americamagazine.org, Linh mục Dòng Tên Michael J. O’Loughlin, 2021-06-10
Tổng giám mục José H. Gomez, giáo phận Los Angeles, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, mỉm cười ngày 16 tháng 11 năm 2020, tại trụ sở Hội đồng Giám mục Mỹ ở Washington trong cuộc họp ảo mùa thu của các giám mục. (Ảnh CNS / Bob Roller)
Khi các giám mục Hoa Kỳ nhóm họp ảo vào tuần tới, các giám mục dự trù sẽ bỏ phiếu ít nhất chín mục, dù các vấn đề mục vụ mới về hôn nhân và giới trẻ có thể tạo một số thảo luận, nhưng hầu hết cặp mắt sẽ tập trung vào cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi liên quan đến Bí tích Thánh Thể mà một số người lo sợ sẽ bị chính trị hóa. Vấn đề rước lễ nhắm vào vị tổng thống công giáo thứ hai của quốc gia.
Đầu năm nay, giám mục Kevin Rhoades, chủ tịch ủy ban giáo lý của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, đã có những bước đầu tiên trong quy trình có thể dẫn đến việc các giám mục thông qua một tuyên bố chính thức liên quan đến “tính nhất quán của Thánh Thể”. Theo bản thảo của đề xuất được gởi đến các giám mục Hoa Kỳ ngày 22 tháng 5 kèm với phần lưu ý của tổng giám mục José Gomez, chủ tịch hội đồng, tuyên bố đề xuất vừa là câu trả lời của kế hoạch chiến lược tập trung vào giáo lý về rước lễ, vừa là khuyến nghị của một nhóm làm việc mà tổng giám mục Gomez đưa ra sau cuộc bầu cử Tổng thống Joe Biden tháng 11 năm ngoái. Ông Biden, tổng thống công giáo thứ hai của quốc gia, ủng hộ việc cho phá thai, điều mà Giáo hội lên án.
“Hầu hết cặp mắt sẽ tập trung vào cuộc bỏ phiếu gây tranh cãi liên quan đến Bí tích Thánh Thể mà một số người lo sợ sẽ bị chính trị hóa. Vấn đề rước lễ nhắm vào vị tổng thống công giáo thứ hai của quốc gia.”
Bản đề xuất viết: “Tuyên bố sẽ được gởi đi cho tất cả giáo dân công giáo”, phần lưu ý ghi nhận “bao gồm nền tảng thần học cho kỷ luật của Giáo hội liên quan đến việc rước lễ và lời kêu gọi đặc biệt dành cho giáo dân công giáo có trình độ văn hóa, chính trị, hoặc các người đứng đầu giáo xứ để làm chứng cho đức tin”.
Vào cuối tháng 4, tổng giám mục Gomez đã thông báo với Vatican Hội đồng dự định soạn thảo một văn kiện liên quan đến Bí tích Thánh Thể. Các kế hoạch cho cuộc bỏ phiếu đã được công khai vào tháng 4, khi tổng giám mục Joseph Naumann của giáo phận Kansas, chủ trì Ủy ban phò sự sống của Hội đồng Giám mục Mỹ, tuyên bố với hãng tin Associated Press cần chỉ trích Tổng thống Biden về việc ông ủng hộ quyền phá thai. Đầu tháng 5, hồng y Dòng Tên Luis F. Ladaria, Bộ trưởng Bộ Tín Lý đã gởi thư cho tổng giám mục Gomez, trong đó ngài kêu gọi các giám mục Hoa Kỳ tiến hành chậm rãi và tìm kiếm sự thống nhất về chủ đề này.
Hồng y Ladaria viết: “Giáo đoàn lưu ý, một chính sách như vậy, với bản chất có thể gây tranh cãi, có thể có tác dụng ngược và trở thành lý do cho bất hòa hơn là cho thống nhất trong hàng ngũ giám mục và rộng hơn là cho Giáo hội Mỹ.”
