Phương pháp Phanxicô gây khó khăn ngay cả trong căn cứ của ngài

197

Phương pháp Phanxicô gây khó khăn ngay cả trong căn cứ của ngài

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2021-06-28

Trên một số chủ đề nhạy cảm như phá thai, đồng tính, giáo hoàng đã gây hoang mang, tạo rắc rối nơi nhiều người công giáo. Cải cách giáo triều đáng lý sẽ công bố vào ngày 29 tháng 6, nay bị hoãn lại thêm một lần nữa.

Giữa hình ảnh nhanh nhẹn của một siêu anh hùng hiện đại và những bức tượng bất biến của Vatican đại diện cho Thánh Phêrô-Phaolô được mừng kính ngày 29 tháng 6, không có một mối liên hệ nào. Ngoại trừ liên hệ mà giáo hoàng đã có thể tạo ra trong buổi tiếp kiến chung ngày 23 tháng 6, khi ngài tiếp người Ý khá đặc biệt Mattia Villardita trong bộ áo… Người nhện. Anh dùng y phục Spiderman để đến thăm và an ủi các bệnh nhi ở các bệnh viện Ý. Ngài chúc mừng và khuyến khích “người nhện” trong công việc đầy lòng trắc ẩn này. Tuy nhiên, trang web chính thức của Vatican đã không lưu lại hình ảnh bất thường của cuộc gặp dù các hình ảnh này đã luân lưu khắp thế giới.

Sự tương phản giữa chiếc áo chùng trắng và bộ áo liền quần màu đỏ và xanh của Villardita có thể là hình ảnh của tình trạng hỗn loạn mà Vatican hiện đang trải qua, bị quay cuồng từ đầu đến chân với những cải cách toàn diện. Đức Phanxicô, 85 tuổi vào tháng 12 tới, đi đứng chậm chạp do chứng thần kinh tọa kinh niên, nhưng tinh thần rất nhanh nhẹn và muốn tiến nhanh công việc cải tổ Giáo hội và cũng là để lại dấu ấn của mình. Trong triều giáo hoàng – chín năm tính đến tháng 4 năm 2022 – các bức tường đã rơi, các tượng đài, dù là các giám chức hay thể chế giáo hội đã sụm. Điều này tạo ra hoang mang, thậm chí chóng mặt cho một số người trung thành, nhưng cũng tạo lòng ngưỡng mộ nơi một số người khác.

Tuy nhiên, tình huống còn nghiêm trọng hơn bộ phim Spiderman Hollywood: trước câu hỏi liệu có ai biết “Giáo hội và Vatican bây giờ ở đâu không?”, một giám chức có kinh nghiệm lâu năm thừa nhận “tình thế khó đọc được”. Sự thận trọng và chừng mực trong lời nói của giám chức này là đặc trưng của một thế giới giáo sĩ vừa khép kín vừa cởi mở với toàn thế giới. Vị linh mục này cũng biết các cuộc chiến ở Vatican không phải là nhịp đập trái tim thiêng liêng của Giáo hội. Nhưng những biến động ở người đứng đầu hệ thống dù sao cũng mang một ý nghĩa quan trọng đối với đường lối thay đổi do Đức Phanxicô lãnh đạo, vốn đã diễn ra khá suôn sẻ khi bắt đầu triều giáo hoàng của ngài năm 2013, nhưng nay đã không còn.

Ý thức xấu của tập thể

Trên những vấn đề nhạy cảm như ly dị tái hôn, đồng tính, phá thai, Đức Phanxicô muốn đưa Giáo hội “đến gần với mọi người.” Một số thấy đức tin công giáo đang gặp nguy hiểm, một số khác thấy nó chưa bao giờ được nói lên một cách tốt hơn như bây giờ. Trước những phân chia ngày càng thầy rõ lại bị cọng thêm chấn thương của các vụ ấu dâm. Theo thống kê, đây chỉ liên quan đến một số ít linh mục lệch lạc, nhưng những vụ bê bối này đã trở thành một loại lương tâm xấu của tập thể. Tinh thần không được ổn chung quanh Quảng trường Thánh Phêrô và xa hơn là các buổi chúc lành cho thành phố Rôma và cho thế giới, Urbi et Orbi. Từng bước đi của Đức Phanxicô bị xem xét từng chút, không còn là việc dò tìm sự táo bạo như thuở ban đầu của ngài, đây là chủ đề bị cả bên tả, bên hữu chỉ trích vì ngài cho cảm tưởng nói không, nói có cùng một lúc. Trả lời cho những người dám gợi lên đây là “hồi cuối triều giáo hoàng của ngài”, một số người thân cận của ngài đảm bảo “ngài biết ngài sẽ đi đâu”.

