Tại thành phố Nantes, sinh viên và người vô gia cư cùng chung sống
lemonde.fr, Isabelle Rey-Lefebvre, 2021-02-15
Hiệp hội Ladarô đề nghị các sinh viên đến sống chung với những người sống ngoài đường phố
Phóng viên đặc biệt tại thành phố Nantes – Ai cũng nhớ chính xác ngày và giờ họ bước chân đến căn nhà của Hiệp hội Ladarô trong khu nhà thờ chính tòa của giáo phận Nantes. Ngày đó, cuộc sống của những người vô gia cư này đã thay đổi; họ rời đường phố để về hội nhập vào chương trình “cùng tương trợ ở chung” với các người trẻ năng động và các sinh viên thiện nguyện.
Đây là nguyên tắc, được kiểm nghiệm từ năm 2011 của Hiệp hội này, theo ông Loïc Luisetto, đại diện chung của Hiệp hội thì “đây là nguồn cảm hứng theo tinh thần kitô giáo”, ông đã mở tám ngôi nhà ở Pháp tại các thành phố Marseille, Toulouse, Valence, Lyon, Lille, Nantes, Angers và Vaumoise, tổng cộng hơn 200 phòng. Mỗi căn nhà bao gồm một căn hộ dành cho các bà, một căn hộ dành cho các ông, một vài studio được gọi là “chắp cánh” (thích nghi với cuộc sống độc lập) và căn hộ của “gia đình chủ nhà” do Hiệp hội chỉ định trong thời hạn ít nhất ba năm và chịu trách nhiệm về việc điều hành cơ sở.
Bà Freddie, 52 tuổi (những người được hỏi xin được ẩn danh) có đời sống ổn định tại đây sau ba tháng sống ngoài hè phố và vài năm lang bạt, bà giải thích ngay lập tức: “Tôi vào đây ngày 29 tháng 10 năm 2015, lúc 5 giờ chiều. Tôi rất thích ở đây, tôi muốn ở đây suốt đời. Tôi thích nấu ăn cho mọi người, tôi thích trao đổi, đó là bản chất của tôi”.
Bây giờ bà là người thuê nhà lâu năm nhất ở căn nhà tại thành phố Nantes, bà hiện đang sống ở căn phòng “chắp cánh”, giờ rảnh bà làm DJ để sinh hoạt buổi tối trong căn nhà được sôi động. Bà giải thích: “Ba tháng ở hè phố vừa ngắn vừa dài. Tôi mất ngủ, tôi mệt mỏi và tôi bắt đầu xấu tính, hung hăng. Ở đây, tôi có những người bạn tốt, bà vừa nói vừa nhìn vào sổ ghi tên để tìm họ.
Cuộc sống hàng ngày theo nhịp sống đều đặn của tình chung sống: một bữa ăn mỗi tuần cho cư dân cùng hộ mà sự có mặt gần như bắt buộc; mỗi tuần có một tối họp chung bốn mươi cư dân của căn nhà; hàng tháng hoặc hàng quý có các bữa tiệc, “bữa ăn tình bạn” dành cho tất cả mọi người kể cả bạn cùng phòng cũ và bạn bè của nhau, có khi lên đến cả trăm người; và cả những ngày cuối tuần và đi chơi. Vì thế tất cả những người ở chung ở đây lên hai chiếc xe Zodiac ngày 3 tháng 2, ngày mừng bà Clarisse Crémer đến Sables-d’Olonne (Vendée), bà là người hỗ trợ trung thành Hiệp hội đã kết thúc chiến thắng cuộc đua độc hành ‘solo’ Vendée Globe.
“Khoảnh khắc nổi loạn”
Các quy tắc đời sống ở đây được niêm yết: không uống rượu, không ma túy, không súc vật, không bồ bịch và trong căn hộ, “không có truyền hình để khuyến khích trao đổi và các trò chơi xã hội, không có máy rửa chén trong phòng, vì lúc cùng làm chung là lúc chia sẻ.”
Anh Alix, 25 tuổi, kỹ sư, Hermance, 23 tuổi, sinh viên trị liệu ngôn ngữ, và Aliénor, 24 tuổi, nữ hộ sinh, cả ba người ký kết sống chung phòng nữ với nhau trong vòng một năm, khoảng thời gian tối thiểu Hiệp hội yêu cầu.
Cô Hermance nói: “Sống với nhau rất vui, nhưng dĩ nhiên có những lúc chúng tôi giận nhau, khi đó chúng tôi không nói chuyện với nhau nữa. Nhưng chúng tôi không dừng lại ở đó, chúng tôi nói chuyện, chúng tôi giải thích và xin lỗi”. Cô Alix tóm tắt: “Chúng tôi học tính đơn giản trong các mối quan hệ. Mọi người đều nhượng bộ nếu họ muốn, nhưng chúng tôi không đặt câu hỏi”. Cô Alinéor cho biết: “Chúng tôi biết rõ nhau trong đời sống hàng ngày, chỉ liếc mắt là biết sơ qua tâm trạng của nhau, nhưng chúng tôi kín đáo về quá khứ của các bạn cùng phòng, chúng tôi có thể dễ dàng đoán được đau đớn của họ, do chia tay, do bị bỏ rơi, bị ngược đãi…”, cô Aliénor là nhân viên giao tiếp của Hiệp hội.