Gần 70 giám mục đã ký một thư đề ngày 13 tháng 5 xin tổng giám mục Gomez trì hoãn cuộc thảo luận về tài liệu này, cho đến khi các giám mục có thể họp trực tiếp.
“Bản chất nghiêm trọng của những vấn đề này – đặc biệt là buộc phải xây dựng dựa trên bản chất thống nhất – làm chúng ta không thể giải quyết chúng một cách hiệu quả trong bối cảnh rạn nứt và cô lập của một cuộc họp ảo”, bức thư viết xin trì hoãn cuộc bỏ phiếu, ban đầu được bốn hồng y Mỹ ký, trong đó có hồng y Wilton Gregory, giáo phận Washington.
Nhưng vào ngày 22 tháng 5, tổng giám mục Gomez đã phân phát một bản lưu ý cho tất cả các giám mục Hoa Kỳ thông báo với họ cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào tháng 6. Bản lưu ý ghi rằng, đề xuất đã tuân theo các thể thức đã được thiết lập và áp dụng từ hàng chục năm nay.
Cuộc họp tuần tới sẽ là cuộc họp lần thứ nhì của Hội đồng Giám mục Mỹ, thường họp hai lúc nào một năm, cuộc họp được họp ảo vì đại dịch. Các giám mục mong sẽ họp ‘thật’ vào tháng 11 này.
Văn hóa đồng thuận đang lâm nguy?
Linh mục Dòng Tên Thomas Reese, nhà viết khảo luận cho trang Dịch vụ Tin tức Tôn giáo (Religion News Service) và là cựu tổng biên tập America nói, theo một cách nào đó, sự xung đột này cho thấy “quy trình đang hoạt động”, vì cuộc bỏ phiếu được dự đoán là không chấp nhận một giáo lý mới về rước lễ nhưng để bắt đầu một quá trình soạn thảo một tài liệu. Nhưng đồng thời, các trả lời công khai qua lại cho thấy hội đồng giám mục “khá chia rẽ” về vấn đề này.
Linh mục Reese nói: “Trong quá khứ, văn hóa của hội đồng là đồng thuận, đồng thuận và đồng thuận.” Linh mục cho biết, trong những năm gần đây, một thông điệp lặp đi lặp lại của Đức Phanxicô và Vatican cho các giám mục Hoa Kỳ đều tập trung vào cùng ý tưởng: xây dựng sự đồng thuận trước khi tiến hành các chủ đề gây tranh cãi.
Linh mục Reese nói: “Điều này không có nghĩa là nhất trí. Nhưng cũng không có nghĩa là đa số tương đối hoặc hoặc thậm chí là hai phần ba phiếu bầu, theo cách suy nghĩ của họ.”
Linh mục cho biết, nếu không có sự thống nhất, Vatican lo ngại sự phân chia tác động giữa các giám mục sẽ ảnh hưởng đến giáo huấn của Giáo hội.
Ngài nói: “Điểm mấu chốt là Vatican không thích những bất đồng công khai giữa các giám mục, vì nó làm rạn nứt hình ảnh của huấn quyền thống nhất, nói bằng một tiếng nói và biết mình đang làm gì”.
“Điểm mấu chốt là Vatican không thích những bất đồng công khai giữa các giám mục, vì nó làm rạn nứt hình ảnh của huấn quyền thống nhất, nói bằng một tiếng nói và biết mình đang làm gì”.
Linh mục Reese cho biết, ngài nghĩ một số giám mục dấn thân mạnh mẽ cho việc phò sự sống cũng miễn cưỡng đấu tranh với các chính trị gia công giáo ủng hộ quyền lựa chọn. Điều này làm cho ngài tự hỏi liệu những người ủng hộ tài liệu được đề xuất có thể có được 2/3 số phiếu cần thiết để chấp nhận tài liệu hay không, nếu tuần tới họ giành được phiếu bầu để bắt đầu soạn thảo nó.