Bài đọc thêm: “Vatican bùng nổ”, hệ quả của sự sụp đổ lâu dài và dần dần của cơ cấu quản trị và sứ vụ của Giáo hội công giáo

Một trong những hồ sơ trì hoãn gần đây là hồ sơ về người đồng tính. Bộ Giáo lý Đức tin đã công bố một lưu ý vào ngày 15 tháng 3 nhắc lại việc ban phép lành cho người đồng tính là không “đúng luật”. Văn bản chính thức – và vẫn còn trên trang web của Vatican – cho biết Đức Phanxicô đã được “thông báo” về nội dung của lưu ý này và nhất là ngài đã “đồng ý” để nó được công bố. Nhưng đối diện trước sự phản đối kịch liệt ở Hoa Kỳ và ở Đức chống lại ghi chú này, Đức Phanxicô đã sửa tình huống bằng cách đề nghị, qua hai tuyên bố, rằng cá nhân ngài không đồng ý với tinh thần của ghi chú. Thậm chí những người thân cận giải thích ngài rất phản đối điều này… Thực tế, ngài luôn bảo vệ phẩm giá của những người đồng tính. Các nguồn tin thông thạo khác ở Vatican đảm bảo, ghi chú cực kỳ nhạy cảm nổi tiếng ngày 15 tháng 3 này được xem là đã “đi qua đi về nhiều lần” giữa người ký, hồng y Dòng Tên Ladaria, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và văn phòng giáo hoàng, như thế văn phòng đã được thông báo đầy đủ về nội dung và việc công bố nó.

Hà hơi dân chủ và phân quyền

Sự hoang mang về chủ đề này vừa bùng trở lại ngày 17 tháng 6 với việc công bố trên báo chí một “lưu ý miệng” – luôn giữ trong vòng bí mật – do các dịch vụ ngoại giao Tòa thánh soạn gởi cho chính phủ Ý, chống việc thông qua luật chống kỳ thị đồng tính đang được thảo luận ở Ý. Giáo hội lo ngại hậu quả của những biện pháp như vậy đặc biệt trong các trường công giáo nói riêng. Nhưng, cú ngoạn mục, ngày 27 tháng 6, một thư cá nhân của Đức Phanxicô viết cho linh mục Dòng Tên người Mỹ, cha James Martin, người bảo vệ tích cực cho người đồng tính ở Giáo hội Hoa Kỳ, được chính linh mục Martin đưa ra công khai và thậm chí còn được đăng trên trang web của Vatican. Đức Phanxicô khuyến khích “công việc mục vụ” của linh mục đang gây nhiều tranh cãi ở Mỹ trong mục vụ của ngài với người đồng tính: “Trái tim Thiên Chúa mở rộng cho tất cả mọi người và cho mỗi người. Cha là linh mục của tất cả mọi người vì Chúa là Cha của tất cả mọi người. Tôi cầu nguyện cho cha để cha có thể tiếp tục đi trên con đường này, con đường gần gũi, thương xót và rất dịu dàng.” Bức thư kết thúc: “Tôi cầu nguyện cho các tín hữu, các ‘giáo dân’ của cha.”

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô khuyến khích linh mục Dòng Tên  James Martin trong việc mục vụ với người đồng tính

Một chủ đề khác đang luân lưu, đó là quan điểm của Giáo hội trước việc phá thai. Đa số các giám mục Mỹ muốn từ chối không cho tổng thống Biden rước lễ vì ông ủng hộ chính sách phá thai, dù ông là người công giáo. Tập hợp trong cuộc họp ảo, ngày 18 tháng 6 các giám mục đã bỏ phiếu – 168 phiếu thuận, 55 phiếu chống và 6 phiếu trắng – để soạn thảo một văn bản chính thức loại trừ bất kỳ chính trị gia nào ủng hộ phthai không được rước lễ. Biện pháp này sẽ được từng giám mục trong giáo phận mình áp dụng. Chúng ta biết, Đức Phanxicô trực diện phản đối việc phá thai trên bình diện triết học và thần học, tuy nhiên ngài chống lại ý tưởng từ chối không cho rước lễ vì lý do này đối với các chính trị gia. Và với các lý do mục vụ vì điều này. Chỉ có 24% giám mục Hoa Kỳ theo ngài trong lựa chọn này. 73% dám công khai phản đối. Đây là một dấu hiệu hiếm hoi trong một Giáo hội công giáo khá kỷ luật. Đặc biệt là ở cấp giám mục vì họ được Rôma bổ nhiệm, một phần nào đó họ cũng như các giám chức.

