và đồng hành với các tác nhân tư nhân hoặc nhà nước trong cuộc đối thoại của họ.
Những người trong ngành công nghệ, kể cả các công ty lớn, chắc chắn họ không muốn có quá nhiều quy định. Nhưng họ cũng hiểu, nếu mọi thứ không vào khung thì họ có thể đến những bờ vực nguy hiểm. Chúng ta đã thấy điều này trên mạng xã hội và qua việc tài khoản của tổng thống Trump bị mất kết nối. Khi nào là thời điểm để làm? Phải chờ đến khi có án mạng sao? Không có luật, không có tiêu chuẩn, không có một ủy ban nào đưa ra các đường lối hướng dẫn… Họ thấy mình đơn độc và phải tự xoay sở, điều này đặc biệt nguy hiểm.
Có dễ dàng để đối thoại với thế hệ này, một thế hệ nghĩ có thể thay đổi thế giới bằng một ứng dụng lắp ráp trong một góc không?
Những người ở Thung lũng Silicon đi du lịch rất nhiều, họ là chất xốp liên tục đi tìm các chuyện sẽ dạy cho họ nhiều điều. Họ tự đặt câu hỏi và họ đặt rất nhiều câu hỏi. Trao đổi ở cấp độ này rất dễ dàng. Nhưng họ cũng có một loại định dạng giúp họ nắm vững một số công thức để thành công. Đôi khi rất khó để đưa họ ra khỏi một vài luống đã được cày bừa tốt.
Thung lũng Silicon được xây dựng trên tàn tích của các cộng đồng hippie trong những năm 1960 ở San Francisco: khía cạnh phóng khoáng, ước muốn thay đổi thế giới vẫn luôn còn nơi họ. Họ không phải là các nhà khoa học phát minh để nâng cao kiến thức. Lại càng không hẳn để kiếm tiền, vì họ tái đầu từ lại tất cả… Tôi đã có kinh nghiệm khi thảo luận với một số người này: họ quan tâm đến xã hội mà họ sẽ để lại di sản cho con cái, về chỗ đứng của họ sau này trong lịch sử. Nếu họ đang tạo nền, thì đó là những chuyện này.
Và rồi ở họ cũng có cách tiếp cận đạo đức theo kiểu Anglo-Saxon, liên quan đến tuân thủ: nếu những gì tôi làm không hại ai thì tôi có thể làm và tôi sẽ không có nguy cơ bị tấn công. Họ tự giới hạn mình theo cách quản lý các rủi ro pháp lý. Tôi nói với họ: “Đồng ý, các bạn không làm hại ai, nhưng cuối cùng… các bạn cũng không làm tốt cho ai!”
Có dễ dàng để làm việc với các vấn đề đạo đức này này với “thế hệ thiên niên kỷ” không?
Những thế hệ sinh từ năm 1980 đến năm 2000 này thực sự nhạy cảm hơn nhiều với vấn đề này. Bạn chỉ cần nhìn vào thành công của một ứng dụng như ứng dụng Yuka, dẫn đến việc hủy bỏ không thương tiếc hàng trăm sản phẩm của các nhà phân phối lớn, đơn giản vì mọi người đã quyết định không mua chúng nữa. Thêm nữa, chúng không nhất quán 100%. Chúng ta vừa không ăn một loại trái cây nào đó, nhưng cuối tuần lại đi máy bay đến Bilbao, hoặc dùng xe tốc hành điện vì không tốn năng lượng carbon, nhưng chúng ta lại thay đổi điện thoại hàng năm…
Đứng trước các nhà đầu tư, các doanh nhân trẻ thường có thói quen đưa ra các hình ảnh của thời thuận tiện, rồi mọi thứ sẽ ổn. Tôi, tôi xin họ hình dung chuyện gì sẽ xảy ra trong 5 năm nữa, họ có 95% thị trường. Liệu họ có tát cạn nguồn tài nguyên khan hiếm không? Giết một nghề và làm hàng ngàn người thất nghiệp? Một công ty khởi động, start-up, như chú cọp con, chắc chắn là chú dễ thương. Nhưng, khi chú lớn lên, chú bắt đầu phá vỡ mọi thứ, ngay cả con người! Tôi nói với họ: hãy tự đặt câu hỏi cho mình và đừng phá vỡ mọi thứ vào ngày mai.
Có khi nào cha cảm thấy một cuộc thảo luận đã đưa công ty đi theo một hướng khác không?
