Đầu tư tài chính: Cuộc điều tra ở Vatican tiết lộ sự việc
Tòa án Vatican Vatican Media
Tổng hợp báo cáo
fr.zenit.org, Anne Kurian-Montabone, 2021-07-03
Sau cuộc điều tra về các khoản đầu tư tài chính của Tòa thánh ở London, mười người – kể cả cựu hồng y Angelo Becciu – bị buộc tội trong một phiên tòa sẽ mở ngày 27 tháng 7 năm 2021. Vatican News đưa ra báo cáo tổng hợp của Vatican, tố cáo các tội tham ô, lạm dụng quyền lực, lừa đảo, rửa tiền ở cấp cao trong hệ thống phân cấp tài chính của Vatican.
Tất cả bắt đầu với khoản đầu tư của Phủ Quốc Vụ Khanh trong quỹ “Athena Capital Global Opportunities” của thương gia người Ý Raffaele Mincione, từ tháng 6 năm 2013 đến tháng 2 năm 2014. Ông Mincione được ông Enrico Crasso, người quản lý di sản của Quốc vụ khanh giới thiệu, cơ quan thiếu kinh nghiệm trong các khoản đầu tư phức tạp. Người thay thế sau đó là cựu hồng y Angelo Becciu.
Phủ Quốc Vụ Khanh vay của Quỹ Tín dụng Thụy Sĩ, Credit Suisse, 200 triệu đô la (168 triệu âu kim) để đầu tư vào quỹ của ông Mincione. Ông này dùng một phần lớn tiền của Tòa Thánh trong các chi dùng cá nhân, các giao dịch “liều lĩnh và đầu cơ quá trục lợi”. Đặc biệt ông dùng để trả nợ cho công ty ENASARCO, đánh giá quá cao trị giá của tòa nhà London mà ông bán cho Tòa Thánh với giá “không tương xứng” – dù Hiến binh Vatican đã khuyên không nên tin vào ông Mincione.
Sau vài năm, rõ ràng là hoạt động này bất lợi cho Tòa Thánh. Chúng ta cần phải “cứu những gì còn có thể cứu” và sở hữu tòa nhà. Mối quan hệ với thương gia Mincione ngày càng xấu, một phần vì ông ngưng trả lót tay chợ đen cho ông Crasso và ông Fabrizio Tirabassi, nhân viên của Văn phòng Quốc vụ khanh, người cũng bị buộc tội. Ông này bị nghi ngờ đã cung cấp thông tin về đời sống riêng của các quản trị viên của Vatican.
Và đó là khi nhà tài chính người ý Gianluigi Torzi ra tay, ông thiết lập một hoạt động trong đó Quốc vụ khanh giải ngân 40 triệu bảng Anh (46 triệu âu kim) để mua lại tòa nhà. Nhưng ông Torzi, trên thực tế là người thông đồng với ông Mincione, nắm quyền kiểm soát quyết định trên bất động sản nhờ các đồng phạm ở Vatican và thông qua sự hợp tác của luật sư người ý Nicola Squillace.
Đến tháng 10 năm 2018, tân Phó Ngoại trưởng phụ tá, tổng giám mục Edgar Peña Parra được thông báo một phần của hoạt động mới này. Nhưng cả ngài và hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đều không biết hiệu lực pháp lý của hợp đồng được ký kết “chóng vánh” ngày 22 tháng 11 năm 2018. Một tháng sau, tổng giám mục Peña Parra biết được nội dung thực của nó: các tài liệu giả đã được trình cho ngài.
Đức ông Alberto Perlasca, đại diện Tòa Thánh ký hợp đồng, bị cách chức và được thay thế bởi Đức ông Mauro Carlino, cựu thư ký của hồng y Becciu, Đức ông Carlino cũng bị truy tố. Sau đó là các cuộc đàm phán kéo dài để đi ra khỏi “vụ phi lý” này, để ông Torzi nắm toàn bộ quyền lực, kể cả trong lĩnh vực tài chính của Vatican.
Tháng 5 năm 2019, một thỏa thuận đã đạt được, lấy lại tòa nhà cho Tòa thánh để đổi lấy 15 triệu âu kim. Khoản thanh toán mới này được chứng minh là do giả mạo từ ông Tirabassi, làm thay đổi hợp đồng chính thức năm 2018 bằng cách thêm khoản ghi nhận nợ 3% có lợi cho ông Torzi.
Tại Cơ quan Thông tin Tài chính Vatican (AIF), ông chủ tịch René Brülhart và giám đốc Tommaso Di Ruzza bị cáo buộc “che giấu các bất thường trong vụ London” đưa ra một “bề ngoài đáng tin cậy” cho “một khoản thanh toán mà mọi người đều biết là không mắc nợ” bằng cách dùng các hóa dơn giả.
Hình ảnh của hồng y Becciu chỉ can thiệp vào giai đoạn thứ hai trong cuộc điều tra: tháng 5 năm 2020, với tư cách là tổng trưởng Bộ Phong thánh, cựu hồng y xúc tiến hai đề nghị mua lại tòa nhà với hơn 340 triệu âu kim bởi Fenton Whelan, và Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản BP. Một trong các đơn mua nhà kết hợp giữa một công ty mờ ám của cựu nghị sĩ Ý Giancarlo Innocenzi Botti và nhà ngoại giao Giovanni Castellaneta.
Hồng y Becciu cũng bị cho là đã cố gắng thuyết phục Đức ông Perlasca rút lại các tuyên bố của Đức ông với các thẩm phán để tránh bị ngồi tù. Trong bản báo cáo, các chủ mưu của cựu hồng y bị cho là có tính cách “can thiệp”. Các nhà điều tra nhấn mạnh đến lạm dụng quyền lực đã thấy khi bắt đầu vụ án, dùng tiền của Quỹ Thánh Phêrô đầu cơ vào các dịch vụ trục lợi của ông Mincione.
Cựu hồng y Becciu cũng bị buộc tội hợp tác với người anh của hồng y là ông Antonino dùng tiền tài trợ của Vatican và của Hội đồng Giám mục Ý. Quỹ đã không được dùng trong các việc từ thiện như dự trù, nhưng đã dùng để mua bất động sản cho một người cháu của hồng y.
Cuối cùng là vai trò của bà Cecilia Marogna, quản trị viên người Ý, được đưa ra ánh sáng do đơn tố cáo của Cảnh sát Slovenia về những chuyển khoản đáng ngờ trong tài khoản của công ty Logsic Humanitarne Dejavosti của bà: các khoản thanh toán từ Phủ Quốc Vụ Khanh số tiền 575.000 âu kim đã được dùng để trả hàng hóa thời trang và khách sạn sang trọng. Trong một phỏng vấn với Rai Report, bà Cecilia Marogna khai đã nhận được số tiền này cho các hoạt động tình báo của cựu hồng y Becciu giao, bà khai bà đã dùng số tiền này mua tự do cho một nữ tu bị bắt làm con tin.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Vụ án Becciu, dấu hiệu cho thấy thời thế đã thay đổi ở Vatican
Đức Phanxicô tổng dọn dẹp hệ thống tài chánh Vatican
Hồng y Parolin hứa sẽ ra làm chứng tại tòa nếu ngài được mời