Và dù cuối cùng hội đồng chấp nhận tài liệu, được xem như một cố gắng buộc các giám mục riêng lẻ đưa ra quyết định việc ai đủ điều kiện để rước lễ trong giáo phận của họ, thì Rôma có thể can thiệp.
Linh mục Reese nói: “Câu trả lời từ Rôma khá nhất quán, đó là quyết định thuộc về giám mục địa phương. Những người muốn có một chính sách quốc gia đang gặp khó khăn nghiêm trọng trước hàng rào cản này. Thêm nữa, các nhà lãnh đạo Vatican đang dè chừng về những động lực khó xử có thể xảy ra do kết quả của một tài liệu như vậy.”
Linh mục nói: “Ông Biden có thể đến thăm giáo hoàng ở Rôma và có thể rước lễ ở đó, nhưng không thể rước lễ ở Mỹ. Đây không phải là điểm chính mà Giáo hội cần.”
Một trong những người ủng hộ việc bỏ phiếu, tổng giám mục Salvatore Cordileone, giáo phận San Francisco, đã nói với trang America, ngài thừa nhận khả năng một chính trị gia công giáo có thể bị cấm rước lễ trong một số giáo phận cụ thể nào đó.
Ngài nói: “Có một bất tiện là có thể tạo một số hoang mang nếu họ được rước lễ ở nơi này mà không ở nơi khác. Tuy nhiên, quan trọng là quyết định của giáo phận nào thì phải được tôn trọng ở giáo phận đó.”
Dù phần lớn cuộc thảo luận về tuyên bố được đề xuất tập trung vào tác động tiềm tàng của nó với ông Biden, nhưng các giám mục ủng hộ tài liệu cho biết, mục đích thực sự là hàn gắn việc dạy giáo lý để hiểu giáo huấn của Giáo hội về Bí tích Thánh Thể.
“Theo những cuộc khảo sát gần đây, rõ ràng là nhiều người công giáo còn thiếu hiểu biết về bản chất và ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể.”
Các thăm dò gần đây cho thấy giáo huấn của Giáo hội về Bí tích Thánh Thể – người công giáo tin rằng bánh và rượu được biến thành mình và máu thánh Chúa Kitô – đã không được các giáo dân bình thường hiểu rõ.
Đề xuất của ủy ban giáo lý nêu rõ, “theo những cuộc khảo sát gần đây, rõ ràng là nhiều người công giáo còn thiếu hiểu biết về bản chất và ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể.” Dù dường như không liên quan đến bất kỳ nghiên cứu nào, nhưng vào năm 2019, một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy chỉ một nửa giáo dân công giáo Mỹ hiểu được giáo huấn về Bí tích Thánh Thể. Tháng 11 năm ngoái, hội đồng giám mục đã thông qua kế hoạch chiến lược ba năm nhằm giảng dạy tốt hơn niềm tin của Giáo hội về Bí tích Thánh Thể.
Một phác thảo của tuyên bố được đề xuất cho thấy, một tuyên bố trong tương lai có thể bao gồm ba phần. Thứ nhất, nhắc lại niềm tin thần học của Giáo hội về Bí tích Thánh thể. Thứ hai, nêu bật vai trò của Bí tích Thánh thể trong đời sống của Giáo hội. Thứ ba, là phần gây tranh cãi, hạn chế những nhân vật công chúng không đồng ý với giáo huấn của Giáo hội được rước lễ. Ít có khả năng nêu tên bất kỳ nhân vật chính trị nào, nhưng có thể nêu rõ các hướng dẫn về thời điểm một nhà lãnh đạo chính trị có thể bị từ chối rước lễ.