Có, và nhiều lần. Chẳng hạn, năm ngoái, chúng tôi đã làm việc về việc dùng thông minh nhân tạo với một tập đoàn các công ty bảo hiểm lớn như Allianz, Swiss Life, CNP… Cùng với chúng tôi, họ đã xác định các cách thực hành tốt.
Đạo đức không chỉ là những ý tưởng hay những tranh luận lớn, mà còn là những câu hỏi rất cụ thể mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tự hỏi: hộp này tôi có nên mua nó hay không? Công nghệ này, tôi có nên đưa nó ra thị trường hay không? Công việc của chúng tôi vừa rất rộng, để cố gắng nhìn mọi khía cạnh của một vấn đề, vừa rất hẹp. Chẳng hạn, một công ty bảo hiểm có nên đề nghị các vòng đeo tay kết nối với máy đếm số bước đi mỗi ngày của khách để xem khách có lối sống lành mạnh giúp họ giảm giá bảo hiểm sức khỏe hay không? Hoặc xem liệu họ có lái xe cẩn thận hay không? Điều này rất đáng khen ngợi, nhưng nếu hành vi là tự nguyện thì chế độ ăn uống cũng có thể bị ảnh hưởng do gen di truyền của chứng nghiện… Chúng ta có nên trừng phạt gen của người nghiện đường không?
Và rồi, làm việc dựa trên đạo đức cũng là một động lực. Tôi nghĩ đến công ty bán trực tuyến nước trái cây và súp. Các sản phẩm dễ hư hỏng được bọc trong bao nhựa: tốt cho cơ thể nhưng không tốt cho môi trường! Hai nhà quản lý rất nhạy cảm với vấn đề này, trong vườn ươm doanh nghiệp của họ, họ đã gặp một người làm bao bì bằng sợi gai dầu, đắt hơn nhưng phù hợp hơn với dự án của họ. Họ đã có thể thực hiện thay đổi, nhưng nếu họ chờ đợi, họ sẽ có thể không bao giờ bắt đầu dự án. Không phải là đợi tất cả các chỉ số bật đèn xanh, nhưng luôn chú ý đặt câu hỏi đúng, để xem có thể cải thiện điều gì.
Như vậy đạo đức không ở đó để hạn chế công nghệ?
Trong lĩnh vực công nghệ, sự cạnh tranh là khốc liệt. Mọi người đều bị áp lực. Bán một sản phẩm với giá cao hơn vì nó sạch không phải lúc nào cũng có thể. Tôi cố gắng làm cho mọi người hiểu rằng, bạn có thể tạo ra giá trị dựa trên các giá trị. Ý tưởng không phải là làm trọng tài giữa những gì có lợi và những gì là đạo đức, vì trong trường hợp này, như vậy là thất bại dù chủ nhân có thiện chí. Vì đằng sau họ là các cổ đông, những ông chủ ngân hàng và đến một lúc nào đó, những người này muốn dự án thành công.
Cách duy nhất là thuận theo các hành tinh để đảm bảo đạo đức tạo ra giá trị. Nếu hiếm khi nó có giá trị trong ngắn hạn, thì hầu hết, đạo đức là một yếu tố của sự bền vững lâu dài.
Cơn ác mộng xấu nhất của cha khi dùng trí thông minh nhân tạo là gì?
Là nó hỗ trợ chúng ta đến mức làm cho chúng ta lệ thuộc vào nó; rằng tất cả các trợ lý ảo của chúng ta làm rất nhiều việc để cuối cùng chúng ta không thể tự mình làm được gì. Giống như trong bộ phim Wall-E, khi tất cả nhân loại sống trên các chiếc ghế sofa nổi, tiêu thụ những gì người ta nói mình tiêu thụ.
Trái lại, tạo một xã hội, là tạo tác nhân trong một dự án chính trị. Nếu một thuật toán phát hiện các điểm ung thư nhanh hơn bác sĩ X-quang, hoặc thuật toán viết hợp đồng nhanh hơn luật sư, điều gì sẽ xảy ra với tất cả những người thất nghiệp, kể cả những người đã học rất nhiều? Chúng ta cần họ để tiêu thụ, nhưng còn cần họ nhiều hơn để sản xuất. Từ đó mới có ý tưởng về thu nhập phổ thông. Nhưng nó sẽ tạo nên một xã hội của những người được cứu trợ. Chúng ta có bất trắc là mất khả năng hành động.