Bài đọc thêm: Sự im lặng của giáo hoàng nói lên nhiều điều về cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi của các giám mục Hoa Kỳ

Chủ đề cuối cùng được nhiều người xem cũng cùng mâu thuẫn, giữa lời nói và thực tiễn: đó là “tính công nghị”. Đây là chủ đề trọng tâm của triều giáo hoàng cùng với việc bảo vệ người di cư và đưa tay ra với người hồi giáo. Tính công nghị ư? Chống lại mô hình tập trung và phân cấp, do đó bao gồm việc hà hơi dân chủ và phân quyền trong các quyết định của Giáo hội, ở tất cả các cấp, từ Rôma, giáo phận, giáo xứ theo mô hình Giáo hội chính thống và tin lành. Hai cải cách lớn đang tiến hành. Đức Phanxicô hy vọng, một thượng hội đồng về “tính công nghị” bắt đầu trên toàn thế giới vào mùa thu này để Giáo hội học, không còn suy nghĩ tập trung vào Rôma, ít nhất là Đức Phanxicô mong như vậy. Cải cách còn lại là “cải cách giáo triều” đang chờ một Hiến pháp mới. Được xây dựng trong gần bảy năm, cải cách đã được thông báo nhiều lần và luôn bị hoãn lại. Thậm chí còn được cho là sẽ được ra mắt ngày 29 tháng 6.

Với nhiều người, điều vướng mắc không phải là chính sách công nghị được Đức Phanxicô phát động và khuyến khích trong Giáo hội Đức và Ý, nhưng họ cáo buộc “guồng máy độc tài và cá nhân, thường là theo trực giác” của giáo hoàng bên trong Giáo hội. Trách cứ không phải là cô lập và cũng không phải do những người gièm pha, nhưng đúng hơn là thất vọng.

Ba sự việc được bàn lại: phủ Quốc vụ khanh, trái tim của giáo triều đã bị loại khỏi cuộc chơi, kể cả về mặt tài chính. Đó là giáo hoàng cai quản, một mình. Thường thường qua các tự sắc (đã có 46 tự sắc kể từ đầu triều giáo hoàng, một chuyện chưa từng thấy). Thêm nữa, các hồng y Rôma đã không được tập hợp với các đối tác nước ngoài đồng vai để tham khảo ý kiến trong sáu năm rưỡi qua. Và cuối cùng, năm bộ của Vatican đang được kiểm tra hoạt động. Đây là điều mới và tạo ra bầu khí sợ hãi.

Ví dụ thứ nhì, Vụ Becciu, tên được đặt theo tên của cựu nhân vật thứ 3 Vatican. Cựu hồng y Becciu đã bị Đức Phanxicô bất ngờ cách chức tháng 9 năm 2020 vì các cáo buộc, kể cả các cáo buộc tài chính, điều mà cựu hồng y quyết liệt phủ nhận. Tuy nhiên, ngài lại đến tư thất của cựu hồng y Becciu để cử hành thánh lễ ngày Thứ Năm Tuần Thánh, như dấu hiệu của một sự phục hồi. Nhưng vị giám chức thất sủng luôn chờ một lời giải thích và một phiên tòa pháp lý tại Vatican.

Ví dụ thứ ba, cái tát nên thân, hoặc người ta có cảm giác như vậy, ngài đã làm ngày 24 tháng 5, giáng trực tiếp đến các nhân viên truyền thông của Tòa thánh (Osservatore Romano, Đài phát thanh Vatican, Vatican News), các nhân viên đã chào đón ngài nhân ngày thành lập các cơ quan truyền thông Vatican. Ngài chúc mừng họ về “tổ chức đẹp” nhưng lại so sánh họ với “quả núi đẻ ra con chuột”. Một vòi nước lạnh cóng.

Bài đọc thêm: Truyền thông Vatican của Đức Phanxicô trong tình trạng căng thẳng cao độ

Đâu có sinh đẻ thì ở đó có đau đớn, Vatican không tránh được ngoại lệ, nhưng đối với nhiều người, niềm vui phục vụ không còn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch