Người hồi giáo vui mừng khi được đón tiếp Đức Giáo hoàng
cath.ch, Arthur Herlin, I. Media, 2021-03-07
Trong bài phát biểu của ngài tại đồng bằng Ur, ngày 6 tháng 3 năm 2021, Đức Phanxicô kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Iraq trải nghiệm Tình huynh đệ. Bên lề cuộc họp liên tôn giáo, Linh mục Éphrem Azar, Dòng Đa Minh Iraq nhắc lại, nếu chúng ta không có kinh nghiệm về tính khác biệt, “chúng ta không thể tiến lên trong cuộc sống ”.
Linh mục Éphrem Azar, Dòng Đa Minh nói chuyện với một tộc trưởng yaziđi | © Arthur Herlin – I. Media
Cha nghĩ gì về đồng bằng Ur, nơi sinh của Tổ phụ Áp-ra-ham, được chọn để Đức Giáo hoàng và các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Iraq gặp nhau?
Linh mục Éphrem Azar: Vùng đồng bằng Ur có một chiều kích biểu tượng tuyệt vời, không những chỉ với Iraq và văn hóa của Iraq nhưng còn ở tầm vóc thiêng liêng của con người. Khi Chúa nói với ông Áp-ra-ham theo nghĩa đen “hãy đi về với mình”, có nghĩa để xây dựng nên một con người, trước hết chúng ta phải về với chính mình, đào sâu những gì thân thiết nhất của mình. Và nếu mọi người đều làm được như vậy, thì chúng ta sẽ thấy, cuộc đối thoại sẽ phát triển một cách tự nhiên.
“Ở Mosul, chính người hồi giáo đã trang hoàng nơi này và họ làm ghế cho Đức Giáo hoàng”
Sự thật không tồn tại, cũng như các sự thật cũng vậy, nhưng mỗi người phải đi theo hướng của mình, như dòng sông chảy về đại dương. Với đại dương, chúng ta không thể dò tìm được. Có nghĩa là, cả Chúa, cả sự thật đều không thể dò tìm. Vì vậy, chúng ta phải cùng nhau đi tìm. Do đó, chúng ta không thể tiến về phía trước trong cuộc sống mà không có tính khác biệt: chính trong sự khác biệt làm chúng ta có thể trưởng thành. Đức Phanxicô đã nói rất đúng, đó là điều cần thiết.
Điều gì có thể xảy ra ở Iraq sau chuyến thăm này của giáo hoàng?
Đó là có thể lắng nghe một người nói những điều thực tế, đơn giản, dù họ có giọng khác, một từ vựng khác. Ông không thể tưởng tượng những người ở đồng bằng Ninivê, những người theo đạo hồi họ hạnh phúc đến như thế nào, thậm chí còn hơn cả các tín hữu kitô! Vì họ có thể thấy, đó không phải là một chính trị gia. Trong đống đổ nát của Mosul, nơi Đức Phanxicô được mời, chính người hồi giáo trang trí các nơi, họ đóng ghế cho giáo hoàng. Ông không thể tưởng tượng họ hạnh phúc như thế nào.
Chính tôi khi còn nhỏ, tôi được một phụ nữ hồi giáo cho bú. Đó là Iraq, nhưng bây giờ tất cả đều hư hỏng. Chúng tôi có thể cảm nhận được điều này, ông sẽ cảm nhận được điều này ở đồng bằng Ninivê, khi chúng tôi giúp đỡ người hồi giáo với hiệp hội của tôi, chúng tôi bị người kitô giáo chỉ trích rất nhiều. Họ tức giận vì những gì tổ chức Nhà nước Hồi giáo Tự xưng đã làm, nhưng không thể làm việc như vậy. Đó là điều chúng tôi đặt hy vọng trong chuyến thăm này.
Cha đã nói chuyện với một vị lãnh đạo tôn giáo sau buổi lễ, cha đã nói gì với ông?
Đó là Sheikh Farouk, nhà lãnh đạo tinh thần người yaziđi: Tôi nói với ông, tôi đã đến cầu nguyện ở mộ của vị tiền nhiệm của ông ở gần Alqosh. Tôi thực sự thích cộng đồng này. Họ đã đau khổ rất nhiều. Hiệp hội của tôi đã giúp 101 phụ nữ yaziđi được tự do và có dự án cung cấp tất cả sách vở cho 250 học sinh vào dịp tựu trường và giúp cho 250 phụ nữ được tự do.
“Đức Phanxicô đã dùng một thuật ngữ chưa từng được nghe ở Iraq kể từ năm 2003: hòa giải từ năm 2003”
Ông đã nói gì với cha?
Ông cám ơn tôi nhiều và quay sang một linh mục người yaziđi nhờ cha thêm tên tôi vào danh sách khách mời cho bữa tiệc sắp tới của họ.
Cha giữ hình ảnh nào về cuộc họp liên tôn này?
Đây là chuyến đi với tầm vóc vượt lên tất cả các chuyến đi của các nguyên thủ Quốc Gia. Không có hợp đồng quân sự hay thương mại. Đức Phanxicô là người của hòa bình, người đã dùng một thuật ngữ chưa từng được nghe thấy ở Iraq kể từ năm 2003: hòa giải! Không ai nói ra. Nếu chúng ta thực sự không mong muốn hòa giải sau khi Baghdad sụp đổ, thì sẽ không có điều gì xảy ra sau đó.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô làm nên lịch sử khi gặp ayatollah al-Sistani, nhà lãnh đạo tinh thần của người hồi giáo shi’a ở Iraq
Ở miền bắc Iraq bị tàn phá, Đức Phanxicô cầu nguyện cho “các nạn nhân chiến tranh”