Tôi nhớ tôi đã gặp triết gia người Pháp Michel Serres trước khi ông qua đời. Ông nhấn mạnh, những công nghệ kỹ thuật số này là cuộc cách mạng về nhận thức trước khi là cuộc cách mạng công nghiệp. Và con người luôn phát triển từ những cuộc cách mạng nhận thức này. Ông nhắc tôi nhớ, ngày xưa triết gia Socrate chống lại việc viết lách: ông cho rằng tư tưởng có thể rơi vào không đúng người, chỉ có đối thoại mới cho chúng ta biết thực sự người kia đang nghĩ gì… Cuối cùng, việc phát minh ra chữ viết đã phục vụ tốt cho chúng ta: khi chúng ta ngừng ghi nhớ, thì cuối cùng chúng ta có thời gian để hiểu!
Vì vậy, câu hỏi của tôi là làm sao để biết các công nghệ này có thể làm cho chúng ta trở nên con người hơn không, hoặc con người tốt hơn không – không phải siêu phàm (siêu việt hóa con người nhờ công nghệ, transhumain) hay siêu nhân (surhumain) siêu nhân – hoặc ngược lại làm suy giảm nhân tính của chúng ta.
Trên những chủ đề này, Giáo hội có đi chậm không?
Sự chậm trễ không phải nơi chúng ta tưởng tượng. Chẳng hạn như Tòa thánh đã nắm vững chủ đề trí thông minh nhân tạo. Không nói quá, các cuộc gặp cấp cao đã diễn ra giữa các nhân vật trong ngành công nghệ và Giáo hội. Họ đã học cách nói chuyện với nhau. Tôi không nói là dễ dàng, nhưng rất thú vị.
Nhưng Giáo hội cũng là dân Chúa, và ở đây đôi khi cũng có nhiều nỗi sợ hãi hơn. Vì không phải ai cũng có đủ khả năng để thảo luận với Bill Gates. Một số phản ứng qua lăng kính của những gì họ đọc và nghe, vì thế có một số định kiến nào đó.
Các công nghệ này có phải là mối đe dọa của một tầm nhìn về con người như Giáo hội đã định hình không?
Trong Giáo hội, chúng ta bắt đầu hiểu công nghệ là sản phẩm của xã hội, theo cả hai nghĩa của từ này. Chúng ta sản xuất chúng theo tập thể, và chúng giống với xã hội đã sản xuất ra chúng, ít nhiều có tính cách con buôn, giao tiếp, hiếu chiến hoặc an toàn. Nhưng những công nghệ này cũng tạo ra chúng ta: chúng biến đổi chúng ta.
Nhưng đó không phải cùng một chuyện khi người trẻ gặp nhau trên một ứng dụng hoặc trong một bữa ăn tối với bạn bè. Sự việc được sản xuất bằng chính các sản phẩm của mình là một cái gì đó chúng ta chỉ vừa mới nhận ra tầm quan trọng của nó. Làm người trong thời đại trí tuệ nhân tạo có ý nghĩa gì? Mối quan hệ với thời gian, với người khác, với thế giới, cách hiểu, sản xuất và truyền tải kiến thức đều bị thay đổi.
Trước đây, khi bạn cần nghiên cứu, bạn mở quyển bách khoa tự điển. Người đi tìm cũng là người tìm thấy. Ngày nay có quá nhiều thông tin mà bạn phải dựa vào các thuật toán để phân loại nó: bạn tìm kiếm, thuật toán tìm thấy. Vậy mà, điều thuật toán quan tâm không phải là sự tương hợp của câu trả lời cho sự thật, mà là những gì nó có vẻ phù hợp nhất với bạn. Google hỏi bạn: “Tôi có trả lời chính xác cho câu hỏi của bạn không?”, Google không quan tâm đến câu trả lời có đúng hay không, nhưng câu trả lời có thông dụng không, tìm xem có ở trang web nào chuẩn hơn nếu nó có nhiều liên kết…
Câu trả lời xuất hiện đầu tiên sẽ là câu trả lời của đa số. Điều này có thể gây sốc: nhưng dân chủ là gì, nếu không phải là chọn người nào được chuộng nhất? Do đó, biết tác động của những công nghệ này đặt ra những câu hỏi xã hội sâu sắc.