Bà Kathleen Sprows Cummings, giám đốc Trung tâm Cushwa về Nghiên cứu Công giáo Hoa Kỳ tại Đại học Notre Dame cho biết, bà không chắc việc soạn thảo một tài liệu như vậy sẽ đạt được kết quả gì ngoài việc “đẩy mọi người xa nhà thờ”.
Bà Cummings nói, từ lâu Giáo hội Mỹ đã đấu tranh để dấn thân vào văn hóa Mỹ theo nghĩa rộng nhưng vẫn thông hiệp với Rôma.
Bà nói, cuộc tranh luận về rước lễ và vấn đề phá thai là “chuyện chính trị của nước Mỹ.”
Bà Cummings nói: “Tôi nghĩ ông Biden có thể làm được nhiều điều hơn nữa khi ông nói: ‘Hãy nhìn xem, chúng ta đang ở cùng một phía khi chúng ta cố gắng giảm thiểu số ca nạo phá thai’”. Thêm nữa, việc các giám mục “tập trung quá mức vào vấn đề phá thai và chính trị phá thai chỉ làm tôi hoang mang khi có rất nhiều vấn đề quan trọng khác mà các giám mục có thể cộng tác với ông Biden, người có thể là điều tốt nhất cho người công giáo Hoa Kỳ kể từ nhiều thập kỷ nay. Và họ đang lãng phí điều này.”
“Việc các giám mục “tập trung quá mức vào vấn đề phá thai và chính trị phá thai chỉ làm tôi hoang mang khi có rất nhiều vấn đề quan trọng khác mà các giám mục có thể cộng tác với ông Biden.”
Bà cho biết có tiềm năng cho các giám mục cộng tác với chính quyền về cải cách nhập cư, biến đổi khí hậu và tái định cư cho người tị nạn. Nhưng bà ngại các giám mục đang bỏ lỡ những cơ hội này chỉ vì tranh luận về việc có nên cho rước lễ hay không.
Bà Cummings nói: “Đó là nhân vật công giáo Mỹ hiển thị rõ nhất trên thế giới. Vì sao chúng ta không nghĩ về điều này như một lợi thế tiềm năng, để đạo công giáo thực sự tạo sự khác biệt trong nền chính trị Hoa Kỳ?”
Lời kêu gọi cho một tài liệu giảng dạy rõ ràng
Ông Mark Brumley, giám đốc nhà xuất bản Ignatius Press thấy cần phải có tài liệu rõ ràng về rước lễ và các nhà lãnh đạo chính trị công giáo.
Ông cho biết, ông không nghĩ các giám mục đang tìm cách tạo ra “một vũ khí chính trị hóa có mục tiêu” dùng để nhắm vào ông Biden hoặc các nhà lãnh đạo chính trị công giáo khác, nhưng thay vào đó tìm cách “giải quyết vấn đề mục vụ người công giáo đang gặp, họ không đánh giá đúng mức ý nghĩa của việc tham dự Bí tích Thánh Thể, nghĩa là trở thành môn đệ Thánh Thể của Chúa Giêsu”. Ông nói, một tài liệu như vậy có thể làm tha hóa người công giáo, nhưng ông nghĩ các giám mục phải giải quyết vấn đề này. Ông nói: “Bất cứ khi nào các giáo viên trong nhà thờ trình bày giáo lý xã hội công giáo thì cũng sẽ gặp một số rủi ro, sẽ có người không đồng ý với cách dạy hoặc không hiểu cách dạy và họ sẽ không thích nó”.
“Bất cứ khi nào các giáo viên trong nhà thờ trình bày giáo lý xã hội công giáo thì cũng sẽ gặp một số rủi ro, sẽ có người không đồng ý với cách dạy hoặc không hiểu cách dạy và họ sẽ không thích nó”.
Ít nhất có bốn giám mục tuyên bố ủng hộ cuộc bỏ phiếu ảo của việc đề xuất, trong đó có giám mục Michael Olson, giáo phận Dallas-Fort Worth, ngài ở trong ủy ban giáo lý, và tổng giám mục Salvatore Cordileone, giáo phận San Francisco.
Tổng giám mục Cordileone, người trước đây đã công khai đề nghị bà Namcy Pelosi, chủ tịch Hạ viện không nên rước lễ, ngày 25 tháng 5 ngài đăng trên trang web của giáo phận “vô cùng đau buồn trước giọng điệu gay gắt trước công chúng giữa các giám mục.”
Tổng giám mục Cordileone nói, tài liệu đề xuất không nên được coi là “chính sách quốc gia” về việc ai có thể rước lễ nhưng đúng hơn là “nguồn lực cho các giám mục” để dùng khi các tình huống cụ thể phát sinh. Khi được hỏi liệu ngài có tin có sự đồng thuận giữa các giám mục để tiến tới việc soạn thảo một văn bản như vậy hay không, ngài cho rằng có sự bất đồng nhưng nói thêm, ngài tin có một “đa số mạnh” ủng hộ.
Tổng giám mục Cordileone nói, tài liệu đề xuất không nên được coi là “chính sách quốc gia” về việc ai có thể rước lễ nhưng đúng hơn là “nguồn lực cho các giám mục” để dùng khi các tình huống cụ thể phát sinh.
Một giám mục khác, giám mục Thomas Paprocki của giáo phận Springfield, Illinois, đã đưa ra lời tuyên bố đáp lại bức thư gởi cho tổng giám mục Gomez, ngài chỉ trích các giám mục đồng nghiệp và ông Biden, người mà ngài gọi là “người công giáo ủng hộ cho tệ nạn phá thai, hôn nhân đồng tính, và chuyển giới.”
Năm 2016, giám mục Kevin Rhoades, hiện là người đứng đầu ủy ban giáo lý, đã công khai chỉ trích Đại học Notre Dame vì đã tặng huân chương Laetare cho Phó Tổng thống Joe Biden lúc bấy giờ, năm đó huân chương này cũng được trao tặng cho cựu Chủ tịch Hạ viện John Boehner. Giám mục cho rằng, việc ông Biden ủng hộ phá thai và hôn nhân đồng giới làm cho ông không phải là một lựa chọn phù hợp để nhận huân chương cao quý này.
Tổng giám mục Cordileone tuyên bố, ngài ủng hộ việc nhấn mạnh trong bản tuyên bố tương lai rằng phá thai là vấn đề “hàng đầu” khi xét đến việc xứng đáng hay không xứng đáng để rước lễ – ngôn ngữ được các giám mục thông qua năm 2019 cho hướng dẫn bỏ phiếu của họ sau một cuộc tranh luận gây tranh cãi – nhưng nói thêm, có những giáo lý công giáo khác mà các chính trị gia công giáo nên cân nhắc khi họ muốn rước lễ. Ngài nói, dù tài liệu sẽ không nêu tên các nhà lãnh đạo chính trị cụ thể nào, nhưng nó có thể “gây chú ý nhiều hơn về vấn đề” liệu ông Biden hay bà Pelosi có nên rước lễ hay không.
Ông Biden đi lễ hàng tuần ở giáo xứ quê nhà của ông ở Delaware hoặc ở giáo xứ Most Holy Trinity ở Washington, các phương tiện truyền thông nói chung không được phép vào bên trong nhà thờ. Ông công khai nói về đức tin công giáo của mình, nhưng im lặng về những tranh cãi mới nhất liên quan đến việc rước lễ.
“Giám mục Thomas Paprocki của giáo phận Springfield, Illinois, đã chỉ trích các giám mục đồng nghiệp và ông Biden, người mà ngài gọi là “người công giáo ủng hộ cho tệ nạn phá thai, hôn nhân đồng tính, và chuyển giới.”
Hồng y Wilton Gregory, tổng giám mục giáo phận Washington, đã nói ngài sẽ không từ chối việc cho ông Biden rước lễ; đây cũng là ý kiến của giám mục Francis Malooly, giáo phận Wilmington, ngài đã nghỉ hưu vào tháng 4. Người kế nhiệm là giám mục William E. Koenig, trong một cuộc họp báo vào tháng 4 cho biết hàng ngày ngài cầu nguyện cho ông Biden và sẵn sàng nói chuyện với tổng thống về việc rước lễ, nhưng ngài không nêu quan điểm của mình về việc liệu ngài có cấm một chính trị gia công giáo ủng hộ lựa chọn có được rước lễ hay không. Giám mục Koenig sẽ nhận nhiệm sở ngày 13 tháng 7.
Giám mục nghỉ hưu Gerald Kicanas của giáo phận Tucson, phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ từ năm 2007 đến năm 2010, nói với trang America, ngài lấy “làm tiếc” các giám mục dự định tiến hành bỏ phiếu về đề xuất trước khi có thể gặp trực tiếp và ngài lo các giám mục đồng hữu của mình không nghe lời kêu gọi của Đức Phanxicô về sự hợp nhất giữa các giám mục.
Ngài tuyên bố: “Rõ ràng là hội đồng của chúng ta không có một tiếng nói duy nhất về vấn đề này.” Ngài đồng ý Giáo hội Mỹ phải làm công việc tốt nhất để dạy giáo lý cho giáo dân về Bí tích Thánh Thể, tranh cãi xung quanh tài liệu này không phải là biểu hiện của sự bất đồng về giáo lý của giáo hội mà về các vấn đề đời sống.
Giám mục Gerald Kicanas tuyên bố: “Rõ ràng phá thai là điều mà không giám mục nào khuyến khích hay ủng hộ. Tôi nghĩ mọi người đã rõ điều này. Nhưng đây là tình huống phức tạp trong một xã hội chính trị như xã hội chúng ta, về việc làm thế nào để sống đời sống môn đồ cá nhân cũng như sống trách nhiệm chính trị của mình.”
Trong một thông báo phát hành ngày 8 tháng 6, Hội đồng giám mục tuyên bố đã ghi chương trình bỏ phiếu trong lần họp, nhưng cũng có thể mục này sẽ bị trì hoãn.
Bắt đầu cuộc họp, các giám mục sẽ bỏ phiếu để chấp nhận chương trình nghị sự, chỉ cần đa số tương đối. Có thể sẽ có giám mục đưa kiến nghị trì hoãn cuộc bỏ phiếu. Tuy nhiên, nếu đề xuất được thông qua, có được đa số tương đối thì văn bản đề xuất sẽ được soạn thảo trong những tháng sắp tới và sẽ được biểu quyết vào tháng 11. Để chấp thuận thì sẽ cần 2/3 số phiếu.
Dù cuộc bỏ phiếu như thế nào, rõ ràng là không có đồng thuận rộng rãi giữa các giám mục khi đưa ra con đường phải theo về việc rước lễ cho các nhà lãnh đạo chính trị công giáo. Và điều đó làm giám mục Gerald Kicanas (phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Mỹ từ năm 2007 đến năm 2010) lo lắng. Ngài cho biết: “Tôi nghĩ Đức Phanxicô đã nói, sự khác biệt là lành mạnh, bất đồng là lành mạnh, nhưng sự chia rẽ và phân tán là không lành mạnh. Tôi hy vọng chúng ta sẽ không là hội đồng chia rẽ. Giáo dân đòi hỏi các giám mục phải phân cực, lựa chọn bên này hay bên kia. Là giám mục, chúng ta cần phải chống lại điều này. Đức Phanxicô đã nói, đó là lành mạnh khi có những bất đồng. Điều không lành mạnh, đó là điều Chúa Kitô sợ nhất: có các chia rẽ.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Giám mục San Diego: không công cụ hóa bí tích Thánh Thể