Bà Freddie công nhận “có rất nhiều quy tắc, khi mới vào đã có những lúc chúng tôi nổi loạn,” bà cười thú nhận, “tôi xém bị đuổi”. Việc buộc phải rời đi như vậy xảy ra hàng năm, khi có hành vi bạo lực hoặc nghiện rượu có thể ảnh hưởng đến người khác.
Ông Loïc Luisetto giải thích: “Hiệp hội cũng có những bệnh nhân từng bị nghiện lâu năm, họ đã thoát khỏi cảnh nghiện nên tình nguyện giúp đỡ những bạn cùng phòng nếu người đó muốn và hướng dẫn đi gặp các dịch vụ y tế chuyên biệt”.
Bà Sentenac nói thêm: “Những người phải ra đi, chúng tôi không bỏ rơi họ. Họ có thể quay lại bất cứ khi nào họ muốn, dự các bữa ăn tình bạn, sinh hoạt trong những ngày cuối tuần với chúng tôi…”
Những người cùng thuê phòng muốn ở lại bao lâu tùy ý, mỗi người trả 300 âu kim tiền thuê nhà hàng tháng, và 70 âu kim cho các bữa ăn chung, cũng có những người được chương trình trợ cấp gia cư trả tiền nhà. Các khoản đóng góp này trang trải 60% chi phí quản lý ngôi nhà và sinh hoạt của Hiệp hội. Đi chợ thì cùng nhau quyết định cho các bữa ăn tập thể, không ai có một chỗ riêng trong tủ lạnh.
Cô Jade, 25 tuổi, sau một thời gian đi lang thang vài tháng, cô về lại hội ngày 1 tháng 11 năm 2020. Cô kể: “Ở Nantes, ngoài đường phố có đủ mọi chuyện. Chúng tôi có thể ăn no vì các tiệm ăn cho thức ăn họ không bán được, chúng tôi có thể tắm trong các phòng tắm nhưng ngủ thì rắc rối hơn. Các trung tâm lưu trú có thể nguy hiểm. Cái khó nhất là cái nhìn của mọi người, cô đơn, thui thủi. Chính vì cuộc sống chung mà tôi tìm đến đây để có.”
“Ở đây tôi có thể tin tưởng”
Ông Patrick, 49 tuổi, là người cuối cùng vừa đến đây mấy ngày. Sau năm năm ở Ai-len, ông bị thất nghiệp vì khủng hoảng kinh tế năm 2008 và hôn nhân tan vỡ, năm 2010, ông cảm thấy cần trở lại Pháp, ông mua được vé máy bay rẻ nhất, Dublin-Nantes với giá 9 âu kim! Ông kể: “Tôi là người miền quê và tôi không quen ai, tôi còn gặp khó khăn khi nói lại tiếng Pháp, tôi không có gì, không có tiền… Tất cả những gì tôi mong muốn là đậu bằng đầu bếp bánh ngọt. Tôi ‘trọ’ ở một bãi đậu xe và năm 2018 tôi đậu với tư cách là thí sinh tự do. Một hiệp hội đã cho tôi mượn áo, dụng cụ, và tôi được 12 trên 20. Tôi biết Hiệp hội Ladarô qua Internet và ghi tên ngay khi có chỗ. Tôi cảm thấy thoải mái ở đây, tôi có thể tin tưởng. Những gì tôi muốn là tìm việc làm bánh, nhưng các ông chủ thích thuê người học việc hơn”.
Ông Fred, 53 tuổi đến “ngày 23 tháng 9 năm 2019 lúc 10:36 sáng” là người cũ ở đây. Ngày 1 tháng 2, ông dọn đến một trong các phòng “chắp cánh”, ngay khi đến ông dán các áp phích của danh ca Johnny Hallyday, và đeo quanh cổ “cây thánh giá mà Johnny đã đeo trong những năm cuối đời” có khắc hình Chúa Kitô “J.H.” với cây đàn ghita quàng qua vai. Ông cho biết: “Tôi đã tìm thấy một gia đình và hơn hết là tôi mong có một tương lai. Một công việc đang chờ ông ở một cửa hàng trang trí, sửa chữa lại các kệ hàng, nghề ông đã từng làm. Nhưng chiến thắng vĩ đại của ông là kết nối lại với gia đình, một người chị “tôi cãi với chị hoài và đã không gặp chị từ 14 năm nay. Tôi bắt liên lạc được nhờ một chương trình trên đài truyền hình nói về nhà Ladarô, khi đó mẹ tôi nhận ra tôi”.
Ông Loïc Luisetto nhớ lại: “Điều làm chúng tôi mong muốn, đó là tình người, không cần kết quả theo con số, nhưng theo đòi hỏi của một ân nhân, chúng tôi đã có một nghiên cứu về tác động, kết quả làm chúng tôi ngạc nhiên: 85% những người đã rời nhà Ladarô sống một căn hộ độc lập và 45% những người trong tuổi làm việc đã tìm được việc trong vòng hai năm.
Hiệp hội Ladarô có chương trình mở thêm các địa điểm mới ở các thành phố Bordeaux, Rennes và Grenoble.
Marta An Nguyễn dịch