Nhưng chúng ta hãy đi xa hơn: khi bạn tìm kiếm trên Google, bạn có 10.000 trang trả lời. Nếu bạn đặt câu hỏi cho một điểm nối kết, bạn chỉ có một câu trả lời. Vì thế nếu bạn hỏi thủ đô nước Pháp là gì, Google sẽ trả lời Paris. Nhưng nếu bạn hỏi thủ đô của Israel là gì thì câu trả lời sẽ là: Tel Aviv hay Giêrusalem? Đằng sau câu này là cả một nền tảng mà bạn không hề ý thức. Tuy nhiên, khi các diễn đàn này nhân lên, chúng sẽ trở thành cánh cửa mở rộng cho kiến thức chỉ cho phép thông tin đi qua.
Giáo hoàng nghĩ gì về những công nghệ này?
Các bạn phải hỏi ngài điều này!
Không đi sâu vào các cuộc thảo luận mà cha có thể có với ngài, ngài có e ngại gì về những thách thức này không?
Đối với người ở tuổi ngài và phải đối phó với đủ thứ vấn đề, ngài có một e ngại đáng kể về chủ đề này. Không phản lại bất kỳ bí mật nào, những câu hỏi ngài đặt ra là nhân bản của ngài làm ngài có một độ lùi, không bị mê hoặc bởi thiết bị tối tân, không là tù nhân của những kết quả kinh tế hiển nhiên. Với ngài, không có gì được xem là đương nhiên.
Sự xa xỉ tuyệt vời của Vatican là không có cái gọi là “công nghệ Vatican”. Nơi mà chính quyền Pháp không thể can thiệp nếu không để lợi ích kinh tế lên hàng đầu, thì Vatican có khả năng làm điều này. Điều này mang lại một tự do lớn lao cho Vatican.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp nói với chúng tôi: “Nhưng tại sao trước đây không ai đặt những câu hỏi này với chúng tôi?” Trong thế giới của họ, đó là những nhân vật nổi tiếng và được đánh giá cao đến nỗi không ai đặt câu hỏi với họ. Giáo hoàng, ngài, ngài có thể. Thậm chí đó là những gì người ta chờ ở ngài. Điều này được nhiều người trong giới công nghệ đánh giá cao.
Không có một dự án chính trị nào nơi một số doanh nhân sao? Chẳng hạn một Elon Musk (chủ nhân công ty SpaceX) khao khát thay đổi con người…
Các cộng đồng hippie muốn xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng thế giới tốt đẹp hơn là gì? Thay đổi xã hội nhất thiết là thay đổi con người một chút. Ở châu Âu vào thế kỷ 20, người ta nhận ra việc tạo ra một con người mới thường kết thúc rất tệ. Các chấn thương này đã bảo vệ chúng ta trước một số nguy cơ nào đó. Nhưng không phải ai cũng đã có kinh nghiệm này và không có vấn đề khi đặt ô “tôn giáo” trong tập tin để chúc bạn “vui vẻ ngày Hanoukka” hay “Mừng Giáng Sinh”.
Một số phong trào siêu việt hóa con người (transhumain) không nhận ra, khi muốn lập kế hoạch này có thể tạo vấn đề.
Cha có thể đối thoại với những người theo thuyết siêu việt hóa này, những người dựa vào công nghệ và khoa học để tăng năng lực thể chất và tinh thần không?
Đây không phải là những người mà chúng tôi tìm cách để đối thoại nhiều nhất. Đúng hơn chúng tôi đến với họ trong tư cách họ là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Thuyết siêu việt hóa là một lối nói để đi vào nội dung nhưng không thay đổi công nghệ như nó muốn thay đổi. Điều làm tôi quan tâm là những người thực hiện, phát triển hoặc khai thác công nghệ: đây là nơi có thể có tác động đòn bẩy. Hoặc với các nhân vật có chính sách công cộng, những người sẽ khuyến khích, thúc đẩy, thậm chí điều chỉnh hoặc giám sát các công nghệ này.
Và sau đó, những ý tưởng siêu việt hóa đã tác động với Covid, cho chúng ta thấy các công nghệ này không bảo vệ chúng ta như chúng ta nghĩ. Dịch bệnh đã buộc chúng ta phải thương tiếc ý tưởng về bất kỳ sức mạnh công nghệ nào. Đó là một điều khá tốt.
Có một ý nghĩ kỳ diệu xung quanh công nghệ. Chúng ta biết, đối với một nền văn minh, mọi công nghệ đủ tiến bộ nào cũng đều có yếu tố ma thuật. Khi những kẻ đi chinh phục châu Mỹ đứng trên yên ngựa và mặc áo giáp sắt, thổ dân châu Mỹ tin họ là những vị thần!
Theo cha, các công nghệ này có phải là các vị thần mới của ngày nay không?
