Năm điều cần biết để hiểu việc từ chức (và bị giáo hoàng từ chối) của hồng y Marx
fr.aleteia.org, Camille Dalmas, 2021-06-10
Hồng y Reinhard Marx, Tổng giám mục giáo phận Munich và Freising, Đức đã gởi thư xin từ chức đến Đức Phanxicô ngày 21 tháng 5, ngài nhận trách nhiệm về cuộc khủng hoảng lạm dụng ở Đức. Ngày 10 tháng 6, Đức Phanxicô đã từ chối đơn từ chức này. Giải thích các sự kiện.
1. Hồng Y Marx là ai?
Hồng y Reinhard Marx là một trong những hồng y có ảnh hưởng nhất trong Giáo hội công giáo ngày nay.
Ngài là Tổng Giám mục giáo phận Munich-Freising từ năm 2007, là chủ tịch Hội đồng Giám mục của Cộng đồng Châu Âu (COMECE) từ năm 2012 đến năm 2018, chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức từ năm 2014 đến năm 2020. Với tư cách là người đứng đầu Hội đồng Giám mục Đức, ngài đưa ra đường lối cho thượng hội đồng Đức năm 2018. Nhưng kể từ năm 2013, ảnh hưởng của ngài vượt xa khuôn khổ quốc gia hoặc châu Âu, ngài là thành viên của Hội đồng các Hồng y, một nhóm nhỏ có trách nhiệm cố vấn cho Đức Phanxicô lãnh đạo cải cách Giáo triều. Ngài cũng là người đứng đầu Hội đồng Kinh tế, cơ quan Vatican chịu trách nhiệm giám sát việc quản lý kinh tế và tài chính của Tòa thánh, kể từ năm 2014.
2. Vì sao ngài xin từ chức?
Ngày 21 tháng 5, hồng y Marx đã gởi đơn từ chức lên Đức Phanxicô, đơn được công bố công khai ngày 5 tháng 6, trong đó ngài cho biết đã đệ đơn từ chức lên giáo hoàng. Ngài biện minh cho quyết định của mình, ngài chịu trách nhiệm về sự thất bại của Giáo hội công giáo ở Đức trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng. Ngài nhận ra, ngoài lỗi cá nhân, còn có một “thất bại về thể chế” trong Giáo hội. Đặc biệt ngài nói đến “đồng tội” của thể chế. Ngài cho biết đã cân nhắc từ lâu về việc từ chức của mình và đã được thuyết phục do sự bất động của Giáo hội Đức sau khi công bố một báo cáo lớn về lạm dụng tình dục năm 2018.
3. Vì sao giáo hoàng từ chối đơn từ chức của hồng y?
Đức Phanxicô đã chờ vài tuần trước khi công khai trả lời. Trong bức thư được công bố ngày 10 tháng 6, giáo hoàng xin hồng y Marx tiếp tục ở lại nhiệm sở của mình. Ngài công nhận “toàn thể Giáo hội đang gặp khủng hoảng”, ngài nhấn mạnh sự cần thiết “mỗi giám mục” phải đón nhận thời điểm quan trọng này bằng cách tự hỏi mình có thể làm gì khi đối diện trước “thảm họa” này. Ngài ca ngợi “lòng dũng cảm” của hồng y – ngài gọi hồng y là “người anh em thân yêu” của mình – và khẳng định thái độ trắc ẩn của hồng y là bằng chứng của cuộc cải cách thực sự mà Giáo hội cần, một cuộc cải cách bằng gương sống. Ngài nhắc, Thánh Phêrô cũng đã xin Chúa Kitô cho mình “từ chức”, nhưng vẫn được Chúa giao sứ mệnh chăn dắt Dân Chúa.
4. Hồng y Marx đã phản ứng như thế nào?
Trong một tuyên bố được đưa ra sau thư trả lời của giáo hoàng, hồng y cho biết ngài rất ngạc nhiên vì không nghĩ giáo hoàng sẽ từ chối đơn từ chức của mình. Hồng y xúc động về thư trả lời nhanh của giáo hoàng, về tình thân thiết anh em mà Đức Phanxicô dành cho ngài và cảm nhận mình được hiểu. Vì vâng lời, hồng y chấp nhận quyết định của Đức Phanxicô mà ngài xem là một “thách thức lớn”, chứ không phải là quay về với “công việc chung.” Ngài cam kết suy tư về “những con đường mới” và kêu gọi toàn thể cộng đồng của ngài tham gia vào công cuộc “đổi mới Giáo hội” mà ngài cho là cần thiết.
5. Giáo hoàng và Tòa thánh Vatican đang ở đâu trong cuộc khủng hoảng lạm dụng?
Kể từ khi được bầu chọn, Giáo hoàng Phanxicô đã cho thấy ngài rất quan tâm đến “thảm họa” của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Ngài tiếp tục cải cách sâu đậm các cấu trúc tư pháp của Giáo hội do Đức Bênêđictô XVI khởi xướng, bao gồm tổ chức một hội nghị thượng đỉnh lớn vào mùa đông năm 2019 để nghiên cứu cách thức chống lại những tội ác này và đã dẫn đến việc ngài ra một tự sắc Các con là ánh sáng thế gian, Vos estis lux mundi, một tự sắc cho phép Vatican điều tra và xử phạt các giám mục không báo cáo đủ nhanh một trường hợp lạm dụng.
Một “đơn vị đặc biệt” được thành lập vào tháng 2 năm 2020 đã cho phép Tòa thánh trừng phạt nặng nề một số giám chức có lỗi – chủ yếu là người Ba Lan và người Mỹ. Mùa thu năm 2020, một báo cáo đầy đủ về những thất bại của Giáo hội trong việc xử lý trường hợp của cựu hồng y Theodore McCarrick, một nhân vật cao cấp bị kết tội lạm dụng trẻ em, đã được công bố, đây là báo cáo đầu tiên trong lịch sử của Giáo hội. Tháng 5 vừa qua, toàn bộ Chương VI của Bộ Giáo luật về “các hình thức trừng phạt tội phạm trong Giáo hội” cuối cùng đã được cập nhật.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Thư Đức Phanxicô gởi hồng y Marx là một trong những văn bản quan trọng nhất triều giáo hoàng của ngài
Thư của Đức Phanxicô gởi hồng y Marx
Giáo hoàng bác đơn từ chức của hồng y Marx và cho mọi người một bài học