Tôi ấn tượng với cách mà các thiệt bị đi vào từng ngôi nhà: chúng thường ở giữa nhà bếp (ở Âu Mỹ nhà bếp thường có một bàn dài cao ở giữa). Sau khi được kết nối với hệ thống sưởi, điện và báo động, chúng là những người bảo vệ ngôi nhà. Khi bạn ra khỏi nhà, thiết bị thông báo tất cả điện thoại trong nhà đã ở ngoài. Nó tự động bật hệ thống báo động, giảm nhiệt độ. Nó chăm sóc căn nhà.
Dĩ nhiên không ai cho chúng là những vị thần, cũng không quỳ gối trước mặt chúng, nhưng cuối cùng chúng có một vị trí. Có những trẻ em nói, “không, con không mang áo mưa vì con đã hỏi Google và Google nói trời sẽ không mưa.” Như thế công nghệ trở thành một dạng quyền hành. Đó là biểu tượng của một mối quan hệ nào đó với công nghệ. Giống như liên hệ với điện thoại cầm tay. Chúng ta nhìn máy nhiều lần trong ngày, và nếu không có nó, chúng ta có cảm tưởng như mình mất định hướng.
Cha có quan hệ như vậy với điện thoại cầm tay không? Hay cha tạo được một khoảng cách với nó?
Tôi tạo được một khoảng cách với nó vì tôi biết, để có một đời sống lành mạnh, cần phải đặt ra các quy tắc. Ví dụ: đặt nó ở chế độ máy bay vào những thời điểm nhất định, tắt nó để không thấy các thông báo khi đang sáng tác hoặc khi đang họp.
Nhưng chúng ta cũng nói những chuyện nằm ngoài ý thức, ngoài luật của xung năng. Đó là những gì bạn phải cẩn thận. Một thuật toán có thể phát hiện chúng ta đang chán nản và xúi chúng ta mua món hàng gì đó để bù đắp, đặt chúng ta vào tình huống dễ bị tổn thương, đẩy chúng ta bỏ phiếu cho người này, người kia. Ở đó, cần một điều chỉnh cần thiết.
Linh mục Éric Salobir
1970. Năm sinh
1993. Tốt nghiệp Viện Cao đẳng Thương mại Paris.
1999. Vào Dòng Đa Minh sau kinh nghiệm làm ở ngân hàng
2011-2018. Làm truyền thông cho Dòng Đa Minh, thành lập mạng Optic
2014. Thành viên của Ủy ban Cải cách Truyền thông Vatican
2017. Chuyên gia tư vấn truyền thông của Bộ Truyền thông
2019. Cố vấn của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa
2021. Thành viên Hội đồng kỹ thuật số Quốc gia
——
Sách yêu thích của linh mục
- Du hành vào không gian (L’Odyssée de l’espace, tác giả Arthur C. Clarke) “Quyển tiểu thuyết tuyệt đối hấp dẫn này kể về cách mà cỗ máy học hỏi, có được nhân cách và phát triển chứng loạn thần kinh. ‘Thuyết vận chuyển’ này rất thú vị khi một mặt, máy móc và con người tương tác ngang nhau, mặt khác, con người và một dạng sống ngoài trái đất cuối cùng hòa vào nhau. Ngay từ những năm 1960, tác giả đã đặt nhiều câu hỏi về mối quan hệ với công nghệ.”
Phim của linh mục
Blade Runner, của Ridley Scott
“Tác phẩm kinh điển lập dị này chất vấn chúng ta về căn tính của chúng ta với một người muốn trở thành con người và không biết điều đó và một người đặt câu hỏi về nhân tính của chính mình. Tôi có nhân đạo không? Tôi có vô nhân đạo không? Đây là những câu hỏi mà chúng ta luôn phải tự hỏi mình theo các lựa chọn của mình.”
Quang cảnh của linh mục
Biển
“Đó là nơi tôi thực sự tìm kiếm được năng lực cho tôi. Khi bạn ở biển, thời gian không trôi qua cùng tốc độ như khi bạn ở đất liền. Bạn có thể ngủ một giấc trưa trên con thuyền và khi thức dậy, bạn có cảm tưởng không có gì thay đổi, nhưng thật ra bạn đã đi một quãng đường dài. Chúng ta thực sự đang ở trong tình trạng mất kết nối.”
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Éric Salobir: “Linh mục thì thầm vào tai các công ty GAFA
Erik Salobir: “Trí thông minh nhân tạo có thể là cơ hội để tăng cường lợi ích chung”